Khi nói về Tarot đa phần mọi người đều nghĩ ngay đến khả năng bói toán của nó. Thế nhưng với mình Tarot hấp dẫn nhất không phải bởi sự bói toán mà là ở tính triết học trong bộ bài. Những hình ảnh trên các lá bài được kết nối với nhau tạo thành những câu chuyện đầy tính triết lý. Trước mình đã có viết 1 bài giới thiệu sơ qua về điều đó (bạn có thể đọc tại đây), còn lần này mình xin đi sâu hơn về bộ ẩn chính. Với 22 lá bài, bộ ẩn chính giống như 1 tấm bản đồ dẫn ta trên con đường đi tìm kiếm sự minh triết, với hành trình quay lại bên trong, khám phá sự vô thức và tiềm thức của mỗi người.
Từ nhất nguyên đến nhị nguyên
Sự thuần khiết nhất nguyên
Tuy là lá đầu tiên nhưng The Fool lại mang số 0 chứ không phải số 1. Số 0 ở đây ẩn chứa 1 ý nghĩa đặc biệt. Trong chữ số Ả Rập, số 0 mang hình dạng của 1 quả trứng để ra hiệu rằng vạn vật đều xuất phát từ nó. Vậy nên qua số 0, The Fool giống như 1 linh hồn vừa được tẩy rửa để chuẩn bị bắt đầu 1 kiếp sống mới. Nhưng nó mới đang chỉ thai nghén chứ chưa thực sự hình thành. Và chính ở sự thai nghén ấy mà lá bài lại đại diện cho sự thuần khiết thực sự, 1 kiểu trạng thái hoàn hảo của niềm vui và tự do, 1 cảm giác được hòa làm 1 với hồn của cuộc sống vào mọi lúc.
Sự thuần khiết khiến The Fool là 1 người không quá khứ, và do đó có một tương lai vô hạn. Mỗi khoảnh khắc đều là 1 điểm bắt đầu. The Fool chỉ là 1 linh hồn trống rỗng tuyệt đối chuẩn bị bắt đầu cuộc hành trình của mình.
Số 0 cũng còn 1 ý nghĩa khác là làm cho lá bài trở nên linh hoạt, nó không thuộc về vị trí cụ thể nào, cũng không bị ấn định như những lá bài khác. Lá The Fool là 1 sự chuyển động xuyên suốt cuộc sống. Ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc hành trình chúng ta đều có thể bắt gặp The Fool, tìm lại được đứa trẻ thuần khiết của chính mình.
Trong thực tế, có lẽ sự thuần khiết biểu hiện bởi lá The Fool không bao giờ tồn tại. Nhưng bằng cách nào đó khi ta trải nghiệm được cái gì đấy đã mất đi thông qua những hình tượng của bộ bài, ta có thể biết làm thế nào để mang nó quay trở lại.
Sự phân tách thành tính nhị nguyên
Khi linh hồn đầu thai, nó phải từ bỏ sự thuần khiết nhất nguyên của mình để đến với thế giới nhị nguyên. 2 lá The Magician và The High Priestess đều mang tính thuần khiết nguyên mẫu và ẩn chứa sự đối lập. Lá The Magician đại diện cho chủ động, lá The High Priestess đại diện cho bị động; lá The Magician là tính nam, lá The High Priestess là tính nữ; lá The Magician là sự ý thức, lá The High Prietess là sự vô thức. Thế giới giờ đây đã bị chia làm 2 nửa. Và lúc này mới là thời điểm chúng ta chính thức bước vào cuộc hành trình của mình.
Chuỗi vật chất
Kết thúc sự khởi đầu, linh hồn bé nhỏ bắt đầu trải nghiệm cuộc sống. Dòng tiếp theo vẽ nên 1 bức tranh trưởng thành của mỗi người.
Bộ 3 quyền lực luôn chi phối thế giới bên ngoài của chúng ta
3 lá bài ở đầu tiên là 1 nhóm. Chúng cho ta thấy một bộ 3 gồm người mẹ (The Empress), người cha (The Emperor) và giáo dục (The Hierophant), hay rộng hơn là biểu thị cho tự nhiên, xã hội và tôn giáo. Đấy là những thành phần bên ngoài đang ngày ngày tác động và tạo nên chúng ta.
