Sự qua đời của chủ tịch Bắc Triều Tiên, Kim Yong-il, vào tháng 11/2011 được đăng tải rầm rộ trên khắp các trang báo thế giới. Trong khi các nước phương Tây không dành nhiều thiện cảm cho chế độ toàn trị tại Bắc Triều Tiên, người dân Bắc Triều Tiên vẫn khóc thương cho cái chết của chủ tịch Kim. Vì sao lại như vậy?
Điều này có thể được lí giải qua lịch sử hình thành loài người. Thuộc kiểu loài vật sống cộng đồng, loài người đã được dạy dỗ để tuân theo nguyên tắc của xã hội: lãnh đạo hoặc tuân theo sự lãnh đạo. Xã hội của tất cả những động vật có tính cộng đồng cao như khỉ, sói và loài người luôn dựa vào hệ thống về thứ bậc quyền lực.
Loài người dễ dàng bị ảnh hưởng và phục tùng những người đứng đầu, dù đôi khi sự phục tùng đó gây ra sự đau đớn cho những người vô tội khác. Thí nghiệm “nhà tù Stanford” của Zimbardo là một ví dụ điển hình. Khi những người tham gia thí nghiệm có nhiệm vụ đóng vai gác ngục và tù nhân, tính cách của họ dần dần biến đổi theo đúng vai trò xã hội mới mà họ đảm nhận: gác ngục cần phải nghiêm khắc, độc tài trong khi tù nhân cần phải phục tùng và cam chịu những cực hình để chuộc lỗi.
Thí nghiệm của Stanley Milgram
Một thí nghiệm nổi tiếng của Stanley Milgram chứng minh rõ hơn xu hướng tuân phục của con người dưới quyền lực một cách mù quáng. Trong thí nghiệm này, Milgram cho người tham gia giữ vai trò “giáo viên” và một người khác, thực chất là thành viên của nhóm nghiên cứu, giữ vai trò “học sinh.” Milgram thông báo cho “giáo viên” mục đích của cuộc thí nghiệm là sự ảnh hưởng của hình phạt lên việc tiếp thu kiến thức. “Giáo viên” và “học sinh” đều được cách li để không nhìn thấy mặt nhau mà chỉ giao tiếp qua bộ đàm. “Giáo viên” được giao một bảng câu hỏi và một dụng cụ tạo ra sốc điện để liên tục tăng điện áp trừng phạt học sinh nếu như học sinh trả lời sai câu hỏi.
Thực chất, ngay sau khi “giáo viên” và “học sinh” được cách ly, “học sinh”, vốn là thành viên của nhóm thí nghiệm, đã nhanh chóng rời khỏi phòng. Những âm thanh của người bị sốc điện mà “giáo viên” nghe thấy vốn được phát ra từ băng ghi âm. Tới mức điện áp cao, “giáo viên” sẽ nghe “học sinh” kêu la mình có bệnh tim và xin dừng cuộc thí nghiệm. Tuy nhiên, người hướng dẫn cuộc thí nghiệm bình thản yêu cầu “giáo viên” tiếp tục công việc của mình. Thực chất, giáo viên không biết rằng nếu họ yêu cầu liên tục 5 lần thì người phụ trách sẽ cho phép kết thúc thí nghiệm. Thí nghiệm cứ thế tiếp tục đến khi mức điện áp đạt tối đa 450 Volt.
Kết quả là có tới 65% người tham gia thí nghiệm tăng điện áp tới mức tối đa 450 Volt, mặc dù rất nhiều người cảm thấy không thoải mái và sẵn sàng hoàn trả số tiền đã nhận (Các thuộc thí nghiệm thường trả một khoản tiền cho những người tham gia). Milgram đã lặp lại thí nghiệm nhiều lần, và kết quả cho thấy hơn nửa số người tham gia tăng điện áp tới mức tối đa. Milgram kết luận dưới áp lực của quyền lực, đa số chúng ta thường không ngần ngại việc làm tổn thương người khác.
Một yếu tố quan trọng để “giáo viên” tiếp tục tăng mức điện áp trong việc phạt học sinh là sự rũ bỏ trách nhiệm cá nhân. Điều này cũng được giải thích trong bài viết về sự giúp đỡ trong tình huống khẩn cấp giữa đám đông. Khi con người được đặt trong tình huống bất ngờ, chúng ta có xu hướng tham khảo người khác để quyết định hành động của bản thân. Trong thí nghiệm của Stanley, người hướng dẫn thí nghiệm ở cùng phòng với “giáo viên” trong suốt thời gian thí nghiệm diễn ra, và được xem là đại diện của quyền lực. Chính vì thế, “giáo viên” có xu hướng đẩy hoàn toàn trách nhiệm cho người hướng dẫn, kể cả sức khỏe của “học sinh”. “Giáo viên” nghĩ rằng hậu quả hành động không còn thuộc về bản thân vì nó thuộc về những người thực hiện cuộc thí nghiệm. Chính suy nghĩ này sẽ giúp cho “giáo viên” bớt suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân cũng như tránh cho lương tâm bị cắn rứt.
Trong thực tế lịch sử con người, chính sự tuân phục cấp trên đã dẫn tới những tình cảnh đáng sợ như khi những người lính sẵn sàng thảm sát người dân Do Thái vì nghe theo những người cầm quyền dưới thời Nazi về chiến dịch “thanh tẩy dân tộc”. Trong chiến tranh Việt Nam, nhiều người lính tuân theo mệnh lệnh cấp trên một cách mù quáng vì họ được tuyên truyền rằng người Việt Nam chẳng khác nào một con thú, có thể giết bỏ và hành hạ, qua đó những người lính này có thể tạm quên đi những dằn vặt lương tâm.
Trong các tổ chức, chúng ta dễ dàng tin rằng người lãnh đạo ắt hẳn phải thật đặc biệt, vì vậy, chúng ta sùng bái và tôn thờ họ – một hiện tượng mà Jim Meindl định nghĩa là “mối tình trong sự lãnh đạo” (“Romance of Leadership”). Khi đặt tình yêu vào ai đó, chúng ta thường mù quáng bỏ qua những hành động xấu của họ. Chính sự tin yêu này cũng dẫn tới hiện tượng “self-fulfilling prophecy”: Những nhà lãnh đạo dần dần tin rằng mình thật sự đặc biệt và họ đặt bản thân cao hơn cả luật pháp. Mặt khác, chúng ta sẵn sàng xem việc tuân theo những nhà lãnh đão là một điều tất yếu.
Nhà chuyên môn về thuật lãnh đạo Jean Lipman-Blumen đã nghiên cứu về một loại người mà bà gọi là “những nhà lãnh đạo độc hại” (“toxic leaders”). Những người này có “hành vi tàn phá và tính cách không bình thường dẫn tới những hậu quả độc hại và nghiêm trọng kéo dài cho những người tuân theo họ.” Họ làm việc dựa trên lợi ích cá nhân trong khi đối xử tệ hại với những người dưới quyền. Jean Lipman-Blumen tin rằng chúng ta đi theo những nhà lãnh đạo này vì niềm tin cố hữu vào người đứng đầu và sự khao khát được họ bảo vệ.
Để tránh bản thân rơi vào những trường hợp bị điều khiển dẫn đến thực hiện những hành vi tàn bạo, đánh mất lương tâm, chúng ta cần nhận thức rõ về những áp lực của quyền lực cũng như dũng cảm không bao giờ đầu hàng dưới những mệnh lệnh mù quáng.
Ngoc T
Tham khảo: Psychology Today và Wikipedia
Nguồn: VietPsy