Tâm lý học của sự tức giận và quản lý cơn giận: Xúc phạm, Trả thù và Tha thứ

Viết bởi tiến sỹ Raymond Lloyd Richmond.

VÔ CẢM

Bắt đầu với một chuyến xe ra sân bay. Nhưng trước đó, cô gái bắt đầu chỉ trích chuyện lái xe của anh. Anh ấy chưa đủ mạnh mẽ, vẫn chưa lái xe quá tốc độ; họ sẽ đến trễ và đó là lỗi của anh. Ấy vậy mà, anh ấy, bằng sự kiên nhẫn và điềm đạm, đã lặng lẽ chịu đựng tất cả.

Họ hầu như không nói chuyện khi họ đến sân bay.

Và sau đó một chuyện kì lạ xảy ra.

Cô bực bội bước ra khỏi xe và bỏ đi. Anh ngồi đó, nhìn cô. Và anh chẳng có cảm xúc gì. Anh không có thôi thúc đuổi theo cô. Anh không quan tâm liệu anh có gặp lại cô hay không.

Sau đó, khi anh nhớ lại tình tiết này trong buổi trị liệu bệnh trầm cảm của anh, anh bật khóc. Sự vô cảm của anh vào ngày hôm đó làm anh bị sốc.

Khi tôi cho rằng anh có thể từng nổi giận với cô ấy, anh phản kháng, “Nhưng tôi yêu cô ấy. Làm sao tôi có thể nổi giận với cô ấy?”

Anh chàng đáng thương. Anh ta chẳng hiểu gì về tình yêu. Và anh ấy cũng chẳng hiểu gì về sự tức giận.

SỰ TỨC GIẬN

Hãy đối mặt với nó – sự tức giận là một thực tế của cuộc sống. Thế giới của chúng ta đầy ắp bạo lực, sự căm ghét, chiến tranh và gây hấn. Về mặt tâm lý, nhiều lý thuyết về sự phát triển con người tập trung vào cuộc vật lộn của trẻ sơ sinh với sự thất vọng và tức giận và những huyễn tưởng ban sơ của sự xung hấn, tội lỗi và chuộc lỗi là kết quả của các cảm xúc đó. Về cơ bản, chúng ta lớn lên cùng với sự tức giận ngay từ khi chào đời.

Tâm lý học của sự tức giận và quản lý cơn giận: Xúc phạm, Trả thù và Tha thứ

Nhà phân tâm học lỗi lạc người Pháp, Jacques Lacan, dạy rằng sự xung hấn là kết quả của một sự phòng vệ tâm lý chống lại những mối đe doạ của sự phân mảnh.[1] Đó là, khi còn là đứa trẻ sơ sinh, chúng ta chỉ là một mớ lộn xộn của những quá trình sinh học khác nhau mà chúng ta không có quyền chi phối, và công việc đầu tiên của chúng ta trong đời là phát triển một bản sắc tâm lý cố kết, chặt chẽ. Bản sắc tâm lý này có thể đem lại diện mạo của một nhân cách thống nhất, nhưng trên thực tế nó là một ảo tưởng tâm lý nhằm che giấu tính dễ tổn thương và yếu đuối cơ bản của con người. Và do đó, khi có bất kì thứ gì hoặc bất kì ai đe doạ chúng ta bằng sự thật về tính phân mảnh của chúng ta, thì phòng vệ phổ biến nhất, nhanh nhất và dễ dàng nhất—để che giấu sự thật về tính yếu đuối của chúng ta và mang lại ảo tưởng rằng chúng ta sở hữu một chút sức mạnh nào đó – là sự xung hấn.

Kết quả là, một số người sẽ đùng đùng nổi giận về hầu hết bất kì điều gì. Tuy nhiên, một số người giống người đàn ông ở câu chuyện trên, không tiến lại gần với sự tức giận mà chỉ có sự vô cảm. Nhưng sự vô cảm trên thực tế là một hình thức bị che đậy của sự tức giận bởi vì, giống như sự tức giận, sự vô cảm đạt được mục đích của nó thông qua sự thờ ơ thụ động, mong ước làm hại người khác.

Sự tức giận là một thực tế của con người, vậy tâm lý học có thể giúp ta học cách đương đầu với nó ra sao?

ĐIỂM BẮT ĐẦU: 3 BƯỚC

Dù điều này có vẻ là một vấn đề rõ ràng, nhưng nhiều người vẫn không thích hiểu triệt để nó: tức giận là một kinh nghiệm phổ biến ở con người. Chúng ta đều gặp phải nó. Và chúng ta gặp nó thường xuyên hơn chúng ta muốn thú nhận.

Trước khi đi xa hơn, chúng ta cần phân biệt rõ giữa sự tức giận và cảm giác tổn thương hoặc tức tối.

Chúng ta đều cảm thấy tổn thương hoặc tức tối khi một ai đó hay một thứ gì đó ngăn cản những nhu cầu hoặc mong muốn của chúng ta. Sự tức giận không thực sự là một cảm xúc. Sự tức giận chỉ về mong muốn “trả đũa” nguyên nhân của sự tổn thương

Ví dụ, khi chiếc xe hơi khác đột ngột cắt ngang xe bạn trên đường, adrenaline bơm thẳng vào máu bạn. Tim bạn đập nhanh. Huyết áp tăng. Tuy nhiên, những điều đó chỉ là những phản ứng sinh lý bỏ chạy-hoặc-chiến đấu ngay lập tức trước một mối đe doạ.

Sau đó, trong giây lát, là một phản ứng tâm lý trước những phản ứng sinh lý tức thì đó, sự căm phẫn và thù hận người lái xe kia lan tràn trong tâm trí bạn. Và sau đó, trong giây lát sau khi những cảm xúc đó nổ ra, bạn rơi vào khao khát trả thù. Bạn bóp còi xe. Bạn nhìn họ một cách ghê tởm. Bạn nguyền rủa. Và bạn đang có nó: sự tức giận. Tức giận, do đó là mong muốn làm hại hoặc mong điều xấu xảy đến với ai đó—trong mắt bạn—đã gây tổn thương hoặc ngăn cản bạn.

Vì vậy quá trình tâm lý là đơn giản và rõ ràng. Khi bạn cảm thấy bị làm tổn thương bởi ai đó, thì trong cơn giận của bạn, bạn muốn làm tổn thương lại anh ta, giống như bạn bị anh ta làm tổn thương.

Sự tức giận cũng có thể được biểu lộ một cách gián tiếp. Ví dụ, nếu một thứ gì đó như kẹt xe làm bạn cảm thấy căng thẳng và thất vọng, thì khi đó bạn làm gì? Có lẽ bạn sẽ đi về nhà và tìm một số chuyện vụn vặt và sau đó nổi nóng, trút sự thất vọng của bạn lên gia đình bạn. Hoặc bạn có thể đến một quán bar, dùng thủ đoạn làm ai đó phạm lỗi với bạn, và đánh nhau. Cả hai cách, bạn trút sự thất vọng của bạn về chuyện kẹt xe bằng cách gây tổn thương những người vô tội —sau khi thao túng tình huống để bạn có thể tin rằng những người kia bằng cách nào đó đã làm tổn thương bạn và đáng bị nhận hậu quả.

Thêm nữa, câu chuyện nào có dừng lại ở đó, bởi sự tức giận ta thấy không phải là tất cả.

Sự thật là, tức giận có thể là một phản ứng xã hội “tự nhiên” trước sự xúc phạm và tổn thương, nhưng là điều tự nhiên không làm nó tốt cho chúng ta. Chắc chắn là, những thức ăn “tự nhiên” thường được quảng cáo là lành mạnh và tốt cho chúng ta. Ví dụ, các chất độc cũng là tự nhiên, và theo định nghĩa thì các chất độc gây chết người.

Và có những cách đương đầu tốt với sự xúc phạm và tổn thương hơn sự tức giận, vì bản thân sự tức giận giống như một chất độc trong trái tim bạn, cuối cùng sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn nhiều như nó làm tổn thương cuộc sống của người khác.

Vì vậy BƯỚC ĐẦU TIÊN trong việc học một cách đáp ứng lành mạnh trước những cảm giác tổn thương và xúc phạm là thừa nhận bạn đang cảm thấy tổn thương.

Ví dụ, khi bạn tức giận, bạn không thực sự cho phép bản thân cảm nhận sự tổn thương và tính dễ tổn thương bên trong lòng bạn. Tất cả những gì bạn có thể nghĩ đến trong khoảnh khắc đó là khao khát trả thù của bạn, để bảo vệ lòng kiêu hãnh của bạn, để làm một việc gì đó – bất kỳ điều gì – để tạo ra cảm giác rằng bạn có sức mạnh và quan trọng. Về cơ bản, cơn thịnh nộ của bạn thật trớ trêu chỉ nhằm để che giấu những cảm giác dễ bị tổn thương trong lòng bạn, do đó bạn không bao giờ nhận ra nỗi tổn thương mà bạn cảm nhận đã kích hoạt phản ứng thù địch của bạn. Tất cả nỗi cay đắng và thù địch là một làn khói lớn, một sự lừa gạt cảm xúc. Nó làm bạn trở nên nhẫn tâm với người khác để bạn có thể cô lập nỗi đau cảm xúc của bạn.

Cách đây nhiều năm, tôi trở thành một tay bắn súng giỏi với một khẩu súng ngắn. Khi tôi còn học bắn súng, tôi được dạy rằng “Bạn đang chùn cổ tay trước khi bạn bóp cò súng.” Nhưng liệu điều này có ngăn tôi không chùn cổ tay của mình không? Không, tất nhiên không, vì từ lúc bắt đầu tôi chưa có trải nghiệm về việc phân biệt những động tác cơ tinh tế ở cổ tay tôi. Làm sao tôi có thể học cách không làm điều gì đó trừ khi tôi đã học được cảm giác khi làm điều đó là như thế nào? Để bắn tốt, tôi phải tập cho bản thân cảm nhận nhiều cơ nhỏ khác nhau của bàn tay và cánh tay tôi; một khi tôi cảm nhận được chúng thì tôi có thể điều khiển chúng.

