Ai Là Kẻ Thao Túng Cảm Xúc?
Việc quen với người hay thao túng cảm xúc như người mắc chứng ái kỷ, rối loạn nhân cách chống xã hội hoặc bị rối loạn nhân cách tựa như việc đi trên một chuyến tàu lượn cảm xúc tai hại. Mặc dù nhiều đối tượng có xu hướng chỉ bộc lộ bản chất thật sau khi đã “bẫy” được nạn nhân trong thời gian dài, nhưng vẫn có một số dấu hiệu cần chú ý chủ yếu có thể dự báo hành vi của người mà bạn đang quen.
Ta cần lưu ý rằng kẻ lợi dụng cảm xúc không phải người thỉnh thoảng bộc lộ nỗi đau của mình; mà đây là một người tiêu cực cố tình “săn lùng” các nạn nhân nhằm phục vụ cho mưu tính của mình. Họ thường xuyên có hành vi thao túng, gian dối kèm theo việc thiếu khả năng cảm thông và hối hận về hành động. Nhiều người không hiểu rằng đây chính là kiểu hành vi có chủ ý, ác độc và thường được suy tính từ trước.
Nếu bị Rối Loạn Nhân Cách Ái Kỷ (Narcissistic Personality Disorder) hoặc Rối Loạn Nhân Cách Chống Xã Hội (Antisocial Personality Disorder), về cơ bản họ sẽ thiếu khả năng cảm thông với người khác. Tuy nhiên, Đường Dây Nóng Quốc Gia Về Bạo Lực Gia Đình (The National Domestic Violence Hotline) đã xóa bỏ niềm tin hoang đường rằng do bị bệnh tâm lý nên kẻ thao túng mới có hành vi ngược đãi – vì không phải ai cũng bị họ ngược đãi – họ thường chọn các nạn nhân là người gần gũi và thân thiết với họ nhất.
Trong các tình huống thế này, kẻ thao túng thường chọn gây ra hành vi ngược đãi hơn là vì bị căn bệnh chi phối. Những cá nhân này có thể nhanh chóng đổi từ chiếc mặt nạ này sang chiếc mặt nạ khác trước nhiều người. Điều này có nghĩa là hành vi ngược đãi của họ được gây ra dưới sự kiểm soát có ý thức và họ vẫn phải chịu trách nhiệm về việc tiếp tục ngược đãi người khác mà không tìm cách chữa bệnh.
“Bản năng săn mồi” của những kiểu người này thực chất đã được ghi chép tỉ mỉ thành tư liệu và nghiên cứu bởi các chuyên gia như Tiến sĩ Robert Hare, Lundy Bancroft, Tiến sĩ Martha Stout, nhà trị liệu Christine Canon de Louisville và Tiến sĩ George Simon, rất nhiều trong số họ đã làm việc với các khách hàng là những kẻ thao túng này cùng với nạn nhân của họ. Tất cả đều phát hiện ra rằng hành vi ngược đãi là được suy tính trước và hành vi thao túng cũng thế. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu và nhóm ủng hộ đều khám phá ra rằng nhiều kẻ thao túng thích thú và thấy thỏa mãn khi thao túng người khác vì lợi ích cá nhân.
Điều tuyệt vời của việc hẹn hò là bạn không bị ràng buộc vào một mối quan hệ, nên bạn có thể dùng tiến trình này như một phương pháp tìm hiểu thêm về người yêu/bạn đời tiềm năng của mình, và nếu cần thiết thì chấm dứt quan hệ mà không phải đầu tư hơn nữa cho mối quan hệ nếu đối phương dần bộc lộ tính bạo hành của mình.
Dấu Hiệu #1: Nhu Cầu Kiểm Soát
Những kẻ thao túng thường muốn kiểm soát và thao túng nạn nhân của họ, vì thế họ sẽ tìm cách âm thầm duy trì việc kiểm soát bạn về mặt tâm lý. Họ thường làm việc này bằng nhiều cách khác nhau:
Đeo dính
Mặc dù nhiều người không nhận ra điều này nhưng việc một kẻ thích thao túng có sức hút tâng bốc và quan tâm bạn quá mức thật ra là hình thức kiểm soát vì nó khiến bạn lệ thuộc vào lời khen của họ. Nếu phát hiện mình liên tục nhận được quá nhiều tin nhắn, cuộc gọi và e-mail khi mới hẹn hò thì hãy cẩn thận với các dấu hiệu khác.
