Nếu bạn có kẻ địch, hãy cho hắn thật nhiều thông tin
Trong mẩu truyện ngắn “Del rigor en la ciencia”, chỉ gồm duy nhất một đoạn văn, Jorge Luis Borges mô tả một đất nước rất đặc biệt. Trong đất nước này, khoa học vẽ bản đồ phức tạp đến nỗi chỉ có những tấm bản đồ chi tiết nhất, bản đồ tỉ lệ 1:1, to bằng cả đất nước. Những người dân dần nhận ra rằng bản đồ như vậy không giúp họ nhìn thấu được cái gì cả, vì nó chỉ đơn thuần là một bản sao của những gì họ đã biết mà thôi. Bản đồ của Borges là một trường hợp đặc biệt của Thiên hướng thông tin, một ảo tưởng cho rằng nhiều thông tin có thể đảm bảo những quyết định đúng đắn hơn.
Cách đây không lâu khi tìm một khách sạn ở Miami, tôi đã liệt kê ra năm đề xuất tốt. Ngay lập tức, một khách sạn đã lọt vào mắt xanh của tôi, nhưng tôi vẫn muốn chắc rằng mình chọn nơi tốt nhất và tiếp tục tìm kiếm. Tôi đào bới hàng tá bài phê bình, bài blog và bấm xem không biết bao nhiêu hình ảnh cũng như đoạn phim. Hai tiếng sau, tôi đã có thể chắc chắn đâu là khách sạn tốt nhất : chính là nơi mà tôi đã thích ngay từ đầu. Cả núi thông tin thêm kia chẳng hề dẫn đến một quyết định tốt hơn. Trái lại, nếu thời gian là tiền bạc, thì tôi có lẽ đã đến ở khách sạn Four Seasons rồi.
Jonathan Baron của Đại học Pennsylvania hỏi các bác sĩ câu hỏi sau : một bệnh nhân có những triệu chứng biểu hiện khả năng 80% anh ta đang mắc bệnh A. Nếu không phải vậy thì anh ta mắc bệnh X hoặc Y. Cả ba căn bệnh đều nghiêm trọng như nhau, và các cách chữa đều cho ra những tác dụng phụ tương đồng. Là một bác sĩ, bạn sẽ đề xuất cách chữa nào? Theo logic thì bạn sẽ chọn bệnh A và đề xuất cách chữa tương ứng. Bây giờ giả sử có một cách chẩn đoán như sau, sau khi kiểm tra kết quả là “dương tính” nếu mắc bệnh X, và “âm tính” nếu mắc bệnh Y. Tuy nhiên, nếu người bệnh thực sự mắc bệnh A, kết quả sẽ có 50% khả năng “dương tính” và 50% khả năng “âm tính”. Bạn có đề xuất thực hiện kiểm tra không? Đa số bác sĩ nói có – mặc dù kết quả không hề có liên quan. Cứ cho rằng kết quả là dương tính, xác suất bệnh A vẫn cao hơn nhiều xác suất bệnh X. Thông tin thêm vẫn không đóng góp gì thêm cho quyết định.
Bác sĩ không phải là những chuyên gia duy nhất có thiên hướng cần thông tin dư thừa. Các nhà quản lý và nhà đầu tư cũng rất ham muốn có nó. Có bao lần người ta làm hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác, trong khi cái sự thực đã rành rành trước mắt? Thông tin thêm không chỉ tốn thời gian và tiền bạc, nó còn đẩy bạn vào thế bất lợi. Hãy xem xét câu hỏi này: thành phố nào đông dân hơn – San Diego hay San Antonio? Gerd Gigerenzer của Viện nghiên cứu Max Planck của Đức đặt ra câu hỏi này với các sinh viên Đại học Chicago và Đại học Munich. Sáu mươi hai phần trăm sinh viên Chicago đoán đúng: San Diego đông dân hơn. Nhưng, đáng ngạc nhiên hơn, tất cả các sinh viên Đức đều đoán đúng. Lý do: tất cả họ đều đã nghe về San Diego, nhưng không biết về San Antonio, vậy nên họ đã chọn thành phố thân thuộc hơn. Trong khi đó đối với các sinh viên Chicago, cả hai thành phố đều quen thuộc. Họ có nhiều thông tin hơn, và những thông tin đó đã đánh lạc hướng họ.
Hoặc, xem xét việc hàng trăm hàng ngàn nhà kinh tế học – làm việc trong ngân hàng, viện chính sách, quỹ đầu cơ và chính quyền – và tất cả những giấy tờ mà họ đã xuất bản từ năm 2005 đến 2007, một thư viện tràn ngập các báo cáo nghiên cứu và mẫu toán học. Những xấp giấy bình luận đáng sợ. Những bài thuyết trình PowerPoint bóng bẩy. Cả terabyte thông tin trên dịch vụ tin tức Bloomberg và Reuters. Những điệu nhảy huyên náo tôn sùng vị thần thông tin. Tất cả đều là những việc làm sáo rỗng. Khủng hoảng kinh tế ập đến và làm đảo lộn thị trường toàn cầu, làm cho vô số các dự báo và bình luận trở nên vô nghĩa.
Hãy quên chuyện chất đống các dữ liệu. Hãy cố gắng tận dụng những thông tin thực tế đang có. Chúng sẽ giúp bạn có những quyết định đúng đắn hơn. Những kiến thức thừa thải không có giả trị gì cả, cho dù bạn có biết hay không. Daniel J. Boorstin nói đúng: “Trở ngại lớn nhất của sự khám phá không phải sự ngu dốt – mà là ảo tưởng của tri thức.” Và lần tới khi bạn gặp kẻ địch, hãy cân nhắc việc giết hắn – không phải giết bằng lòng tốt, mà là bằng sự đáng sợ của thông tin và phân tích thông tin.
Hồng Phương dịch
Nguồn: The art of thinking clearly – Rolf Dobelli