Đó là chuyện của cách đây nhiều năm và tôi không còn dùng súng nhiều nữa, nhưng tôi đã học được một bài học tâm lý hay từ nó.

Làm thế nào bạn có thể học cách không làm điều gì đó trừ khi bạn đã hiểu được khá rõ về cảm giác khi làm điều đó là ra sao? Làm sao bạn có thể học cách không phản ứng một cách phòng thủ trước cảm giác bị tổn thương trừ khi bạn hiểu khá rõ về cảm giác bị tổn thương là như thế nào? Nếu bạn luôn luôn che giấu những cảm xúc bị tổn thương của bạn đằng sau một vẻ ngoài tỏ ra nguyên rủa cay đắng mang tính bảo vệ bạn thì bạn sẽ không bao giờ nắm bắt được khái niệm giải thoát khỏi sự kiềm chế cảm xúc.

Hoặc bạn có thể cảm thấy tổn thương bởi một ai đó gần gũi với bạn, và vì sợ rằng thôi thúc gây tổn thương người đó của bạn đến lượt nó sẽ làm bạn mất “tình yêu” của người đó, bạn kìm nén ý thức về những trải nghiệm nội tâm chân thật của bạn. Nếu bạn thường xuyên làm điều đó thì cuối cùng bạn có thể tự thuyết phục bản thân rằng mọi chuyện đều ổn và bình yên. Trong trường hợp này, nỗi tổn thương dù thế nào đi nữa vẫn chuyển thành cơn giận, nhưng nó chỉ trở thành cơn giận trong vô thức: bạn vẫn tổn thương trong khi ham muốn gây tổn thương người khác bị tống vào vô thức của bạn ở đó nó trở thành nỗi tức giận cay đắng. Và trên thực tế bạn chỉ đang lừa dối bản thân và làm xấu đi mối quan hệ của bạn khi bạn phủ nhận bạn không có gì để mà cảm thấy tổn thương. Và trước khi bạn biết điều đó, bạn đang tự hỏi tại sao bạn lại quá phiền muộn, trầm cảm. Sau tất cả, trầm cảm thường là “cơn giận chuyển vào bên trong” – bạn khinh bỉ bản thân vì bạn cảm thấy tội lỗi vì mong muốn vô thức gây tổn thương người khác.

Trong tâm lý học phương Tây, sự chấp nhận những trải nghiệm cảm xúc độc đáo của mỗi cá nhân là phổ biến, nhưng ở nhiều nên văn hoá khác không thuộc phương Tây lại đề cao sự hoà hợp xã hội. Để đảm bảo cho sự tồn tại của một đứa trẻ trong một nền văn hoá như vậy, các gia đình dạy trẻ rằng mọi biểu hiện tức giận là bị cấm và đáng xấu hổ. Để đạt được điều này, các bậc cha mẹ cùng với phần còn lại của nền văn hoá nói chung, có xu hướng kìm nén tất cả sự công nhận các cảm xúc cá nhân ở con họ. Chừng nào đứa trẻ còn sống trong nền văn hoá của chúng thì chúng có thể hoạt động bình thường, nhưng nếu chúng nhập cư vào một nền văn hoá phương Tây, thì những xung đột về cảm xúc có thể gây ra sự rối loạn tâm lý sâu sắc.

Những cảm xúc tổn thương trước sự xúc phạm hoặc coi thường là phổ biến ở loài người. Nếu những cảm xúc đó bị kìm nén trong bất kì nền văn hoá nào đến mức chúng chưa bao giờ được nhận ra hoặc gọi tên, thì chúng có thể kích động sự đen tối của văn hoá của thành kiến, căm ghét, chứng hoang tưởng, bạo hành trẻ em, bạo lực gia đình, nghiện chất—và tất cả các chất độc tâm lý khác làm ô uế tình yêu đích thực—cũng như bản thân bệnh trầm cảm, cũng có thể gây xấu hổ.

Thật mỉa mai, rằng một phản ứng lành mạnh trước những cảm giác tổn thương và bị xúc phạm thực sự dẫn đến lòng từ bi và bình an, trong khi sự kìm nén cảm xúc, cố gắng bề ngoài tỏ ra yên an, chỉ dẫn đến một sự ngờ vực và độc ác ngấm ngầm. Đó là lý do tại sao con người trở thành “tấm thảm chùi chân” và để người khác dẫm lên họ, hơn là thú nhận rằng họ cảm thấy tổn thương về chuyện gì đó, thường có rất nhiều sự phẫn nộ và “bụi bẩn” bên dưới vẻ ngoài vui vẻ của họ.

Vì vậy BƯỚC THỨ HAI của việc học một cách đáp ứng lành mạnh trước những cảm giác tổn thương và bị xúc phạm là đi theo nỗi tổn thương quay về với những căn nguyên của nó trong quá khứ ở những thời điểm và tình huống khi bạn cảm nhận theo cách tương tự.

Bạn cần làm việc này bởi vì bất kì sự xúc phạm nào trong hiện tại đã được phóng đại bởi những sự xúc phạm tương tự trong quá khứ. Không nhận ra những xúc phạm cũ trong quá khứ chỉ khiến cho sự xúc phạm trong hiện tại dường như lớn hơn thực tế của nó.

Toàn bộ quá trình này hơi giống với chuyện khi một con côn trùng đốt bạn và bạn cảm nhận một cơn đau không tương xứng với kích thước của con côn trùng. Đầu tiên bạn nhận ra nó gây tổn thương. Sau đó bạn phải khám phá vết thương để phát hiện con côn trùng. Con côn trùng đại diện cho sự xúc phạm làm tổn thương bạn, tìm ra con côn trùng đại diện cho nhiệm vụ tâm lý là nhận ra sự xúc phạm này đâm sâu vào lòng tự trọng của bạn như thế nào, và nọc độc lan ra đại diện cho cách mà cơn giận vô thức về tất cả những tổn thương cảm xúc từ quá khứ tiếp tục đầu độc bạn trong hiện tại.

Thừa nhận nỗi đau và khám phá nó, bạn sẽ sẵn sàng cho quá trình chữa lành bắt đầu. Để sự chữa lành xảy ra, bạn phải thận trọng tránh bất kì điều gì kích thích nỗi tổn thương hơn là xoa dịu nó.

Do đó, BƯỚC THỨ BA của việc học một đáp ứng lành mạnh trước những cảm giác tổn thương và xúc phạm là tránh những phản ứng thông thường trước cảm giác tổn thương và xúc phạm.

Hãy tiếp tục khám phá những phản ứng phổ biến trước cảm giác tổn thương và xúc phạm có thể là gì.

PHẢN ỨNG PHỔ BIẾN: TRẢ THÙ VÀ BẠO LỰC

Tại sao chúng ta khó nhận ra những cảm giác bị tổn thương của mình khi chúng ta bị người khác xúc phạm?

Hãy quay lại với hình ảnh chiếc xe cắt ngang xe bạn. Tim bạn sẽ đập thình thịch nhưng nếu bạn giống như đa số mọi người, thì bạn sẽ không ý thức được điều đó. Phản ứng đầu tiên của bạn có lẽ là càu nhàu – hoặc la hét – nguyền rủa.

Tất cả đều bị nhận chìm trong vô thức ở đó những huyễn tưởng (đó là những hình ảnh tinh thần thoáng qua, thường chỉ biết trong tiềm thức) tiến hành các cuộc chiến tranh trả thù của chúng.

Tôi từng ngồi xem bộ phim Rambo với một số thành viên trong gia đình. Anh ta ở đó với đôi mắt Italia mơ màng, các cơ bắp của anh co giật, đón nhận những lời xúc phạm. “Oh, oh!” Họ nói. “Anh ta nổi giận. Đừng chọc giận Rambo!” Bọn họ hả hê. Rồi sau đó họ tự vả vào mặt mình và cười khi anh ta nhấc khẩu súng lớn lên và chỉa vào bọn họ.

Và đây là cái mà nền văn hoá của chúng ta dạy chúng ta – thông qua những huyễn tưởng y như thật trên phim ảnh, tivi, âm nhạc, văn học đại chúng và quảng cáo và bộc lộ trong chính trị, thể thao và trong hệ thống pháp luật của chúng ta – về cách đáp ứng trước sự xúc phạm.

Hành động trả thù lan toả khắp nền văn hoá của chúng ta vì nó lan toả trong vô thức loài người. Do đó, hành động trả thù là cái chúng ta thường trải nghiệm nhất trong huyễn tưởng vô thức của chúng ta khi chúng ta cảm thấy thất vọng và tức tối.

Đó có thể là sự thất vọng về mặt trí tuệ khi biết rằng người khác không hiểu được phần quan trọng của một điều gì đó. Đó có thể là sự bực bội khi phải chịu đựng hành động thô lỗ. Đó có thể là sự xúc phạm làm bẽ mặt vì những mong đợi của chúng ta không được thoả mãn. Đó có thể là sự xúc phạm gây tổn thương tâm lý của sự bạo hành về cảm xúc, thân thể hoặc tình dục thời thơ ấu. Nhưng dù những sự xúc phạm đó là gì, chúng ta thấy thôi thúc cầm vũ khí lên – dù đó là vật lý (như súng và bom) hoặc lời nói (mỉa mai và nguyền rủa) – và trút nó sang người khác.

Thông thường, những thôi thúc trả thù đó thoát ra khỏi vô thức, đi vào thế giới thực và trở thành những sự kiện thực tế như khủng bố, bạo lực học đường, hoặc tự tử.