Còn 2 lá bài sau lại đại diện cho những yếu tố chi phối nội tại của mỗi cá nhân đó là tình yêu – bản năng (The Lovers) và lý trí – tham vọng (The Chariot).
Cảm xúc cùng lý trí, 2 nhân tố quyết định bên trong của mỗi người
Cuộc đời muôn màu đầy đặc sắc của chúng ta thực ra cũng chỉ là sự pha trộn tổng hòa của 5 yếu tố đó mà thôi.
Là lá cuối cùng trong chuỗi vật chất, The Chariot cũng thể hiện 1 thành công trong cuộc sống. Người đàn ông trong lá bài ăn mặc quý phái trong 1 chiếc xe xa hoa, tượng trưng cho 1 sự nghiệp rực rỡ. Tuy nhiên nếu ta quan sát kỹ hơn chúng ta thấy người đánh xe ấy đang phải dùng hết toàn bộ tinh thần mình để kiểm soát chiếc xe, làm cho nó trở nên cứng nhắc.
2 con nhân sư đen và trắng không hề hòa thuận với nhau. Chúng nhìn theo 2 hướng đối lập. Điều ấy ám chỉ rằng những vấn đề của cuộc sống thực ra chưa đc giải quyết, chúng chỉ bị ám chế tạm thời bằng lý trí của chúng ta mà thôi. Ý chí của người đánh xe giữ những xung đột đó trong thế cân bằng căng thẳng. Và nếu ý chí này sụp đổ, The Chariot và người lái nó sẽ bị xé rách. Lá bài này thế hiện 1 thành tựu cao nhất trong cuộc sống vật chất, nhưng cũng là 1 sự cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn trong vẻ ngoài hào nhoáng đó.
Quay vào bên trong
Dòng bài trước đã cho ta thấy cái tôi có thể giành chiến thắng trước cuộc sống. Nhưng thời gian trôi qua, cái tôi này sẽ trở nên cứng nhắc. Cách hành của nó xử dần không còn là những phản ứng trước thực tại nữa và càng ngày càng chỉ còn là một nét thói quen. Chính vì thế những đối lập ẩn trong hình ảnh mạnh mẽ của lá The Chariot giờ đây phải được đối mặt một cách công khai. Chiếc mặt nạ của cái tôi phải bỏ xuống để ta có thể thấy được mình thực sự là ai.
Và đây cũng chính là mục đích của dòng thứ 3. Những lá bài sắp tới sẽ chỉ dẫn ta cách thoát khỏi tính cách nhân tạo này và nhìn vào thế giới nội ngã của chính mình.
Bản năng được thuần hóa
Lá bài đầu tiên vẽ 1 người phụ nữ đang thuần hóa một con sư tử. Hình ảnh đó cho ta thấy những bản năng hay năng lượng của vô thức đã được giải phóng và bình ổn, “được thuần hóa” bởi đường hướng của sự thấu hiểu ý thức.
Lá Strength đi ngay sau The Chariot như 1 lời nhắn nhủ rằng sự tìm kiếm bên trong không thể được hoàn thành bởi cái tôi, mà là sức mạnh bên trong để đương đầu với chính bản thân bạn một cách điềm tĩnh và không sợ hãi. Chúng ta cần chạm trán với những cảm giác và những khát khao lâu nay chúng ta đã luôn tìm cách khống chế bằng lý trí.
Con sư tử hàm ý tất cả những cảm nhận, sợ hãi, khát khao và bối rối bị cái tôi kiềm lại trong nỗ lực kiểm soát cuộc sống của nó. Không như người đánh xe trước kia luôn cẩn thận định hướng năng lượng bên trong đến nơi mà anh ta quyết định 1 cách ý thức rằng nó nên đến, Strength lại cho phép những đam mê bên trong ấy nổi dậy, như 1 bước tiến đầu tiên trong hành trình vượt ra khỏi cái tôi.
Strength giải phóng năng lượng nội tại để sử dụng nó như một loại nhiên liệu, thúc đẩy chúng ta trên con đường khám phá nội tâm. Mục tiêu này chỉ có thể hoàn thành bởi vì con sư tử được “thuần hóa” cùng lúc với khi nó được thả ra. Strength mở ra tính cá nhân giống như Pandora mở ra chiếc hộ của nàng vậy. Tuy nhiên, nó được mở ra với 1 cảm giác bình lặng, 1 tình yêu bản thân cuộc sống. Nếu chúng ta không thực tâm tin tưởng rằng quá trình khám phá bản thân là 1 quá trình đầy niềm vui thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể theo nó đến tận cùng.
