Self-Sabotage và hội chứng “tự phá mình”

Self sabotage có 10 kiểu khác nhau, tương ứng với tính cách đặc trưng, hành vi và thói quen của từng cá nhân.

1. Avoider – kẻ né tránh

Nhận diện: Tập trung vào điều tích cực và dễ chịu một cách cực đoan. Tránh các nhiệm vụ khó khăn và khó chịu và xung đột.

Đặc tính: Luôn tránh xung đột và nói có với những điều mà bản thân không muốn. Hạ thấp tầm quan trọng của các vấn đề thực tế và cố gắng làm chệch hướng những cuộc đối thoại khó khăn. Gặp khó khăn khi phải nói lời từ chối. Chống lại người khác thông qua các biện pháp “hung hăng thụ động” (passive aggressive) hơn là trực tiếp. Tự hài lòng với những thói quen lập lại, thói quen mang tới sự thoải mái, dẫn đến việc họ thường trì hoãn các nhiệm vụ vượt ra khỏi vùng an toàn.

Cảm xúc tiêu cực: Sợ hãi về vùng an toàn của bản thân sẽ bị người khác làm cho nhiễu động nên tìm mọi cách để né tránh. Luôn kìm nén sự tức giận và phẫn uất hơn là bày tỏ nó thẳng thừng.

Lời nói dối tự hoại (self sabotage): Tự cho mình là người tốt khi không muốn xâm phạm đến cảm xúc của người khác. Cho rằng không có điều gì tốt đẹp đến từ việc xung đột. Cho rằng mình là người linh hoạt và yêu hòa bình.

Hậu quả: Việc chối bỏ xung đột hay cảm xúc tiêu cực sẽ khiến cho một người khó lòng có thể phát triển thêm hơn. Lãnh cảm với nỗi đau là một bệnh tâm lý chứ không phải là một trạng thái tích cực. Những thứ bị né tránh sẽ không tự giải quyết, thay vào đó sẽ tồn đọng, quay trở lại và phát triển theo nhiều cách khác nhau. Các mối quan hệ không trải qua xung đột sẽ chỉ là những mối quan hệ không chân thực, và mang tính hình thức chứ không thể gắn kết sâu đậm. Mức độ tin cậy dành cho những người khác sẽ bị giảm bởi chính những cảm xúc tiêu cực bị dồn nén.

Nguyên do: Do sinh trưởng trong một gia đình vốn dĩ luôn xung đột, căng thẳng và người né tránh luôn trong trạng thái phải đứng ra hòa giải và học cách không phải đối diện thêm bất kỳ cảm xúc tiêu cực hoặc căng thẳng phát sinh nào khác.

2. Controller – kẻ kiểm soát

Nhận diện: Luôn có nhu cầu phải chịu trách nhiệm và kiểm soát các tình huống, hành động của mọi người theo ý mình. Lo lắng và mất kiên nhẫn khi việc kiểm soát theo ý mình là không thể.

Đặc tính: Kết nối với người khác thông qua việc cạnh tranh, thách thức, đối chất hoặc xung đột hơn là cảm xúc nhẹ nhàng. Là kiểu người rất vững vàng, luôn không ngại đối đầu, đối thoại thẳng thắn. Có xu hướng muốn thúc đẩy mọi người xung quanh phải vượt ra khỏi vùng an toàn của chính họ (thường là Avoider). Luôn thích thử thách và chinh phục những điều được cho là không thể. Luôn cảm thấy ngạc nhiên khi tính cách của mình khiến người khác bị tổn thương, vì controller thường khiến người khác cảm thấy bị đe dọa. Nhiều người thậm chí nhìn nhận cách giao tiếp của một kẻ kiểm soát thường nóng giận và mang tính chỉ trích.

Cảm xúc tiêu cực: Lo lắng khi mọi thứ không theo ý mình. Giận dữ và đe dọa khi người khác không làm theo điều mình muốn. Thiếu kiên nhẫn với cảm xúc và cách đối diện với vấn đề của người khác. Thường cảm thấy bị tổn thương và bị chối bỏ, mặc dù hiếm khi thừa nhận điều đó.

