Trong bài này tôi sẽ tập trung vào 2 khía cạnh: 1) làm thế nào chúng nêu bật thực tế là nỗi xấu hổ là cốt lõi của hành vi bạo hành, và 2) làm thế nào mà một sự thiếu từ bi đối với bản thân và người khác là một trong nhiều ảnh hưởng dài hạn của việc bị bạo hành trong thời thơ ấu. Tôi sẽ dùng trường hợp của Adrian Peterson và Ray Rice để minh hoạ cho những quan điểm của tôi.
Các nhà trị liệu chuyên nghiệp và các chuyên gia về sang chấn tâm lý biết rằng những người từng bị bạo hành thời thơ ấu thường lặp lại chu kỳ của bạo hành bằng cách bản thân họ trở thành kẻ bạo hành. Khoảng 30% số trẻ bị bạo hành và bị bỏ mặc sau này sẽ bạo hành lại chính những đứa con của họ (U.S. Department of Health and Human Services 2013). Và nhiều người từng làm việc với những người bạo hành người khác thì phát hiện thấy những thân chủ đó thường chứa đầy sự xấu hổ. Trong thực tế, những chuyên gia như tôi đang nhận ra những nạn nhân thời trước bây giờ trở thành kẻ bạo hành thì không cần “kiểm soát cơn giận” nhiều bằng việc họ cần “kiểm soát sự xấu hổ.”
Xấu hổ là nguồn gốc của sự tàn nhẫn, bạo lực và những mối quan hệ tiêu cực, và là cốt lõi của nhiều kiểu nghiện ngập. Nó có thể huỷ hoại hình ảnh bản thân của một người theo cách mà không cảm xúc nào khác có thể làm được, khiến anh ta cảm thấy mình không hoàn thiện, yếu kém, vô giá trị và không đáng yêu. Nếu ai đó trải nghiệm đủ sự xấu hổ thì anh ấy có thể trở nên căm ghét bản thân đến nỗi anh ấy tự huỷ hoại bản thân hoặc thậm chí tự tử. Anh ấy cũng có thể trở thành kẻ bạo hành.
Xấu hổ là một phản ứng tự nhiên trước sự bạo hành. Đây là bởi bạo hành về bản chất là sự làm nhục và làm mất tính người. Tồn tại một cảm giác bị xâm phạm và làm nhơ bẩn, và sỉ nhục của sự bất lực và dưới quyền của người khác. Cảm giác này xuất hiện sâu sắc nhất trong trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng nó xuất hiện với mọi hình thức của bạo hành. Ví dụ, bạo hành thân thể không chỉ là một sự tấn công lên cơ thể mà nó còn là một sự xúc phạm đến tính nguyên vẹn của nạn nhân. Không ai có quyền tấn công cơ thể chúng ta – nó là một sự xâm phạm. Bạo hành tinh thần từng được miêu tả như “kẻ giết tâm hồn” (Hirigoyen 2000). Liên tục chỉ trích, xúc phạm, khinh thường, những kỳ vọng vô lý, và những hình thức bạo hành tinh thần khác có thể cũng gây hại và gây ra sự xấu hổ giống như sự tấn công cơ thể hoặc tình dục; một số chuyên gia, kể cả tôi, tin rằng những ảnh hưởng tiêu cực của bạo hành tinh thần có thể kéo dài lâu hơn và có nhiều hậu quả sâu rộng hơn những hình thức bạo hành khác. Sự bỏ mặc cũng có thể tạo ra nỗi xấu hổ ở một đứa trẻ, khiến nó nghĩ “Nếu mẹ của tôi không yêu thương tôi đủ để quan tâm đến tôi, thì tôi phải là đứa vô giá trị.” Làm thế nào mà một đứa trẻ có thể giải thích việc bị bỏ mặc hoặc bỏ rơi bởi một người bố/mẹ?
