Dưới đây là ba phương thức mà Thoreau vận dụng thứ nghệ thuật triệt tiêu sự tuyệt vọng này:
Vận Dụng Giác Quan Của Bạn Để Khám Phá Thế Giới Trong Lòng Thế Giới
“Chỉ đơn giản nhìn thôi cũng thấy được biết bao điều tốt đẹp.”
“Chúng ta chỉ thấy được thế giới mà chúng ta muốn thấy.”
Kể từ khi còn học đại học, và tiếp tục trong suốt cuộc đời mình, mỗi ngày Thoreau đều tản bộ trong rừng để duy trì sức khỏe và sự cân bằng tinh thần. Dù ông vẫn thường đi trên những nẻo đường quen thuộc, nhưng chúng luôn mang đến những điều mới mẻ. Thoreau không chỉ ra đi với hai tay không, như Emerson từng kể, với “một cuốn tập chép nhạc để sưu tầm các loài cây cỏ” trong tay và “trong túi của cậu ấy, là cuốn nhật ký và cây bút, một cái ống nhòm để quan sát các loài chim, kính hiển vi, dao nhíp và dây bện,” ông cũng luôn mang theo bên mình tinh thần tập trung cao độ, hoàn toàn tỉnh thức. Qua đó ông trở nên chú tâm sâu sắc tới môi trường xung quanh, có thể đón nhận mọi thứ quanh mình, và chú ý tới các chi tiết mà những công dân vùng Concord, Massachusetts khác đều bỏ lỡ.
Thoreau rất tinh mắt, và không hề lạm dụng khả năng này; cho rằng “trong ý thức trọn vẹn và rõ ràng của thế giới, chúng ta không hề thấy” ông tin rằng để thật sự biết quan sát đòi hỏi phải đi từ cái nhìn thụ động đến việc trau dồi “một mục đích riêng biệt của con mắt”:
“Các sự vật được ẩn giấu khỏi tầm nhìn của chúng ta, không hẳn bởi vì chúng nằm ngoài đường nhìn của ta, mà bởi vì ta không đặt tâm trí và con mắt mình vào việc chấp nhận chúng … Chúng ta không nhận ra chúng ta đã nhìn xa và rộng, hay gần và hẹp ra sao. Phần lớn những sự kỳ diệu của Thiên nhiên do đó bị che giấu khỏi chúng ta trong suốt cả cuộc đời ta.”
Với cái nhìn chú tâm rộng mở, Thoreau quan sát nền đất tuyết nhuộm ánh trăng lấp lánh giữa trời đông, sự e ấp của những nụ hoa chớm nở và những chồi non xanh biếc trên những tán cây khi xuân về, sắc hoàng hôn rực rỡ lúc chiều hè, và sắc lá úa vàng trong tiết thu. Ở ông có cái trực giác nhạy bén phi thường về việc khi nào thì một mùa bắt đầu chuyển tiếp sang mùa kế tiếp, và khi nào thì mùa kế thật sự “tràn về” – ghi chú vào ngày 18 tháng Năm của một năm nọ, như là ví dụ, làm thế nào mà vùng đất bỗng nhiên có “một sinh mệnh mới và ánh sáng chan hòa muôn nơi,” và rằng nó đã diễn ra “nhưng một ngày hè đem tới cả mùa hè.”
Thoreau không chỉ thấy kinh ngạc trước cái cách mà vùng đất thay đổi theo mùa, mà còn cả theo từng tuần và theo từng ngày, ông nhận thấy rằng “những trạng thái khác nhau của đồng cỏ” luôn có gì đó khá mới mẻ diễn ra trước mắt ông. Mỗi một khoảnh khắc đều không ngừng thay đổi và sống động, đợi chờ được nắm bắt bởi một kẻ biết rõ cái nghệ thuật quan sát như ông.
Thị lực của nhà hiền triết đề cao tính ban sơ này không phải là thứ giác quan nổi bật duy nhất. Ông còn thích thú ngửi mùi hương của những chùm nho dại thoang thoảng trong làn gió nhẹ, và có thể lần theo dấu vết của một con cáo chỉ bởi mùi của nó. Đôi tai rất thính của ông cũng có thể làm được điều mà nhà viết tiểu sử Robert D. Richardson mô tả là “sự chú ý khác thường tới mọi loại âm thanh, âm thanh của một cơn mưa giông, giai điệu bản nhạc “Trận chiến Prague” được chơi trên những phím dương cầm, những thanh âm của băng đá, tiếng chuông nhà thờ, dế kêu, cuộc chè chén say sưa lúc tối trời, gà gáy.”