Lời nói dối tự hoại (self sabotage): Nếu không có những kẻ kiểm soát như họ thì sẽ chẳng có việc gì được hoàn thành với kết quả tốt nhất. Tôi phải là người trong vai trò thúc đẩy sự phát triển của người khác, nếu như tôi không là kẻ kiểm soát thì tôi sẽ bị kiểm soát. Tôi là người có trách nhiệm cao nhất, và tôi làm điều này vì lợi ích của tất cả những người xung quanh.

Hậu quả: Người kiểm soát tạo ra được kết quả tạm thời nhưng với cái giá phải trả là những người khác cảm thấy bị kiểm soát và bực bội vì không được tự tạo ra giá trị và khai triển theo cách của họ. Người kiểm soát luôn sống một cuộc sống đầy âu lo vì thực tế cuộc sống này có rất nhiều biến số mà bản thân họ không thể nào kiểm soát được.

Nguyên do: Controller sợ bị kiểm soát và thao túng bởi người khác. Họ có những trải nghiệm đầu đời không suôn sẻ, khi bị buộc phải lớn nhanh, tự lập và chịu trách nhiệm về môi trường xung quanh – vốn dĩ hỗn loạn hoặc nguy hiểm để tồn tại về thể chất hoặc tinh thần. Kẻ kiểm soát từng trải qua việc bị tổn thương, bị từ chối hoặc bị phản bội và quyết định không bao giờ bị tổn thương như vậy nữa.

3. Judge – Kẻ phán xét

Nhận diện: Tìm ra lỗi của bản thân, người khác và hoàn cảnh. Tạo ra nhiều áp lực, thất vọng, tức giận, hối hận, tội lỗi, xấu hổ lẫn lo lắng. Đồng thời kích hoạt ra cảm xúc tự hoại từ những người xung quanh.

Đặc tính: Luôn tập trung vào những sai lầm trong quá khứ hoặc thiếu sót ở hiện tại của bản thân. Tập trung nhìn vào những thiếu sót hay lỗi lầm của người khác thay vì đánh giá cao họ, cũng như luôn đưa ra những so sánh hơn thua với người khác. Bên cạnh đó, kẻ phán xét thường nhấn mạnh vào tình huống hoặc kết quả là “xấu” thay vì nhìn nhận ra cơ hội hoặc điểm tích cực.

Sự tự hoại (self sabotage): Thực chất, kẻ phán xét là nguồn cơn gây ra phần lớn sự tức giận và lo lắng. Mọi cảm xúc tội lỗi, hối hận, xấu hổ và thất vọng là từ những người thích phán xét mà ra.

Hậu quả: Sự phán xét là nguyên nhân của phần lớn sự lo lắng, đau khổ và đau khổ trong cuộc sống. Đây cũng là nguyên nhân của nhiều xung đột trong các mối quan hệ.

Nguyên do: Do thiên hướng thích để ý, phóng đại và phản ứng tiêu cực là một kiểu chiến lược sinh tồn của con người. Phản ứng tiêu cực làm giảm khả năng bị bất ngờ và bị tổn hại bởi những nguy hiểm không lường trước được đối với cảm xúc lẫn thể chất của chúng ta. Thích phán xét thực chất vô cùng phổ biến trong xã hội loài người và là sự tự hoại chung cho tất cả mọi người, bất kể hoàn cảnh giáo dục của chúng ta như thế nào.

4. Pleaser – Kẻ làm vui lòng

Nhận diện: Pleaser luôn cố gắng đạt có được sự chấp thuận và tình cảm bằng cách giúp đỡ, làm hài lòng, hoặc tâng bốc người khác. Họ thường đánh mất nhu cầu của bản thân và kết quả là trở nên âu lo đến bực bội nếu như không được người khác yêu mến.