Những nạn nhân của sự bạo hành thời thơ ấu cũng có xu hướng cảm thấy xấu hổ, vì là con người, chúng ta muốn tin rằng chúng ta có sự kiểm soát đối với những việc xảy đến với chúng ta. Khi điều đó bị thách thức bởi việc bị đối xử tàn nhẫn, thì chúng ta cảm thấy bị làm nhục. Chúng ta tin rằng mình nên có khả năng bảo vệ bản thân. Điều này đặc biệt đúng với những nạn nhân nam. Và vì chúng ta không thể làm được, nên chúng ta cảm thấy bất lực và không tự lo liệu được. Sự bất lực này dẫn đến sự bẽ mặt và xấu hổ.
Một người cảm thấy xấu hổ sâu sắc trong thời thơ ấu, đặc biệt nếu anh ấy bị làm xấu hổ bởi việc bị bố/mẹ bạo hành, có thể chứa đầy nỗi xấu hổ đến nỗi nó quá tải và không thể chịu được. Do đó, anh ta tìm cách để giải phóng bản thân khỏi nỗi xấu hổ gây suy nhược này. Một cách phổ biến để đạt được điều này là phóng chiếu nỗi xấu hổ sang một người khác. Điều này có thể xảy ra dưới hình thức nghĩ về người khác theo một lối chỉ trích, khinh thường hoặc trở thành kẻ bạo hành về tinh thần, thân thể hoặc tình dục.
Nếu một phụ huynh từng xấu hổ sâu sắc khi còn bé do bị bố mẹ bạo hành thân thể, thì anh ta có thể vô thức phóng chiếu nỗi xấu hổ đó sang đứa con của họ và biện minh cho điều này bằng cách nói với bản thân anh ta là đứa bé cần bị phạt hoặc “được dạy một bài học.” Sự trừng phạt này có xu hướng cực đoan và khắt khe, ít liên quan đến những việc mà đứa bé đã làm. Sự xấu hổ cũng có thể biểu lộ khi một người bố/mẹ có những kỳ vọng vô lý về đứa con của họ-vô lý theo nghĩa kỳ vọng hành vi hoặc kiến thức vượt quá khả năng, kỹ năng hoặc sự trưởng thành về cảm xúc của đứa trẻ.
Trong trường hợp mà một sự trừng phạt nhẹ có thể là đã đủ, một người cha/mẹ đầy sự xấu hổ sẽ có khuynh hướng trở nên quá mức bằng những trừng phạt hà khắc, sỉ nhục hay xâm hại thân thể của đứa trẻ. Trong trường hợp của Adrian Peterson, một người tự hỏi một đứa bé 4 tuổi đã làm chuyện gì để đáng bị ăn đòn – một trận đòn gây ra những vết cắt, vết rách và vết thâm tím nhìn thấy được.
Nó đặc biệt gây xấu hổ cho một đứa trẻ khi một người bố/mẹ bạo hành bé, xâm phạm cơ thể hoặc tính toàn vẹn của bé. Bạo hành thân thể gửi đi thông điệp rằng đứa bé là “xấu” và do đó “không đáng yêu.” Trẻ em muốn được yêu thương và chấp nhận bởi bố mẹ chúng nhiều hơn bất kì thứ gì. Và vì tình yêu của bố mẹ quá quan trọng, nên trẻ sẽ bịa ra mọi lý do cho hành vi của một người bố/mẹ-thậm chí cả hành vi bạo hành. Rất thường xuyên, đứa trẻ rốt cuộc sẽ tự đổ lỗi cho bản thân chúng vì “khiến” bố mẹ bạo hành chúng, nghĩ rằng “Nếu tôi làm những việc mẹ bảo tôi làm thì bà sẽ không nổi giận” hoặc “Tôi biết tôi là nỗi thất vọng đối với bố tôi—không ngạc nhiên khi ông ấy phải thường xuyên đánh tôi.”