Quay về nội tại
Sau khi bắt đầu cởi bỏ được lý trí thông qua Strength, chúng ta lại bước tiếp đến The Hermit. Lá bài này có nghĩa là 1 sự rút lui khỏi thế giới bên ngoài để đi sâu hơn vào thế giới nội tâm. Chúng ta thấy The Hermit đứng trên 1 đỉnh núi cô độc lạnh lẽo. Ông đã rời thế giới các giác quan để đi vào tâm thức. Tâm thức là 1 thế giới tinh thần phong phú và rộng lớn. Nhưng trước khi ta có thể nắm bắt những điều này thì ta đầu tiên phải trải nghiệm sự thay thế tĩnh lặng đối với thế giới ồn ã của các giác quan. Thông qua thiền định, hoặc những tu tập tinh thần, hoặc phân tích, chúng ta cho phép những phần còn ẩn dấu của nội tâm cất tiếng nói với mình.
Biểu tượng đèn lồng gợi cho ta hình tượng hướng dẫn và dạy dỗ của The Hermit. Ông chỉ cho ta thấy ánh sáng, cho thấy ông sẵn lòng dẫn dắt chúng ta và khả năng của chúng ta tìm một con đường nếu ta biết cách sử dụng Strength mà ta phải đi theo.
Lá bài này mang trong nó một cảm giác thận trọng về mục đích, một cảm giác rút lui để thực hiện việc phát triển bản thân. Trong liên kết với cảm giác về mục đích và với bức tranh vẽ một ông lão, lá bài biểu trưng cho sự trưởng thành, và 1 hiểu biết về những thứ thực sự quan trọng trong một đời người.
Sự nhận thức về vận mệnh
The Hermit đã quay lưng với thế giới bên ngoài. Kết quả là vô thức cho ông thấy một cái nhìn về cuộc sống giống như một bánh xe quay đầy những biểu tượng (The Wheel of Fortune).
Bánh xe cuộc sống sẽ không thể nào thấy được cho đến khi ta bước ra khỏi nó. Khi ta ở trong nó ta chỉ thấy những sự kiện ngay trước và sau chúng ta, những lo toan thường ngày mà cái tôi của chúng ta cho là rất quan trọng. Khi ta rút mình đi, ta có thể thấy toàn bộ mô hình và sự vận động của nó.
Chúng ta đến với sự thật rằng cả những sự kiện tưởng như ngẫu nhiên lại ẩn chứa trong nó 1 quy luật tuần hoàn.
Vậy là ở điểm giữa con đường, chúng ta nhận được một cái nhìn về ý nghĩa nội tại của cuộc sống. Giờ ta đã biết được ta đang ở đâu trong dòng chảy khổng lồ của vũ trụ này.
Sự phán xét và chấp nhận bản thân
Nếu The Wheel of Fortune cho chúng ta nhìn thấy 1 bức tranh toàn cảnh về vận mệnh, thì Justice đại diện cho việc chúng ta thấu hiểu được chúng. Đến bước này ta không còn chỉ biết ta đang ở đâu và còn nhận thức được trách nhiệm của ta với cuộc sống. Con đường để hiểu nằm trong trách nhiệm.
Bằng cách chấp nhận trách nhiệm với chính bản thân mình, chúng ta ngược lại sẽ giải phóng bản thân khỏi quá khứ. Như Phật Tổ nhớ lại tất cả các kiếp của người, chúng ta chỉ có thể thả lỏng quá khứ bằng cách ý thức nó đầy đủ. Nếu không ta sẽ mãi lặp lại cách xử sự cũ. Đây là lý do tại sao Justice thuộc về trung tâm cuộc đời chúng ta. Cái tôi có thể chỉ là 1 nét tính cách, 1 loại mặt nạ, nhưng chiếc mặt nạ đó có thể điều khiển chúng ta chỉ cần ta không thừa nhận là đã mạo nó làm bản thân mình.