Đặc tính: Có nhu cầu muốn được mọi người ưa thích và cố gắng đạt được điều đó bằng việc luôn giúp đỡ, lấy lòng, cứu trợ hoặc tâng bốc người khác. Pleaser cần sự trấn an thường xuyên từ người khác thông qua sự chấp nhận và yêu mến. Pleaser không thể bày tỏ nhu cầu của chính mình một cách công khai và trực tiếp nhưng luôn cố gắng gợi ý gián tiếp bằng cách để mọi người cảm thấy có nghĩa vụ phải đáp lại nghĩa cử và thiện chí của pleaser.

Sự tự hoại (self sabotage): Cho rằng không làm điều này cho bản thân mình, không làm điều này vì vụ lợi. Pleaser giúp đỡ người khác một cách vị tha và không mong đợi bất cứ điều gì được đáp lại. Cho rằng thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn nếu mọi người đều là kẻ làm vui lòng người khác như mình.

Hậu quả: Có thể gây tổn hại tình cảm, thể chất hoặc thậm chí là tài chính khi luôn phải cố gắng quan tâm tới các nhu cầu của người khác, dẫn đến hậu quả là cảm thấy phẫn uất và kiệt sức. Những người được quan tâm bởi Pleaser có thể phát triển sự phụ thuộc hơn là học cách tự chăm sóc bản thân, và cảm thấy bị ràng buộc, tội lỗi hoặc bị thao túng bởi chính Pleaser.

Nguyên do: Pleaser cố gắng thu hút sự chú ý và chấp nhận thông qua việc giúp đỡ người khác. Đây là một nỗ lực gián tiếp nhằm đáp ứng nhu cầu có được tình cảm của một người. Tính cách này được nuôi dưỡng từ thời thơ ấu với thiên kiến nhận thức rằng họ:

1. Phải đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của chính mình.

2. Phải cho đi sự quan tâm và tình cảm để được đền đáp. Cũng giống như tài chính, thiện cảm phải nỗ lực để có được chứ không đơn giản là xứng đáng nhận được.

5. Restless – Kẻ bận rộn

Nhận diện: Bồn chồn, liên tục tìm kiếm sự phấn khích với những dự án, công việc hoặc hoạt động tiếp nối để duy trì sự bận rộn của bản thân. Hiếm khi nào nhận thức được sự bình yên hoặc hài lòng với hiện tại.

Đặc tính: Dễ bị phân tâm và phân tán năng lượng. Luôn bận rộn, đồng thực hiện nhiều nhiệm vụ và kế hoạch khác nhau. Tìm kiếm sự phấn khích và thách thức chứ không phải là sự thoải mái hay an toàn. Kẻ bận rộn có thể thoát khỏi cảm giác khó chịu rất nhanh chóng bằng cách tìm kiếm sự kích thích mới liên tục.

Sự tự hoại (self sabotage): Cuộc sống quá ngắn ngủi, Restless lo sợ rằng bản thân mình là những người bị bỏ lại phía sau.

Hậu quả: Thực chất ẩn sau vui vẻ và phấn khích của kẻ bận rộn là nỗi âu lo phụ thuộc trên sự trốn tránh việc trải nghiệm tất cả mọi thứ ở thì hiện tại, có thể bao gồm cả việc đối mặt với những điều khó chịu. Kẻ bận rộn có xu hướng vô thức trốn tránh những vấn đề hay các mối quan hệ thực tế và lâu dài. Những người xung quanh gặp khó khăn trong việc theo kịp với sự “điên cuồng” và hỗn loạn do Restless mang tới và khó lòng có thể xây dựng bất cứ thứ gì bền vững với một kẻ bận rộn.

Nguyên do: Có thể liên quan đến những trải nghiệm đầu đời, thiếu sự nuôi dưỡng và quan tâm của cha mẹ hoặc biến cố liên quan đến gia đình. Trạng thái không ngừng nghỉ dường như là giải pháp duy nhất và là một lối thoát khỏi việc phải đối mặt với sự lo lắng và đau đớn của bản thân.

6. Stickler – kẻ xét nét

Nhận diện: Là một người quá cầu toàn đến mức bị nhìn nhận là quá xét nét. Kẻ xét nét cũng gần đạt đến ngưỡng của một kẻ kiểm soát.

