Các câu chuyện trinh thám từ những thế kỉ trước đang được các nhà thần kinh học ngày nay nghiên cứu – nhưng tại sao lại như vậy? Hoá ra, thậm chí là công nghệ hiện đại cũng không thể thay thế những bài học về tư duy lí trí chứa đựng trong đó.
Ngay sau khi Andrew Lees dấn thân vào sự nghiệp y khoa tại Bệnh viện Đại học London, một trong số các cấp trên đã đưa cho ông một danh sách đọc khá kì lạ. Thay vì các tuyển tập giải phẩu mốc meo thường thấy, ông nhận được trọn bộ tiểu thuyết trinh thám Sherlock Holmes.
Tiểu thuyết trinh thám thì có thể dạy được gì cho một nhà thần kinh học đầy tham vọng đây trời? Cuối cùng thì theo Lees đã viết trên tạp chí Brain, nó là một món hời đấy. Dù chuyên môn của bạn là gì thì am hiểu những kiến thức này sẽ cung cấp cho chúng ta nhiều bài học bổ ích về nghệ thuật tư duy bằng lí trí.
Theo Lees, tác giả Arthur Conan Doyle của Holmes vốn là một bác sĩ, và có bằng chứng rằng ông đã tạo dựng hình tượng Holmes dựa trên một vị bác sĩ trưởng lúc đó tên là Joseph Bell của Bệnh viện Hoàng gia Edinburg. “Tôi nghĩ là tôi sẽ thử viết truyện về một vị anh hùng đối phó với tội ác như cách mà bác sĩ Bell chữa trị căn bệnh.” – Doyle hồi tưởng trong một buổi phỏng vấn vào năm 1927.
Chú ý vào chi tiết
Nhưng Lees đặt vấn đề rằng khi câu chuyện phát triển lên, Conan Doyle có thể đã được truyền thêm cảm hứng từ những bác sĩ khác, như là William Gowers, tác giả quyển Kinh thánh của ngành Thần kinh học. (Bản thân Conan Doyle là sinh viên y khoa chuyên ngành thần kinh, ông và Gowers có cùng chung một người bạn là tác giả Rudyard Kipling.)
Gowers thường dạy sinh viên của mình phải bắt đầu chẩn đoán từ giây phút bệnh nhân bước qua cửa, theo một trong những ghi chép về hồ sơ bệnh án của ông, sau đó được phát hành dưới cái tên A Clinical Lecture on Silver and Syphilis: “Bạn có chú ý khi anh ta bước vào phòng không? Nếu không thì đáng lẽ ra bạn phải làm điều đó. Một trong những thói quen cần có và không bao giờ được quên là quan sát một bệnh nhân khi người đó bước vào phòng; chú ý diện mạo và dáng đi của anh ta. Nếu bạn có chú ý, bạn đã có thể nhận thấy rằng anh ta hơi khập khiễng và từ đó hiểu được nguyên nhân gây ra vẻ nhợt nhạt bất thường trên gương mặt bệnh nhân này.”
Đây là một điểm tương đồng đáng kể với thói quen của Holmes, điều tra tất cả mọi người mà anh ta gặp dựa trên những manh mối ít ỏi, như được tái hiện lại trên các phim truyện cổ điển của BBC:
Đặc biệt, tầm quan trọng của những điều dường như vô lí lại truyền cảm hứng cho cả hai người đàn ông này.
“Từ lâu, chân lí đã nói rằng những thứ nhỏ nhặt nhất chắc chắn là quan trọng nhất,” Conan Doyle đã viết như thế trong A Case of Identity.
Cả Gowers và Holmes đều cảnh báo rằng đừng để định kiến cản trở phán đoán của bạn. Với cả hai người, quan sát công tâm và bình tĩnh là ưu tiên hàng đầu. Đây là lí do Holmes đã quở trách Watson trong The Scandal of Bohemia: “Anh chỉ nhìn, chứ anh chẳng hề quan sát. Khác nhau rõ ràng đó.” Hoặc theo như Gowers: “Phương pháp bạn nên học tập chính là: Bất cứ khi nào bạn bước vào một vụ án không hề có chi tiết nào quen thuộc với mình, tạm thời quen hết mọi kiểu điều tra, mọi cái tên trong đầu. Hãy xử lí nó như một vụ án mà trước đây chưa từng có, điều tra như thể nó là một vấn đề mới đến từ thời Tần cổ đại.”