Khi ta chấp nhận rằng mọi sự kiện trong cuộc đời chúng ta giúp tạo nên tính cách của mình, và rằng trong tương lai ta sẽ tiếp tục tạo nên bản thân thông qua hành động, thì thanh kiếm thông thái sẽ cắt xuyên màn bí ẩn.
Dòng thứ 3 cho thấy tính cách bên ngoài đang dần chết đi và cái cốt lõi bên trong được phép trỗi dậy. Trước khi 1 cuộc giải phóng như thế có thể diễn ra, chúng ta phải chấp nhận “công lý” của cuộc đời chúng ta, của con người mà ta đã trở thành.
Đảo lộn toàn bộ thế giới quan để suy tư
Sau Justice, The Hanged Man thể hiện 1 mức độ chiêm nghiệm cao hơn. Đây như 1 giai đoạn bạn tập hợp toàn bộ những gì mình đã biết để tìm cách vén được bức màn bí mật của nội tâm.
Tư thế lộn ngược cơ thể của anh chàng trong lá bài ngụ ý việc đảo lại những thái độ và trải nghiệm đến với ta. Bằng cách đó, chúng ta có thể nhìn nhận mọi vấn đề với 1 góc nhìn khác để chuẩn bị cho 1 sự phá bỏ hoàn toàn những gông cùm cũ.
Giờ đây khi những giá trị trước kia đều đã bị đảo lộn, tinh thần chúng ta giống như 1 hồ nước bj dậy sóng. Nó làm tất cả những cặn bã phía dưới phải nổi lên và chờ đợi sự thanh lọc sắp tới.
The Hanged Man điềm tĩnh đối diện với tất cả xáo trộn đấy. Anh ta bình thản nhưng cũng thật cương quyết để sẵn sàng “giết chết cái tôi”.
Cái chết của cái tôi
Trái với suy nghĩ của nhiều người khi nhìn thấy lá bài này, The Death không hề có ý nghĩa tiêu cực mà nó đại diện cho 1 sự thay đổi toàn diện, 1 giai đoạn của sự đột phá.
Cái chết, cũng như sự sống, là sự tuần hoàn bất diệt. Những hình thái riêng biệt luôn chết đi trong khi những hình thái khác bắt đầu tồn tại. Nếu không có cái chết dọn dẹp đi cái cũ thì không có thứ mới mẻ nào có thể tìm thấy một chỗ đứng trong thế giới này.
The Death như 1 nhát chém mạnh vào cái tôi cứng đầu, loại bỏ nó hoàn toàn khỏi bản thân ta. Tinh thần chúng ta giờ đây đạt đến 1 sự trống rỗng thuần khiết, tạo cơ hội tuyệt vời cho sự tái lập mới trong tâm thức. Đây chính là lúc để chúng ta định hình lại con người mình 1 cách hoàn thiện hơn.
Cái chết dẫn đường đến sự hồi sinh.
Sự cân bằng tự nhiên
Temperance là điểm cuối của hành trình quay vào bên trong. Sau khi đi 1 quãng đường dài, bạn đã lột bỏ được chiếc mặt nạ cái tôi và nhìn thấy được nội ngã thực sự của mình.
Với việc đưa nội ngã ra ngoài ánh sánh, đây cũng là lúc bạn dọn đường quay lại để hòa nhập với thế giới bên ngoài với 1 bản thân phong phú hơn. Giờ đây chúng ta nhận thức lại cuộc sống thường nhật của mình nhưng không còn bị cứng nhắc như ở The Chariot nữa mà đạt được 1 trạng thái cân bằng hết sức tự nhiên. Ở thời điểm này, không cần đến những chiếc mặt nạ giả tạo, bạn cũng có thể dễ dàng điều tiết các mặt khác nhau của cuộc sống của mình.
Từ “temperance” bắt nguồn từ từ La-tinh “temperare” có nghĩa là “hòa trộn” hoặc “kết hợp một cách đúng đắn”. Thông qua Temperance thế giới bên trong và bên ngoài được trở nên hòa hợp và nhập lại cùng nhau trong 1 dòng chảy nhẹ nhàng.