Hoặc, từ nỗi thất vọng và tổn thương sâu xa nhất của chúng ta, chúng ta sẽ cầm vũ khí đó tấn công bản thân như một hình thức của khổ dâm- tự làm hại bản thân. Hành vi tự làm hại bản thân đi cùng với sự thoả mãn vô thức khi gây ra cảm giác tội lỗi ở những người xung quanh chúng ta – đó là, chúng ta ầm thầm hy vọng rằng nỗi đau khổ do tự mình gây ra của chúng ta sẽ “nói” với người khác “Nhìn xem bạn đã khiến tôi làm gì với bản thân!” Trong trường hợp này, sự thất vọng của chúng ta có thể tồn tại trong chúng ta như những huyễn tưởng bí mật gây ra cảm giác tội lỗi, ẩn nấp đằng sau những tổn thương của chúng ta.

Nhiều người có sự tức giận sâu sắc đối với bố mẹ họ đến nỗi trong vô thức họ khao khát làm cho bản thân lệch lạc như một cách để trả đũa lại bố mẹ họ. Do đó, họ có thể có sự thoả mãn khi làm tổn thương bố mẹ họ bằng cách nói rằng, “Nhìn xem tôi bê tha như thế nào! Tất cả là lỗi của bố mẹ!”

Do đó, bất kể liệu nó được bộc lộ thành sự xung hấn rõ ràng, công khai hay sự tự làm hại bản thân ngấm ngầm, phản ứng phổ biến trước sự xúc phạm là trả thù. Vì vậy, tức giận, cốt lõi của nó là một ham muốn đen tối và độc ác mong tai hoạ đến người đã gây tổn thương bạn. Hãy lặp lại điều đó.

Tức giận, cốt lõi của nó là một ham muốn đen tối và độc ác mong tai hoạ đến với người đã gây tổn thương bạn.

Liệu có cái gọi là sự tức giận ‘chính đáng’ không? Không. Chỉ có một cái gọi là sự phát cáu chính đáng vì sự phát cáu là một phản ứng cảm xúc chân thật trước sự xúc phạm hoặc bị cản trở. Khi sự phát cáu của bạn chuyển thành tức giận thì khao khát muốn hãm hại người khác của bạn đưa bạn xuống cùng cấp độ thô lỗ giống như người xúc phạm bạn. Do đó bạn có thể công kích bản thân vì trở nên thô lỗ. Và cuối cùng, đó chính xác là những gì bạn làm, vì cơn giận trong tâm trí bạn trở thành chất độc trong trái tim bạn, làm hại bạn nhiều như nó làm hại bất kỳ ai khác.

Lưu ý rằng chúng ta có thể nhắm cơn giận của mình vào đồ vật. Nếu một công cụ bị hỏng lúc chúng ta đang thực hiện một việc quan trọng, làm chúng ta cảm thấy thất vọng và bất lực, thì chúng ta sẽ đập vỡ công cụ đó và nguyền rủa nó. Chúng ta “biết” rằng huỷ hoại công cụ sẽ không sửa chữa được điều gì, vậy tại sao chúng ta lại hành động xung hấn như thế? Khi “làm tổn thương” công cụ – dù về mặt biểu tượng (bằng sự nguyền rủa) hoặc vật lý—chúng ta nhận được sự thoả mãn của cảm giác mạnh mẽ hơn một thứ khác. Như thể chúng ta đang nghĩ theo logic vô thức của chúng ta, “Kế hoạch của tôi bị hỏng, và lòng kiêu hãnh của tôi bị tổn thương, nhưng nếu tôi có thể huỷ hoại một cái gì đó – bất kì cái gì – thì hãy nhìn xem tôi trông mạnh mẽ như thế nào!”

Điều này giải thích tại sao có quá nhiều bạo lực trên thế giới. Mặc cho những tuyên bố về giá trị của hoà bình của chúng ta, nền văn hoá chúng ta dạy chúng ta bằng ví dụ hằng ngày rằng sự xúc phạm đáng bị trả đũa ngay lập tức.

Do đó, nhiều người mù quáng đi theo con đường bạo lực – và khi làm vậy, họ “nổi giận” để tránh cảm nhận nỗi tổn thương cho thấy tính dễ bị tổn thương của họ. Điều này cũng giải thích tại sao nhiều người rất sợ thừa nhận cơn giận của họ. Họ hiểu rõ nơi mà vô thức của họ muốn đưa họ đến, và họ không thể chịu được ý nghĩ “giết hại” ai đó gần gũi với họ khi họ cảm thấy tổn thương. Vì vậy họ sẽ kìm nén mọi thứ, ngay từ lúc bắt đầu; nỗi tổn thương dẫn đến sự tức giận, nhưng họ chối bỏ bất kì cảm xúc gì của họ, và họ đẩy cơn giận vào sâu trong vô thức. Họ thể hiện mình trước thế giới như những người bình tĩnh và điềm đạm, không bao giờ gây tổn thương bất kì ai hoặc bất kì thứ gì.

Bạn đã từng bao giờ thấy một đứa trẻ, bị tổn thương bởi lời nói hay hành động của ai đó, buột miệng thốt ra, “Tôi ghét bạn! Tôi ước gì bạn chết đi!” và sau đó chạy về phòng nó và quăng mình lên giường nằm khóc thổn thức? Và sau đó khi nín khóc, bố mẹ không đả động gì về lời nói hôm qua mà cô bé đã buột miệng. Có thể ba hoặc mẹ cô sẽ đến và an ủi cô, hoặc chị gái hoặc anh trai cô sẽ chơi với cô lại, và những lời đó—“Tôi ghét bạn! Tôi ước gì bạn chết đi”—bị quét sạch vào góc tối của những ký ức bị quên lãng.

Đây là điều tôi đang nói đến khi tôi đề cập về mong muốn “giết” một ai đó. Nó là một điều tinh tế khó nắm bắt – không phải là âm mưu của một vụ phạm tội lớn. Nó là trải nghiệm gây bối rối của cơn giận và nỗi tổn thương như đứa trẻ.

Nhớ rằng mong muốn “giết” một ai đó không hẳn là một khao khát phạm tội thực sự, một huyễn tưởng trả thù không hẳn là một ham muốn chống đối thực sự. Đôi lúc nó chỉ là một mong ước thầm kín muốn nhìn thấy ai đó bị trừng phạt lại, một mong ước cảm thấy thoả mãn khi biết người từng gây tổn thương cho bạn cuối cùng sẽ bị tổn thương. Và đôi lúc sự trả thù chỉ là một ham muốn tiếp tục giữ im lặng khi bạn có thể sửa lại một điều sai trái. Một lần nữa, nó rất tinh tế với những căn nguyên sâu xa trong sự bất an thời thơ ấu.

Trên thực tế, bằng chứng của tất cả điều này có thể tìm thấy trong chứng rối loạn ám ảnh cưỡng bức OCD, ở đó một người cảm thấy xấu hổ ngập tràn vì những huyễn tưởng báo thù đó sẽ dựng lên những nghi thức tỉ mỉ để vô hiệu hoá những ý nghĩ “xấu” đó

GIẢI PHÁP: BƯỚC BỐN

OK. Chúng ta đều bị xúc phạm, và chúng ta đều cảm thấy tổn thương, và chúng ta đều có xu hướng đắm chìm trong những tưởng tượng báo thù. Một số người trong chúng ta sau đó “nổi giận” và hành động bạo lực trong cuộc sống thực. Và một số khác thì tống mọi thứ ra khỏi ý thức và giả vờ rằng chúng ta là người “tử tế”. Vậy có con đường nào trung thực hơn?

Bạn có thể đủ dũng cảm để khám phá tâm lý con người sâu sắc hơn một chút so với đa số mọi người và khám phá ra điều gì đó về bản chất của con người. Một điều gì đó xấu xí.

Bạn sẽ khám phá ra một khái niệm về tâm lý người mà thần học và tôn giáo từ lâu từng gọi là “tội lỗi”. Tôi sẽ không đưa ra một định nghĩa thuộc thần học của sự tội lỗi (sin) ở đây, nhưng một sự hiểu biết về tâm lý học của khái niệm có thể miêu tả về nó như một kiểu mê đắm với lòng tự cao của những ham muốn cá nhân của bạn và sự dựa vào kiến thức, đặc quyền và sức mạnh để phớt lờ, không tôn trọng, cản trở và đánh bại bất kì ai hoặc bất kì thứ gì ngăn cản bạn đạt được thứ bạn muốn. Hoặc, nói đơn giản hơn, đa số mọi người chỉ nghĩ đến những ham muốn ngay tức thì của họ và ít, hoặc không quan tâm đến bất kì ai hoặc bất kì điều gì khác xung quanh họ. Về mặt tâm lý, hành vi này làm bạn cảm thấy tốt về bản thân (đó là, cảm thấy mạnh mẽ và “nắm quyền kiểm soát”) bằng việc lợi dụng, gây tổn thương hoặc phớt lờ người khác. Do đó, sự tội lỗi dẫn bạn đi xa khỏi tình yêu và lòng từ bi đích thực, và nó đưa bạn đến tình trạng khó khăn của sự nuông chiều bản thân. Sự tội lỗi thực sự làm tổn thương người khác vì tội lỗi làm nhơ bẩn tình yêu.

Chứng rối loạn nhân cách ái kỷ chỉ về một kiểu tự cao (trong huyễn tưởng hoặc hành vi), một nhu cầu cần được người khác ngưỡng mộ, và sự thiếu thấu cảm.

Theo ý nghĩa chung hơn, tính tự yêu bản thân có thể tìm thấy ở hầu hết tất cả các chứng rối loạn tâm lý, nó đại diện cho cách thức mà chúng ta đều giống như vị thần Hy Lạp Narcissus có thể yêu bản thân để che giấu sự không đủ đầy của mình và hệ quả là đối xử với những người khác như đồ vật để làm bản thân chúng ta cảm thấy mạnh mẽ và uy quyền.

Bây giờ, nếu bạn hiểu được sự thật tâm lý này về bản chất con người- rằng mọi người bị kéo khỏi phẩm chất tốt đẹp của loài người bởi một nhu cầu né tránh cảm giác yếu đuối hoặc ngu ngốc —khi đó bạn có một cách thức mới để đương đầu với những cảm giác tổn thương của bạn, và vượt qua xu hướng rơi vào cơn giận của bạn.

