thừa nhận chủ quan (subjective validation)

Quan điểm sai: Bạn hoài nghi những thứ chung chung.

Sự thật: Bạn có xu hướng tin những câu nói và những dự đoán mơ hồ là sự thật, đặc biệt nếu chúng tích cực và nói về cá nhân bạn.

Dựa trên dữ liệu tôi thu thập được từ những bình luận, email, thông tin từ blog You are not so smart… Tôi đã hiểu rõ bạn là ai. Đây là những phát hiện của tôi:

Bạn có một nhu cầu cần người khác thích bạn và ngưỡng mộ bạn, nhưng bạn lại có xu hướng chỉ trích bản thân. Dù bạn có một số khuyết điểm trong tính cách, bạn nhìn chung có thể bù đắp cho chúng. Bạn có năng lực chưa được sử dụng đáng kể mà bạn chưa biến nó thành lợi thế cho bạn. Bên ngoài bạn trông có vẻ kỷ luật và tự kiểm soát bản thân, nhưng bên trong bạn có xu hướng cảm thấy lo lắng và bất an. Thỉnh thoảng bạn có những hoài nghi về việc liệu bạn đã đưa ra quyết định đúng hay làm điều đúng chưa. Bạn thích một số thay đổi và khác biệt và trở nên bất mãn khi bị bao vây bởi những hạn chế và giới hạn. Bạn cũng tự hào về bản thân vì là một người tư duy độc lập và không chấp nhận những tuyên bố của người khác khi không có bằng chứng đầy đủ. Nhưng bạn thấy thật dại dột khi quá bộc trực trong việc tiết lộ về bản thân với những người khác. Đôi lúc bạn quá hướng ngoại, hoà nhã, thích giao du, nhưng lúc khác thì bạn lại hướng nội, thận trọng và dè dặt. Một số khao khát của bạn có xu hướng không thực tế.

Điều này nghe có vẻ đúng? Nó miêu tả về bạn?

Nó miêu tả về tất cả mọi người.

Tất cả những câu trên đến từ một thực nghiệm năm 1948 của Bertram R. Forer. Ông giao cho các sinh viên của ông một bài test tính cách và nói với họ là mỗi người đã được đánh giá về tính cách, nhưng sau đó ông đưa cho tất cả sinh viên một bài phân tích giống nhau.

Ông yêu cầu các sinh viên kiểm tra nhanh các câu và đánh giá chúng về tính chính xác. Về trung bình, họ đánh giá bài phân tích giả này là đúng 85% – như thể nó được chuẩn bị cho từng cá nhân để miêu tả về từng người trong số họ.

Đoạn văn trên trong thực tế là một đống tạp nhạp từ Horoscope được Forer thu thập cho thực nghiệm.

Xu hướng tin vào những câu nói mơ hồ được viết để thu hút bất kỳ ai được gọi là hiệu ứng Forer, và các nhà tâm lý chỉ về hiện tượng này để giải thích tại sao con người bị bịp bởi nguỵ khoa học như nhịp sinh học và khoa tướng số, hoặc thuyết thần bí như thuật chiêm tinh, bài tarot. Hiệu ứng Forer là một phần của một hiện tượng lớn hơn mà các nhà tâm lý gọi là Sự xác minh chủ quan, đó là một cách kỳ lạ để nói rằng bạn rất dễ bị ảnh hưởng bởi ám thị khi đối tượng của cuộc trò chuyện là bạn.

Vì bạn hầu như luôn sống trong đầu của bạn, những ý nghĩ về bạn là người ra sao chiếm nhiều không gian tinh thần. Với một số sự khác biệt về văn hoá, đa số mọi người thích trở thành những cá nhân, những người độc đáo, đặc biệt, duy nhất, có những hy vọng và ước mơ, những nỗi sợ và hoài nghi là của riêng họ. Nếu bạn có những phương tiện thì bạn cá nhân hoá mọi thứ: bằng lái xe, hình nền của màn hình máy tính, những bức tường trong phòng ngủ của bạn.

Mọi thứ xung quanh bạn nói lên điều gì đó về tính cách của bạn. Nuôi dưỡng một cái tôi có một không hai thông qua việc tiêu thụ hoặc tạo dựng không phải là một việc mà bạn xem nhẹ. Nhưng ở đâu đó giữa tự nhiên và nuôi dưỡng, chúng ta đều giống nhau nhiều hơn chúng ta nghĩ. Về mặt di truyền, bạn và bạn bè của bạn hầu như giống nhau. Những gen đó tạo ra bộ não tạo ra tâm trí mà những ý nghĩ của bạn nảy sinh từ đó. Do đó, về mặt di truyền, đời sống tinh thần của bạn giống với của những người khác. Về mặt văn hoá, chúng ta khác nhau. Những trải nghiệm khác nhau trong những môi trường khác nhau của chúng ta hình thành nên chúng ta. Nhưng sâu xa bên dưới, chúng ta vẫn giống nhau, và không nhận ra điều này có thể làm bạn bị người ta lợi dụng.

Nếu một câu nói là mơ hồ, không rõ ràng và bạn nghĩ nó nói trực tiếp về bạn, thì bạn sẽ loại bỏ tính mơ hồ bằng cách tìm những cách để làm cho thông tin phù hợp với những đặc điểm của riêng bạn. Bạn nghĩ về quá khứ để luận ra bạn là ai, phân biệt những phẩm chất của bạn với những phẩm chất của người khác, và áp dụng logic tương tự.

