Tình huống nào có nhiều khả năng lấy đi sức mạnh ý chí của bạn? Thật bất ngờ, những thứ sau không phải là thủ phạm: Đó không phải những tấm biển đề chữ “SALE” ở siêu thị. Đó không phải một bữa tiệc buffett. Và đó cũng không phải sự mệt mỏi vào cuối ngày. Thực tế thì tất cả những tình huống đó có thể đè nặng lên sức mạnh ý chí của bạn, nhưng thứ lớn nhất làm kiệt quệ sức mạnh ý chí của bạn lại là một thứ khác. Vậy chứ nó là gì? Câu trả lời là: những vấn đề về tiền bạc.
Chúng ta hãy bắt đầu với những nguyên nhân tại sao thiếu tiền là một thứ làm kiệt quệ sức mạnh ý chí.
Nguyên nhân 1. Sự khan hiếm làm giảm sức mạnh ý chí.
Những tác động của sự khan hiếm nói chung và sự nghèo khổ nói riêng được mô tả trong cuốn sách mới Scarcity: Why Having Too Little Means So Much của Sendhil Mullainathan và Eldar Shafir
Lo lắng về bất kỳ nguồn lực khan hiếm nào có thể làm cạn kiệt nguồn lực tinh thần quý giá mà nguồn lực đó có thể được dùng cho sức mạnh ý chí. Nhưng lo lắng về tiền bạc là tồi tệ nhất trong tất cả. Cân nhắc việc bạn sẽ thu xếp các khoản chi tiêu như thế nào chiếm giữ một phần của bộ não dùng để điều khiển sức mạnh ý chí. Điều đó khiến cho việc lập kế hoạch cho tương lai và đưa ra những quyết định tốt trở nên khó khăn hơn.
Nguyên nhân 2: Những vấn đề tiền bạc làm giảm năng lực trí tuệ của bạn.
Những lo lắng về tiền bạc còn làm suy giảm khả năng giải quyết vấn đề của bạn. Thật khó tin khi những lo lắng về tiền có tương quan với sự sụt giảm chỉ số IQ từ 9 đến 14 điểm, phụ thuộc vào tình huống được nghiên cứu.
Với ít sự khôn ngoan về việc ra quyết định, bạn có thể thấy mình đi vay với lãi suất cao từ một công ty cho vay nặng lãi hoặc sử dụng tiền đi vay để sửa chiếc xe của bạn.
Chúng ta thường đổ lỗi cho người nghèo vì đã tự gây ra những vấn đề cho chính họ do thiếu ý chí. Nhưng nếu bạn đọc nghiên cứu ở trên, bạn sẽ thấy, nhìn chung thì nó không phải là sự thiếu ý chí gây ra những rắc rối về tiền bạc, mà chính là những vấn đề về tiền bạc gây ra sự thiếu ý chí.
Nguyên nhân 3: Liên tục ra quyết định làm suy yếu ý chí.
Nhiều nghiên cứu cho thấy “sự mệt mỏi của quyết định” – phải đưa ra hết quyết định này sang quyết định khác – làm suy yếu ý chí. Sự mệt mỏi của quyết định giải thích tại sao chúng ta còn lại ít sức mạnh ý chí vào cuối ngày. Và khi tiền bạc thiếu thốn thì mọi quyết định tài chính trở nên khó khăn hơn.
Nguyên nhân 4: Stress làm suy yếu sức mạnh ý chí.
Tất cả các kiểu stress có thể làm suy yếu ý chí, nhưng các vấn đề về tiền bạc có thể là vua của các loại stress. Những rắc rối về tiền có thể khiến gia đình gây gổ và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Chúng ta càng đối mặt với nhiều stress thì chúng ta càng có ít năng lượng dành cho sự tự kiểm soát bản thân.
Ta nên làm gì trước những vấn đề về tiền bạc.
Có phải những vấn đề tài chính đang làm cạn kiệt năng lượng và ý chí của bạn? Nếu đúng như vậy thì hãy quên việc ăn kiêng, giảm béo… và xem việc thay đổi đời sống tiền bạc của bạn là ưu tiên hàng đầu.
Lên kế hoạch rõ ràng để làm cho đời sống tài chính của bạn trở nên ít căng thẳng hơn. Bạn sẽ thấy mình có nhiều sức mạnh ý chí hơn và thông minh hơn.
Mark Twain từng nói “Thiếu thốn tiền bạc là nguồn gốc của mọi tội lỗi.” Câu đó có thể quá phóng đại, nhưng dường như việc thiếu tiền là một nguyên nhân của ý chí kém.
Tham khảo:
Decision fatigue. Baumeister, R. and Tierney, J. Willpower (Penguin, 2011), p. 98 ff.
Rosenberg, Tina, “Escaping the Cycle of Scarcity.”
Mullainathan, S. “The Mental Strain of Making Do With Less.”
Nguồn:psychologytoday.com