Khả Năng Tự Nhận Thức: Vũ Khí Bí Mật Giúp Bạn Thay Đổi Thói Quen.

Những tình huống thường hay gặp: Khi có góp ý( có thể cần thiết và hữu ích hoặc không) từ đồng nghiệp hay cấp trên, ta bực bội mà không nhìn nhận phần lỗi của mình. Ta nhận thấy năng suất làm việc của mình đang giảm đi nên thay vì trị bệnh thì ta chỉ chữa các triệu chứng, nốc hơi cà phê rồi một giờ đồng hồ sau lại ngất đi trên bàn(và sau đó ta đi tìm những mẹo giúp tăng năng suất vì công việc chồng chất).

Hành động này trở thành thói quen và ta không thể dừng lại và suy ngẫm về việc ta đang làm gì. Ở tình huống tệ hơn, nhiều người còn không có người chia sẽ trách nhiệm với ta; Chỉ dẫn ta nhận ra những sai lầm cùng những hậu quả mà ta gây ra.

Thừa nhận rằng, ta đã lãng phí nhiều thời gian lừa dối chính ta; tự biên lí do – biện hộ cho những hành động tốt lẫn xấu của chính ta. Khi làm điều gì sai, bản năng trỗi dậy và ta làm mọi cách để tránh thừa nhận sự thật hiển nhiên: đôi khi mọi thứ đều là lỗi của ta.

Con người thường trải nghiệm trước, lý giải sau.

Một bài viết trên Harvard Business Review, tác giả Anthony K. Tjan cho rằng,

… có một phẩm chất đóng vai trò chủ chốt mà hầu như mọi doanh nhân, nhà quản lý và nhà lãnh đạo xuất sắc đều có. Đó chính là khả năng tự nhận thức. Hành động thông minh nhất mà các lãnh đạo có thể [làm] để cải thiện hiệu quả làm việc là trở nên ý thức hơn về những gì tạo động lực cho họ và hành động ra quyết định của họ.

Chậm lại một chút, dành thời gian suy ngẫm để trở nên thông suốt và nhận ra sự khờ dại của chính ta là việc làm cực kỳ quan trọng giúp nuôi dưỡng khả năng tự nhận thức. Ta đang đấu tranh với những hành vi bản năng(tiến hóa và thích nghi) của chính ta – não bộ được lập trình để luôn bảo vệ chính nó – nên thay vì tiêu tốn năng lượng cho những hành động vô ích phục vụ cái tôi bị tổn thương, ta ngừng lại một chút, suy ngẫm và làm những gì tốt cho chính mình.

Hãy ý thức hơn về những gì tạo động lực cho chính ta và hành động ra quyết định của ta.

Học cách ra các quyết định khôn ngoan hơn và lắng nghe suy nghĩ và cảm giác của chính mình. Ta thường đổ lỗi cho các tác nhân bên ngoài bởi đây là cách biện minh dễ dàng nhất, trong khi thật ra ta nên nghĩ đến việc tư duy, suy ngẫm, thử nhìn theo các quan điểm khác nhau và rút kinh nghiệm từ những sai lầm.

Nhà triết học người La Mã Seneca từng nói, “Người không nhận thức được chính mình đang làm sai, sẽ không muốn được sửa sai. Ta phải tự thấy chính mình sai thì mới có thể cải thiện.”

1. Rèn luyện khả năng tự nhận thức gian nan và đòi hỏi sự nỗ lực.

“Thứ sức mạnh cứu nguy cho một người thiếu kinh nghiệm là nhận thức, đặc biệt là khả năng tự nhận thức. Tuy nhiên, con người lại mơ hồ hiểu biết nếu có vốn kiến thức này thì họ sẽ buộc phải hành động, phải làm rõ bản thân, hay phân biệt bản thân với tập thể và do vậy khiến họ dễ bị từ chối, tẩy chay cũng như những nỗi sợ khác xuất phát từ việc làm rõ bản thân.” – trích từ Turning Pro của Steven Pressfield.