Có thể chuyện ai đó say mê bạn chỉ sau một buổi hẹn hò thì thật tuyệt, nhưng thật ra đó lại là tín hiệu cảnh báo hành vi đáng ngờ và một sự đeo dính. Thật bất thường khi có người cứ liên lạc với ta suốt 24/7, đặc biệt là khi ta chỉ mới hẹn hò với họ vài lần. Không ai có thời gian liên tục “cập nhật tình hình” với một người mà họ “vừa mới” hẹn hò.
Kiểu tương tác này thật hoàn hảo cho những kẻ thao túng “cập nhật tình hình” của bạn nhằm tìm hiểu xem bạn đang có ý định gì, đảm bảo bạn “cắn câu” sự quan tâm của họ, và cũng là một dạng “lý tưởng hóa” đặt bạn vào vị thế được ngưỡng mộ mà thoạt đầu có vẻ khó cưỡng. Dĩ nhiên, nếu đã quen với vòng lặp của những kẻ ái kỷ bao gồm việc lý tưởng hóa, hạ thấp giá trị của người khác rồi vứt bỏ họ, thì bạn sẽ biết rồi mình cũng sớm bị hắt hủi.
Phản ứng không lành mạnh với sự từ chối hoặc các giới hạn
Không giống những đối tượng hẹn hò chỉ đơn thuần muốn gặp lại bạn và thể hiện sự hứng thú một cách chừng mực, người tiêu cực thường sẽ tỏ ra vô cùng khó chịu nếu bạn không trả lời họ ngay lập tức hoặc nếu bạn phản kháng lại sự lý tưởng hóa của họ bằng cách cho mình không gian riêng cần thiết. Người này cũng sẽ không chờ bạn phản hồi: họ sẽ tiếp tục cố chấp và theo đuổi bạn một cách không lành mạnh mà không hề biết nhiều về bạn. Mức độ quan tâm này không phải là cách theo đuổi thật sự dù ban đầu trông có vẻ như thế – nó rất gớm ghiếc và nguy hiểm. Nó cho họ cảm giác được kiểm soát thời gian và sự hiện diện của bạn mà không màng đến sở thích, mong muốn hoặc nhu cầu của bạn.
Khi bạn đặt ra giới hạn cho người tiêu cực, chắc chắn họ sẽ vượt qua giới hạn đó. Ví dụ, nếu bạn từ chối về nhà với họ trong buổi hẹn hò đầu tiên thì có thể họ sẽ vẫn tiếp tục nài nỉ bạn dù biết bạn không muốn. Khi việc bạn từ chối luôn biến thành sự thương lượng thì hãy cẩn thận. Điều này có nghĩa bạn đang bên người không tôn trọng quyền được lựa chọn và quyền được bảo vệ các giới hạn hoặc giá trị cá nhân của bạn.
Gây hấn vật lý
Là người liên tục phá vỡ giới hạn, kẻ thao túng cũng có thể lấn át các nạn nhân về mặt thể chất. Kiểu hành vi này có thể chỉ bộc lộ ra sau khi đã quen nhau nhiều tháng, nhưng đôi lúc họ có thể trở nên hung hăng chỉ sau vài buổi hẹn hò. Việc túm lấy bạn một cách quá thô bạo, xô đẩy bạn khi cãi vã hoặc mâu thuẫn, xâm phạm không gian cá nhân của bạn bằng mọi cách nào, ép bạn quan hệ thể xác, động chạm vào bạn một cách tùy tiện chính là tín hiệu nguy hiểm phải được lưu ý. Đó là dấu hiệu cho thấy mọi thứ sẽ chỉ trở nên tệ hơn trong tương lai.