Đây là một trích đoạn từ một bài horoscope: “Tại một số thời điểm trong ngày, bạn có thể cảm thấy mình chưa làm việc đủ chăm chỉ và bạn có thể cảm thấy nỗi sợ hãi đang tăng lên. Điều này có thể là một yếu tố thúc đẩy tốt, nhưng bạn không cần thúc ép bản thân nhiều hơn những gì bạn đang làm. Bạn đang ở trong một con lăn và nó có thể tiếp tục. Hãy bình tĩnh.”

Còn đây là một đoạn khác từ nguồn tương tự trong cùng một ngày nhưng chỉ về một dấu hiệu khác: “Đừng quá nghiêm khắc với bản thân nếu bạn lề mề một chút vào cuối ngày. Bạn sẽ nạp lại năng lượng của bạn trước ngày mai. Vào buổi tối, hãy thư giãn ở nhà với một cuốn sách hay.”

Horoscope mô tả những kiểu sự việc mà chúng ta đều trải qua, và lấy ra một việc từ trong đống đó, và bạn sẽ thấy nó phù hợp với tất cả tình tiết trong cuộc đời bạn. Nếu bạn tin là bạn đang sống dưới một chòm sao và chuyển động của các hành tinh có thể tiên đoán tương lai của bạn, thì một câu nói chung chung trở nên cụ thể.

Chính sự hy vọng này mang lại cho Sự thừa nhận chủ quan sức mạnh. Nếu bạn muốn tin lên đồng là thật, hoặc những hòn đá thiêng dự đoán được những điều chưa biết, thì bạn sẽ tìm thấy một cách để tin chúng. Khi bạn cần một điều gì đó là đúng, thì bạn sẽ tìm kiếm những kiểu mẫu; bạn kết nối những dấu chấm như những ngôi sao của một chòm sao. Bộ não của bạn ghét sự hỗn loạn. Bạn nhìn thấy những khuôn mặt trong đám mây và ma quỷ trong ngọn lửa đốt rác. Những kẻ tự nhận là có tài tiên đoán đã lợi dụng những xu hướng tự nhiên đó của loài người. Họ biết họ có thể dựa vào bạn để sử dụng Sự thừa nhận chủ quan (subjective validation) trong lúc đó và thành kiến xác nhận (confirmation bias) sau đó.

Nhà tâm lý Ray Hyman đã dành hầu hết cuộc đời ông để nghiên cứu nghệ thuật lừa dối. Trước khi ông bước chân vào khoa học, ông từng hành nghề pháp sư và sau đó chuyển sang nghề tâm thần luận. Sau khi phát hiện ra ông có thể kiếm nhiều tiền từ việc đọc chỉ tay hơn là bói bài. Điều điên rồ về sự nghiệp của Hyman như một người xem chỉ tay là, giống như nhiều ông đồng khác, theo thời gian ông bắt đầu tin rằng mình thực sự có sức mạnh lên đồng. Những người đến gặp ông cảm thấy rất thoả mãn, vì thế ông nghĩ mình nhất định phải có một tài năng thực sự. Sự xác minh chủ quan có cả mặt thuận lợi và bất lợi.

Hyman đã dùng một kỹ thuật được gọi là cold reading (đọc nguội), ở đó bạn bắt đầu với ống kính góc rộng của những thứ chung chung và quan sát người khác để tìm những manh mối để bạn có thể thu hẹp sự tập trung vào những thứ có vẻ là một sự bừng ngộ mạnh mẽ trong tâm hồn của người khác. Nó hiệu quả vì con người có xu hướng phớt lờ những thiếu sót nhỏ và tập trung vào những cái đúng. Khi ông làm việc ở trường đại học, một nhà tâm lý khác, Stanley Jack cứu ông thoát khỏi sự ảo tưởng bằng cách yêu cầu ông thử làm một việc mới – nói với người khác điều ngược lại với những gì ông tin là chỉ tay của họ tiết lộ. Kết quả? Họ sửng sốt trước năng lực của ông. Đọc nguội rất mạnh mẽ, nhưng dù vứt bỏ nó, ông vẫn có thể làm người khác kinh ngạc. Hyman nhận ra những gì ông nói không quan trọng chừng nào sự trình diễn của ông là tốt. Còn người khác sẽ làm tất cả, tự đánh lừa bản thân họ, nhìn những thứ chung chung là cụ thể giống như trong hiệu ứng Forer.

Những bà đồng và những người xem chỉ tay phụ thuộc vào sự xác minh chủ quan. Nhớ rằng, khả năng tự lừa dối bản thân của bạn lớn hơn khả năng của bất kỳ pháp sư, thầy phù thuỷ nào và kể cả những pháp sư giả mạo. Bạn là một sinh vật bị thôi thúc để hy vọng. Khi bạn cố gắng để hiểu được thế giới, bạn tập trung vào những thứ rơi vào đúng chỗ và bỏ qua những thứ không đúng, và có rất nhiều thứ trong cuộc sống không đúng.

Khi bạn đọc Horoscope, hãy đọc tất cả chúng. Khi một ai đó nói rằng anh ta có thể nhìn thấu tâm trí của bạn thì hãy nhận ra rằng tất cả tâm trí của chúng ta đều giống nhau rất nhiều.

Trích từ cuốn “You are not so smart” của David McRaney

Rubi dịch


Mọi người giống nhau nhiều hơn là khác nhau

Leave a Comment