Trái Tim và Chai Thủy Tinh: Điều gì sẽ xảy ra khi những chấn động tâm lý bị dồn nén? [Truyện kể bằng tranh]

by Maria Popova | Brainpickings.Org

dịch bởi Bravelinh

Tiếng nhắc nhở nhẹ nhàng về những gì chúng ta sẽ mất khi khóa chặt những gì chúng ta đã mất…

“Trẻ em.. luôn là những độc giả chăm chú, tò mò, háo hức, có mắt quan sát, nhạy cảm và nhanh nhạy nhất trên đời này” – trích trong một bài phỏng vấn của nhà văn Mỹ nổi tiếng E.B.White. Ông còn đưa ra lời khuyên: “Bất cứ ai nghĩ rằng viết cho trẻ em thì phải “hạ mình” đều đang lãng phí thời gian của chính người đó. Hãy nâng mình lên, thay vì hạ xuống.”

Tuy nhiên, trong thực tế thì chúng ta vẫn đang “hạ mình” để viết cho trẻ em, bỏ ngoài tai những lời khuyên của E.B.White cho đến sự khẳng định của nhà văn người Anh Tolkien – chủ nhân của bộ sách nổi tiếng The Hobbits, rằng không nên tồn tại thứ gọi là văn chương “dành cho trẻ em”, và thậm chí đến cả cuộc vận động của Gaiman, một nhà văn người Anh khác, nhằm chống lại những tai hại về tinh thần cho trẻ em khi chúng bị quá bao bọc để tránh khỏi những khung cảm xúc đau khổ hoặc khó khăn về tâm lý (difficult emotions).

*Neil Gaiman cho rằng không cần thiết phải bảo vệ trẻ em khỏi những điều u tối (the darkness), mà thay vào đó nên giới thiệu chúng với các em, cùng với kiến thức và sự thấu hiểu – để các em hiểu rằng mình có thể chiến thắng những điều u tối đó.

Không đâu sự tai hại này thể hiện rõ ràng hơn trong cách người lớn chúng ta thiếu nhìn nhận về việc giúp trẻ em trải nghiệm những thời khắc đen tối nhất của cuộc sống, bằng chứng là sự thiếu trầm trọng những cuốn sách vừa thông minh, vừa phong phú về trí tưởng tượng có thể giúp trẻ hiểu được khái niệm về cái chết và sự mất mát. Và không đâu ta có thể tìm thấy một liều thuốc giải độc tuyệt hơn những gì Oliver Jeffers đã gửi gắm trong tác phẩm truyện tranh Trái Tim và Chai Thủy Tinh.

Jeffers kể câu chuyện về một cô bé “cũng giống như bao cô bé khác” được chính người cha của mình nuôi dưỡng trí tò mò từ những cuốn sách ôi-chao-mà-hấp-dẫn về biển, về các vì sao và những kỳ quan của thế giới này.

Câu chuyện tiếp tục với những cuộc khám phá rất hạnh phúc của hai cha con, cho tới một ngày, ta chợt nhận ra rằng người cha đã đi xa mãi – chỉ còn cô bé ngồi đối mặt với chiếc ghế trống trải.

Bằng giọng văn tinh tế và kho từ vựng lớn, Jeffers thể hiện sự tài tình của mình trong các tương tác sáng – tối không chỉ qua chiếc cọ mà còn qua việc thể hiện tâm lý nhân vật; dần dần, âm thầm mở nút chai và rót đi những cảm xúc cô đọng từ sự mất mát.

Nếu người lớn coi đau khổ là một thứ cảm xúc của sự mất phương hướng và tan vỡ, liệu trái tim non nớt của các em có thể chịu nổi sức nặng của nó? Cô bé trong truyện không thể, và cô bé đã lựa chọn không.