Sự gây hấn vật lý này có thể xảy ra dưới tác động của rượu bia hoặc các loại thuốc kích thích khác, vì thế bạn không rõ nguyên nhân là từ đâu mà chỉ cảm thấy mình bị đe dọa và bất an. Đừng cố gắng biện minh là nó do tác động của rượu bia – rượu bia có thể làm giảm khả năng tự chủ, nhưng không làm thay đổi nhân cách. Nhiều khả năng là kẻ thao túng đang bộc lộ đúng con người mình dù khẳng định rằng “ma men” bắt họ làm vậy.
Ngược đãi người khác
Cho dù kẻ thao túng “yêu chiều” bạn một cách khá hợp lý lúc mới quen, bạn có thể quan sát họ cư xử với người khác nhằm tìm ra tín hiệu cảnh báo hành vi trong tương lai. Ví dụ, họ có thô lỗ với nhân viên phục vụ bàn trong buổi hẹn hò với bạn không? Họ có giận dữ thái quá khi người khác tán tỉnh, nói chuyện với bạn hay khen bạn quyến rũ trước mặt họ không? Còn cách họ nói về người khác thì sao? Nếu họ nói xấu người yêu cũ và đồng nghiệp thì hãy hiểu đây là những vấn đề tính khí tiêu cực mà cuối cùng bạn sẽ là người lãnh đủ.
Hay nổi giận vô cớ
Đây là thủ đoạn vô cùng quan trọng của kẻ thao túng nhằm 1) giữ hình tượng và cái tôi cá nhân, 2) đổ lỗi lên người khác, 3) giành lại quyền kiểm soát bằng cách dựng lại một “phiên bản mới của câu chuyện” giúp họ có vẻ cao thượng, thánh thiện và 4) khơi gợi nỗi sợ hãi và đe dọa người khác làm theo những gì mình muốn.
Dấu Hiệu #2: Nghiện Khiêu Khích
Những kẻ âm thầm thao túng thường khá giỏi khiêu khích người khác. Khi tìm hiểu nhiều hơn về bạn, người này sẽ tìm các điểm yếu của bạn và đưa ra những bình luận về vấn đề mà họ biết sẽ tổn thương bạn nhất. Việc biết bạn bị khiêu khích bởi những nhận xét này khiến họ cảm thấy rất thỏa mãn, giúp họ giảm cảm giác tự ti được che giấu và nuôi dưỡng ảo tưởng về sự vĩ đại, quyền kiềm soát và năng khiếu của họ. Nắm quyền kiểm soát cảm xúc của bạn cũng cho họ thao túng và thuyết phục bạn tin rằng bạn không xứng nhận được điều tốt đẹp hơn.
Chỉ trích
Họ chỉ trích tính cách, ngoại hình, nghề nghiệp, trang phục bạn nên mặc, người mà bạn nên chơi, đều hành động không phù hợp, đặc biệt khi hai người chỉ mới quen. Nếu nhận thấy mình thường phải nghe những nhận xét “hữu ích” kiểu này trong vài buổi hẹn đầu tiên, hãy đề phòng. Không có người nào nên cố “thay đổi” bạn ngay khi mới làm quen bạn, và nếu họ làm thế thì đây chính là con đường dẫn đến rắc rối.
Những nhận xét khiêu khích này có thể bị hiểu nhầm thành lời phê bình mang tính xây dựng hoặc “chỉ là câu nói đùa,” nhưng bạn có thể phân biệt được nó vì đây thường là những nhận xét gắn liền với thái độ kẻ cả hơn là thông cảm và quan tâm.
Lời trêu chọc thô lỗ chỉ làm châm ngòi cơn thịnh nộ trong bạn, việc hạ thấp và xúc phạm bạn thì rất khác so với việc trêu ghẹo cho vui nhằm tán tỉnh hoặc tạo ấn tượng với người yêu/bạn đời.
