Khái niệm về hiện tại bắt nguồn từ những quan điểm của phương Đông về chánh niệm (mindfulness) – tức khả năng trải nghiệm cuộc sống với một tầm nhìn rõ ràng, trong suốt như pha lê với những gì đang diễn ra và hoàn toàn hoà mình vào trải nghiệm – được phổ biến rộng rãi tại phương Tây bởi nhà triết học và tác gia Alan Watts (6/1/1915 – 16/11/1973), người cũng đã đem đến cho chúng ta phương pháp thiền định tuyệt vời cho một cuộc sống đầy hoài bão. Trong tác phẩm xuất chúng của ông xuất bản năm 1951 “Minh triết sinh ra từ bất an: Thông điệp cho thời đại lo âu” (The Wisdom of Insecurity: A Message for an Age of Anxiety), Watts cho rằng nguồn gốc của sự khổ sở và lo âu thường nhật của chúng ta là xu hướng sống cho tương lai, mà chính nó là một sự không tưởng. Ông viết:
Nếu chỉ khi chắc chắn rằng ta sẽ có một tương lai tốt đẹp, ta mới có thể tận hưởng những khoảng khắc hạnh phúc của hiện tại, thì ta như đang “mơ giữa ban ngày”. Không bao giờ có một sự bảo đảm như thế cả. Những lời tiên tri chính xác nhất cũng chỉ là việc có khả năng xảy ra chứ không hoàn toàn sẽ diễn ra, và như chúng ta cũng đã biết, tất cả mọi người đều sẽ tổn thương và chết. Thế nên, nếu chúng ta không thể sống hạnh phúc vì cứ lo lắng chuyện của tương lai thì chắc chắn rằng chúng ta không thể thích nghi được với thế giới hữu hạn này, nơi mà cho dù bạn có chuẩn bị tốt thế nào thì bất trắc vẫn sẽ diễn ra, và tận cùng vẫn là cái chết.
Điều ngăn chúng ta đến với hạnh phúc, theo quan điểm của Watts, là vì ta không có khả năng sống trọn vẹn trong hiện tại:
“Ý thức nguyên thủy”, lý trí cơ bản của chúng ta chỉ biết đến hiện thực hơn là ý tưởng về nó, thật ra không biết đến tương lai. Nó hoàn toàn sống trong hiện tại, và không thu nhận gì hơn ngoài những gì đang diễn ra trong hiện tại. Tuy nhiên, bộ não tinh vi của chúng ta lại nhìn vào những trải nghiệm từ hiện tại – hay còn gọi là kí ức, và qua việc nghiên cứu chúng, nó có thể đưa ra những dự đoán. Những dự đoán này thường (tương đối) rất chính xác và đáng tin (ví dụ như “tất cả mọi người đều sẽ chết”) đến mức tương lai có vẻ như quá thật – thật đến mức hiện tại mất đi giá trị của nó.
Nhưng tương lai vẫn chưa ở đây. Nó không thể trở thành một phần của hiện tại được trải nghiệm cho đến khi nó trở thành hiện tại. Vì những gì chúng ta biết về tương lai đều hoàn toàn đến từ những yếu tố trừu tượng và logic – những suy luận, suy đoán và kết luận – nó không thể ăn được, cảm nhận được, ngửi thấy được, nhìn thấy được, nghe thấy được, hoặc thưởng thức được. Theo đuổi nó là theo đuổi một hình bóng mờ ảo luôn chực chạy mất, và bạn càng đuổi theo nó nhanh bao nhiêu, nó càng chạy nhanh bấy nhiêu. Đây là lý do vì sao tất cả những vấn đề của xã hội loài người đều bị làm cho gấp gáp, vì sao ít ai tận hưởng cái họ đang có, và luôn tìm kiếm nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Hạnh phúc, khi đó, sẽ không gồm những hiện thực chắc chắn và bền vững, thay vào đó là những thứ trừu tượng và hời hợt như những lời hứa hẹn, hy vọng, và sự bảo đảm.”
Watts cho rằng cách chủ yếu chúng ta sử dụng để thoát ly khỏi thực tại là rời bỏ thể xác và thu mình vào tâm trí – cái vạc luôn sôi sục những tính toán và tự đánh giá bản thân từ những trăn trở, lo âu, phán xét, đồng thời đầy ắp những siêu-trải nghiệm về chính những trải nghiệm thật sự.
