Thực Hiện Những Chuyến Xê Dịch Nhỏ Mang Tính Biểu Tượng Sẽ Dẫn Tới ĐIều Gì Đó To Tát Hơn
“Cho dù tôi đã già đủ để nhận ra rằng những ước mơ thời trai trẻ không phải là thứ sẽ được khai phá ở vào giai đoạn này của cuộc đời nhưng tôi nghĩ đó sẽ là niềm hạnh phúc lớn khi luôn được phép nhìn nhận trong cái chớp mắt của thời gian và suy ngẫm chín chắn với một sự hiểu biết rõ ràng rằng tôi không đạt được chúng.”
Những cuộc phiêu lưu của Thoreau không cần thiết phải thật vĩ đại mới có thể đem lại sự thỏa mãn bởi vì sức mạnh của chúng bắt nguồn từ đặc tính tượng trưng của chúng. Chúng đại diện cho điều gì đó lớn lao hơn và tạo ra ý nghĩa bao trùm và vượt xa những phần cấu thành nên chúng.
Rõ ràng nhất là khi Thoreau ở lại bên đầm Walden.
Đối với những con người sống trong xã hội hiện đại như chúng ta, sự lưu trú tạm thời của Thoreau bên đầm Walden cũng giống như sự di chuyển lớn lao, đầy kịch tính mà nhiều người ước rằng họ có thể thực hiện, nhưng lại có vẻ như nằm ngoài tầm với. Rốt cục, dù cho ngay cả ở vào thời đại của Thoreau đi chăng nữa, việc một người rời xa đời sống thường nhật, giảm thiểu các tài sản của bản thân và dành ra hai năm sống trong một căn nhà gỗ nhỏ, tận hưởng sự cô độc, tự canh tác lương thực, và giao hòa với thiên nhiên cũng là một điều lạ lùng.
Sự thật là, cuộc sống bên đầm Walden của Thoreau không thực sự đơn độc, ban sơ, hay hoang dã như những gì chúng ta vẫn hằng tưởng tượng. Nếu đem so sánh với những người đi khai hoang qua đất liền, với những nhà văn khác đã từng thực sự cư ngụ nơi miền Tây hoang dã hay giong buồm vượt biển, thì hành động của nhà hiền triết mới thật vô vị làm sao. Ngôi nhà gỗ của ông có thể nhìn thấy được từ con đường mòn thường xuyên có người qua lại, chỉ cách tuyến đường ray xe lửa có 500 yard, và cách Concord có hai dặm đường. Mà ngay cả Thoreau cũng không hề đơn độc đến thế; ông vẫn thường chào đón khách viếng thăm, nhiều khi có tới ba mươi người ghé qua căn nhà gỗ của ông trong một thời điểm. Và đó cũng không hoàn toàn là một cuộc rèn luyện tự lực cánh sinh: Emerson là chủ sở hữu của vùng đất nơi Thoreau dựng ngôi nhà gỗ, mẹ và chị gái ông vẫn thường mang thức ăn tới cho ông, và ông cũng thường xuyên về nhà để ăn tối với gia đình mình.
Các nhà phê bình sẽ chỉ ra “sự mập mờ” như vậy là bằng chứng cho thấy rằng sự ẩn dật của Thoreau khỏi xã hội là không “thuần túy” hay “đích thực,” và rằng bản thân vị triết gia là kẻ làm bộ làm tịch.
Tuy vậy sự hiện diện vừa phải của thiên nhiên trong những hoạt động của ông đều có chủ đích riêng của nó. Thoreau nhìn nhận thí nghiệm của mình bên đầm Walden là một dạng thế giới thu nhỏ, một sự mô phỏng, một phòng thí nghiệm, mà ở đó sẽ cho thấy việc tìm lại một chút ít sự hoang dã là điều mà bất kỳ ai cũng có thể thực hiện được ở bất kỳ nơi đâu – rằng nó không hề đòi hỏi một sự rút lui và tách biệt hoàn toàn khỏi xã hội. Ông muốn nhấn mạnh rằng “có những lợi ích nhất định khi sống một cuộc đời ban sơ và ở nơi vùng biên – dù cho là ngay giữa nơi nằm bên ngoài nền văn minh.”