Thay vì nhìn nhận tất cả những sự xúc phạm một cách cá nhân, bạn có thể nhận ra rằng mọi sự xúc phạm bắt nguồn từ xu hướng chung đó trong bản chất của con người, là hướng về hành vi ích kỷ, không quan tâm. Trước thực tế xấu xí này, hầm trữ súng hoặc bom hoặc những lời xúc phạm hoặc nguyền rủa không bao giờ đủ để diệt từ những ảnh hưởng xấu từ thế giới, vì thế sự trả thù trở nên vô nghĩa. Đáp ứng lành mạnh duy nhất trước sự xúc phạm là nỗi buồn sâu sắc đối với tất cả nhân loại và từ bi đối với những người lầm lạc bị mắc vào trong lối hành xử “phổ biến”.

Vì vậy, BƯỚC THỨ TƯ của việc học một đáp ứng lành mạnh trước những cảm giác tổn thương và xúc phạm là tha thứ.

Để tha thứ cho ai đó có nghĩa là bạn quyết định vứt bỏ ham muốn nhìn thấy người đó bị tổn thương vì tổn thương do anh ta gây ra cho bạn, và thay vào đó bạn mong ước rằng người đó sẽ nhận ra hành vi gây tổn thương của anh ta, cảm thấy buồn vì nó và học cách trở thành một con người biết quan tâm hơn.

Điều này cũng giống như bước một, mới nghe thì dễ, tới khi làm thực mới khó.

Bạn không thể tha thứ cho một ai đó cho đến khi nào bạn cảm nhận trọn vẹn nỗi đau mà anh ta đã gây ra cho bạn.

Tống nỗi đau vào trong vô thức của bạn chỉ làm cho sự tha thứ không thể xảy ra vì, cơn giận vô thức, ham muốn đen tối làm hại những người từng gây tổn thương cho bạn vẫn tồn tại nhưng bạn không nhận ra nó. Và khi sự hận thù của bạn nằm ngoài tầm mắt, quá dễ dàng để bạn tỏ ra là một người “tử tế” khi bên trong bạn thực sự vẫn duy trì một cơn giận “nạn nhân.”[3]

Những ai biết tình yêu đích thực thì hành động với sự tự tin, rõ ràng và trung thực, trong khi những ai tỏ ra tử tế thì thường che giấu cơn giận thầm kín của họ đằng sau một khuôn mặt mỉm cười.

Ví dụ, nhiều người, vì lý do này nọ, đi trị liệu tâm lý, có thể tán thành câu nói ” Tôi là một người khoan dung.” Và họ sẽ chống lại những nỗ lực nhằm khám phá vô thức của họ gắn liền với những cảm xúc giận dữ đối với bố mẹ họ bị che dấu

Tâm lý trị liệu không liên quan đến chuyện đổ lỗi cho người khác.

Để sống trung thực và chịu trách nhiệm hoàn toàn cho cuộc đời của bạn, bạn phải học qua trị liệu tâm lý để đặt sự tức giận và tổn thương của bạn lên “bàn” trước mặt bạn để bạn có thể xem xét những cảm xúc của bạn trên bình diện ý thức. Và khi nó đã được mang ra ngoài ánh sáng và được thừa nhận thì nó có thể được quét sạch nhờ sự tha thứ. Trừ khi công việc này được hoàn thành xong, còn không thì câu nói “Tôi là một người biết tha thứ” chỉ là một ảo tưởng.

Và ảo tưởng này được nhìn thấy ở nhiều người khi họ nói, “OK. Tôi đã kể về những tổn thương tâm lý của tôi. Tôi đã tha thứ cho mọi người. Nó đều nằm trên bàn. Nhưng tôi vẫn thấy đau khổ. Có điều gì sai trái?”

Ví dụ, sau khi khám phá những ký ức thời thơ ấu của họ, một số người sẽ nói rằng họ cảm thấy buồn hoặc cô đơn nhưng họ không hề cảm thấy giận bố mẹ họ. Trong những trường hợp đó, cơn giận có thể được nhận diện thông qua những hành vi căm ghét cụ thể chứ không phải thông qua cảm xúc phẫn nộ.

•Căm ghét nhà cầm quyền có thể được bộc lộ thông qua hành vi phạm tội; chống đối chính trị và khủng bố; phá thai; ăn cắp ở cửa hàng; lái xe quá tốc độ quy định; đi họp trễ; sống bừa bộn hoặc bẩn thỉu…

•Căm ghét bản thân có thể được bộc lộ thông qua hành vi tự làm hại bản thân như thói hay trì hoãn; không có khả năng hỗ trợ bản thân bằng làm việc; quá phụ thuộc vào người khác; lạm dụng chất; béo phì; đồng phụ thuộc (như kết hôn với người nghiện rượu)…

Cho dù kết quả cuối cùng là sự căm ghét nhà cầm quyền hoặc căm ghét bản thân, nguyên nhân nằm bên dưới là sự tức giận với bố mẹ bạn, vì họ không yêu thương bạn.

Các câu hỏi và câu trả lời: Về trị liệu tâm lý và sự tức giận đối với bố mẹ

Và khi mọi thứ được mang ra ánh sáng thì sự tha thứ đích thực có thể xảy ra.

Tha thứ có nghĩa là bạn từ chối tiếp tục căm ghét một ai đó. Sự từ chối căm ghét này là một quyết định thuộc ý thức, từ sâu thẳm trong tim bạn, từ bỏ ham muốn đạt được sự thoả mãn của bạn khi biết người từng gây tổn thương cho bạn sẽ bị tổn thương. Lưu ý ở đây là ham muốn bí mật về sự thoả mãn giúp duy trì cơn giận vô thức còn sống và phát triển và ngăn cản sự tha thứ đích thực.

Cũng có nhiều người phủ nhận quan điểm “sự tội lỗi”. Về mặt tâm lý, sự phủ nhận này bảo vệ người đó tránh không thừa nhận những phần xấu xí của vô thức của họ. Họ chối bỏ việc thừa nhận rằng họ hoàn toàn có khả năng giáng những tai hoạ lên người khác.

Hãy cẩn thận. Bạn không thể thoát khỏi những ảnh hưởng tâm lý của nỗi tổn thương và cơn giận, hoặc là bạn có thể đối mặt với tất cả cơn giận vô thức của bạn và học sự tha thứ đích thực, hoặc bạn có thể để cho chất độc báo thù chết người trở thành số phận xấu của bạn.

“Vậy chuyện quốc phòng thì sao?” Bạn có thể thắc mắc. “Làm sao sự tha thứ và nhu cầu bảo vệ bản thân có thể hoà hợp được?” Vâng, tôi sẽ không có ý định nói qua loa về chiến lược quốc phòng, dù là thông qua bình luận hay phản đối. Tâm lý học quan tâm đến cá nhân, và tha thứ là một hành động cá nhân. Và thêm nữa, hoà bình cũng là một vấn đề của ý chí cá nhân chứ không phải của chính trị. Không có chính phủ nào có thể ra lệnh cho bạn yêu thương, và không có chính phủ nào có thể ra lệnh cho bạn căm ghét. Vì thế, cuối cùng bạn phải sống và chết với vận mệnh của ý thức của riêng bạn.

Từ những điều này, chỉ có duy nhất một sự thật: Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy bắt đầu bằng việc thay đổi bản thân bạn. Nếu bạn muốn thế giới công bằng hơn, hãy đối xử công bằng với thế giới ngay cả khi bạn bị đối xử bất công. Nếu bạn muốn thế giới tử tế hơn, hãy đối xử với thế giới bằng sự tử tế và đáp trả mỗi sự xúc phạm bằng một phúc lành. Cho thế giới thấy những hành động đẹp của bạn—rằng bạn sẵn sàng sống theo những gì bạn nhận là tin theo.

CƠN GIẬN “NẠN NHÂN”

Theo các nguyên tắc hình học, vô số đoạn thẳng có thể được vẽ từ một điểm. Nhưng để định nghĩa bất kì một đoạn thẳng nào đó, cần có hai điểm.

Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng với tâm lý học. Trải nghiệm về một sự tổn thương tâm lý không nói nhiều về vô thức của bạn, vì bất kì lời giải thích nào cũng gần như lời giải thích khác. Nếu bạn từng bị cưỡng hiếp một lần, hoặc bạn bị tai nạn xe, thì không ai có quyền chỉ vào bạn mà nói “Bạn làm điều này sai” hoặc “Bạn làm điều kia sai.” Đơn giản là không thể suy luận bất kì điều gì về tâm lý từ một sự kiện

Tuy nhiên, nếu tổn thương tâm lý lặp đi lặp lại, thì khi đó bạn có hai điểm để định nghĩa một đoạn thẳng, nó có thể được theo vết để quay về quá khứ và phóng về tương lai. Đây là lúc ngồi lại và lưu ý, vì nếu không, có thể sẽ có lần thứ ba. Cho đến khi nào bạn bắt đầu xem xét cuộc đời bạn và hỏi bản thân điều gì đang diễn ra.

Khái niệm tâm lý học về sự lặp lại này không liên quan gì tới những chu kỳ lặp lại theo tự nhiên. Ví dụ, nếu hàng xóm của bạn đánh thức bạn vào mỗi sáng sớm khi anh ta đi làm, bạn có thể nổi giận, nhưng đó không phải là cơn giận “nạn nhân”.

Sự lặp lại chỉ về một quá trình vô thức ở đó bạn liên tục đưa bản thân vào chuyện rắc rối. Vì một số lý do đen tối, chưa biết, bạn khinh miệt bản thân đến nỗi bạn liên tục đặt bản thân trước nguy hiểm. Và không thừa nhận rằng quá trình vô thức này làm bạn mắc kẹt trong cơn giận “nạn nhân”.