Những giác cảm này được mở rộng tới xúc giác của Thoreau, tới một cơ thể mà ông “sống … với sự mãn nguyện không thể diễn tả được.” Thoreau thích xiết chặt những trái thương lục và để cho thứ nước thịt màu tím của của chúng chảy dọc ngón tay mình. Ông yêu thích trượt băng, ngay cả khi trời đổ bão tuyết, vì cảm giác không khí buốt giá đập vào mặt và cảm giác bay vèo vèo trong không trung một cách duyên dáng “giống như một loài vật mới, một chú hươu có lẽ.” Trong những chuyến đi bộ dài của ông vào rừng, ông thường cởi quần áo ra để có thể cảm nhận được không khí trong lành và ánh nắng mặt trời thấm đượm da thịt mình, và ông sẽ lội dọc con sông trong cùng tình trạng khỏa thân như vậy, vừa đi vừa bơi men theo bờ sông. Ông xem những chuyến đi chơi thế này cũng xa xỉ như bất kỳ một niềm vui thú nào mà những con người cổ đại thuộc đế chế La Mã điêu tàn có thể cũng từng hưởng thụ.
Khả năng của Thoreau trong việc tìm thấy những điều “tầm thường” xung quanh mình vẫn hằng thú vị được thúc đẩy bởi sự thật rằng ông, như một người bạn của ông từng nhận xét, “sống trọn vẹn với một lòng ham hiểu biết.” Tâm trí ông luôn được đặt trong trạng thái “khám phá,” và ông không ngừng tìm kiếm những thế giới trong lòng thế giới – những vương quốc chỉ lộ diện trước những ai biết nhẫn nại và kiên trì. Ví dụ như, khi ông nhận thấy lũ ếch ban đầu chạy tán loạn khi ông tới bên đầm sẽ quay trở lại nếu như ông lặng lẽ chờ đợi đủ lâu, ông gần như hạ trại ngoài trời bên bờ đầm chỉ để quan sát thêm về hành vi của chúng. Một người láng giềng hồi tưởng lại cảnh tượng ấy với sự bối rối:
“Tại sao, vào một buổi sáng tôi ra ngoài đồng ở phía bên kia bờ sông, và ở đó, bên một cái ao bùn nhỏ, là Da-a-vid Henry, và anh ta cứ đứng đó mà chẳng làm gì cả – nhìn xuống cái ao, và khi tôi quay về nhà vào buổi trưa, anh ta vẫn đứng chắp tay sau lưng mà nhìn xuống cái ao, và sau bữa tối khi tôi quay trở lại thì Da-a-vid vẫn đứng nguyên đó như thể anh ta đã ở đó cả ngày, cứ nhìn xuống cái ao mãi thôi, và khi tôi đứng lại và nhìn anh ta và nói, “Da-a-vid Henry, cậu làm gì thế?’ Và anh chàng chẳng buồn quay đầu lại mà nhìn tôi. Anh ta cứ nhìn xuống cái ao, và nói, như thể lúc ấy anh ta đang nghĩ tới mấy vì tinh tú trên trời vậy, ‘Ông Murray, Tôi đang nghiên cứu – tập quán – của loài ễnh ương!’ Và đứng đó là tên ngốc chết bầm – cả một ngày trời – nghiên cứu – tập quán – của loài ễnh ương!”
Niềm vui thích của Thoreau trước những điều bình dị cũng còn được thúc đẩy bởi một tinh thần ngạc nhiên trẻ thơ mà ông không bao giờ đánh mất – một niềm tin rằng không có gì là thực sự tầm thường, rằng “Chẳng có gì là rẻ mạt và tầm thường, dù là một giọt sương hay một bông tuyết đi chăng nữa.” Mỗi một con người đều được bao quanh bởi sự thần thánh thiêng liêng; khi mà anh ta hoan hỉ sau một trận mưa băng: “Chúa đã hiện thân trước kẻ bộ hành trong rừng cây phủ sương ngày hôm nay, cũng như là bụi gai cháy đối với Moses[1] ngày xưa.”