Nói mỉa
Hãy cẩn thận với những lời mỉa mai gián tiếp. Nó chính là một trong những vũ khí lợi hại của kẻ thao túng. Họ thích bác bỏ suy nghĩ, ý kiến và cảm xúc của bạn bằng cách thường xuyên đưa ra những nhận xét mỉa mai khiến bạn cảm thấy xấu hổ đến mức không bao giờ dám chất vấn họ nữa. Vì nói mỉa thường không bị xã hội xem là một kiểu “ngược đãi” nên những kẻ thao túng lợi dụng nó như một cách trốn tránh trách nhiệm khi nói năng thô lỗ, kẻ cả và có hành vi xúc phạm. Họ ngày càng bạo dạn trong cách đưa ra những lời mỉa mai trong thời gian quen bạn – thứ mà trước đây đã từng là câu trêu đùa “cho vui” nay trở thành sự khủng bố tinh thần thường xuyên khiến bạn nghi ngờ quyền được đưa ra ý kiến trái chiều của mình.
Cố khiến bạn ghen tị
Nếu họ liên tục gợi chuyện người yêu cũ, thường nhìn ngắm những phụ nữ/nam giới khác khi hẹn hò với bạn (trong lúc đó lén kiểm tra xem bạn có đang quan sát họ không), và nói về việc hẹn hò “kiểu người yêu” khác bạn khá nhiều thì hãy bỏ chạy đi.
Người yêu đúng nghĩa sẽ cố gắng khiến bạn cảm thấy an toàn, tin tưởng và được trân trọng, yêu thương chứ không phải cảm thấy bất an và hoài nghi. Đây có thể là một hình thức so sánh tai hại mà trong đó kẻ thao túng cố tạo ra một hình tượng mình muốn đồng thời hạ thấp giá trị của bạn từ đó thôi thúc bạn đấu tranh để được họ quan tâm chú ý.
Chiến tranh lạnh
Kẻ thao túng có thể tỏ ra im lặng nếu bạn nghi ngờ quyền lực hoặc nhắc lại hành vi ngược đãi của họ. Điều này có thể thôi thúc bạn muốn đeo đuổi họ hơn nhằm cố khiến họ “công nhận” cảm xúc của bạn và thừa nhận rằng họ sai. Rủi thay, bạn chỉ cho họ tăng thêm quyền lực khi làm thế. Cuối cùng họ sẽ “đổi ý”, nhưng là sau khi bạn trút giận lên họ rồi lại xin lỗi vì đã cư xử quá “thô lỗ” ngay cả khi bạn chẳng làm gì sai mà chỉ bày tỏ ý kiến của mình mà thôi.
Dấu Hiệu #3: Tính Cách Và Hành Vi Không Nhất Quán
Những kẻ thao túng bậc thầy sẽ dành mánh lới “lúc ân cần lúc thờ ơ” cho giai đoạn quan hệ lâu dài, nhưng những kẻ khác có thể có biểu hiện này ngay trong tháng hẹn hò đầu tiên. Cách làm của họ như sau:
Áp đặt và thao túng (Gaslighting)
Kẻ ái kỷ và những kiểu người yêu tiêu cực khác cũng rất giỏi thao túng và áp đặt, các phương thức họ dùng để thuyết phục xã hội rằng các nạn nhân của họ mới chính là những kẻ điên rồ và để thuyết phục các nạn nhân rằng suy nghĩ của họ không đúng. Kiểu thao túng này rất có hại cho các nạn nhân về lâu dài, vì thế quan trọng là phải phát hiện ra các dấu hiệu từ sớm, nhờ đó bạn có thể nhanh chóng thoát khỏi kiểu suy nghĩ khác mà những kẻ này có xu hướng áp đặt lên bạn.
Thao túng và áp đặt là một mánh lới rất khôn ngoan cho phép những người tiêu cực vừa đổ hết lỗi lầm từ tính cách của họ sang bạn vừa giúp bản thân họ không mang tiếng đạo đức giả, lừa dối hoặc chịu trách nhiệm về hành vi trái đạo lí của mình.