Khi tổn thương nối tiếp tổn thương đập liên tục vào bạn, bạn sẽ bắt đầu nói, “Tại sao lại là tôi? Điều này thật không công bằng!” Bạn sẽ đổ lỗi cho bất kì ai cản trở bạn. Bạn sẽ cảm thấy bị thế giới đối xử tàn nhẫn. Bạn thậm chí có thể trở thành một kẻ khủng bố tâm lý. Vì bạn không thể nhìn thấy trách nhiệm của bạn trong những gì đang xảy ra, bạn sẽ phát triển một thái độ “nạn nhân” và bạn sẽ rơi vào cơn giận “nạn nhân”.

Cần phân biệt cẩn thận giữa việc bao hành trẻ lặp đi lặp lại và sự nhắc lại. Khi một đứa trẻ bị bạo hành, thì ta không thể tuyên bố rằng đứa trẻ có trách nhiệm trong chuyện bạo hành. Bạo lực luôn luôn là trách nhiệm của thủ phạm, và khi hành vi bạo lực được lặp đi lặp lại, thì thủ phạm có lỗi. Hành vi bạo hành lặp đi lặp lại này do đó không phải là kết quả của mong muốn vô thức của đứa trẻ.

Một quá trình tâm lý được gọi là Đồng nhất hoá với Kẻ gây hấn ở đứa trẻ bị bạo hành, khi cố gắng hiểu được một điều gì đó về cơ bản là vô nghĩa, dẫn đến chỗ tin rằng sự bạo hành phải có lý do chính đáng, và do đó đứa trẻ sẽ trong vô thức tìm cách làm bạn, đối xử tốt và thậm chí bắt chước kẻ bạo hành. Với cơ chế này, việc đổ lỗi và cơn giận đối với kẻ bạo hành được chuyển vào bản thân, vì vậy khởi đầu sự lặp đi lặp lại hành vi tự làm hại bản thân trong vô thức.

Trên thực tế, nghiên cứu khoa học đã cho thấy những người trưởng thành từng bị lạm dụng tình dục khi còn bé có nguy cơ cao bị tấn công tình dục (bị cưỡng hiếp) khi trưởng thành. Thêm nữa, nghiên cứu chi ra những người trưởng thành từng bị tấn công tình dục và cũng từng bị lạm dụng tình dục khi còn bé thì có xu hướng có mức độ về chức năng sức khoẻ tinh thần thấp hơn so với những người từng bị lạm dụng tình dục khi còn bé nhưng chưa bao giờ bị tấn công tình dục khi trưởng thành.[4]

Vậy điều gì đang diễn ra ở đây? Nó phần lớn là vấn đề của việc đổ lỗi sai hướng. Đây là cách nó hoạt động, theo ngôn ngữ thông thường:

1. Do bị bạo hành, đứa trẻ trải nghiệm nỗi sợ và sự căm ghét kẻ bạo hành.

2. Vì trẻ cảm thấy bất lực trong việc ngăn chặn chuyện bạo hành hoặc thuyết phục ai đó giúp bé, đứa trẻ bắt đầu xem toàn bộ thế giới này là “bất công.”

3. Trẻ đổ lỗi cho thế giới vì sự bất công, và đồng thời trẻ bắt đầu đổ lỗi cho bản thân nó vì không đủ giỏi để chống lại thế giới.

4. Trẻ học được rằng đổ lỗi cho thế giới không đem lại sự thoả mãn tức thì, và trừng phạt thế giới không phải là một việc dễ dàng, nhưng đổ lỗi cho bản thân – và trừng phạt bản thân – có thể đem lại sự thoả mãn và kiểm soát ngay lập tức.

5. Vì hành vi tự huỷ hoại bản thân trong vô thức nhắm đến việc chống lại thế giới chứ không phải chống lại bạn thân, nên đứa trẻ không thể nhận ra nó hiện tại đang gây ra phần lớn đau khổ cho bản thân.

6. Và khi đứa trẻ lớn lên thành người trưởng thành, anh ta nuôi dưỡng một nỗi cay đắng chống lại thế giới vì sự bạo hành của nó với trẻ chưa bị trừng phạt.

Và sự thoả mãn kì lạ nào đã duy trì tất cả những hành vi huỷ hoại bản thân này? Đó là sự thoả mãn của vô thức hy vọng cho thế giới thấy nó sai trái như thế nào. Người bị mắc trong cơn giận nạn nhân sẽ duy trì hành vi huỷ hoại bản thân của anh ta như “bằng chứng” mà anh ta hy vọng sẽ buộc tội thế giới.

Vì vậy bạn có thể nghe được một ai đó nói rằng “Điều gì xảy ra nếu tôi mắc ung thư do hút thuốc?” Khi đó họ sẽ thấy tôi chịu đau khổ nhiều ra sao.” Và cuộc đời không may mắn này sẽ chấm dứt.

Không giống như một người chết vì nghĩa, ngã xuống vì tình yêu thuần khiết, hành vi tự huỷ hoại bản thân có động cơ sâu xa của nó nằm ở nỗi cay đắng và căm ghét, và bướng bỉnh từ chối tha thứ.

Khi xử lý với sự lặp đi lặp lại cơn giận “nạn nhân”, thì hy vọng duy nhất của bạn là đầu tiên xử lý sự lặp đi lặp lại đang đánh bẫy bạn. Bạn không thể tha thứ cho người khác nếu vấn đề thực sự là bản thân bạn. Làm thế nào bạn có thể chấp nhận phần xấu xí của bản chất con người nếu bạn không thể nhìn thấy nó trong bản thân bạn và nếu bạn không thể chấp nhận trách nhiệm cá nhân của bạn về việc liên tục đặt bản thân bạn trước nguy hiểm? Nếu bạn không nhận ra sự lặp lại này, thì tất cả các lớp học quản lý cơn giận trên khắp thế giới sẽ không cứu bạn thoát khỏi những nỗ lực trong vô thức của bạn để huỷ hoại bản thân bạn khi bạn vẫn mắc kẹt trong bản sắc là “nạn nhân”.

CƠN GIẬN BỊ CHE GIẤU VỚI NGƯỜI CHA

Khi một người cha vắng mặt – về tinh thần hoặc thể lý – trong một gia đình, thì sự thiếu vắng của ông ta gây ra một sự thiếu vắng cá nhân trong đứa con. Thiếu sự hiểu biết về cách thức thế giới này hoạt động, thiếu tin tưởng vào người khác, và thiếu tin tưởng vào bản thân chúng, đứa trẻ – dù chúng là gái hay trai – trở nên bất an, bối rối và mất hết. Chúng thiếu tự tin. Chúng thiếu một tương lai đầy ý nghĩa. Chúng thiếu cuộc sống. Tất cả chỉ vì cha chúng vắng mặt.

Nhớ rằng, tất cả sự thiếu vắng này là kết quả từ việc thiếu một người cha, trong nhiều trường hợp, là trong vô thức.

Một số người thật sự lụn bại – về mặt cảm xúc và xã hội—bởi thiếu vắng một người cha, và cuộc sống của họ trở nên không bình thường và mắc kẹt.

Nhưng những người khác thì có thể duy trì được một vẻ ngoài có trách nhiệm; họ có công việc, họ kết hôn và họ có con. Nhưng bên dưới cái vẻ bình thường là một sự tức giận bị chôn vùi. Đây là những những căn nguyên xấu xa của hết triệu chứng này tới triệu chứng khác của cơn giận bí mật đối với người cha.

Trong vô thức, sự tức giận bị bóp méo vì thật khó cho đứa trẻ nổi giận với một người cha, người mà chúng vẫn khao khát một dấu hiệu tình yêu. Để bảo vệ bản thân chúng khỏi vấn đề nan giải này, vô thức của chúng tìm ra một giải pháp tài tình cho cơn giận nguy hiểm: không làm gì cả.

• Nghiện ngập (như nghiện rượu, ma tuý, thuốc lá, nghiện ăn, chơi game, phim ảnh khiêu dâm, cờ bạc…) cho phép chúng cảm thấy đầy đủ khi chúng thực sự trống rỗng, do đó chúng không cảm nhận gì cả.

• Thích tranh cãi ngăn chúng không chấp nhận sự thật rằng cha đã thất bại trong việc yêu thương chúng, do đó chúng không chấp nhận gì cả.

• Đi họp/ gặp mặt trễ ngăn không cho chúng phải chờ đợi, do đó chúng không chờ đợi gì cả.

• Tính trơ trẽn (cho dù là ăn mặc hở hang, xăm mình, xỏ lỗ tai) ngăn không cho chúng tôn trọng cơ thể mình, do đó chúng không tôn trọng điều gì cả.

• Rối loạn học tập ngăn chúng không khám phá một thế giới dường như ẩn giấu với chúng, do đó chúng không khám phá điều gì cả.

• Rối loạn tinh thần (thường được thể hiện bởi tính hay quên đồ đạc hoặc gặp khó khăn với toán) ngăn chúng không tham gia vào những dấu hiệu và những biểu tượng của cuộc sống, do đó chúng không tham gia vào điều gì cả.

• Sự trì hoãn ngăn không cho chúng bước ra thế giới mà chúng không biết làm thế nào để thương lượng, do đó chúng không hoàn thành điều gì cả.

• Ám ảnh tình dục (cho dù là những tưởng tượng tình dục tự tạo, phim sex, thèm muốn hoặc hành vi tình dục) ngăn không cho chúng trải nghiệm sự thân mật cảm xúc, do đó chúng không thân mật với điều gì cả.

• Sự hoài nghi ngăn chúng không phải tin tưởng vào một thế giới mà chúng sợ hãi, do đó chúng không tin tưởng vào điều gì cả

Cuối cùng, tất cả những cái “không gì cả” đó dẫn đến sự không có gì của cái chết. Một mặt, cái chết là cái chết về biểu tượng, khiến cho trẻ tàn tật về cảm xúc, đó như hình phạt dành cho cơn giận của bé. Mặt khác, cái chết là cái chết thật- thông qua hành vi tự làm hại bản thân từ từ hoặc thông qua hành động tự tử—bằng cách nào đó đứa trẻ làm cho bản thân nó trở thành “người mất tích”, nhằm tránh né sự thật là cha nó từng mất tích suốt cuộc đời trẻ.