Như Richardson đã giải thích:
“Mọi khía cạnh của cuộc di chuyển tới đầm Walden là một sự biểu tượng và biểu hiện. Bản thân cuộc di chuyển là một sự giải phóng khỏi thị trấn và gia đình, việc dựng căn nhà gỗ là bằng chứng cho khả năng của ông trong việc tìm chốn ẩn náu cho bản thân, việc trồng đậu cho thấy ông có thể tự nuôi mình, và còn có thể dự trữ lương thực.”
Walden là biểu tượng cho một Thoreau 28 tuổi, người đã buông xuôi sau khi tốt nghiệp đại học và chưa từng thực sự sống theo ý mình, rằng ông có thể sống độc lập hơn; có thể trong toàn bộ quá trình ông đã không tự lực một cách tuyệt đối, nhưng rốt cục thành quả cố gắng cũng thể hiện ở một mức độ đáng kể những nỗ lực và sự tận tâm của bản thân ông.
Walden cũng còn là một biểu tượng cho việc nếp suy nghĩ của một người có ý nghĩa hơn nhiều so với vị trí địa lý của người đó, và rằng sự hoang dã và tính khác thường có thể tồn tại ở bất cứ nơi nào in dấu chân của ta. “Tất cả những điểm trọng yếu” của Thoreau, theo như lời Richardson, là “cuộc sống ban sơ và ở nơi vùng biên là một thái độ tinh thần, mang tính cá nhân về cuộc sống, một quan điểm không đòi hỏi tới sự sắp đặt vật chất mang tính ban sơ nơi biên giới xa xôi thực thụ … Quan trọng không phải là bạn nhìn gì mà là bạn thấy gì.” Thoreau cho thấy rằng bất chấp hoàn cảnh, bạn có thể tìm thấy bất kỳ điều gì mà bạn muốn tìm; “với phần lớn là sự quạnh hiu như khi tôi sống nơi thảo nguyên,” ông viết trong tác phẩm Walden. “Cũng giống như là ở châu Á hay châu Phi hay New England. Tôi có, cũng như đã từng có, mặt trời và mặt trăng và những vì sao của riêng mình, và một thế giới nho nhỏ cũng là tất cả đối với tôi.”
Cuối cùng, Walden hẳn là biểu tượng cho thấy rằng một sự trải nghiệm không hoàn toàn “thuần túy” thực ra cũng có thể thành công hơn thứ gì đó hoàn toàn thuần khiết. Khi ở bên đầm Walden, Thoreau đã có thể sống một đời sống hoàn toàn chan hòa giữa thiên nhiên và vô cùng trầm tư mặc tưởng; sự kết hợp của an toàn và cô độc, thiên nhiên và an nhàn, biệt lập và hòa nhập xã hội, mang tới nguồn cảm hứng dồi dào cho việc viết lách của ông; cả hai cuốn sách toàn vẹn duy nhất mà ông xuất bản trong cuộc đời mình đều được chắp bút trong thời gian này.
Cuộc trải nghiệm mang tính biểu trưng của Walden không chỉ minh chứng cho điều gì đó đối với bản thân Thoreau, mà nó còn cho những người khác thấy được rằng một lối sống, cho dù không hoàn toàn hoang dã, gần gũi hơn với thiên nhiên và gần gũi hơn với cốt lõi của sự giản dị, là hoàn toàn có thể. Đó là một sự thực nghiệm mang tính riêng tư, mà vẫn hàm ý tới cả cá nhân và cộng đồng.
Thoreau chủ đích tạo ra một câu chuyện hoang đường từ trải nghiệm của ông bên đầm Walden – một câu chuyện kể mà tại đó các chi tiết về ai, cái gì, nơi nào, và tại sao không quan trọng bằng việc những bài học tổng quát mà câu chuyện truyền đạt. “Một số sự việc xảy ra trong cuộc đời tôi dường như còn mang tính phúng dụ hơn thực tế,” ông giãi bày như vậy. Và rằng đó không phải là chuyện xấu gì. Cái sức mạnh cộng hưởng từ những biểu tượng nhỏ lẻ quả thực có thể trở nên vô cùng lớn lao.