Những nạn nhân của sự bạo hành thân thể thường cảm thấy họ gây thất vọng cho bố mẹ của họ hoặc cho nhân vật quyền lực khác và do đó xứng đáng bị trừng phạt hoặc đánh đập. Nhiều thân chủ của tôi tửng bị bạo hành thân thể nghiêm trọng đã cãi lại tôi khi tôi gọi những gì đã xảy ra với họ là “bạo hành.” Tôi nghe được mọi thứ từ “Bạn không biết tôi hư hỏng như thế nào. Mẹ tôi chỉ có thể kiểm soát tôi bằng cách đánh tôi với sợi dây thừng đó” cho đến “Tôi xứng đáng với mỗi trận đòn mà tôi nhận. Cha tôi chỉ đang cố dạy tôi trở thành một người đàn ông.”
Thêm vào nỗi xấu hổ tồn tại mãi bởi niềm tin cho rằng sự bạo hành là do lỗi của chúng, thì còn có nỗi xấu hổ gắn liền với bản thân sự xâm phạm. Đây là nỗi xấu hổ đến từ cảm giác bị từ chối và bị bỏ rơi bởi một người lớn, người (mà người bị bạo hành) yêu thương và muốn được người đó yêu thương. Đối mặt với sự thật- rằng họ bơ vơ và bất lực hoặc họ bị bỏ rơi bởi một ai đó mà họ yêu thương- là rất đau đớn và đáng sợ đến nỗi nhiều người từ chối làm điều đó.
Những người có một quá khứ từng bị bạo hành thì có những khuynh hướng nhất định khi nói đến việc họ nhìn nhận và đối xử với con họ như thế nào, bao gồm: không thể có lòng từ bi đối với con họ, một xu hướng tin rằng họ đang bị xúc phạm (khiến họ phản ứng quá dữ dội đối với hành vi của con họ), đầu tư quá nhiều cho bề ngoài của con cái họ được “hào nhoáng” (và họ được hào nhoáng theo vì là cha mẹ của những đứa trẻ đó) vì một sự thiếu tự tin, và khăng khăng đòi đứa con của họ “để ý” hoặc tôn trọng họ để bù đắp cho nỗi xấu hổ hoặc sự thiếu tự tin của họ.
Và còn có một lý do khác, thường không được thảo luận, có thể khiến một người bố/ mẹ trở nên bạo hành: nhìn thấy điểm yếu hoặc sự tổn thương của riêng họ trong đứa con của họ. Những người có một quá khứ từng bị đối xử tàn nhẫn có thể phản ứng lại bằnh cách căm ghét hoặc khinh bỉ sự yếu đuối. Nếu họ nhìn thấy sự yếu đuối đó ở đứa con của họ, chúng có thể nhắc nhở họ về tính dễ bị tổn thương của họ và trải nghiệm bị đối xử tệ và điều này có thể kích thích sự căm ghét bản thân, khiến họ chửi mắng đứa con của họ.
Khi Adrian Peterson nói rằng anh đang làm với đứa con anh những gì từng xảy ra với anh, anh ấy đang kể sự thật cho chúng tôi. Chúng ta biết rằng sự bạo hành trẻ em, đặc biệt là bạo hành thân thể, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng khi anh nói anh không cố ý gây tổn thương cho con trai anh, nhưng chỉ muốn kỷ luật cháu bé, có lẽ anh không kể toàn bộ sự thật. Tôi không nói rằng anh đang nói dối chúng tôi – có nhiều khả năng là anh ấy đang nói dối bản thân. Dù tôi không tin rằng anh ấy cố ý gây tổn thương cho con trai anh, nhưng ở mức độ vô thức, tôi tin là anh ấy đang trút cơn giận của anh lên đứa bé-cơn giận bị kìm nén của anh ấy vì bị bạo hành. Giống như rất nhiều nạn nhân của sự bạo hành trẻ em, anh ấy đang chuyển sang một người yếu hơn sự bạo hành mà anh từng chịu đựng. Bây giờ anh ấy là người có quyền lực, anh ấy đang cố gắng giải thoát bản thân khỏi nỗi xấu hổ và bẽ mặt mà anh từng cảm nhận dưới bàn tay của bố/mẹ anh.