Niềm vui sướng và hân hoan thực thụ là có thể đạt được, ông cho là như vậy, với những ai sẵn lòng thực hiện những nỗ lực nhỏ bé để đi tới vùng đất của họ mỗi ngày theo những cách khác biệt không đáng kể, và do đó gom góp những chi tiết nhỏ trong môi trường sống thành ngọn núi hùng vĩ của sự mãn nguyện:
“Chỉ cần chú ý tới sự vật hay hiện tượng nhỏ nhất, dù có quen thuộc đến đâu, chỉ từ một chút ít khác biệt so với con đường quen thuộc hay những thói quen hàng ngày của chúng ta, để choáng ngợp, say mê trước vẻ đẹp và ý nghĩa của nó … Nhận biết những điều mới mẻ, với một tinh thần tươi mới, chính là được truyền cảm hứng … Toàn bộ cơ thể tôi đều có tri giác. Khi tôi đi đây đi đó, tôi cảm thấy thích thú bởi điều này hay điều nọ mà tôi từng tiếp xúc. Nhìn chung tôi vẫn còn nhớ – như vừa xảy ra mới đây thôi – về nguồn gốc của những vết trầy xước trên cơ thể mình. Từ những điều ấy tôi tiếp tục triệu hồi trong tâm trí, tái hiện, và nhắc đi nhắc lại. Thời kỳ của những phép màu là mỗi khoảnh khắc được quay trở về …
Chúng ta chỉ thấy được sự tươi đẹp của thế giới này một cách thoáng qua và có phần không trọn vẹn. Đứng ở góc độ thích hợp, ta sẽ kinh ngạc trước những sắc màu của cầu vồng trên mặt băng vô sắc. Từ góc nhìn thích hợp, trong mỗi một cơn bão và mỗi một giọt mưa đều có sự hiện hữu của cầu vồng … Tôi thấy được thuộc tính của một thế giới khác và những trạng thái khác nhau của các sự vật. Quả là kỳ diệu khi tôi thấy xúc động, vô cùng sâu sắc và mạnh mẽ, hơn hẳn bất kỳ điều gì khác mà tôi từng trải qua trong đời.”
Tìm Kiếm Cuộc Phiêu Lưu Nơi Sân Sau Nhà Bạn
“Kẻ lãng du! Tôi thích cái tên gọi này. Một kẻ lãng du được kính trọng như vậy. Chức nghiệp của anh ta là hình tượng hay ho nhất trong cuộc sống của chúng ta. Đi từ _______ đến ________; là lịch sử của mỗi người chúng ta.”
Trong khi Thoreau ca tụng cái danh hiệu của một kẻ lãng du, những chuyến đi mà ông thực hiện trong tâm tưởng thực sự chẳng liên quan gì nhiều tới khoảng cách địa lý.
Cũng giống như một nhà văn khác là J.R.R. Tolkien, Thoreau có lòng khát khao ít ỏi đối với những chuyến đi ra bên ngoài theo kiểu truyền thống bởi vì sự phong phú của thế giới bên trong tâm hồn ông đã mang tới một vùng đất dành cho những sự khám phá thú vị vô cùng tận. Chuyến hành trình của việc khám phá bản thân và chinh phục bản thân, ông cho rằng, là hành trình thú vị nhất mà một người có thể thực hiện, và ông do đó định nghĩa việc “du hành” và khám phá những vùng đất mới là những khoảng thời gian mà bạn “nghĩ về những suy tư tưởng, và có những tưởng tượng mới. Trong không gian suy tưởng là việc chạm tới những vùng đất liền và mặt nước mà con người đã đặt chân tới và đã ra đi.” Như ông đã giải thích sâu hơn, “bởi vì tôi đo lường khoảng cách không phải bằng thế giới quan bên ngoài mà ở trong tâm trí mình. Trong lồng ngực của một con người là vừa đủ không gian và cảnh sắc cho bất kỳ một cuốn hồi ký nào.”