Kết luận
“Có trong mỗi người là những hạt giống của nhuệ khí anh hùng, mà sẽ đâm chồi chỉ với việc khuấy động tầng đất mặt.”
“Tôi không muốn cảm thấy như thể cuộc đời mình là một sự tạm bợ thêm nữa. Giờ là lúc tôi bắt đầu sống.”
Tránh khỏi một cuộc đời tuyệt vọng trong im lặng không có nghĩa là y theo những gì mà Thoreau từng làm. Ông không chỉ làm việc theo sự tượng trưng, mà cả cuộc đời ông là một biểu tượng – một típ người mà từ đó những người khác có thể rút ra những bài học thông thường.
Bài học quan trọng nhất trong số đó là học lấy nghệ thuật biến ít thành nhiều. Điều này không nhất thiết có nghĩa là từ bỏ những mục tiêu to tát, hướng ra ngoài thế giới, hay niềm đam mê dành cho những chuyến phiêu lưu tới những miền đất xa xôi, hay công việc toàn thời gian để đổi lấy sự mãn nguyện trong tĩnh tại, thư thả nơi thiên nhiên và bên gia đình. Nhưng điều đó lại có nghĩa là học cách để thấy hài lòng với những gì là “hoang dã và tự do,” để bất cứ điều gì ẩn sau những điều cốt yếu giản đơn của cuộc sống đều có thể đạt được bởi sự lựa chọn tự chủ, thay vì khát khao cưỡng cầu.
Khi mà bạn chân thành cảm nhận rằng những điều ở bên trong tâm hồn mình, và ở khu vườn phía sau nhà bạn, là đủ để mang tới cho bạn niềm vui và sự hứng khởi vô tận, khi mà bạn có thể ở một mình mà không thấy chán chường, thì bạn sẽ có được sức mạnh để theo đuổi những mục tiêu đầy tham vọng mà không bị cám dỗ bởi việc làm tổn hại những nguyên tắc của chính mình để có được chúng. Bạn sẽ có được sức mạnh để làm những công việc chỉ đủ trang trải cho những thứ cần thiết, và/hoặc bởi vì bạn yêu thích điều đó, thay vì một con đường dẫn tới nhiều của cải hơn hay những địa vị trần tục. Bạn sẽ có được sức mạnh để bước ra khỏi vòng xoáy hưởng lạc và cảm thấy bạn vốn đã vô cùng giàu có với những thứ quanh mình.
Sức mạnh này bắt nguồn từ việc rèn luyện nghệ thuật quan sát, và gợi mở các giác quan của bạn để trải nghiệm nhiều hơn trong môi trường sống của mình. Bạn cảm thấy như thể bạn đã thấy hết rồi, nhưng thực ra không phải. Lần tới khi mà bạn đứng trước một cái cây, bạn hãy thu hẹp tầm nhìn của mình bằng cách chỉ quan sát vỏ cây thôi. Hay nếu như bạn đang ngồi trên bãi cỏ, hãy nhìn vào đó. Bạn sẽ nhận thấy rằng bạn chẳng thể nhớ ra lần cuối cùng bạn thật sự nhìn vào một thứ nào như vậy là bao giờ. Bạn sẽ nhận ra rằng có lẽ bạn đã không chú ý tới đến một nửa các chi tiết vẫn thường có đó. Vẫn còn quá nhiều điều để khám phá bên ngoài kia.
Và đây nữa, cũng không chỉ đúng với tự nhiên. Dường như đã quá đỗi lâu rồi kể từ khi bạn bắt điệu với kho tàng cảm xúc nơi tình bằng hữu. Hay ngừng lại để cảm nhận về độ sâu tình yêu mà bạn dành cho vợ và con cái mình. Hãy dừng lại để thưởng ngoạn và đắm chìm trong những điều “nhỏ bé” đã lớn lên thành sự phong phú và mãn nguyện nuôi dưỡng con tim.