Nếu thấy không thoải mái về điều mà người yêu nói hoặc làm rồi sau đó chối bay chối biến, “việc lớn hóa nhỏ” hoặc áp đặt lên bạn thì hãy nhớ rằng những kẻ ái kỷ thích gọi người khác là “điên khùng.” Đó là từ mà họ thường dùng miêu tả bất kỳ phản ứng cảm xúc hợp lý nào của nạn nhân trước hành vi thiếu trung thực và mâu thuẫn của họ. Đây chính là hình thức thao túng đơn giản nhất nhưng theo thời gian sẽ trở thành kiểu tra tấn tâm lý phức tạp mà trong đó nạn nhân bắt đầu nghi ngờ quan điểm của mình về sự ngược đãi ngầm và cảm thấy không thể tin tưởng suy nghĩ của chính mình nữa. Việc ngăn chặn (kết thúc cuộc đối thoại trước cả khi nó bắt đầu), chiến tranh lạnh và hạ thấp giá trị người khác sau đó sẽ sớm diễn ra nhằm duy trì quyền kiểm soát. Kẻ ái kỷ có thể dễ dàng duy trì nhân cách lệch lạc của mình mỗi khi hành vi của họ bị phát giác và làm nạn nhân mất uy tín để che đậy hành vi ngược đãi ngầm đó hoặc gây ra hậu quả tồi tệ là bạn cố không làm mất lòng họ.
Nếu muốn hiểu sự khác biệt giữa anh/cô người yêu đưa ra lời phê bình mang tính xây dựng hoặc đơn giản là không đồng tình với bạn và người thường xuyên áp đặt giá trị của họ lên bạn, hãy quan sát kĩ những gì họ làm hơn là lời họ nói.
Có dấu hiệu nào thể hiện họ thường bắt lỗi bạn về một số tính cách hoặc thói quen mà chính họ dường như cũng thấy tội lỗi khi phạm phải không? Họ có gọi bạn là giả tạo dù chính họ mới là người thường xuyên mâu thuẫn với lời họ nói trước đó không? Khi bạn chỉ ra sự thô lỗ của họ, họ có phản bác bằng cách nhắc lại chuyện gì đó không liên quan mà bạn từng làm, chỉ để chuyển “mũi dùi” về bạn không?
Ví dụ, bạn có thể gặp kẻ ái kỷ lúc đầu ám ảnh nặng về bạn, theo dõi 24/7 xem bạn đi đâu, làm gì và đi với ai và bắt bạn chứng minh bất cứ khi nào nghĩ bạn có dấu hiệu lăng nhăng. Nhưng nếu bạn chỉ ra các dấu hiệu họ không chung thủy hoặc chất vấn bất kỳ lời nói dối rõ rành rành nào của họ thì họ có thể nổi cơn ái kỷ và giở trò thao túng khiến bạn nghĩ mình mới là người ghen tuông, thích chiếm hữu và nói với bạn rằng bạn đang chìm đắm vào mối quan hệ quá sớm – giảm nhẹ sự thật là họ mới là người giám sát bạn ngay từ đầu.
Hãy cẩn thận – sự áp đặt và thao túng của kẻ ái kỷ rất tinh vi, quỷ quyệt, và có tính thuyết phục đến mức bạn thường sẽ bị dẫn dụ xin lỗi họ vì đã sống đúng với con người mình.
Vẻ ngoài thu hút
Có vô số người tiêu cực bắt đầu thao túng người khác bằng vẻ ngoài hào nhoáng đi cùng với tính ích kỷ và thiếu cảm thông hoặc chân thật. Bạn có thể bắt đầu phát hiện ra cách cư xử giả tạo của họ khi bạn đã tập nhận biết các cử chỉ không lời, biểu cảm và ngữ điệu giọng nói. Những kẻ thao túng bậc thầy thường khá hấp dẫn và bạn có thể dễ dàng học nhìn thấu điều này thông qua việc quan sát cách họ cường điệu hóa những gì họ cảm nhận về bạn và phô trương cho thấy họ “quan tâm” đến bạn dù thực chất thì không như vậy.