Hiện tại chưa có chẩn đoán tâm thần cho tập hợp các triệu chứng này, vì vậy tôi đã đặt tên: Ira Patrem Latebrosa (cơn giận bị che dấu đối với người cha). Đây là một sự tức giận trước người cha bị che giấu mà một người khổ sở vì nó sẽ chối bỏ sự tồn tại của nó. Nhưng nó thực sự tồn tại, và bằng chứng trên chứng minh điều đó, như những vết chân trên tuyết tiết lộ sự hiện diện của một con vật đang ẩn nấp gần đó.

TÓM TẮT

Hãy nhớ rằng sự tức giận không phải là điều gì đó mà bạn có thể “thoát khỏi”. Chừng nào bạn còn sống thì sẽ có những lúc bạn bị xúc phạm và cảm thấy tổn thương, bạn sẽ bị lôi kéo vào những tưởng tượng trả thù trong vô thức.

Tuy nhiên, khi bạn nhận ra bạn đang cảm thấy tổn thương, thì bạn có một sự lựa chọn. Bạn không bị buộc phải chấp nhận một cách mù quáng việc rơi vào chuyện trả thù trong vô thức.

Mặt khác, bạn không cần phải “nổi giận.” Bạn không cần phải trở nên bạo lực. Nếu bạn nói với bản thân, “Vâng, tôi bị tổn thương. Nhưng tôi chẳng thể làm gì được, ngoại trừ việc từ chối đáp trả tổn thương bằng tổn thương, đáp trả tội lỗi bằng tội lỗi,” khi đó bạn có thể cảm thấy từ bi đối với người làm bạn tổn thương, và bạn có thể tha thứ.

Sau tất cả, bạo lực không là gì ngoài một nỗi sợ tình yêu. Và khi bạn sợ tình yêu thì bạn tìm đến nơi nào? Lòng kiêu hãnh. Lòng kiêu hãnh để bảo vệ bản thân bạn.

Có một bí mật lớn mà các nhà triết học đã biết từ lâu. Và nó là một bí mật vì nó quá rõ ràng đến nỗi chẳng ai buồn chú ý đến nó. Hãy xem bản chất của nước, một chất yếu mềm và tầm thường tự do trôi chảy quanh mọi chướng ngại vật. Nếu bạn sống một cuộc đời “khiêm tốn” như dòng nước thì ngay cả hàm răng của quỷ không thể cắn bạn. Nhưng bạn càng cứng rắn, tự mãn về sức mạnh của bạn để trả đũa những sự xúc phạm, thì càng có nhiều con quỷ túm chặt bạn—và một khi chúng tóm được bạn thì bạn không thể thoát khỏi, bất kể bạn đeo bao nhiêu súng trên vai.

Vì vậy bạn càng từ bỏ “bản sắc” của bạn – bạn càng sống khiêm tốn – thì bạn ít cần đến sự phòng vệ; và bạn càng ít phòng vệ thì bạn càng có ít lý do để nổi giận.

Mặt khác, tất cả điều này không loại trừ khả năng có thể có những lúc mà bạn phải đứng lên để bảo vệ bản thân hoặc bảo vệ người khác và nói ra điều gì đó về sự xấu xí mà mọi người muốn phớt lờ hoặc chối bỏ. Im lặng – để tránh không bị người khác xúc phạm – cũng là một nỗi sợ tình yêu và rơi vào xu hướng báo thù.

Trong những trường hợp đó – dù là trong gia đình, bạn bè hoặc nơi làm việc – khi bạn cảm nhận về bất kì điều gì, bạn cần cởi mở bày tỏ những cảm xúc đó.

Chìa khoá cho tất cả chuyện này là bạn nói ra ngay khi bạn cảm nhận nỗi tổn thương mơ hồ đầu tiên—và điều này có nghĩa là bạn phải rất giỏi trong việc nhận ra cảm giác bị tổn thương ngay từ đầu. Bạn phải nói ra trước khi nỗi tổn thương chuyển thành sự tức giận và có cơ hội biến thành thứ gì đó mang tính huỷ hoại. Bạn không cần phải hiểu tại sao bạn đang cảm nhận những gì bạn đang cảm nhận vào lúc đó; chỉ cần truyền đạt những cảm nhận của bạn trong hiện tại.

Khi bạn nói ra, ghi nhớ một sự thật tâm lý-xã hội quan trọng: Bạn không thể kiểm soát được hành vi của người khác.

Do đó, đừng nói những câu như “Có gì sai trái ở bạn vậy?” hoặc “Sao bạn không nhạy cảm thế?” hoặc “Bạn không nên làm điều đó!” Nói như vậy xuất phát từ một nỗi thất vọng vì người khác không làm những việc bạn muốn anh ta làm, và nó không có lợi cho sự bình an và hoà hợp: nó gây ra căng thẳng làm bạn bị tăng huyết áp, và nó làm người kia kháng cự và đối địch.

Vì vậy, khi bạn có thôi thúc nói lên điều gì đó, hãy hỏi bản thân bạn muốn điều gì xảy ra.

Nếu câu trả lời của bạn là ” Tôi muốn cô ấy…” thì khi đó bạn có thể đã có động cơ sai.

Nhưng nếu câu trả lời của bạn là “Tôi chỉ muốn làm sạch lương tâm mình. Cô ấy làm gì sau đó là quyền của cô ấy,” thì bạn có lẽ đang làm điều đúng.

Nhiều người không thích nghe “sự thật” về bản thân họ, và họ thường sẽ tự vệ bằng cách công kích. Họ có thể buộc tội bạn, ví dụ, ngay cả nếu những lời nói của bạn tập trung vào các cảm xúc của bạn.

    1. “Tôi thật sự đau lòng khi biết bạn không giữ lời hứa với con bạn. Trẻ em cần tin tưởng vào bố mẹ chúng, và nếu bạn không giữ lời hứa, nó có thể khiến con bạn cảm thấy bất an và chống đối.”

“Đừng có đánh giá tôi! Bạn là ai mà dám dạy bảo tôi cách nuôi dạy con?”

Khi bạn nói ra, làm vậy vì lương tâm của bạn, vì bạn tin một điều gì đó là sai; còn chuyện người khác làm gì với thông tin đó là quyền của anh ta.

Nhiều người có thể nổi giận với bạn vì bạn sống trung thực và thẳng thắn, và bạn có thể cảm thấy muốn thoái lui, giữ im lặng không nói lên sự thật. Khi không nói cho ai đó biết điều gì đó thì bạn sẽ bị mắc bẫy trong sự thoả mãn mang tính báo thù khi xem người khác chịu đau khổ vì hành vi sai trái của họ. Vì vậy nếu bạn chóng lại thôi thúc thoái lui, thì khi đó bạn sẽ tìm thấy tự do. Bạn sẽ khám phá ra một phần của bản thân mà bạn có thể tin tưởng dẫn dắt bạn qua những cuộc tranh luận mà không gây tổn thương cho bản thân hoặc người khác—vì bạn sẽ được thúc đẩy bởi tình yêu mong điều tốt đẹp đến với người khác chứ không phải bởi cơn giận và sự trả thù vô thức để bảo vệ bản sắc của bạn.

Một ai đó xúc phạm bạn, bạn cảm nhận nỗi đau, bạn nói ra nếu cần thiết và bạn tha thứ. Nhưng sau khi làm tất cả chuyện này, bạn có thể vẫn còn cảm nhận một số kích thích cảm xúc còn rơi rớt lại. Bạn làm gì? Cố gắng để cho những giọt tổn thương cuối cùng tan thành nỗi buồn sâu sắc cho toàn thế giới.

    Lưu ý ở đây là, dù nỗi buồn khác với việc đổ lỗi, thì một phản ứng lành mạnh trước sự xúc phạm và bực tức đòi hỏi bạn phải cảm nhận nỗi đau mà người khác gây ra cho bạn. Cảm nhận nỗi đau vì lợi ích của sự trung thực cảm xúc. Cảm nhận nỗi đau vì lợi ích của sự lành mạnh của bạn. Cẩn thận đừng chối bỏ thực tế về những gì đã xảy ra. Nhưng cũng cẩn thận đừng đổ lỗi cho người khác vì bạn cũng có khả năng tâm lý gây tổn thương họ như họ đã gây tổn thương bạn. Buồn vì bản chất của loài người bao gồm cả nỗi buồn về khả năng có thể trở nên độc ác và gây hấn của bạn.

Cuối cùng, lưu ý là ngay cả nếu bạn tha thứ cho một ai đó vì làm bạn tổn thương thì điều này không tự động đồng nghĩa rằng bạn cũng giảng hoà với người đó. Giảng hoà—nghĩa là mối quan hệ giữa bạn và người khác đã được sửa chữa—đòi hỏi ba việc cùng với sự tha thứ của bạn. Đầu tiền, nó đòi hỏi người đó nhận ra việc gây tổn thương cho bạn và thừa nhận lỗi lầm. Thứ hai, nó đòi hỏi người đó hối hận, ăn năn vì nó. Thứ ba, nó đòi hỏi người đó sửa chữa, khắc phục, làm việc gì đó để sửa lỗi.

    1. Do đó quan điểm tôn giáo “cầu nguyện cho kẻ thù của bạn” có thể được hiểu về mặt tâm lý là hy vọng rằng người đã gây tổn thương cho bạn cuối cùng sẽ nhận ra hành vi tiêu cực của anh ấy và ăn năn, để được cứu thoát khỏi những hậu quả nguy hại của cơn giận của anh ta—trái ngược với mong muốn của bạn đối với sự tiêu cực của người đó khi nói, “Đi chết đi!”