Cơn giận dữ xuất hiện một cách tự nhiên và tự phát khi một người nào đó bị làm cho xấu hổ. Nó có tác dụng như một biện pháp tự bảo vệ để bảo vệ bản thân không trải nghiệm thêm sự xấu hổ nữa. Nó cũng dùng như một cách để chủ động giữ những người khác ở xa ra. Nhưng dù được giữ bên trong hay bộc lộ ra bên ngoài, sự tức giận đáp ứng mục đích phòng thủ và có thể chuyển sự xấu hổ sang người khác—nói cách khác, làm người khác cảm thấy xấu hổ để làm giảm nỗi xấu hổ của riêng chúng ta.
Trong tác phẩm lớn về xấu hổ, Shame: The Power of Caring (1992), tiến sỹ Gershen Kaufman, một chuyên gia về xấu hổ, đã khái niệm hoá nhiều hội chứng dựa trên sự xấu hổ có nguồn gốc và được tổ chức quanh tác động của sự xấu hổ. Một chứng rối loạn được gây ra bởi sự bạo hành thân thể, có gốc rễ từ sự bất lực và bẽ mặt.
“Những trận đòn liên tục là một nguyên nhân tái diễn của nỗi xấu hổ ở những trẻ có bố mẹ không thể kiểm soát và phóng thích cơn giận đang dâng lên của họ một cách an toàn. Sự tức giận của bậc làm cha mẹ, điều kéo cò cho một tình thế có sự bạo hành thân thể diễn ra, chính là một phần của câu chuyện đang diễn ra. Những bố mẹ bạo hành thân thể con cái của họ thì thường bản thân họ cũng từng bị bạo hành khi còn bé. Họ cảm thấy bị bẽ mặt và tiếp tục sống với nỗi xấu hổ chưa được xử lý trong cuộc đời của họ. Những đứa con của bố mẹ có nỗi xấu hổ sẽ không tránh khỏi việc kích hoạt nỗi xấu hổ của bố mẹ họ, và chu kỳ lặp lại với nỗi xấu hổ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác” (p. 181).
“Những bố mẹ đang bạo hành con họ thì đồng thời đang làm sống lại những cảnh tượng mà ở đó họ cũng bị đánh đập, nhưng họ làm sống lại cảnh tượng từ góc nhìn của bố mẹ họ. Bây giờ họ đang đóng vai của bố mẹ họ, do đó viết lại cảnh tượng đó. Hình ảnh nội tâm của bố mẹ bạo hành dàn xếp quá trình” (p. 182).
Phủ nhận dẫn đến sự thiếu từ bi
Những người từng làm việc với các nạn nhân của sự bạo hành trẻ em có thể chứng thực, các nạn nhân của sự bạo hành trẻ em thường phủ nhận việc họ từng bị bạo hành và nhiều lần bảo vệ những hành động của bố mẹ bạo hành của họ. Những hành vi đó được dùng như chức năng duy trì sự gắn bó cơ bản của đứa trẻ với bố mẹ chúng, thậm chí khi đối mặt với bằng chứng hằng ngày của sự ác ý hoặc thờ ơ. Theo chuyên gia về sang chấn tâm lý Judith Herman, việc bạo hành hoặc là bị ngăn khỏi ý thức và trí nhớ, để nó không thực sự xảy ra, hoặc được tối thiểu hoá, hợp lý hoá và bào chữa. Không có khả năng thoát khỏi hoặc thay đổi thực tế không chịu đựng nổi này, đứa trẻ thay đổi điều này trong tâm trí nó.