Các câu chuyện về Sherlock Holmes đã trở thành kho tư liệu vô giá cho những người mong muốn được mở mang tri thức với cách giáo dục siêu ngầu và siêu logic (Theo: BBC/Hartswood Films)
Có những lúc năng lực quan sát ngoài đời thực của Gowers có điểm tương đồng với hình tượng anh hùng của Holmes. Hãy xem xét nghiên cứu của vị bác sĩ này về một người đàn ông ban đầu bị chuẩn đoán nhầm là bị một chứng rối loạn tâm lí tương tự với chứng loạn thần kinh:
“Tôi nhìn vào bảng theo dõi bệnh nhân, ngay lập tức, tôi chú ý đến ghi chú về nghề nghiệp của người này “Thợ sơn”. Từ đây, tôi nhìn lên nướu răng, trên đó thể hiện rõ ràng đặc điểm cho thấy ảnh hưởng từ nghề nghiệp của anh ta – một đường màu chì đáng chú ý.” Chỉ cần dùng mắt để xem xét những thứ người khác bỏ lỡ, Gowers đã suy luận một cách chính xác rằng người đàn ông kia bị ngộ độc bởi chất sơn mà anh ta sử dụng.
Có nhiều ví dụ khác như: cách cả hai cùng suy luận ngược (từ kết luận suy ra bằng chứng), ví dụ, phân tích tất cả những hướng khả thi có thể dẫn đến một căn bệnh (trong trường hợp của Gowers) hoặc một án mạng (trong trường của Holmes) cụ thể. Hướng tiếp cận này có lẽ là tóm tắt đúng nhất cho châm ngôn nổi tiếng nhất của Holmes: “Sau khi đã loại bỏ những gì không thể thì cái còn lại, dù vô lý đến đâu, cũng vẫn là sự thật.”
Cho đến ngày nay, Sherlock Holmes vẫn là một nguồn cảm hứng cho nhiều người suy nghĩ dựa trên lí trí với mong muốn thoát khỏi “lời nguyền chuyên gia” (the curse of expertise) – sự chủ quan, ỷ lại của các chuyên gia vào kiến thức lí thuyết. (Theo: Alamy)
Nhưng có lẽ bài học quan trọng nhất mà chúng ta học được từ cả Gowers và Holmes là giá trị của việc thừa nhận lỗi của chính mình. “Các quý ông – Chúng ta vẫn luôn hài lòng khi mình làm điều đúng đắn, nhưng việc sai lầm còn hữu dụng hơn rất nhiều,” Gowers đã viết như thế trong khi Holmes cũng thừa nhận: “Tôi phải thú thật rằng tôi từng mù như một con chuột chũi, nhưng học hỏi sự thông thái, dù có muộn màng, vẫn hơn là không bao giờ được học nó.”
Sự khiêm nhường là nhân tố quyết định trong việc đánh bại “lời nguyền chuyên gia”. Những năm vừa qua, nhà thần kinh học nhận thức Itiel Dror của Viện Đại học London đã ghi chép lại nhiều trường hợp các chuyên gia giỏi trong cả ngành y lẫn luật để cho sự thiên vị làm sai lệch phán xét của mình – kể cả trong những tình huống sinh tử.
Không cần biết các tố chất mà Gowers ảnh hưởng đến Conan Doyle là gì, cho đến tận hôm nay, những bài học từ Holmes vẫn luôn đem lại cho chúng ta cái nhìn sâu hơn về sức mạnh của lối suy nghĩ logic. Dù là công nghệ tiên tiến nhất cũng không bao giờ thay thế được sức mạnh của khả năng quan sát và suy luận lí trí. Cũng như Lees nói, bệnh viện “như là một hiện trường” – và chúng ta vẫn cần những bộ óc minh mẫn nhất để tra ra điều bí ẩn. Như ông đã khẳng định nhiều năm về trước, nếu bạn muốn trui rèn năng lực suy diễn của mình, tốt nhất vẫn là đọc (hoặc đọc lại) Sherlock Holmes.
Khương Minh Tú dịch
Nguồn: http://www.bbc.com/future/story/20160107-what-sherlock-holmes-tells-us-about-the-mind