Nhà phân tâm học Adam Phillips nói về lý do tại sao khả năng buồn chán là cần thiết cho một cuộc sống trọn vẹn

“Không làm gì là trạng thái bảo vệ bản thân, khoan dung với chính mình để tự thân trải nghiệm cảm giác chờ đợi một cái gì đó dù không rõ đó là gì.”

Hãy thử nhớ về lần cuối cùng bạn cảm thấy chán – thật sự chán – đến mức không còn buồn khỏa lấp nỗi trống trải trong lòng bằng việc lướt facebook hay rút điện thoại ra khỏi túi và nghịch ngợm trong lúc đứng xếp hàng. Hơn một thế kỷ trước, Kierkegaard phê phán rằng chính việc không ngừng làm bản thân bận rộn để trốn tránh thực tại là nguyên nhân to lớn nhất khiến chúng ta tự tước đi hạnh phúc của chính mình. Một thế kỷ sau, Susan Sontag thuật lại trong cuốn nhật ký của mình về mục đích lớn lao của việc “không làm gì”. Thế nhưng chúng ta đã được nuôi dưỡng để không ngừng vắt chân lên cổ mà chạy, vì chúng ta tin rằng đó là sự sống, và rằng việc “không làm gì” lại là nguồn cơn tiêu diệt sự sáng tạo của con người cũng như trốn tránh trách nhiệm.

Nhà phân tâm học Adam Phillips nói về lý do tại sao khả năng buồn chán là cần thiết cho một cuộc sống trọn vẹn

Trẻ nhỏ luôn biết cách để đưa ra những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc. Một câu hỏi hóc búa đã được đưa ra cho nhà phân tâm học người Anh tên Adam Phillips, đó là “Chúng ta sẽ làm gì bây giờ?” Trong phần “Trạng thái không làm gì cả” (On Being Bored) trong cuốn sách On Kissing, Tickling, and Being Bore: Psychoanalytic Essays on the Unexamined Life, Phillip đã viết rằng:

Mỗi người lớn đều có thể nhớ về những tháng ngày buồn chán thuở ấu thơ, và cuộc đời của mỗi đứa trẻ đều sẽ có những khoảng lặng dài không làm gì: khi mà những dự định tạm gác lại, chỉ còn lại cảm giác thư giãn tràn ngập khắp không gian.

Nhà phân tâm học Adam Phillips nói về lý do tại sao khả năng buồn chán là cần thiết cho một cuộc sống trọn vẹn

Trích dẫn từ cuốn sách “Open House for Butterflies” của Ruth Krauss, minh họa bởi Maurice Sendak.

Phillips đã nghiên cứu về vấn đề này hơn 20 năm trước cả khi internet đưa cho chúng ta khái niệm “mạng xã hội”. Nhờ vậy, chúng ta có cơ hội được khám phá tầng nghĩa sâu hơn của việc “không làm gì”, đó là: phần lớn trẻ em và một số người lớn thực sự sống trong thời khắc hiện tại mà không cần tìm kiếm các mối quan hệ bên ngoài. Khoảnh khắc tạm dừng này chính là phương thức giúp mài dũa nên nhưng đức tính sẵn có trong mỗi con người và cách thức chúng ta lưu tâm đến thế giới. Phillip viết rằng:

Việc không làm gì cả là một quá trình bấp bênh mà ở đó đứa trẻ vừa chờ đợi vừa kiếm một điều không rõ, niềm hi vọng được thiết lập một cách vô thức và trẻ như trong trạng thái mơ màng (trạng thái tương tự như trong tâm lý trị liệu). Vào lúc này, trẻ trải nghiệm cảm giác không chắc chắn, sự trống rỗng. Nhưng cũng nhờ những giây phút vô định đó, ước muốn thật sự của trẻ dần dần trở nên rõ ràng hơn. Việc hiểu và hình thành thói quen không làm gì cũng là một trong những thành quả trong quá trình phát triển của trẻ.