Cuộc di trú trọng đại nhất mà một người có thể thực hiện, Thoreau cho rằng, là hướng về “miền Tây.” Ở đây ông không có ý ám chỉ một chuyến đi vất vả thực thụ được thực hiện bởi những người khai khẩn đất đai đương thời; thay vì vậy, “Miền Tây mà tôi nhắc đến là một cái tên khác cho Miền hoang dã.” Sự hoang dã ban sơ mà Thoreau tìm kiếm đại diện cho những phẩm chất của một tâm hồn không bị ngăn trở bởi nền văn minh; những ý tưởng căn nguyên của một người, và sự tin tưởng bản thân mà cho phép anh ta bám vào những niềm tin đó.
Sự hoang dã như vậy, Thoreau tin, có thể dễ dàng được tìm thấy ngay gần ngôi nhà mình cũng như ở nơi vùng đất xa xôi nào đó, ông cho rằng rằng “Thật là vô ích khi mơ về một miền đất hoang dã ở khoảng cách thật xa xôi so với chúng ta … Tôi sẽ không bao giờ tìm thấy được nơi thiên nhiên hoang dã của Labrador có điều gì tuyệt vời hơn so với thiên nhiên hoang dã của Concord hết cả.”
Vì thế mà Thoreau hiếm khi đi xa nhà, cuộc đi dạo hàng ngày đã kể đến ở trên của ông cũng đủ để “lật tung ngôi làng” cho nên “mỗi một chuyến bách bộ là một cuộc viễn chinh … để tiến về phía trước và tái chiếm vùng đất thánh từ tay của những kẻ vô thần.” Bởi vì sự cởi mở trong cái nhìn của ông và sự thích thú tìm kiếm những chi tiết mới mẻ trong môi trường xung quanh, những cuộc tản bộ nơi “vùng lân cận” không bao giờ mòn chán:
“thực ra có một sự hài hòa có thể nhận ra giữa những tiềm năng của vùng đất trong vòng bán kính mười dặm, hay những giới hạn của một chuyến bạch bộ lúc về chiều, và bảy mươi năm cuộc đời. Nó sẽ không bao giờ trở nên quen thuộc với anh.”
Thoreau đôi khi cũng có đặt chân tới các bang lân cận, thực hiện những chuyến đi xuồng và đi bộ đường dài vào những vùng đất thực sự hoang vu như New Hamsphire và Maine. Và trong khi những chuyến du ngoạn như thế này có mức độ thách thức vừa phải, sức tưởng tượng của ông, và cả cái khả năng của ông trong việc tìm kiếm những điều siêu phàm và huyền bí ngay cả ở nơi chốn tầm thường nhất, cho phép ông nâng tầm những chuyến đi như vậy thành những hành trình kỳ thú và đầy kích thích. Với Thoreau mà nói, việc chèo xuồng xuôi dòng con sông Concord quả thực có thể ví như việc giong buồm dọc sông Nile, những chuyến đi tới các thị trấn lân cận cũng mang lại cảm giác như khi tiến vào “terra in-cogniata” (vùng đất đai chưa ai biết tới), và tất cả những chuyến đi, dù có cách nhà bao xa, cũng giống như cuộc viễn chinh nơi địa cực và mang hơi hướng anh hùng ca.
Thoreau không hề ảo tưởng; ông cũng chẳng phải là anh chàng Walter Mitty[2] đáng thương hình dung cuộc đời mình hoành tráng hơn nhiều so với những gì nó vốn có. Chỉ là vì những giác quan của ông quá đỗi bén nhạy, và trí tưởng tượng của ông quá đỗi thăng hoa, sự rung động trong tâm hồn ông quá đỗi mạnh mẽ, cho nên nguyên chuyện khám phá sân sau nhà mình thôi cũng thực sự giống như một chuyến phiêu lưu để đời, vĩ đại. Một cuốc đi bộ đường dài ở vùng lân cận cũng đủ để phục hồi cảm giác tin tưởng vào bản thân trong ông; một chuyến cắm trại ở một bang lân cận cũng đủ để trở thành một chuyến du hành vào trong miền hoang dã. Một con dấu trên cuốn hộ chiếu không phải là điều kiện tiên quyết để duy trì những chuyến hành trình của ông về với thiên nhiên bao la và sự huyền bí vô tận của tâm hồn.