Đặc tính: Là một người đúng giờ, bài bản, cầu toàn. Có xu hướng hay cáu kỉnh, căng thẳng, cố chấp, mỉa mai, chỉ trích bản thân và người khác. Kẻ xét nét chắc chắn là người có nhu cầu tự chủ và tự kiềm chế mạnh mẽ. Kẻ xét nét sẵn sàng làm thêm giờ để bù đắp cho sự cẩu thả và lười biếng của người khác. Kẻ xét nét có thể khiến người khác ít nhiều bị tổn thương nhưng lại rất nhạy cảm với những lời chỉ trích.

Sự tự hoại (self sabotage): Chủ nghĩa hoàn hảo là tốt, thêm vào đó nó khiến cho kẻ xét nét cảm thấy tốt hơn về bản thân. Họ thường cho rằng có những cách đúng và sai rõ ràng để làm mọi việc. Họ tự tin và cho rằng mình biết mọi thứ nên được thực hiện như thế nào và tự trao quyền bản thân phải làm điều đúng đắn.

Hậu quả: Đối với chính họ: gây ra sự cứng nhắc và giảm tính linh hoạt trong việc đối phó với sự thay đổi và phong cách khác biệt của người khác. Bản thân kẻ xét nét là một nguồn gốc của sự lo lắng và thất vọng liên tục, gây ra sự oán giận, lo lắng, thiếu tự tin và cam chịu ở những người khác. Những người liên tục cảm thấy bị chỉ trích và cam chịu rằng cho dù họ làm việc chăm chỉ đến đâu, họ sẽ không bao giờ làm hài lòng một Stickler.

Nguyên do: Nghịch với Judge, Stickler lại tìm cách để làm lắng đi mọi sự ngờ hoặc, phán xét dành cho chính bản thân mình lẫn người khác. Họ luôn muốn cho rằng mình là người hoàn hảo hay tạo dựng vẻ ngoài như thế. Họ đặt niềm tin vào việc nếu mọi thứ làm đúng thì sẽ không có một ai có thể can thiệp hay trách móc họ. Nguyên do một cá nhân trở thành Stickler là vì họ sinh trưởng giữa một động gia đình hỗn loạn, hoặc phải tranh giành sự chấp thuận và chú ý từ bậc phụ huynh vốn luôn xa cách về tình cảm hoặc đặt quá nhiều áp lực, sự kỳ vọng vào con cái.

7. Victim – kẻ đóng vai nạn nhân

Nhận diện: Quá đa cảm và tính khí thất thường. Thường xuyên muốn mình trở thành trung tâm của sự chú ý, quan tâm của mọi người. Victim là những kẻ tập trung quá mức vào cảm xúc cá nhân, đặc biệt là những thứ tiêu cực.
Self sabotage là gì & 10 kiểu self sabotage phổ biến?

Đặc tính: Nếu bị chỉ trích hoặc bị hiểu lầm, kẻ đóng vai nạn nhân có xu hướng rút lui, hờn dỗi. Luôn kịch tính và thất thường. Khi mọi việc trở nên khó khăn, họ luôn sụp đổ, tỏ ra vô voọng và từ bỏ. Những cơn thịnh nộ bị kìm nén sẽ dẫn đến trầm cảm, thờ ơ và mệt mỏi liên tục. Vô thức tự khiến mình gặp phải nhiều rắc rối. Muốn thu hút sự chú ý bằng việc tỏ ra mình yếu đuối, gặp khó khăn về cảm xúc.

Sự tự hoại (self sabotage): Bằng việc đóng vai nạn nhân, có thể họ sẽ nhận được sự chú ý và quan tâm mà họ cho rằng mình xứng đáng có được. Victim cho rằng thể hiện cảm xúc, nỗi buồn là cách thể hiện tinh tế, sâu sắc và đặc biệt nhạy cảm mà không phải ai cũng làm được.

