Sức mạnh của môi trường cảm xúc

Sức mạnh của môi trường cảm xúc

Tôi không thể hiểu được. Khi đang làm tình nguyện viên ở một trung tâm vô gia cư địa phương, tôi nhìn thấy những phụ nữ phải đối mặt với sự nghèo khổ, không nhà cửa và sự biến động cảm xúc. Nhưng một số người vẫn đặt ra các mục tiêu và tiến lên trong cuộc sống của họ, trong khi những người khác thì không.

Khi Sophie lần đầu gặp tôi, đôi mắt cô đẫm lệ khi kể về chuyện bị đuổi việc và mất nhà trong cuộc suy thoái kinh tế. Nhưng khi tôi hỏi cô tìm được sức mạnh ở đâu, cô cười và nói về niềm tin của cô, đôi mắt cô ngời sáng. Cô đăng kí một lớp học vi tính, cập nhật hồ sơ và bắt đầu tìm việc. Trong vòng 1 tháng, cô có được một công việc bán thời gian và thuê được nhà. Nhưng Betty chỉ mới gặp khó khăn kinh tế, cô than phiền hết vấn đề này sang vấn đề khác. Khi tôi hỏi điều gì đem lại cho cô cảm giác có sức mạnh, cô sẽ lắc đầu, kể lể về những chuyện gây thất vọng. Tuần này sang tuần nọ, tôi đề nghị cô đặt ra một mục tiêu để cô có thể bắt đầu tiến lên, nhưng mỗi lần cô sẽ đưa ra một rắc rối mới, không bao giờ cố gắng theo đuổi đến cùng. Tôi rời buổi làm việc của chúng tôi, cảm thấy kiệt sức về tinh thần.

Dù cả hai phụ nữ trên đều ở trong tình trạng không nhà cửa như nhau, thì họ lại sống trong những môi trường cảm xúc khác nhau.

Thái độ là một yếu tố tác động mạnh mẽ lên cuộc sống của chúng ta. Trong nghiên cứu kẹo dẻo cổ điển của Walter Mischel (Mischel, Shoda, & Peake, 1988), một thực nghiệm viên nói với những đứa trẻ trước tuổi đi học rằng chúng có thể ăn một cây kẹo dẻo ngay bây giờ khi cô ấy rời khỏi phòng hoặc đợi cô ấy quay lại và chúng sẽ được ăn 2 cây kẹo dẻo. Sau này khi trở thành người lớn, những đứa trẻ chấp nhận chờ đợi – người có thể trì hoãn sự thỏa mãn – đã có số điểm học tập tốt hơn, điểm SAT cao hơn, ít lạm dụng chất, đạt được thành tựu và hạnh phúc cá nhân lớn hơn và có khả năng đương đầu tốt hơn với stress.

Nhưng một nghiên cứu gần đây tiết lộ về tầm quan trọng của môi trường cảm xúc. Lặp lại nghiên cứu kẹo dẻo, Kidd, Palmeri, và Aslin (2013) đầu tiên yêu cầu những đứa trẻ làm việc trong một dự án nghệ thuật. Đối với nhóm 1, nhà nghiên cứu đem ra một cái hộp đựng những cây bút chì màu cũ, bị gãy, sau đó nói với các đứa trẻ là ông sẽ lấy được những dụng cụ vẽ tốt hơn, và quay lại với khay lớn những cây bút màu mới và những dụng cụ vẽ tuyệt vời khác. Đối với nhóm 2, nhà nghiên cứu làm điều tương tự nhưng sau khi quay lại, nói rằng ông không tìm được bất kì dụng cụ vẽ mới nào do đó các đứa trẻ phải dùng những cây bút màu cũ. Sau đó, trong suốt bài kiểm tra kẹo dẻo, những đứa trẻ ở môi trường đầu tiên (đáng tin) đã chờ đợi lâu hơn đáng kể so với những trẻ ở môi trường 2 (không đáng tin), điều đó cho thấy tầm quan trọng của môi trường cảm xúc. Nhóm trẻ thứ nhất trải nghiệm một bầu không khí đáng tin và ổn định, ở đó người ta giữ lời hứa của họ. Nhóm trẻ thứ hai thì không.

Bối cảnh tạo ra một sự khác biệt lớn trong cuộc sống của chúng ta. Trong một thế giới đáng tin, chắc chắn thì khả năng kiểm soát cơn bốc đồng – chờ đợi để lấy được phần thưởng lớn hơn – có thể đem đến cho chúng ta thành công lớn hơn. Nhưng trong một môi trường không ổn định, thì sự thỏa mãn ngay tức thì là sự lựa chọn có lý: giành thứ bạn có thể giành trước khi ai đó lấy nó đi. Nó là sự khác biệt giữa việc lớn lên trong một môi trường gia đình ổn định hoặc một bầu không khí của bạo lực gia đình, sự tước đoạt với những người chăm sóc nghiện ngập hoặc không quan tâm. Trở lại với câu chuyện ở trung tâm vô gia cư, thế giới của Betty là hỗn loạn và không thể dự đoán được. Cô không thể lập kế hoạch vì cô không tin tưởng vào ngày mai, còn thế giới quan của Sophue được ủng hộ bởi niềm tin tôn giáo mạnh mẽ của cô, đem lại cho cô sự ổn định và trật tự lớn hơn đối với thế giới của cô.

Những hoàn cảnh sống không ổn định phá hoại khả năng kiểm soát cơn bốc đồng trong đất nước chúng ta ngày nay nhiều như thế nào – với những con người mắc chứng mua sắm bốc đồng, nợ thẻ tín dụng, dùng thức ăn nhanh và nhiều kiểu hành vi nghiện ngập khác? Bao nhiêu người trong chúng ta sống trong một thế giới không ổn định, nơi chúng ta cảm thấy mình không an toàn, muốn có sự thỏa mãn ngay lập tức vì chúng ta không thể tin tưởng vào ngày mai?

References

Kidd, C., Palmeri, H., Aslin, R. N. (2013). Rational snacking: Young children’s decision-making on the marshmallow task is moderated by beliefs about environmental reliability. Cognition, 126, 109-114.

Mischel, W., Shoda, Y., & Peake, P. K. (1988). The nature of adolescent competencies predicted by preschool delay of gratification. Journal of Personality and Social Psychology, 54, 687-696.

Rubi dịch
Nguồn Psychologytoday

Leave a Comment