Được viết hơn nửa thế kỷ trước kỷ nguyên máy vi tính, màn hình cảm ứng và thước đo khắc nghiệt của chúng ta, Watts đã nhắc nhở:
“Những cá nhân sống trong một thành phố hiện đại là những người sống trong một cỗ máy chỉ để bị những bánh răng của nó nghiền nát. Mỗi ngày của họ đầy những hoạt động mà cốt lõi là tính toán và đong đếm, một thế giới của những điều không tưởng được hợp lý hoá – những thứ gần như không có quan hệ gì hoặc cũng chẳng đồng điệu với những nhịp điệu và tiến trình sinh học của thế giới. Sự thật là, những hoạt động trí óc này giờ đây đã có thể được làm tốt hơn bởi máy móc – đến mức, trong một tương lai không xa, não người có thể trở thành một cơ chế lạc hậu cho việc tính toán logic. Con người thật ra đã bị thay thế bởi máy tính trên diện rộng với tốc độ lớn hơn và hiệu suất cao hơn. Vậy thì, nếu tài sản và giá trị chủ yếu của con người nằm ở trí óc và khả năng tính toán, con người sẽ trở thành một hàng hoá ế ẩm trong thời đại mà hoạt động suy luận có thể được thực hiện hiệu quả hơn bởi máy móc.
[…]
Nếu chúng ta tiếp tục sống cho tương lai, và biến suy đoán và tính toán trở thành hoạt động chủ yếu của tâm trí, con người cuối cùng lại trở thành một phần tử ký sinh, phụ thuộc vào một cỗ máy khổng lồ.”
Tuy nhiên, Watts không chủ quan cho rằng trí não căn bản là một năng lực vô giá trị hay nguy hiểm. Thay vào đó, ông nhấn mạnh rằng nếu chúng ta để cho trí tuệ vô thức bộc phát một cách tự do – giống như điều diễn ra trong suốt thời kì “ấp ủ” của vô thức trong hoạt động sáng tạo – nó chính là đồng minh của chúng ta chứ không phải là một kẻ độc tài. Chính khi chúng ta cố kiểm soát nó và chĩa mũi dùi của nó vào chính nó thì những vấn đề bắt đầu nảy sinh.
“Nếu hoạt động đúng, não là dạng cao nhất của “trí tuệ bản năng”. Do đó, nó nên hoạt động giống như bản năng hướng về tổ của bồ câu và sự hình thành của bào thai trong tử cung – mà không cần miêu tả bằng ngôn từ “làm sao” nó làm được như vậy. Một bộ não tự ý thức, cũng giống như một trái tim tự ý thức, là một rối loạn bất thường chứng tỏ sự hiện diện của nó bằng một cảm giác sắc nét về sự chia cắt giữa “tôi” và trải nghiệm của tôi. Não chỉ có thể hành động đúng đắn khi ý thức được làm cái mà nó đã được thiết kế để làm: nghĩa là không cuống lên tìm mọi cách thoát khỏi trải nghiệm hiện tại, mà nhận thức được nó một cách dễ dàng.”
Thế nhưng, não bộ lại có xu hướng suy nghĩ thái quá, tạo ra sự bất an to lớn trong ta và sự lo âu đang hiện diện giữa một vũ trụ luôn biến chuyển. (Như Henry Miller đã nhắc nhở, “Dù nhắc đến nó thì thật tầm thường nhưng điều này luôn cần được nhấn mạnh: Tất cả là tạo vật, tất cả là thay đổi, tất cả là vô thường, mọi thứ luôn chuyển hóa.”) Nghịch lý ở đây là, nhận ra rằng trải nghiệm của hiện tại là trải nghiệm duy nhất cũng nhắc nhở chúng ta rằng cái “tôi” của chúng ta không hiện diện sau khoảnh khắc này, và không có cái “tôi” vĩnh hằng và bất biến nào có thể ban cho chúng ta bất cứ cấp độ nào của sự an toàn và chắc chắn về tương lai – và trớ trêu thay, chúng ta lại đi tìm chính sự an toàn đó, một sự an toàn mà chính nó là sự không tưởng. Cơ hội duy nhất của chúng ta để thức tỉnh khỏi cái vòng luẩn quẩn này, theo Watts, là tập trung hoàn toàn ý thức của chúng ta vào trải nghiệm hiện tại – một thứ rất khác biệt so với phán xét nó, đong đếm nó, hay so sánh nó với một số lý tưởng tuỳ tiện và không tưởng. Ông viết:
“Có một sự trái ngược trong việc mong muốn được an toàn tuyệt đối trong một vũ trụ mang bản chất tạm thời và luôn thay đổi. Tuy nhiên, sự trái ngược này sâu hơn xung đột giữa mong muốn được an toàn và hiện thực rằng mọi thứ luôn thay đổi. Nếu tôi muốn được an toàn, nghĩa là được bảo vệ khỏi những biến chuyển của cuộc đời, vậy cũng có nghĩa là tôi đang muốn bị chia cắt khỏi thế giới. Thế nhưng chính sự chia cắt này làm tôi cảm thấy bất an. Được an toàn nghĩa là phải cô lập và tăng cường cái “tôi”, thế nhưng chỉ riêng cảm giác là một cái “tôi” cô lập đã đủ làm tôi cảm thấy cô đơn và sợ hãi. Nói cách khác, tôi càng được an toàn bao nhiêu, tôi càng muốn an toàn bấy nhiêu.
