Sách “Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải” viết: “Thanh minh là tiết tháng 3 … vạn vật đến lúc đó đều tinh khiết và trong sáng”. Sách “Đế kinh tuế kí thắng” thời Thanh chép rằng: “vạn vật sinh trưởng lúc ấy đều thanh tịnh, tinh khiết, trong sáng, vì thế mới gọi là thanh minh”. Vào tiết thanh minh, thời tiết dần dần chuyển sang ấm áp, băng tuyết tan chảy, cỏ cây xanh tốt, phong cảnh thanh khiết tươi sáng của mùa xuân đã thay thế cho cảnh tượng cỏ cây khô héo, xác xơ, tiêu điều của mùa đông. Bầu không khí khi này trở nên trong trẻo và quang đãng, vạn vật bừng bừng vươn lên.
Thanh minh cũng là tiết khí duy nhất trong 24 tiết khí trở thành một ngày lễ dân gian Trung Quốc với lịch sử hơn 2000 năm. Vào trước và sau tiết thanh minh thường có mưa phùn rơi lất phất, gió thổi nhè nhẹ, vì thế có câu rằng “Triêm y dục thấp hạnh hoa vũ, xuy diện bất hàn dương liễu phong” (Mưa trên cây hoa hạnh làm áo ướt nhẹ, gió trên cành dương liễu thổi vào mặt không lạnh) \[2\]. Cảnh sắc đẹp như tranh vẽ, vào thời điểm này người ta có tập tục truyền thống là đạp thanh du xuân (đạp thanh: đi chơi trong tiết thanh minh) và tảo mộ. Thi nhân đời Đường là Đỗ Mục có câu thơ nổi tiếng miêu tả sinh động về mùa xuân như sau: “Thanh minh thời tiết vũ phân phân, lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn….” (Tiết thanh minh mưa rơi lất phất; Người đi đường mang vẻ âu sầu)\[3\]
Tết Thanh minh mang ý nghĩa cội nguồn, nhắc chúng ta không quên hướng về quê cha đất tổ. Người dân nhiều nơi kết hợp Tết Thanh minh với Tết Hàn thực, tức ngày bánh trôi bánh chay, được tổ chức vào ngày 3 tháng Ba âm lịch. Tuy nhiên, trên thực tế Tết Thanh minh đi theo quy luật vận hành của mặt trời – lịch dương, chứ không theo lịch mặt trăng – lịch âm, thường rơi vào ngày 4 hoặc ngày 5 của tháng Tư dương lịch.
Phong tục làm cỏ các phần mộ (lễ tảo mộ), sửa sang, thắp hương, đặt hoa quả thành kính tưởng nhớ ông bà tổ tiên là những hoạt động không thể thiếu trong ngày lễ quan trọng này.