Ví dụ, câu “Anh/em chưa từng có cảm giác thế này về bất kỳ ai khác,” vào một hai buổi hẹn hò đầu tiên không những quá sớm, mà còn gần như là một lời nói dối nhằm tạo ấn tượng với bạn. Khi sự hấp dẫn này đi cùng những hành động mâu thuẫn với lời nói của kẻ thao túng, chẳng hạn như sự thật là họ chưa bao giờ hỏi về sở thích hoặc đam mê của bạn mặc dù thể hiện mình “say đắm” bạn, bạn sẽ sớm hiểu đây chỉ là những mánh lới hòng chiếm được tâm trí (và nhiều khả năng là thể xác) của bạn.
Lời nói dối rõ rành rành
Bạn có bắt quả tang người đó thường nói dối hay dựng lên những câu chuyện hoàn toàn vô lý không? Họ có dần “lộ ra” các dấu hiệu để rồi cuối cùng bạn hiểu ra toàn bộ câu chuyện không? Cô gái từng chỉ là “một người bạn” họ đi chơi cùng giờ đột nhiên lại được họ bảo là người yêu cũ. Người đàn ông “chỉ là” đồng nghiệp mà họ gặp gỡ tại bữa họp mặt Chủ nhật sau lại bị bạn phát hiện ra là chồng cũ. Đúng là trong những buổi hẹn hò đầu tiên ai cũng giữ lại vài chuyện quan trọng để dành thổ lộ ở thời gian sau này và ai cũng thỉnh thoảng phạm sai lầm hoặc có “những lời nói dối vô hại” nhằm giữ hình tượng của bản thân. Tuy nhiên, nếu nói dối quá thường xuyên thì đây không phải là xu hướng lành mạnh để bắt đầu mối quan hệ hẹn hò. Giãi bày, thành thật và cởi mở là những từ lạ lẫm đối với một kẻ thao túng luôn sống trong thế giới của sự lừa dối.
Thường xuyên “biệt tích”
Lúc đầu, họ thường xuyên cập nhật tình hình của bạn, dồn dập gọi điện và nhắn tin. Đột nhiên họ biến mất trong nhiều ngày, rồi xuất hiện như thể chưa có việc gì xảy ra. Những lần biệt tích này, thường xảy ra mà không có lời giải thích thuyết phục, chính là một cách kiểm soát sự trông đợi của bạn và khiến bạn “mòn mỏi mong chờ” họ liên lạc.
Thay đổi thái độ đối với bạn
Kẻ thao túng thường áp dụng tư duy trắng-đen và điều này dẫn đến sự phân cực cảm xúc trong cách mà họ nhìn nhận bạn. Bạn hoặc là “người trong mộng” nếu đáp ứng được nhu cầu của họ, hoặc bỗng trở thành kẻ xấu nếu làm họ thất vọng vì bất kỳ lý do nào hoặc đe dọa đến cảm giác quyền lực mong manh của họ. Hãy chú ý hành vi “lúc ân cần lúc thờ ơ” này, vì nó chính là mánh lới khác nhằm kiểm soát những mong đợi của bạn và buộc bạn an phận. Dù bạn chẳng hề thích họ, nếu thuộc tuýp người chiều lòng người khác thì có thể bạn sẽ rơi vào cái bẫy cố tránh bị từ chối và cố lấy lòng họ. Đây chính là “tâm lý học nghịch đảo” ở mức cao nhất.
Sự củng cố không liên tục
Đây chính là chiến thuật tâm lý kích thích bạn cố làm hài lòng người tiêu cực, dù họ đang ngược đãi bạn. Kẻ thao túng thành công trong việc khiến bạn “cư xử chuẩn mực” mà không cần thay đổi hành vi của chính họ. Họ thích cho “vụn bánh” sau khi dụ dỗ sẽ cho nạn nhân cả ổ bánh. Bạn có thể thấy khó chịu khi hôm nay được khen ngợi, tán tỉnh, quan tâm, rồi hôm sau chỉ để nhận được sự yên lặng lạnh lùng. Thỉnh thoảng bạn sẽ được yêu chiều hệt như vài buổi đầu hẹn hò, nhưng thường thì bạn sẽ trải nghiệm tình trạng “nóng lạnh thất thường” của họ, khiến bạn cảm thấy bất an về tương lai của mối quan hệ.