“Một cách hoài nghi, cô bé nghĩ rằng cách tốt nhất là đặt Trái Tim của mình vào một nơi an toàn.
Chỉ tạm thời thôi.
Và thế là cô cho nó vào trong một cái Chai Thủy Tinh, rồi đeo nó quanh cổ.
Mọi thứ dường như có vẻ suôn sẻ… thời gian đầu. “

Nếu như ai đó biết đến Simone Weil – nữ triết gia người Pháp, bà đã cho rằng chống lại nỗi đau chỉ chia cắt tâm hồn ta thành nhiều mảnh, hoặc nhà thơ/tiểu thuyết gia người Áo Rilke đã từng viết “cái chết là bạn của chúng ta, bởi chính nó đưa chúng ta đến một thực tại đầy tuyệt đối và đam mê, với tất cả những gì là hiện hữu, là tự nhiên và là tình yêu”. Cô bé trong câu chuyện cũng đã sớm phát hiện ra rằng kìm nén nỗi đau cũng chính là kìm nén sự yêu thương và niềm vui sống của mình.


“Mặc dù thế, thực tế, mọi thứ không còn như cũ.
Cô bé đã quên các vì sao… và cũng không còn để ý đến biển.
Cô cũng không còn tò mò về thế giới và cũng chẳng quan tâm đến thứ gì khác…”

Một ngày nọ, khi đang đi dạo trên bãi biển nơi cô đã từng tung tăng đi dạo cùng người cha quá cố của mình, “cô bé” – giờ đã là một người phụ nữ trưởng thành – bắt gặp một cô bé khác, cũng với trí tò mò vô biên một thời đã từng là của cô. Bỗng nhiên, cô như được gợi nhớ lại về những gì mình đã đánh mất khi khóa chặt những mất mát trong lòng.

Và thế là cô giải thoát cho Trái Tim mình khỏi cái tù thủy tinh, nhưng Chai Thủy Tinh sau nhiều năm được bao bọc đã trở nên quá cứng.

“Chai Thủy Tinh mãi không chịu vỡ. Rơi xuống đất, nó chỉ nảy lên, rồi lại nảy lên…và lăn về phía biển.
Chính tại đó cái chai dừng dưới chân một con người nhỏ bé, người vẫn rất tò mò về thế giới mà cô chưa biết được bao nhiêu”

“Trái tim lại được trở về nơi nó bắt đầu. Và chiếc ghế đã không còn trống trải như trước đây.”

Một thông điệp rất rõ ràng của tác phẩm mà tác giả Oliver muốn gửi tới người đọc, đó là tuổi thơ luôn là khoảng thời gian điều kì diệu trong cuộc sống mà chúng ta chỉ nhận ra khi đã trở thành người lớn. Tuổi thơ là lúc chúng ta nhìn thế giới qua những vì sao, tìm thấy niềm vui trong sắc màu và cả những tiếng cười qua các trò chơi. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi một người đặc biệt với chúng ta , nhất là khi đó lại là người đã đem đến “điều kì diệu” cho cuộc sống của chúng ta, không còn ở cạnh bên? Ta có thể trốn tránh, có thể nhốt trái tim mình vào chai thủy tinh và cứ thế mà lớn lên… Hoặc ta có thể tìm một người đặc biệt nào đó khác, người có thể hiểu được “điều kì diệu”, và chúng ta có thể giúp người đó nhìn thế giới qua những vì sao, tìm thấy niềm vui trong sắc màu và cả những tiếng cười qua các trò chơi.

Bên cạnh Trái Tim và Chai Thủy Tinh, có thể kể đến những cuốn sách tuyệt vời dành cho trẻ em viết về sư mất mát, đó là cuốn truyện tranh nổi Cái Cây Nhỏ – Little Tree của Nhật và tác phẩm của Na-Uy Cánh Tay của Cha Tôi là Một Con Thuyền.

——————————————————-

https://www.brainpickings.org/2015/05/14/oliver-jeffers-the-heart-and-the-bottle/

Leave a Comment