Những trải nghiệm thời ấu thơ sẽ định hình nên tâm lý cảm xúc của con người, vì thế hiển nhiên chúng ta phải xem xét đến các yếu tố tạo nên cái tôi lúc trưởng thành. Trong quyển sách của Phillip, ông lý giải thuật ngữ “người lớn hiện đại”:

Một đứa trẻ “không làm gì” sẽ có lúc trải qua những khoảng lặng đầy hoang mang vì bản thân không ngừng chuyển động và hấp thu mọi điều xung quanh, trẻ trở nên lo lắng về việc bản thân đang không hề cảm thấy lo lắng khi không làm gì. Trẻ không hề chờ đợi một ai đó hay cái gì đó, trẻ đang chờ đợi chính mình. Không mong đợi cũng như không tuyệt vọng, không cố gắng cũng như không buông xuôi, trẻ chỉ đơn giản sống ở giây phút hiện tại mà chả màng đến mọi điều có thể xảy đến. Nói một cách đơn giản hơn, trẻ sẽ trải nghiệm hai trạng thái cùng 1 lúc: vừa cảm thấy độc lập đủ đầy, vừa cảm thấy lo lắng muốn được dựa vào ai đó. 2 trạng thái này không ngừng mâu thuẫn lẫn nhau một khi trẻ bắt đầu không làm gì.

Khi trưởng thành, con người cho rằng việc “không làm gì” thời trẻ là một dạng hình phạt, là dấu hiệu của thất bại. Thế nên, khi chúng ta “không làm gì”, khi chúng ta không bận rộn, tức là chúng ta đang đánh đồng bản thân với những thất bại. Chúng ta xem việc “không làm gì” là hành động vớ vẩn của mấy đứa nhóc tì, thế nên thay vì chấp nhận nó, chúng ta lại không ngừng cố gắng loại bỏ trạng thái này. Phillips nói rằng:

Khi con người càng phản kháng tiêu cực trạng thái không làm gì của trẻ, họ đang đánh đồng rằng cuộc sống của trẻ lúc nào cũng tràn đầy niềm vui, hứng khởi với hàng loạt các hoạt động không ngừng. Suy nghĩ áp đặt này của người lớn chỉ tập trung vào việc mong muốn trẻ lúc nào cũng phải vui vẻ thay vì thực sự hiểu cái gì đã làm cho trẻ thấy vui. Trạng thái “không làm gì” chính là yếu tố then chốt trong quá trình khám phá niềm vui trong mỗi đứa trẻ.

Đó có lẽ là điều mà 20 năm sau, Cheryl Strayed đã viết rằng: “những ngày tưởng như vô ích rồi sẽ giúp định hình nên chính mình”.

Nhà phân tâm học Adam Phillips nói về lý do tại sao khả năng buồn chán là cần thiết cho một cuộc sống trọn vẹn

Hình minh họa trích từ truyện thiếu nhi “Henry Hikes to Fitchburg” viết bởi triết gia Thoreau, vẽ bởi D.B. Johnson.

Phillips nghiên cứu sâu hơn về quá trình tiến hóa của trạng thái “không làm gì” từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành:

Người lớn, với óc tò mò nghèo nàn và đức tính nghi ngờ, đã đưa ra hàng loạt câu hỏi để lý giải nguyên do của việc không làm gì. Người ta muốn làm gì với khoảng thời gian trống của mình? Tình trạng không làm gì này, tình trạng bất ổn ở trẻ nhỏ này, liệu có thể dẫn đến các nguy cơ tiềm ẩn lúc lớn hay không? Và sau cùng, ai lại có thể chờ đợi cho một điều mà họ không thể biết được nó là cái gì sẽ diễn ra?

[…]

Chúng ta có thể nghĩ rằng việc không làm gì là một dấu hiệu của sự trì hoãn tạm thời để nhìn nhận thực sự về điều mà bản thân thực sự mong muốn… Khi ở trạng thái không làm gì, có 2 khả năng xảy ra: một là có cái gì đó mà tôi rất muốn và tôi dần nhận ra nó, hai là tôi thực sự không muốn cái gì cả mà chỉ muốn ăn không ngồi rồi mà thôi. Cả hai nhận định, hai niềm tin này đều vô cùng mập mờ, khó phân định.

[…]

Tôi nghĩ rằng không làm gì là trạng thái bảo vệ bản thân, khoan dung với chính mình để tự thân trải nghiệm cảm giác chờ đợi một cái gì đó dù không rõ đó là gì. Nghịch lý của việc không làm gì chính là bản thân ta không hề biết chúng ta đang chờ đợi cái gì cho đến khi tìm thấy chúng. Cuộc sống thường ngày khiến cơ thể chất chứa rất nhiều cảm xúc, tâm trạng mà chúng ta không thể nào phân tách rõ ràng cũng như gạn bỏ được. Cảm xúc là tốt nhưng quá nhiều sẽ khiến chúng ta lúc nào cũng như đi trong một vùng sương mù, luôn đắm chìm vào suy tư mà quên đi bản thân trong hiện tại. Vậy nên việc không làm gì loại đi hết các suy nghĩ cảm xúc, đưa chúng ta vào trạng thái trống rỗng.