Hậu quả: Việc luôn đóng vai nạn nhân khiến cho những người xung quanh thiếu thiện cảm, và dần dần khiến mọi người tránh xa. Cũng sẽ có nhiều người cảm thấy bất lực, tội lỗi khi không có cách nào giúp đỡ hay làm dịu “nỗi đau” của những kẻ đóng vai nạn nhân (nhưng rồi chính những người này cũng sẽ tỉnh ngộ khi kẻ đóng vai nạn nhân sẽ luôn có những “nỗi đau” khôn nguôi như vậy).

Nguyên do: Những người thích đóng vai nạn nhân từng bị xem nhẹ, không được yêu mến hay phớt lờ khi còn bé, khiến cho họ luôn bất an và cảm thấy có nhiều thứ không ổn về bản thân mình. Hành vi đóng vai nạn nhân được hình thành từ bé, từ việc mong muốn có được sự quan tâm từ những người không dành đủ sự quan tâm hay phớt lờ họ.

8. Hyper-vigilant: kẻ quá thận trọng

Nhận diện: Liên tục lo lắng về tất cả các nguy hiểm và những gì xấu có thể xảy ra. Hyper-vigilant luôn cảnh giác mà không bao giờ có thể nghỉ ngơi hay có được cảm giác thật sự an toàn. Chính bởi vậy mà họ có xu hướng tự hoại những gì đang diễn ra tốt đẹp hay thuận lợi với họ.
Self sabotage là gì & 10 kiểu self sabotage phổ biến?

Đặc tính: Luôn lo lắng, nghi ngờ thường xuyên về chính bản thân lẫn người khác. Nhạy cảm bất thường đối với các tín hiệu nguy hiểm. Không ngừng trông đợi sai sót hoặc nguy hiểm sẽ xảy ra, cũng như nghi ngờ về những gì người khác đang làm.

Sự tự hoại (self sabotage): Luôn nghĩ tiêu cực, về cuộc sống đầy rẫy những nguy hiểm, dối lừa hay tiêu cực. Nếu họ không tỏ ra thận trọng thì bản thân và những người xung quanh sẽ bị tổn thương hay gặp nguy hiểm.

Hậu quả: Những kẻ quá thận trọng tự khiến cho cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Sự lo lắng thường trực đốt cháy rất nhiều năng lượng lẫn tâm sức mà vốn dĩ nên được dùng để làm những điều tuyệt vời khác trong cuộc sống. Những người xung quanh sẽ có xu hướng tránh xa những kẻ quá thận trọng vì nguồn năng lượng tiêu cực cũng như sự ngờ hoặc quá mức đó.

Nguyên do: Hyper-Vigilant có xuất phát điểm từ việc phải trải qua những trải nghiệm đe dọa sự an toàn và cảm giác được đảm bảo mà đáng lý phụ huynh hoặc người nuôi dưỡng phải đảm bảo được. Sự tự hoại này cũng có thể xảy ra khi những sự kiện đau đớn xảy ra bất ngờ, khiến cho kẻ quá thận trọng có thiên kiến nhận thức rằng cuộc sống này luôn rình rập hiểm nguy và không thể lường trước theo cách thức tiêu cực.

9. Hyper-achiever: kẻ theo đuổi thành tích

Nhận diện: Luôn phụ thuộc vào hiệu suất công việc và thành tích liên tục để tự tôn và xác nhận giá trị của bản thân. Tập trung quá mức vào thành công bên ngoài, dẫn đến xu hướng tham công tiếc việc và đánh mất sự kết nối sâu sắc trong khía cạnh tình cảm của các mối quan hệ.

Đặc tính: Rất ganh đua, đề cao hình ảnh và địa vị của bản thân. Giỏi che đậy những cảm xúc bất an và luôn thể hiện vẻ bề ngoài và hình ảnh tích cực. Biết cách điều chỉnh cá tính của bản thân để gây được ấn tượng trong mắt của người khác. Là một người tham công tiếc việc, đề cao thành tựu và chiến tích của bản thân hơn là những giá trị nội tâm. Luôn giữ các mối quan hệ ở khoảng cách an toàn bởi sợ bị nhìn thấy những thiếu sót của bản thân.
Self sabotage là gì & 10 kiểu self sabotage phổ biến?