Nhưng không phải tất cả các trẻ bị bạo hành đều có khả năng thay đổi thực tế thông qua sự phủ nhận, giảm thiểu hoá hoặc phân tích. Judith Herman giải thích trong cuốn sách của bà, Trauma and Recovery:
“Khi không thể tránh né được thực tế bị bạo hành, đứa trẻ phải xây dựng lên một số hệ thống của ý nghĩa bào chữa cho nó. Đứa trẻ không tránh khỏi việc kết luận rằng cái xấu bẩm sinh của nó chính là nguyên nhân. Đứa trẻ bám vào lời giải thích này từ sớm và bám vào nó một cách ngoan cố, vì nó cho phép bé duy trì một cảm giác có ý nghĩa, hy vọng và sức mạnh. Nếu bé là người xấu thì khi đó bố mẹ của bé là người tốt. Nếu bé là xấu thì khi đó bé có thể cố gắng để trở thành tốt. Nếu bé gán số phận này lên bản thân nó, thì khi đó bé có sức mạnh để thay đổi nó” (p. 103).
Có nhiều khả năng, Adrian Peterson sẽ không đánh con trai anh bằng gậy nếu anh không chối bỏ những trải nghiệm bị bạo hành của anh và nếu anh có thể có chút lòng từ bi với bản thân anh về những nỗi khổ anh chịu đựng.
Anh ấy sẽ không muốn đánh con trai của anh nếu anh có thể thừa nhận với bản thân những lần mà anh bị đánh đập để lại trong anh cảm giác bị bẽ mặt, khiếm khuyết và vô giá trị như thế nào. Anh sẽ không còn cảm thấy thôi thúc muốn truyền nỗi xấu hổ sang con trai anh nếu anh có khả năng thấu cảm và cảm nhận nỗi đau của người khác. Thay vì vậy, anh đã làm việc mà rất nhiều nạn nhân đã làm. Để bảo vệ lòng tự trọng của anh và ngăn không để bản thân anh bị làm cho xấu hổ lại lần nữa, anh đã xây lên một bức tường để phòng thủ. Anh che giấu những cảm giác bị tổn thương và yếu đuổi và nỗi đau và đóng chặt trái tim của anh để tránh không bị thêm tổn thương cảm xúc nào nữa.
Thay vì bảo vệ cha anh và tự đánh lừa bản thân rằng những trận đòn mà anh chịu đựng giúp anh sống trung thực, ngay thẳng và có đạo đức và giúp anh trở thành một cầu thủ bóng đá thành công, sự cứu tế của Adrian nằm ở việc thú nhận rằng trong khi cơn giận của anh có thể làm anh đủ hà khắc để đối xử với những người đàn ông khác, nó cũng làm anh ấy khó từ bi với đứa con trai 4 tuổi của anh, ngay cả khi cháu bé gào khóc vì đau đớn, ngay cả khi cơ thể bé nhỏ yếu ớt của cháu bắt đầu chảy máu.
Và khi chúng ta không biết quá khứ của Ray Rice, chúng ta có thể phỏng đoán rằng anh ấy cũng đóng chặt trái tim của anh và xây lên một bức tường phòng thủ để che giấu nỗi đau và sự tổn thương của anh, có nhiều khả năng do những trải nghiệm bị bạo hành hoặc sang chấn thời thơ ấu. Chúng ta có thể giả định điều này, không chỉ vì anh đánh gục vợ chưa cưới của anh mà còn vì tại thời điểm đó, khi anh nhận ra anh thực sự đã làm tổn thương cô, anh ấy không quỳ gối mà nói, “Anh xin lỗi em yêu” hoặc thậm chí “Em có ổn không?” Anh không đỡ cô lên hoặc thậm chí đặt cô nằm lên giường hoặc ghế sofa. Anh cúi xuống và túm lấy chân cô và kéo cô ra khỏi thang máy. Anh ta thậm chí không tôn trọng cô đủ để kéo váy của cô xuống. Thay vào đó anh để cô nằm trên đất trong lúc anh nói chuyện với một người khác. Kiểu người nào lại làm điều đó với người khác? Kiểu đàn ông nào không chỉ đánh đập vị hôn thê của anh ta mà còn không bộc lộ bất kì sự quan tâm hay hối hận nào? Câu trả lời: một ai đó đã đóng chặt trái tim của anh ta, một ai đó không có sự thấu cảm hoặc lòng từ bi đối với nỗi khổ của người khác.