Phillips nhận ra rằng con người có xu hướng cố gắng bận rộn hết mức có thể và xem việc không làm gì như sự lãng phí thời gian và sức lực. Thế nên, ông đã thuật lại câu chuyện về “cậu bé 11 tuổi bị chông chênh trong cuộc sống”. Cậu được mẹ đưa đến phòng khám của ông và được mô tả là “vô cùng đáng thương khốn khổ mà không ý thức được điều này”. Lý do mà mẹ cậu đưa ra là vì cậu “lệch lối trong việc định vị bản thân”. Phillips nhận ra rằng vẻ ngoài hời hợt này là một lá chắn mà cậu bé tự đặt ra, và nó có liên quan mật thiết đến trải nghiệm không làm gì của cậu. Một lần nữa, Phillips áp dụng phương pháp tiếp cận thân mật để khơi gợi kí ức của cậu:

Cuộc sống của cậu bé gần như đã đạt đến độ viên mãn, sung túc. Thế nhưng cậu lại cảm thấy hoảng sợ về chính bản thân mình, thế là tôi đã hỏi cậu vài câu bằng giọng điệu lịch thiệp. Dần dần, khi đào sâu hơn, tôi hỏi liệu có bao giờ cháu cảm thấy chán đến mức không muốn làm gì chưa. Cậu nhóc tỏ vẻ ngạc nhiên và trả lời với nét âu sầu “Cháu không được phép cảm thấy chán”. Tôi hỏi là điều gì sẽ xảy ra nếu cháu tự cho mình được phép không làm gì. Cậu nhóc ngừng lại, suy nghĩ rồi đáp: “Nếu thế thì cháu không biết cháu sẽ phải mong chờ cái gì nữa,” và đột nhiên tự cảm thấy hoang mang trước câu trả lời của mình.

Với sự ủng hộ của người mẹ, cậu bé đã luôn tin rằng việc có nhiều sở thích đến mức không có thời gian để không làm gì là một điều tốt. Thế nên xuyên suốt khóa điều trị, Phillips đưa ra những bài tập trị liệu để giúp cậu bé phát triển được khả năng không làm gì. Ông thuật lại:

Tôi từng khuyên cậu bé rằng việc luôn cảm thấy tốt là một cách để ngăn mọi người hiểu thêm về mình. Cậu đồng ý và kể lại rằng: “Khi cháu cảm thấy không muốn làm gì, cháu không còn biết mình là ai nữa.”

Nhà phân tâm học Adam Phillips nói về lý do tại sao khả năng buồn chán là cần thiết cho một cuộc sống trọn vẹn

Trích từ cuốn “The hole” của Øyvind Torseter.

 

Tôi nghĩ đây là cách mà chúng ta, những người lớn sống trong thế giới hiện đại, đã và đang sống. Chúng ta tin rằng chúng ta là một bản thể tốt đẹp khi chúng ta có thể làm việc hết công suất. Chúng ta chọn giữa việc hoặc là bị xao lãng bởi các hoạt động xã hội hoặc là không ngừng bận rộn để né tránh việc không làm gì, chúng ta chọn cách không ngừng hướng về tương lai. Thế nhưng chính vì vậy mà chúng ta đã vô tình kéo bản thân mình ra khỏi hiện tại, bởi vì khi sống ở hiện tại, chúng ta không tìm kiếm điều gì xảy ra trong tương lai, chúng ta tỉnh thức nhìn nhận sự vật sự việc như nó đang là.

Nhưng để sống ở hiện tại không phải là dễ nhất là trong một xã hội chú trọng đến năng suất lao động như bây giờ. Chúng ta đã được gieo vào đầu ngay từ thuở ấu thơ rằng một khi chúng ta dừng việc mình đang làm, chúng ta sẽ không còn biết mình là ai nữa.

On Kissing, Tickling and Being Bored là một cuốn sách về tâm lý đáng để đọc. Sau khi hòan tất cuốn sách cùng với bài Lịch sử văn hóa của việc không làm gì, bạn có thể tham khảo đoạn hội thảo giữa Phillips và Paul Holdengräber về việc tại sao phân tâm học lại giống như văn học dành cho tâm hồn.

Dịch: Hạnh Nguyên

Nguồn: Brain Pickings

https://www.brainpickings.org/2014/06/19/adam-phillips-boredom/

Leave a Comment