Cuộc hành trình vĩ đại
Hầu hết chúng ta đều thỏa mãn khi đã phá nát cái mặt nạ của tính cá nhân và có thể quay lại với thế giới bình thường đã được làm mới lại. Tuy nhiên, luôn có những người tìm kiếm những điều vĩ đại hơn thế – 1 sự thống nhất hoàn toàn với những nền tảng tinh thần của thực tại hay chạm đến siêu thức của bản thân. Đối với họ chỉ cảm nhận được tinh thần này chảy xuyên cuộc sống của mình chưa đủ. Họ ao ước được hiểu sức mạnh này với 1 ý thức hoàn chỉnh và sự khai sáng. Với những người ấy, thành tựu đạt được ở dòng thứ 3 chỉ là 1 sự chuẩn bị, 1 sự dọn dẹp hết những trở ngại cho chặng đường tiếp theo này.
Sự sa đọa đột ngột
Dòng này bắt đầu với 1 nghịch lý, 1 thứ có vẻ như là 1 cú ngã vào sự sa đọa của The Devil.
Vì sao trong Tarot hình ảnh dữ tợn đầy áp lực này lại xuất hiện muộn đến vậy? Đã đạt được sự cân bằng của Temperance rồi mà sao lại đột ngột sụp đổ thế này?
Đó là vì dòng thứ 4 yêu cầu một sự giải phóng hoàn toàn nguồn năng lượng vô thức. 1 cơn lũ như vậy chỉ có thể đến qua việc dấn thân vào vùng đen tối nhất của nội tâm, với tất cả những sự xấu xa nhất của bản thân, cùng những ham muốn, dục vọng, sự ích kỷ và tham lam.
Tuy nhiên sự giải phóng này vô cùng nguy hiểm. Vì chỉ cần sơ sẩy 1 chút thôi, con quỷ trong The Devil có thể khống chế chúng ta mãi mãi và phá hủy hoàn toàn tính cách con người của chúng ta. Nó có thể biến ta thành những con thú chỉ biết tuân theo những bản năng trần trụi.
Chính vì vậy, phải đến tận bước này, chúng ta mới có thể tạm thời cởi bỏ cho con quỷ bên trong tự do. Chỉ 1 người đã được huấn luyện, đạt được 1 mức sâu sắc trong sự bình yên nội tại, người thực sự đã chạm đến sự thấu hiểu mà Tarot gọi là Temperance, mới có thể an toàn giải quyết những cám dỗ và nguy hiểm trong The Devil.
Tia sét thức tỉnh
Sau khi ta thả những ham muốn và dục vọng của mình ra, chúng ngay lập tức tự xây 1 tòa thành kiên cố rồi nhốt chính ta tại đó. Và ta có thể bị giam cầm trong đó mãi mãi nếu không có 1 tia sét của ý thức mạnh mẽ phá hủy The Tower. Tia sét ấy giống như tiếng chuông đánh thức chúng ta dậy khỏi cơn ác mộng.
Thế nhưng tại sao chúng ta phải làm tất cả những điều này? Câu trả lời là đấy là cách duy nhất để chúng ta có thể phá tan giới hạn của nhận thức. Bằng việc đi vào vô thức, chúng ta cưỡng ép tia sét ý thức phải xuyên qua giới hạn của chính nó để đưa ánh sáng đến với vùng đất tăm tối này.
Hãy nhớ con đường dẫn đến siêu thức là thông qua vô thức. Vì vậy sẽ không còn lựa chọn nào khác nếu chúng ta muốn chạm được đến siêu thức kỳ diệu. Ta bắt buộc phải nhấn chìm ý thức xuống đáy hồ của vô thức, và xóa tan bóng tối nơi đây. Đó là 1 sự mạo hiểm không hề nhỏ, nhưng bù lại phần thưởng sẽ cực kỳ đáng giá nếu chúng ta có thể vượt qua.
Sự bình yên sau cơn khủng hoảng
Năng lượng phóng ra của The Tower đã xé đi giới hạn của ý thức. Giờ đây trong The Star, chúng ta đã ở sau giới hạn đó. Tấm màn vô thức đã được kéo lên và mọi thứ bên trong trở nên rõ ràng và sáng tỏ.
