ta có đang tiếp nhận quá nhiều thông tin ?

Với tất cả những lợi ích, một hậu quả không may của dòng thông tin này là ” hộp thư tinh thần ” (mental inbox) của chúng ta trở nên bị quá tải. Khi tâm trí chúng ta tràn đầy thông tin, động lực cơ bản của chúng ta là xả hết thông tin ra càng nhanh càng tốt. Chúng ta thường sử dụng 2 chiến lược ”thông tin sống còn” (information survival) khi hộp thư tinh thần của ta bị đầy. Chúng ta đẩy thông tin ra càng nhanh càng tốt mà thiếu suy nghĩ đến những thông điệp đi vào hoặc đi ra. Hạn chế rõ ràng của cách tiếp cận này, đó là khi bạn thiếu suy xét và đánh giá cẩn thận khi tiếp nhận thông tin (input) và sự xuất thông tin ra ngoài (output) của bạn thiếu chất lượng. Giống như khi chúng ta bị quá tải bởi email và tin nhắn thì chúng ta đơn giản sẽ xoá sạch các thông điệp mà thậm chí không nhìn đến chúng. Và những thông điệp quan trọng có thể bị bạn bỏ qua.

Sự tiếp nhận thông tin (với số lượng quá lớn và không bao giờ kết thúc) đã gây trở ngại đến khả năng ”tiếp nhận thông tin bên trong” (innerput), đây là một từ do tôi tạo ra để chỉ về quá trình suy nghĩ của chúng ta khi đáp ứng lại những thông tin tiếp nhận (input), bao gồm những sự bừng ngộ nội tâm (insight), sự tổng hợp, sự đánh giá và những quyết định. Với quá nhiều thông tin đến và nhu cầu lấy được thông tin, thì innerput sẽ chịu thiệt hại; nó không có thời gian và năng lượng đủ để xử lý tất cả thông tin.

Thông tin chỉ là một công cụ hay phương tiện; giá trị của nó nằm ở cách thức ta sử dụng chúng. Và thông tin có giá trị hạn chế, cho dù là input (tiếp nhận thông tin) hay output (xuất thông tin ra) nếu không có sự tiếp nhận thông tin bên trong (innerput). Chỉ có thông qua innerput thì thông tin mới trở nên có ý nghĩa, nó chuyển những dữ kiện đơn giản thành kiến thức và sự hiểu biết. Và điều đó chỉ đến khi bạn có thời gian cho innerput; dừng lại giữa dòng lũ thông tin để suy nghĩ, vật lộn , thách thức với thông tin.

Sự nguy hiểm của input và output khi không có innerput có thể được nhìn thấy hằng ngày. Những tin đồn không có cơ sở, căn cứ, không được tìm hiểu đầy đủ trước khi lan truyền trên mạng Internet và được chấp nhận và được xem là ”sự thật” ngay cả khi chúng được vạch trần sự thật sau đó. Thông tin nếu không có bối cảnh sẽ làm hạn chế giá trị của nó đến người đọc bằng cách giới hạn sự hiểu biết của chúng ta và ý nghĩa của nó đối với chúng ta. Những câu chuyện được kể từ một phía mà không có sự cân bằng của những quan điểm khác sẽ tạo nên ảo tưởng của sự đúng đắn. Chúng ta sẽ đưa ra những đánh giá và quyết định dựa trên những dữ kiện hạn chế đó.

Đối với các cá nhân, chỉ có input mà không có innerput thì sẽ có hậu quả nghiêm trọng. Nó có nghĩa là bạn chỉ sống trên bề mặt của thông tin hơn là đào sâu đến ý nghĩa và những ẩn ý của nó. Thiếu vắng innerput ngăn cản chúng ta sở hữu thông tin thực sự và hợp nhất nó thành nền tảng kiến thức của chúng ta. Nó cũng ngăn cản chúng ta chuyển hoá những thông tin (lạnh lẽo và không có sự sống) thành một sự bừng ngộ nội tâm, sự sáng tạo, sự đổi mới và hành động.

Làm thế nào chúng ta có thể chống lại dòng lũ thông tin quá tải và tìm thấy thời gian cho innerput? Câu trả lời cho câu hỏi này khá đơn giản, nhưng không phải dễ dàng. Sức mạnh để kiểm soát khối lượng thông tin input chúng ta đồng ý cho vào, nuôi dưỡng innerput và đảm bảo chất lượng của output nằm trong tay chúng ta. Thường thì tôi thấy mọi người trở thành nô lệ của công nghệ hơn là trở thành chủ nhân của nó. Tôi thấy mọi người trở thành những kẻ nghiện thông tin mà không quan tâm đến giá trị của thông tin.

Bạn kiểm soát dòng thông tin theo nhiều cách khác nhau. Đầu tiên, tự hỏi mình đâu là mục đích của tất cả sự input và liệu thông tin bạn tiếp nhận được mỗi ngày có thực sự mang lại một số giá trị không. Bạn sẽ nhận ra là mình đang tiếp nhận một khối lượng lớn thông tin, đơn giản vì đó là thói quen hoặc có lẽ là một sự lo lắng rằng mình sẽ bỏ lỡ một số thứ thật sự quan trọng nếu mình hạn chế thông tin tiếp nhận.

Hỏi bản thân: liệu bạn có thật sự Cần phải dõi theo những người bạn trên Twitter hoặc Facebook cứ mỗi 2 phút không? Hy vọng là bài tập này sẽ giúp bạn thấy rằng phần nhiều những thông tin bạn tiếp nhận là không cần thiết.

Khi bạn cam kết với việc hạn chế và chọn lọc thông tin tiếp nhận , bạn sẽ thiết lập được thói quen tiếp nhận thông tin lành mạnh hơn.

Khi khối lượng thông tin tiếp nhận giảm xuống và bạn hiểu về tầm quan trọng của innerput , bây giờ bạn đã có thời gian để cống hiến cho innerput. Kết quả là gì? Ít cảm thấy căng thẳng, ít cảm thấy bị chìm trong biển thông tin, có nhiều thời gian hơn, tư duy có sức thuyết phục hơn và chất lượng output tốt hơn.

Rubi dịch | Nguồn https://www.psychologytoday.com/blog/the-power-prime/201001/technology-less-input-and-more-innerput

Leave a Comment