Tóm lại là: lòng ham muốn được an toàn và cảm giác bất an có bản chất như nhau. Để giữ hơi thở cũng có nghĩa là mất hơi thở. Một xã hội dựa trên mong muốn được an toàn chẳng là gì ngoài một cuộc thi nín thở, nơi mà ai cũng căng như mặt trống và tím tái như quả cà.”
Ông đặc biệt lưu ý đến quan niệm về sự cải thiện bản thân – thứ thường được nhắc đến mỗi khi năm mới sắp đến – và nêu ra nguồn gốc của nó để khuyên mọi người không nên thực hiện nó:
“Tôi chỉ có thể suy nghĩ nghiêm túc về việc cố gắng sống theo một lý tưởng, cố gắng cải thiện bản thân mình, Nếu tôi bị chia làm hai. Sẽ luôn có một cái “tôi” tốt luôn tìm mọi cách để cải thiện cái “tôi” xấu. “Tôi” tốt, với ý định tốt nhất, sẽ cố gắng cải biến cái “tôi” xấu ương ngạnh, và cuộc chiến giữa hai bên sẽ làm cho sự khác biệt của chúng trầm trọng hơn. Hậu quả là “tôi” tốt sẽ càng cảm thấy bị cô lập hơn bao giờ hết, góp phần làm tăng cảm giác cô đơn và thờ ơ điều mà làm cho “tôi” cư xử càng tồi tệ hơn.
Hạnh phúc, theo quan điểm của ông, không phải là cải thiện trải nghiệm của chúng ta hay chỉ đối mặt với nó, mà là sống trong hiện tại một cách trọn vẹn nhất có thể:
“Đối mặt với sự bất an nghĩa là chúng ta vẫn không hiểu nó. Để hiểu nó, bạn không nên đối mặt với nó, mà thay vào đó là trở thành nó. Giống như trong câu chuyện xưa ở Ba Tư về một hiền tiết khi đến gõ cửa Thiên Đường. Từ bên trong, tiếng Chúa Trời vọng ra hỏi, “Ai đó” và nhà hiền triết trả lời, “Đây là Tôi.” “Trong ngôi nhà này,” giọng nói trả lời, “không có chỗ cho ngươi và ta.” Vì thế nhà hiền triết trở về và dành nhiều năm suy nghĩ về câu trả lời này trong thiền định. Người trở lại lần thứ hai, giọng nói vẫn hỏi câu hỏi cũ, và một lần nữa, nhà hiền triết vẫn trả lời, “Đây là Tôi.” Cánh cửa vẫn đóng. Sau vài năm nữa nhà hiền triết trở lại lần thứ ba, và sau tiếng gõ cửa, giọng nói một lần nữa vọng ra hỏi, “Ai đó?” Và nhà hiền triết vừa khóc vừa trả lời rằng “Đây là chính người!” Cánh cửa mở ra.
Chúng ta không nhận thấy thật ra chẳng có sự bất an nào cả, Watts xác nhận, cho đến khi chúng ta chất vấn mình về sự hiện diện của bản ngã và nhận ra cái “tôi” không thật sự tồn tại – thứ mà tâm lý học hiện đại gọi là “ảo tưởng về cái tôi” (the self illusion). Nhưng điều đó cực kì khó đạt được, bởi trong sâu thẳm của sự tỉnh ngộ này chính là một cái tôi đang nhận thức. Watts đã mô tả nghịch lý này rất khéo léo:
“Trong khi bạn đang quan sát trải nghiệm hiện tại này, bạn có nhận ra rằng có ai đó cũng đang quan sát nó không? Bạn có thể tìm ra được, ngoài trải nghiệm đó, có một người đang trải nghiệm không? Bạn có thể cùng một lúc đọc câu này và nghĩ về việc bạn đang đọc nó không? Bạn sẽ tìm ra rằng, để nghĩ về chính bạn đang đọc nó, bạn cần ngưng đọc trong vài giây. Trải nghiệm đầu tiên là đọc. Trải nghiệm thứ hai là nghĩ “Mình đang đọc.” Bạn có thể tìm được bất cứ ai đang trong dòng suy nghĩ “Tôi đang đọc” không? Nói cách khác, khi trải nghiệm hiện tại là suy nghĩ “Tôi đang đọc”, bạn có thể nghĩ về chính mình đang chìm trong suy nghĩ này không?