Thánh Teresa of Avila từng mơ thấy địa ngục; một nơi quá khủng khiếp, bà nói, rằng bà không muốn điều đó xảy đến với những kẻ thù xấu xa nhất của bà.[6] Hãy nghĩ về điều đó.

NHỮNG SỰ THẬT

Vì sự tức giận là một vấn đề lớn trong thế giới ngày nay, sau đây là một số lời khuyên về cách quản lý cơn giận.

* Trút giận không có hiệu quả. Dù nó có thể đem lại sự thoả mãn ngay lập tức, trút giận bằng cách la hét, có những động tác, lời nói tục tĩu, bóp còi xe, ném hoặc phá đồ, hoặc chửi rủa—không xua tan cơn giận. Trên thực tế, nó làm tăng thêm kích thích cảm xúc của bạn và thậm chí kéo dài nó.[8]

Như tôi nói ở trên, hãy nhận ra cảm xúc tức giận, nhưng bạn không hành động vì nó. Thay vào đó, hãy làm những việc sau.

• Bình tĩnh lại. Nhớ lại lời khuyên đếm đến mười trước khi nói hoặc làm bất kì việc gì khi bạn cảm thấy tổn thương? Vâng, nó vẫn là một lời khuyên hay. Đó là vì phản ứng đầu tiên trước sự tổn thương là thuần sinh lý: bạn nhận được một liều adrenaline để chuẩn bị hành động trong tình huống nguy hiểm thật sự. Nhưng khi nỗi tổn thương đến từ một sự kiện chỉ đem đến một mối đe doạ ngắn hạn – như khi một chiếc xe cắt ngang trước mặt bạn – hoặc đe doạ lòng kiêu hãnh của bạn hơn là đe doạ mạng sống và sự an toàn của bạn, thì khi đó adrenaline dâng lên trong người bạn không phục vụ bất kì mục đích có ý nghĩa nào.

Nếu bạn có xu hướng bạo lực, hãy rời khỏi tình huống gây kích động ngay khi bạn cảm thấy sức ép đang dâng lên.

Trong hầu hết trường hợp, dành chút thời gian để tập một số bài tập thư giãn như thở sâu. Khi bạn chủ ý thở chậm và sâu thì bạn đang gián tiếp nói với cơ thể rằng mọi nguy hiểm giờ đã qua đi; kết quả là cơ thể bạn sẽ dừng tiết ra adrenaline và trạng thái hoạt động sinh lý cao của bạn sẽ chấm dứt.

Đừng dùng giai đoạn làm bình tâm lại này để chìm đắm vào những ý nghĩ tiêu cực hoặc bạn sẽ làm tình hình tệ hơn. Trên thực tế, điều này dẫn đến bước tiếp theo.

• Hỏi bản thân bạn đang thực sự cảm nhận điều gì. Nhiều người ít hiểu biết về đời sống cảm xúc của họ đến nỗi họ có xu hướng gộp mọi thứ lại thành sự tức giận. Nếu bạn xem xét kĩ hơn thì bạn có thể phát hiện thấy đằng sau cơn giận là nhiều cảm xúc khác như sự thất vọng, buồn, sợ hãi…

Click vào link này để tải danh sách các cảm xúc có thể giúp bạn nhận diện thứ bạn đang thực sự trải nghiệm.

• Thách thức những ý nghĩ tiêu cực của bạn. Cách chúng ta suy nghĩ liên quan nhiều đến cách chúng ta cảm nhận, vì vậy thay đổi những ý nghĩ của bạn từ xu hướng căm ghét, tiêu cực sang xu hướng bình tâm, tích cực là điều cơ bản trong việc quản lý cảm giác tổn thương và xúc phạm.

TIÊU CỰC: “Cái xe bỏ đi này (chửi thề)! Chúng ta sẽ đi trễ!”

TÍCH CỰC: “OK. Lốp bị xì hơi. Chúng ta không thể làm gì để ngăn ngừa nó. Hãy quên chuyện đến đúng giờ và và xem xét việc thay lốp xe.”

Hoặc tìm kiếm một lời giải thích hợp lý:

VÔ LÝ: “Một tên ngu ngốc! Anh ta biết đây là một cuộc họp quan trọng. Tại sao anh ta lại đi trễ?”

HỢP LÝ: “Có thể anh ta bị tai nạn giao thông. Có thể xe họ bị xì lốp. Ai biết được? Chúng ta sẽ biết được lý do vào thời điểm thích hợp.”

• Chảy quanh chướng ngại vật. Đa số mọi người cảm thấy thất vọng khi có ai đó hoặc thứ gì đó ngăn cản họ. Và đa số phản ứng lại cảm giác thất vọng bằng việc muốn thoả mãn ngay lập tức, buộc “chướng ngại vật” biến đi – hoặc nếu nó không đi, thì nguyền rủa và xúc phạm nó.

Đáp ứng lành mạnh với sự thất vọng đòi hỏi một thái độ khác hơn là sự thoả mãn.

Khi cảm thấy thất vọng, hãy ngồi xuống, thư giãn và chờ đợi. Nói với bản thân những câu sau:

“Khi sự việc phát triển, tôi sẽ, thông qua việc lắng nghe lời chỉ dẫn từ vô thức của tôi, thích nghi với những hoàn cảnh đang thay đổi và phát triển cùng với chúng.”

“Có thể tôi không lấy được thứ tôi muốn khi tôi muốn nó; tôi tin sự việc sẽ kết thúc vào thời điểm tốt đẹp của nó, vì lợi ích cao nhất của tôi, chừng nào tôi giữ được bình tĩnh và bình an.”

“Có thể tôi không lấy được thứ tôi muốn, nhưng, giữ được sự bình tâm và chú ý, tôi có thể khám phá ra một điều gì khác tôi cần còn nhiều hơn thứ tôi nghĩ mình muốn.”

• Nhìn sự việc từ quan điểm của người khác.

Bạn đã bao giờ từng tình cờ bước xuống đường để băng qua một con đường và một tài xế rẽ góc suýt đụng phải bạn? Nó đủ để làm bạn chửi thề và nện vào xe anh ta, đúng không? Bây giờ hãy tưởng tượng bản thân bạn là một tài xế, đang lái xe ở một khu vực bạn không quen, hơi bối rối, xe ở khắp nơi. Bạn dừng xe ở một góc phố, định rẽ phải. Bạn nhìn xung quanh, trái, phải, trái lại lần nữa. Không có ai cả. Bạn bắt đầu rẽ. Và sau đó – anh ta xuất hiện từ đâu thế? Một người đi bộ bước ngay trước xe bạn và bạn vừa mới thấy anh ta!

Hãy nghĩ về nó. Ai sai- người lái xe hay người đi bộ? Hmm . . . Có thể là cả hai? Nó tuỳ thuộc vào liệu bạn đang lái xe hay bạn là người đi bộ, đúng không?

Và đó là vấn đề quan điểm. Dù có một số người thật sự ích kỷ và vô tâm, thì đôi khi một người chỉ là đang bị sao lãng và bối rối, không ác ý cản trở bạn. Nhìn từ góc độ khác được gọi là thấu cảm, và nó có thể rất thành công trong việc giúp bạn bình tĩnh lại, và khuyến khích tác phong lịch sự.

Khi con người gặp khó khăn để hiểu được cảm xúc và do đó thiếu khả năng thấu cảm, nó được gọi là alexithymia.

• Đặt câu hỏi—khi tình huống liên quan đến người mà bạn biết và đang có mối quan hệ. Khi bạn hiểu cách thực hiện điều đó thì nó có thể tương đối đơn giản để tha thứ cho một người xa lạ vì bạn thậm chí không cần phải nói gì. Nhưng bạn có thêm một trách nhiệm khi ai đó bạn biết làm bạn tổn thương. Bạn phải đặt những câu hỏi để hiểu được nguyên nhân tâm lý của vấn đề; nếu bạn không hỏi thì khi đó sự tổn thương sẽ tiếp tục lặp lại, và ngay bây giờ bạn sẽ bị trầm cảm nặng.

Tránh những câu hỏi mang tính buộc tội (“Bạn lại đi trễ! Bạn gặp ai khác, đúng không?”) hỏi những câu hỏi mở, tránh câu hỏi đóng với một câu trả lời Có hoặc Không đơn giản và hãy đặt những câu hỏi không phê phán để gợi ra những cảm xúc thật. Sau đây là vài ví dụ:

“Điều gì làm bạn khó chịu?”
“Bạn cần gì?”
“Bạn thất vọng về chuyện gì?”
“Bạn đang lo lắng điều gì?”
“Bạn muốn gì?”
“Tôi có thể giúp gì?”

• Đừng cho phép bản thân chìm đắm trong sự tức giận. Buông bỏ sự tức giận và những ý nghĩ về việc trả thù sau khi bị xúc phạm có thể là rất khó vì những ý nghĩ trả thù là điều tự nhiên. Nhưng như đã nói ở trên, ngay cả các chất độc cũng là thứ tự nhiên – và những ý nghĩ về báo thù cũng giống như chất độc trong tâm trí và trái tim bạn gây tổn thương cho bạn hơn bất kì ai khác.

Do đó, khi bạn thấy bản thân quay cuồng vì bị xúc phạm, cố gắng tránh khỏi những ý nghĩ báo thù bằng những ý nghĩ tích cực. Lặp lại câu thần chú (“Giữ bình tĩnh.” “Công lý cuối cùng sẽ được thực thi.” “An tâm.”) hoặc đọc kinh. Tâm trí bạn sẽ liên tục muốn quay về với nỗi tổn thương, và bạn có thể phải ngăn ngừa những ý nghĩ về việc báo thù trong nhiều giờ đồng hồ sau khi bị xúc phạm. Mặt khác, sự cân bằng tâm lý và thể chất của bạn sẽ bị phá vỡ; bạn sẽ bị sao lãng, không thể tập trung, có xu hướng sa vào đánh giá, và dễ bị tai nạn.