Sự tự hoại (self sabotage): Sự yếu đuối về mặt cảm xúc, hay quá đề cao nội tâm là một lối sống phí hoài. Một người muốn thành công thì phải tự mình xây dựng hình ảnh thành công và cuộc sống này là để dành cho việc theo đuổi những thành tựu, tạo ra giá trị liên tục để trở nên có ý nghĩa.

Hậu quả: Kẻ theo đuổi thành tích chỉ có được sự vui lòng và hạnh phúc tồn tại trong thời gian ngắn ngủi khi đạt được một thành tựu nào đó. Họ sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái, cảm xúc tiêu cực khó chối bỏ khi bản thân gặp thất bại hay đã nỗ lực hết mình nhưng không đạt được kết quả như mong muốn. Họ không thể tự đối thoại với chính bản thân để thấu hiểu chính mình, cũng như có những kết nối sâu sắc tới những người xung quanh. Việc luôn theo đuổi thành tích khiến cho bản thân Hyper-achiever được ngưỡng mộ và tạo động lực cho những người xung quanh, nhưng chính sức ảnh hưởng và sự phụ thuộc quá mức vào việc theo đuổi thành tích cũng sẽ khiến cho những người đó trở thành một kẻ theo đuổi thành tích tiêu cực khác.

Nguyên do: Đối với Hyper-Achiever, việc xác nhận bản thân, chấp nhận bản thân và yêu bản thân đều có điều kiện — điều kiện là phải tạo ra thành tích liên tục. Nguyên do phần lớn là vì khi còn bé, phụ huynh của họ đã không ngợi khen hay công nhận thành tựu của họ đủ nhiều. Hoặc, có nhiều đứa trẻ có thiên kiến nhận thức sai lệnh từ bé, khi nhận định rằng sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương của phụ huynh đến từ việc chúng đạt được thành tích khiến cho cha mẹ chúng tự hào, chứ không phải là một tình yêu vô điều kiện.

10. Hyper-rational: kẻ quá lý trí

Nhận diện: Là người độc lập, có sự tập trung mạnh mẽ vào việc áp đặt lý trí vào mọi thứ, bao gồm cả các mối quan hệ. Thường có thể bị nhìn nhận là lạnh lùng, xa cách và cao ngạo về trí tuệ.
Self sabotage là gì & 10 kiểu self sabotage phổ biến?

Đặc tính: Mãnh liệt và tư duy độc lập, thích giữ bí mật và được nhìn nhận là sở hữu trí thông minh cao. Họ thường không muốn người khác đào sâu vào cảm xúc nội tại của mình và vì thế mà có cách sống khép kín, bí mật. Thường im lặng và quan sát để phân tích mọi thứ từ xa. Sẽ hay có xu hướng tập trung vào công việc mà quên đi thời gian. Không ngại tranh luận và có xu hướng luôn hoài nghi.

Sự tự hoại (self sabotage): Hyper-rational cho rằng lý trí là điều quan trọng nhất và cần được bảo vệ khỏi sự tác động của những cảm xúc và nội hàm của con người, chỉ để có thể hoàn thành công việc của mình một cách hiệu quả nhất.

Hậu quả: Giới hạn sự sâu sắc và tính linh dạng của các mối quan hệ công việc lẫn trong cuộc sống, chỉ vì thói quen phân tích quá nhiều mà thiếu đi sự trải nghiệm lẫn cảm nhận. Hyper-rational sẽ khiến người khác cảm thấy bị đe dọa, nếu như họ không phải là người quá lý trí như vậy.

Nguyên do: Khi là một đứa trẻ, họ được tụng ngợi về sự thông minh và luôn được đề cao về khả năng tập trung lẫn sự độc lập một cách thái quá. Những đứa trẻ phải trải qua những biến cố khiến cảm xúc bị xáo động mạnh mẽ cũng sẽ tự thiết lập nên sự tự hoại của bản thân khi trở thành một kẻ quá lý trí và chối bỏ cảm xúc. Lý trí dường như là điều duy nhất khiến cho họ cảm thấy an toàn hay vượt trội trước những người khác.

Nguồn: soawkwardrose