Cũng rất đáng so sánh The Star với Temperance, ở 2 lá chúng ta đều thấy hình người đổ nước và cầm 2 chiếc bình, với 1 chân trên đất và 1 chân nhúng trong nước. Cả 2 lá bài đều đến sau 1 hồi khủng hoảng, nhưng Temperance bị kiểm soát còn The Star thì tự do, không mặc áo quần mà trần trụi, không đứng nghiêm trang mà mềm mại và thư thái. Và cuối cùng, nếu Temperance đổ nước qua lại, hòa trộn nhưng cùng lúc bảo tồn, thì người thiếu nữ của The Star thoải mái đổ nước ra ngoài, tin tưởng rằng cuộc sống sẽ luôn cung cấp năng lượng mới cho nàng. Bức tranh cho thấy tất cả những chiếc bình thần kỳ đó không bao giờ cạn nước.
Ánh sáng dịu dàng của The Star cũng như 1 sự xoa dịu nhẹ nhàng cho tinh thần sau cơn bão của The Devil và The Tower. Con người đã trải qua những thăng trầm của cảm xúc cuối cùng sẽ thấy bình thản và trống rỗng.
Sự mờ ảo bao trùm
The Moon lại là lá bài của sự mờ ảo. Sau khi ý thức chìm vào vô thức, thì đây là lúc mà 2 yếu tố này trở nên vừa xung đột, vừa trộn lẫn, tạo ra 1 sự mộng mị kỳ lạ. Ở giai đoạn này năng lượng vô thức giải phóng đột ngột đã không thể hòa hợp với nhân cách.
Hãy chú ý rằng trong Strength người phụ nữ, phần người, kiểm soát con sư tử. Ngay cả trong The Devil những con quỷ cũng xuất hiện dưới dạng con người. Nhưng không có con người nào trong lá The Moon. Trong ánh sáng mờ ảo đó cảm thức về bản thân là người của chúng ta bị phá vỡ.
Thế nhưng giờ không phải là lúc đào sâu vào những ảo ảnh đó nữa, mà là thời điểm ta cần mang tất cả những gì ta đã biết ở nơi đây quay trở thế giới tinh thần bên ngoài. Chỉ khi đó vô thức và ý thức của chúng ta mới có thể thực sự dung hợp.
Sự khai sáng
Dưới The Sun mọi thứ đều trở nên đơn giản, phấn khởi và hữu hình. Không còn là câu chuyện đưa ý thức vào trong vô thức nữa, mà ở The Sun chúng ta đã có thể mang cả vô thức ngược lên tầng ý thức. Ánh sáng của vô thức lúc này đi đã vào cuộc sống.
Nó giống như chúng ta lặn vào mặt hồ tối tăm để tìm kiếm kho báu bị chìm sâu dưới đáy. Rồi khi tìm được ta lại cố gắng mang chúng lên bờ, để những đồ vật quý giá trong chiếc rương ấy lại có thể lần nữa tỏa sáng dưới ánh nắng mặt trời.
Khi chúng ta giải phóng và biến đổi năng lượng bị khóa bên trong chúng ta, chúng ta sẽ thấy rằng có cả 1 kho báu khổng lồ đã luôn nằm bên trong mỗi người, luôn chờ đợi được khám phá.
Trải nghiệm The Sun về cơ bản là 1 cú phi nước đại của tự do. Nó là 1 sự cởi bỏ mang tính phá vỡ, 1 cuộc giải phóng tuyệt diệu khỏi ý thức vốn bị hạn chế để đến với sự minh triết thực sự.
Tiếng gọi từ bên trong – sự thức tỉnh thực sự
Dưới The Sun chúng ta thấy cả cuộc đời đầy ánh sáng thần thánh. Nhận thức được sự thật vĩnh hằng này sẽ giải phóng chúng ta khỏi tất cả những ảo ảnh và sợ hãi để giờ đây chúng ta có thể cảm nhận tiếng gọi từ trong sâu thẳm, tiếng gọi của sự khao khát muốn bản thân hoàn toàn tan vào tinh thần, tan vào cuộc sống diệu kỳ chứa trong mỗi sinh vật.
Tiếng gọi này đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài chúng ta, vì 1 trong những ảnh hưởng của The Sun là phá vỡ những rào cản nhân tạo giữa trải nghiệm bên trong và thế giới bên ngoài. Chúng ta cảm thấy tiếng gọi trong bản ngã sâu xa nhất của mình như thể mọi tế bào của cơ thể đều mang đầy những tiếng hét sướng vui.