• Sự công bằng ở đâu? Phát triển một niềm tin triết lý vào sự công bằng đóng một vai trò to lớn cho khả năng không đắm chìm trong cơn giận. Những người tin rằng sự công bằng phải đến từ tay họ sẽ luôn mắc kẹt trong cơn giận nạn nhân. Tuy nhiên, nếu bạn tin rằng sự công bằng nằm ở thứ gì đó ngoài bạn—như “nghiệp” hoặc Phán xét của Chúa—khi đó bạn có thể tin rằng người phạm lỗi với bạn sớm hay muộn sẽ phải trả giá cho những tội lỗi của họ; sự tin tưởng vào một công lý lớn hơn bản thân bạn sẽ giải thoát bạn khỏi sự nô lệ vô thức vào một cuộc đời liên tục cảm thấy tức giận và thù địch.

• Xem xét những lựa chọn thay thế. Còn có một lựa chọn khác để kiểm soát những cảm giác tổn thương và xúc phạm theo cách lành mạnh: bệnh tật. Nghiên cứu y khoa và lý thuyết phân tâm học từ lâu đã nhận ra sự thù địch và giận dữ kinh niên, cho dù là cơn giận không được nhận ra, bị kìm nén hoặc trút giận, có thể là các yếu tố nguyên nhân trong bệnh hen suyễn, rối loạn tự miễn dịch, bệnh động mạch vành, u nang, trầm cảm, đau đầu, đau tim, huyết áp cao, mất ngủ, rối loạn đường ruột, rối loạn tình dục, đau lưng dưới, rối loạn ám ảnh cưỡng bức, chứng hoang tưởng, và ung thư.

GIẢI THÍCH CÁ NHÂN

Sự tức giận luôn luôn là một phản ứng trước một số kiểu xúc phạm hoặc gây tổn thương. Nhưng khi bạn xem xét kỹ hơn phản ứng này thì bạn có thể thấy sự túc giận không phải là phản ứng duy nhất trước sự tổn thương.

Phản ứng nguyên thuỷ và ngay lập tức trước sự xúc phạm hoặc gây tổn thương là một kích thích sinh lý của hệ thần kinh giao cảm. Tim bạn đập nhanh. Huyết áp của bạn tăng. Tuy nhiên, những cái đó chỉ là những phản ứng phòng vệ tức thì giúp chúng ta chuẩn bị hành động để đáp lại mối đe doạ.

Sự tức giận không chỉ về cảm giác kích thích sinh lý; sự tức giận là một phản ứng đặc biệt trước kích thích đó dựa vào sự căm ghét và thù địch. Về cơ bản, sự tức giận là một mong ước gây tổn thương cho một ai đó vì người đó đã gây tổn thương cho bạn. Sự tức giận có thể là một ý nghĩ hoặc một mong ước làm tổn thương người khác. Theo ý nghĩa này, sự tức giận là một điều “xấu” vì nó là một sự tấn công tình yêu, vì tình yêu là sự sẵn sàng làm điều tốt đẹp cho người khác chứ không phải là mong ước làm hại họ.

Khi bạn được bảo hãy cảm nhận cơn giận của bạn trong buổi trị liệu tâm lý, thì bạn không phải được bảo hãy làm chuyện gì đó sai trái về đạo đức. Cũng như bạn không đuọc khuyến khích “nổi giận” bằng cách la hét, nguyền rủa, ném đồ, phá đồ hoặc đánh ai đó. Thay vào đó, bạn được bảo hãy nhận ra một điều gì đó vốn đã nằm sẵn trong bạn, để bạn có thể chấm dứt việc tự lừa dối bản thân về thực tế của riêng bạn.

Vậy hãy xem xét “một điều gì đó” có thể là những gì.

Việc bạo hành trẻ em luôn gây ra những cảm xúc bị tổn thương và xúc phạm ở đứa trẻ, và hầu như chắc chắn sự tổn thương sẽ dẫn đến một cảm xúc căm ghét và ham muốn trả thù. Trên thực tế, ngay cả đối với nhiều sự thất vọng bình thường, không phải do bạo hành, trong thời thơ ấu sẽ kích thích những cảm xúc tổn thương và tức giận. Nhưng vì trẻ em thường không được dạy cách bộc lộ những cảm xúc thù địch đó theo cách lành mạnh (và bởi trẻ không được dạy về ý nghĩa tâm lý của sự tức giận, và vì trẻ không được dạy về ý nghĩa tâm lý của sự tha thứ và sửa lỗi), nên trẻ nhanh chóng học được, thông qua nỗi sợ và tội lội, cách che giấu những cảm xúc thật của chúng trước bố mẹ.

Tuy nhiên, vấn đề tâm lý lớn nhất đó là chính những cảm xúc không được bộc lộ đó – cơn giận “xấu xa” – bị tống vào vô thức, ở đơ chúng tiếp tục phát triển trong bóng tối, giống như mốc trên tường. Cơn giận có thể bị che giấu khỏi ý thức, và nó có thể bị che giấu khỏi mọi người. Nhưng nó không thể bị che giấu trước vô thức của bạn.

Cơn giận vô thức, bất kể bạn cố gắng phủ nhận nó nhiều như thế nào, sẽ tiếp tục làm hại đến những mối quan hệ liên nhân cách của bạn (mối quan hệ liên nhân cách là mối quan hệ giữa người với người). Khi cơn giận này mưng mủ bên trong bạn thì bạn gần như không có khả năng trao đi tình yêu đích thực cho bất kì ai. Ngay bây giờ, khi những chuyện khó khăn xảy đến với bạn, bạn rơi ngay vào cơn giận thời thơ ấu.

Vì vậy, nếu bạn trải qua quá trình chữa lành này, bạn sẽ học cách giải phóng cơn giận bị che giấu của bạn khỏi nhà tù bí mật, đen tối. Bạn cũng sẽ được giải phóng khỏi những thứ khác. Bạn sẽ thoát khỏi cảm giác nạn nhân và thoát khỏi việc âm thầm đổ lỗi cho bố mẹ bạn, vì chừng nào bạn còn tiếp tục che giấu cơn giận của bạn thì bạn vẫn còn tàn tật về cảm xúc và chừng nào bạn vẫn còn tàn tật về cảm xúc thì bạn đang ném sự ốm yếu, bất lực của bạn vào mặt bố mẹ bạn để kết tội họ.

Một khi bạn thừa nhận cái cốt lõi của cơn giận của bạn và hiểu được nó và chấm dứt cái ham muốn vô thức làm hại bố mẹ bạn thì bạn có thể tha thứ cho bố mẹ. Khi đó bạn sẽ được chữa lành và bạn có thể dâng tặng tình yêu đích thực trong tim bạn cho toàn thế giới.

Notes:

1. Jacques Lacan, “Aggressivity in psychoanalysis.” In Écrits: A selection, trans. Alan Sheridan (New York: W. W. Norton, 1977), pp. 8–29.

2. William Shakespeare, Macbeth, Act V, Scene I.

3. In ancient times, the term victim referred to an animal offered in sacrifice. But in popular modern usage, the term victim refers to someone who (a) loses something against his will or (b) is cheated or duped. Thus, when we lose our possessions in a flood, for example, or are attacked by a robber, we are, in being called a “victim,” imputed feelings of victimization.

4. Maker, A. H., Kemmelmeier, M., & Peterson, C. (2001). Child sexual abuse, peer sexual abuse, and sexual assault in adulthood: A multi-risk model of revictimization. Journal of Traumatic Stress, 14, 351–368.

5. William Shakespeare, Hamlet, Act III, Scene IV.

6. St. Teresa of Avila, “The Book of Her Life.” In The Collected Works of St. Teresa of Avila, Volume Two, trans. K. Kavanaugh and O. Rodriguez (Washington, DC: ICS Publications, 1980). See ch. 32, no. 6:
“From this experience [the vision of hell] also flow the great impulses to help souls and the extraordinary pain that is caused me by the many that are condemned. . . . It seems certain to me that in order to free one alone from such appalling torments I would suffer many deaths very willingly.”

7. American Psychiatric Association: Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fourth Edition. Washington, DC: American Psychiatric Association, 1994, Appendix I.

8. Geen R.G., Stonner D., & Shope G.L. (1975) The facilitation of aggression by aggression: evidence against the catharsis hypothesis. Journal of Personality and Social Psychology, 31(4):721-6.
Mallick, S. K. & McCandless, B. R. (1966). A study of catharsis aggression. Journal of Personality and Social Psychology, 4.
Tavris, C. (1984). Feeling angry? Letting off steam may not help. Nursing Life, 4(5):59-61.

Về tác giả:

Tâm lý học của sự tức giận và quản lý cơn giận: Xúc phạm, Trả thù và Tha thứ

Raymond Lloyd Richmond, có bằng tiến sỹ về tâm lý lâm sàng và được cấp phép (psy 13274) hành nghề trị liệu ở bang California. Trước khi có bằng tiến sỹ, ông đã học lấy bằng M.A về nghiên cứu tôn giáo và một bằng M.S.E về tham vấn, và một bằng M.S về tâm lý lâm sàng. Ông đã hoàn thành chương trình Sau tiến sỹ về Tâm lý học Sức khoẻ.

Trong quá trình học của ông, ông được dạy về phân tâm học trường phái Lacanian, trị liệu tâm động học, thôi miên và trị liệu nhận thức-hành vi. Kinh nghiệm lâm sàng của ông bao gồm can thiệp khủng hoảng; điều trị về lạm dụng tình dục, thân thể và cảm xúc thời thơ ấu; tổn thương tâm lý và rối loạn stress sau sang chấn PTSD; và điều trị các chứng rối loạn lo âu, rối loạn tâm trạng và loạn thần

Tiến sỹ Richmond đã viết và duy trì một website vì cộng đồng (GuideToPsychology.com) về việc thực hành tâm lý lâm sàng; website này không có quảng cáo.

Rubi dịch
Nguồn: GuideToPsychology.com

Leave a Comment