Một khi bạn học lại thứ ngôn ngữ của sự tôn kính và kinh ngạc, bạn có thể bắt đầu tìm kiếm những chuyến phiêu lưu nơi sân sau nhà bạn. Rồi bạn sẽ nhận ra một cuốc đi bộ quanh nhà, hay một lần bơi lội nơi chiếc hồ gần đó, cũng mang đến cảm giác phiêu lưu, làm trẻ lại, và thậm chí siêu việt hơn hẳn so với sự tưởng tượng của bạn.
Mong rằng điều này sẽ thúc đẩy bạn đến với việc thử nghiệm những chuyến xê dịch nho nhỏ mà hóa ra sẽ mang lại những tác động to lớn. Mỗi một niềm tin bên trong tâm hồn nên tìm lấy một cách thức để thể hiện ra bên ngoài, và việc bạn làm như thế nào sẽ ít quan trọng hơn nhiều so với việc bạn thực sự làm điều đó, dù chỉ đôi khi. Đừng quá cứng nhắc với việc liệu một điều có phải là thuần túy hay hoàn hảo hay không, chỉ cần làm điều gì đó là đủ. Thay cho việc đòi hỏi một sự trải nghiệm toàn diện về cái giá trị mà bạn ao ước bày tỏ, hãy cho phép nó được thể hiện đơn giản theo giá trị của nó; hành động dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng tốt hơn là việc chỉ nung nấu những ý định suông, bởi vì “chúng ta không muốn tính chất trọn vẹn mà là sự mãnh liệt của cuộc sống.” Bạn sẽ sớm nhận ra rằng những điều nhỏ bé cũng có thể mang tới những giá trị biểu trưng lớn lao – cho cả bản thân bạn, và cả những người khác.
Hãy tham gia vào một hoạt động nào đó chẳng hạn như lớp học CrossFit[3] có thể sẽ giúp bạn khỏe mạnh hơn, nhưng sức mạnh mà nó biểu hiện, cái cách mà nó sẽ chứng minh cho bạn thấy rằng bạn xem trọng việc rèn luyện cơ thể, và sẵn lòng thực hiện hành động một cách có chủ đích, sẽ còn quan trọng hơn nữa. Nó cũng sẽ chỉ cho con cái bạn thấy rằng bạn tập tành một cách nghiêm túc. Việc nói không dù chỉ một lần trước những yêu cầu phi lý của cấp trên có thể không phải là một quyết định gây chấn động thế giới, nhưng nó sẽ trở thành một biểu tượng đối với bản thân bạn rằng sự quyết đoán của bạn vẫn còn đó. Biết đâu một người đồng nghiệp khi chứng kiến hành động ấy nơi bạn, có thể cũng được tiếp thêm sức mạnh để đứng lên thì sao.
Tác động của một sự chuyển dịch mang tính hình tượng luôn có sức lan tỏa; khi một người hành động dựa trên niềm tin của bản thân, dù cho là theo những cách nhỏ nhất, “sự lan truyền cảm xúc của việc làm gương của anh ta sẽ là chiếc đòn bẩy cho cả thế giới.” Thí dụ thích đáng: hai thế kỷ sau, chúng ta vẫn còn đang nói về thời điểm một con người sống trong một căn nhà gỗ nhỏ bên một cái hồ nhỏ trong vài năm.
Vì vậy, trước khi bạn bắt đầu với những mục tiêu lớn, những vật sở hữu mới, và chu du tới những vùng đất kỳ lạ – hãy xem xem liệu bạn có thể rút ra điều gì đó từ việc đào sâu hơn vào cuộc đời hiện tại của mình. Hãy hút lấy thứ cốt tủy mà những người khác đều bỏ qua.
“Hãy làm những gì mà anh yêu thích,” đây là câu nói của Thoreau mà vẫn thường được người đời nhắc đến. Nhưng phần còn lại của câu nói ấy cũng quan trọng không kém:
“Hiểu rõ bản thân niềm đam mê của anh; đừng để nó bị sao lãng khỏi anh quá lâu.”
Sources: Henry Thoreau: A Life of the Mind by Robert D. Richardson Dịch: December Child