Mang vác nỗi xấu hổ gây suy yếu đó cũng giống như bị đè nặng bởi một gánh nặng. Và chống lại nỗi xấu hổ không làm nó biến mất-nó tiếp tục mưng mủ giống như một vết thương sẽ không lành. Vậy làm thế nào một người chữa lành sự xấu hổ từ việc bị bạo hành thời thơ ấu? Bằng cách đối mặt với nỗi xấu hổ của họ, không chạy trốn khỏi nó. Nó gây tổn thương khi vượt khỏi sự chối bỏ và đối mặt với sự thật về sự bạo hành và kẻ bạo hành họ, nó thậm chí còn gây tổn thương hơn khi tiếp tục mang theo nỗi xấu hổ bị gây ra bởi việc tự đổ lỗi cho bản thân họ.
Những người trở thành kẻ bạo hành cần được tham vấn tâm lý để giúp họ thông qua quá trình vượt khỏi sự chối bỏ, bộc lộ cơn giận của họ theo những cách thích hợp, và có lẽ quan trọng nhất là học cách từ bi với nỗi đau của họ.
Khi khả năng từ bi với bản thân của họ tiếp tục phát triển, họ sẽ khám phá ra lòng từ bi của họ dành cho những người khác cũng sẽ phát triển. Khi họ dừng phớt lờ nỗi đau của họ và bắt đầu an ủi và xoa dịu bản thân họ trong những lúc phiền muộn, thì họ sẽ thấy khả năng quan tâm đến nỗi đau khổ của người khác của họ sẽ tăng lên.
Những người trở nên bạo hành thì mang tiếng xấu vì không có lòng thấu cảm hoặc từ bi với người khác, đặc biệt là với những nạn nhân của họ. Nhưng khi họ không còn phải nỗ lực để chống lại nỗi xấu hổ của họ, thì họ sẽ có thể bỏ miếng vải che mắt của họ ra và thực sự nhìn thấy nỗi đau của người khác – kể cả nỗi đau do họ gây ra.
Điều này làm tăng khả năng có lòng từ bi đối với những người khác, đến lượt nó, làm họ ít có khả năng tái phạm. Khi phần lớn nỗi xấu hổ của họ được loại bỏ, thì họ có đủ khả năng đối mặt với bản thân một cách trung thực hơn, bao gồm sự thú nhận khi họ từng bị bạo hành trong quá khứ và phát hiện bản thân khi họ bắt đầu trở nên bạo hành trong hiện tại.
Tôi đã viết một cuốn sách sẽ được xuất bản vào tháng 1 với tựa đề It’s Not Your Fault: Healing the Shame of Childhood Abuse through Self-Compassion. Trong đó tôi giúp những người từng bị bạo hành thời thơ ấu dừng đổ lỗi cho bản thân họ vì bị bạo hành và học cách làm sao để từ bi đối với nỗi đau của họ. Trong phần II của bài này tôi sẽ chia sẻ với bạn làm thế nào để dạy lòng từ bi với bản thân cho những người từng bị bạo hành (cũng như người đã trở nên tự bạo hành hoặc thiết lập một kiểu mẫu nạn nhân) không chỉ giúp các nạn nhân trước đây chữa lành mà còn giúp họ phá gỡ chu kỳ của sự bạo hành.
Rubi dịch
Nguồn: http://www.psychologytoday.com/blog/the-compassion-chronicles/201409/domestic-violence-and-child-abuse-in-the-nfl