Chúng ta gọi lá bài là Judgement bởi vì giống như Justice, nó bao hàm việc chấp nhận những tất cả những trải nghiệm dù tốt hay xấu cũng đều là cần thiết để có được ta như ngày hôm nay. Nhưng với Justice thì trải nghiệm và phản ứng mang tính cá nhân, dựa trên hành động của bạn trong quá khứ. Còn ở Judgement không chỉ đơn giản mang nghĩa về cuộc sống riêng của bạn mà còn về bản chất thực sự của sự tồn tại, và về con đường mà bạn và tất cả các sinh vật đều phải đi qua.
Những con người khác được thêm vào trong lá bài cũng ngụ ý điều đó. Bằng cách thể hiện cả 1 nhóm người đứng dậy, Judgement nhắc chúng ta rằng không có sự giải thoát cá nhân. Mỗi con người là 1 phần của loài người và do đó có trách nhiệm về sự phát triển của cả giống loài nói chung. Không ai có thể thực sự tự do khi người khác còn đang chịu cảnh nô lệ. Người ta nói Đức Phật đã quay lại làm một vị Bồ tát bởi vì ngài hiểu rằng ngài không thể giải phóng chính mình cho đến khi ngài giải phóng mọi chúng sinh. Chính vì vậy sự giác ngộ của bất kỳ ai cũng đều sẽ làm biến đổi hoàn cảnh sống của tất cả mọi người.
Sự hợp nhất và hoàn thiện
Chúng ta có thể nói gì về 1 sự thấu hiểu, 1 sự tự do và 1 sự sung sướng vô ngần vượt ngoài tầm ngôn ngữ? Vô thức được biết đến 1 cách ý thức, bản ngã bên ngoài thống nhất với những lực lượng của cuộc sống, những kiến thức hoàn toàn không phải là kiến thức mà là một vũ điệu xuất thần không ngừng nghỉ – chúng vừa thực vừa vô thực.
Khuôn mặt của người vũ công trong The World không buồn rầu lẫn hân hoan mà là bình thản, tự do trong sự trống không của mình. Đôi tay cô mở ra với tất cả những trải nghiệm, bình tĩnh đón đợi mọi thứ.
Cuối cùng chiếc vòng hoa bầu dục như 1 lời nhắc nhở rằng The World thực ra chưa phải là sự kết thúc. Cái kết hoàn mỹ nhất có lẽ phải là khi ta có thể bước thêm 1 bước nữa để trở về The Fool, tìm lại sự nhất nguyên thuần khiết của mình. Tuy nhiên The Fool khi ấy và ban đầu không còn giống nhau nữa. Sau khi đã trải qua cả 1 cuộc hành trình The Fool như được tôi luyện thêm 1 lần và ngày càng trở trên tự do và thuần khiết hơn. Và rồi 1 ngày nào đó, có thể anh ta lại bước tiếp vào 1 cuộc hành trình mới ở những tầng cao hơn nữa để khám phá những tầng sâu hơn của chính linh hồn mình.
Diễn giải ra thì dài nhưng ta có thể tóm gọn lại như sau:
– 3 lá đầu sự khởi nguyên, giai đoạn bắt đầu cuộc sống.
– 5 lá tiếp thể cuộc sống thường nhật của chúng ta với các yếu tố bên ngoài và bên trong chi phối.
– 7 lá sau là giai đoạn con người nhận ra sự bất ổn của cuộc sống vật chất và đi tìm sự cân bằng tự nhiên, bằng việc thấu hiểu nội tâm mình.
– 7 lá cuối lại chỉ 1 hành trình đặc biệt, khi mà ta không thỏa mãn với 1 cuộc sống hài hòa mà còn muốn cao hơn thế – 1 sự giác ngộ và khai sáng. Đây chính là con đường của những nhà thiền sư hay nhà hiền triết, và chúng ta có lẽ đều chưa thể tiếp cận được với nó trong kiếp này. Vậy nhưng hiểu về nó giúp ta có 1 cái nhìn rộng mở và rõ ràng hơn về các giai đoạn trong cuộc sống. Qua đó ta xác định rõ hơn mình đang ở đâu cũng như những gì ta sắp phải đối mặt để có 1 sự chuẩn bị đầy đủ hơn cho chính hành trình cuộc đời của mỗi người.
Đức Huy
Dựa theo cuốn sách 78 độ minh triết