Bí Quyết Đối Phó Kẻ Thao Túng Khi Hẹn Hò
Nếu bạn để ý thấy bất kỳ tín hiệu nguy hiểm nào kể trên sau vài buổi đầu hoặc trong vài tháng đầu hẹn hò, đừng quen họ nữa. Vì thời gian này họ thường sẽ thể hiện hành vi tốt đẹp nhất, nên chắc chắn tình hình sẽ không sáng sủa hơn đâu. Bạn không thể sửa đổi người này và sẽ gặp rủi ro khi đầu tư tình cảm cho một người cố tình gây hại cho bạn.
Cẩn thận
Nếu bạn chọn thẳng thừng từ chối kẻ thao túng, việc này có thể khiến họ tức điên hoặc dùng đến thủ đoạn hèn hạ hoặc quấy rối trút giận nhằm buộc bạn quen lại với họ. Chiến thuật Cắt Đứt Liên Lạc nếu bị làm phiền, quấy rối hoặc khiến bạn có bất kỳ cảm giác khó chịu nào thì tốt hơn. Hãy chặn số điện thoại và mọi phương tiện liên lạc khác mà họ có thể dùng để giao tiếp với bạn. Nếu họ đã thô lỗ với bạn thì họ không xứng đáng được bạn lịch sự phản hồi.
Nếu họ vẫn tiếp tục quấy rầy bạn, hãy lưu lại bằng chứng và bảo bạn sẽ kiện họ nếu cần thiết. Nếu bạn đang thử hẹn hò trên mạng thì hãy đảm bảo chặn kẻ thao túng đó khỏi trang cá nhân sau khi chụp lại các tin nhắn quấy rối của họ.
Thận trọng khi hẹn hò với ai đó bạn mới quen
Đừng cung cấp thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại nhà hoặc các cách thức khác giúp họ tiếp cận bạn ngoài số điện thoại di động. Nếu có thể, hãy dùng các phương thức thay thế như số điện thoại Google Voice hoặc ứng dụng nhắn tin khác khi làm quen với họ. Bạn phải đặt sự an toàn và riêng tư của mình lên trên hết.
Chống lại sự áp đặt và thao túng
Hãy tin vào những gì bạn biết là đúng. Đừng cho phép con người tiêu cực đó “chuyện lớn hóa nhỏ” hay phủ nhận những gì họ có thể đã nói hoặc làm. Khi một người cố gắng thao túng hoặc áp đặt giá trị lên bạn, hãy hiểu đây rõ ràng là tín hiệu cảnh báo của cảm xúc ở giai đoạn đầu cho thấy mối quan hệ này không phù hợp để kéo dài. Việc viết nhật ký trong quá trình hẹn hò sẽ giúp bạn lưu ý mọi mâu thuẫn, tín hiệu cảnh báo, cảm xúc và/hoặc linh cảm có thể xuất hiện. Bạn cần thường xuyên xem quyển nhật ký này để luôn vững vàng trong quan điểm của chính mình và cảm nhận nội tại về sự thật.
Luôn cảnh giác
Hãy luôn sẵn sàng và cởi mở với việc công nhận cả cái xấu lẫn cái tốt. Dù tất cả chúng ta đều muốn nhìn thấy điều tốt đẹp nhất ở người khác, đừng lừa dối bản thân phủ nhận hay xem thường các dấu hiệu cho thấy một người nào đó không phù hợp với mình. Các dấu hiệu sẽ luôn tồn tại, và dù không tự thể hiện ra một cách rõ ràng thì bản năng vẫn sẽ mách bảo bạn khi có điều gì đó không ổn.
Tác giả: Shahida Arabi
Dịch: UBrand.cool–Mạng Xã hội Tri Thức và Xây dựng Thương hiệu Cá nhân