Một lần nữa, bạn phải dừng suy nghĩ “Tôi đang đọc” và đi đến trải nghiệm thứ ba – suy nghĩ “Tôi đang nghĩ rằng tôi đang đọc.” Đừng bao giờ để sự chuyển đổi nhanh chóng giữa những suy nghĩ này đánh lừa bạn rằng bạn đang nghĩ tất cả chúng trong cùng một lúc.
[…]
Trong mỗi trải nghiệm hiện tại, bạn chỉ nhận thức được trải nghiệm đó. Bạn chưa bao giờ nhận thấy được rằng bạn đang nhận thấy. Bạn chưa bao giờ có thể tách biệt người suy nghĩ khỏi dòng suy nghĩ, người hiểu biết khỏi sự hiểu biết. Tất cả những gì bạn tìm ra được chỉ là một dòng suy nghĩ mới, một trải nghiệm mới.”
Cái làm chúng ta không thể sống chỉ với nhận thức thuần tuý, Watts chỉ ra, là giới hạn của trí nhớ và mối quan hệ sai lệch giữa chúng ta với thời gian:
“Ý tưởng về một người – cái “tôi” hoàn toàn độc lập khỏi trải nghiệm, đến từ kí ức và sự thay đổi nhanh chóng của những dòng suy nghĩ. Nó giống như xoay một cây que đang cháy để tạo ra ảo ảnh một vòng tròn đang cháy. Nếu bạn tưởng tượng rằng kí ức là sự hiểu biết trực tiếp đến từ quá khứ thay vì đến từ trải nghiệm hiện tại, bạn sẽ có ảo tưởng mình đang nhận biết được cả quá khứ và hiện tại cùng một lúc. Điều này gợi ý rằng có cái gì đó trong bạn tách biệt hoàn toàn với những trải nghiệm quá khứ và hiện tại. Bạn lý giải rằng “Tôi biết trải nghiệm này, nó khác biệt so với trải nghiệm trước đây. Nếu tôi có thể so sánh cả hai và nhận ra trải nghiệm đã thay đổi, tôi hẳn phải là một thứ gì đó bất biến và tách biệt.”
Nhưng, sự thật là, ta không thể so sánh trải nghiệm hiện tại với một trải nghiệm trong quá khứ. Ta chỉ có thể so sánh nó với một ký ức về quá khứ, mà đó là một phần của trải nghiệm hiện tại. Khi bạn nhận ra rằng kí ức là một dạng trải nghiệm hiện tại, điều trở nên rõ ràng là cố gắng chia cắt bản thân khỏi trải nghiệm này khó như khiến cái răng của bạn tự cắn nó.
[…]
Để hiểu được điều này là hiểu ra rằng cuộc sống là một chuỗi những khoảnh khắc nối tiếp nhau, và không có sự cố định cũng như sự an toàn, và chẳng có cái “tôi” nào cần được bảo vệ.”
Và đó là điểm then chốt của sự đấu tranh của loài người:
“Lý do thực sự vì sao cuộc sống con người đầy nỗi thống khổ và giận dữ không đến từ cái chết, nỗi đau, sự sợ hãi hay đói khát. Điều điên rồ nằm ở chỗ khi những thứ đó xảy ra, chúng ta quay cuồng và cố gắng tách cái “tôi” ra khỏi trải nghiệm đó. Chúng ta giả như mình là những con trùng và cố gắng bảo vệ mình khỏi cuộc sống bằng cách phân thân thành hai. Sự tỉnh táo, trọn vẹn và thích nghi nằm trong việc nhận ra được chúng ta không bị chia cắt, rằng con người và trải nghiệm của họ là một, và không có cái “tôi” hay tâm trí riêng lẻ nào thật sự tồn tại.
Để hiểu được âm nhạc, bạn phải nghe nó. Nhưng chừng nào bạn nghĩ rằng “Tôi đang nghe tiếng nhạc này,” thì bạn chưa thật sự lắng nghe.”
Cuốn sách “The Wisdom of Insecurity – Minh triết sinh ra từ bất an” là một quyển sách tuyệt vời và xuất sắc, một trong những cuốn chắc chắn sẽ đồng hành cùng bạn cả quãng đời này.
Dịch: Phương Dương
Nguồn: BrainPickings