Ý thức được ta là ai, ta nghĩ gì và làm gì là khả năng vô giá, giúp đưa ta đến tự khẳng định chính mình và tiếp tới là sự thay đổi. Có lẽ đây nên là lý do tại sao trong những chương trình như Alcoholics Anonymous(Hội Người Cai Rượu) và liệu pháp về hành vi nhận thức trước hết đều giúp các cá nhân biết tự nhận thức – ý thức được nỗi sợ, suy nghĩ, hành vi của mình, dồn hết can đảm để chấp nhận chúng và vận dụng ý thức đó để tạo điều kiện thay đổi hành vi.

Nỗ lực thiết yếu để thay đổi tâm trí và hành vi chính là cuộc chiến cả đời. Con người luôn thích nghi, tạo ra những lề thói để não bộ không phải hoạt động nhiều và tiêu tốn ít năng lượng hơn. Hiểm họa tiềm tàng trong lối tắt này là chúng ta có thể trở nên quá thoải mái với việc làm sai; và như lời của Seneca thì nếu không ý thức được thứ đó thì có thể chúng ta sẽ không muốn được sửa sai.

Nguyên nhân khiến quá trình này trở nên đặc biệt khó khăn là do tự nhận thức không phải chủ đề được thảo luận phổ biến trong nền văn hóa của chúng ta. Các tổ chức giáo dục chúng ta không ủng hộ chủ đề này. Khiêm tốn thừa nhận thiếu sót thì khó hơn rất nhiều so với việc thêu dệt một câu chuyện để giảm nhẹ thiếu sót.

Chúng ta có nên nghe theo câu ngạn ngữ “Ignorance is bliss” (Không biết không có tội) khi khuyết điểm của mình phô bày ra ánh sáng không? Chúng ta có nên né tránh hiện thực về con người mình và trôi xuôi theo dòng đời không? Hay ta nên đối mặt với bản thân và tiến đến cho phép bản thân tự cải thiện nhằm trân trọng bản ngã chân thật nhất, tốt đẹp nhất của chính mình mặc cho đôi khi ta sẽ đau khổ rất nhiều?

Đừng để những con người sa vào lối mòn của sự thoải mái chỉ bảo bạn rằng cuộc sống nên là như vậy. Tự ngẫm lại những thiếu sót của mình, hiểu nguyên nhân tạo ra chúng, xem xét các đóng góp hoặc thiếu sót của bản thân và tiếp thu sâu sắc bài học này để lần sau bạn có thể đảm nhận một vai trò lớn hơn. Việc này sẽ khó khăn bởi tâm trí sẽ ra sức bảo vệ bạn khỏi bất kỳ thông tin hay quan điểm đối lập nào. Nó sẽ tạo ra những quan điểm không thật để xoa dịu bạn vì, này, bạn còn phải sống chứ. Đây không chỉ là phản ứng tự động của chúng ta mà đơn thuần chính là bản chất của con người.

2. Tập luyện suy ngẫm.

“Suy ngẫm là một phương pháp trầm tư bổ ích và hữu hiệu cho bất cứ ai biết xem xét và tận dụng đúng tâm trí mình. Tôi thà phát triển tâm hồn thay vì tô điểm vẻ ngoài của nó. Theo bản chất của não bộ thì không có bài tập nào mơ hồ hay vất vả hơn bài tập chuyển hóa suy nghĩ của chính mình. Những con người vĩ đại nhất biến nó thành năng khiếu của họ, những người có phương châm sống là tư duy.” – trích từ Essays của Montaigne.

Tối trước khi ngủ, tôi dành 10 đến 20 phút để ngồi trong bóng tối suy ngẫm về ngày hôm ấy, hình dung lại các sự kiện và thử xem mình có sai sót ở đâu.

Tôi tự đặt các câu hỏi để hiểu rõ một ngày:

  • ta đã làm những gì cần làm chưa?
  • Tại sao ta lại hồi hộp khi nói chuyện với người lạ đó?
  • Hôm nay ta đã đạt được thứ gì hữu ích?
  • ta có tử tế với bản thân và với người khác không?
  • ta có tập thể dục không?
  • Tại sao ta lại mở ứng dụng abc.. 100 lần khi đang làm việc?
  • Khi một người bạn kể chuyện, tại sao ta lại không tập trung?

Tôi làm vậy để kết thúc ngày cũ, với hy vọng hôm sau tôi có thể đón chào ngày mới với tâm trí thông suốt, tư duy tiến bộ hơn và thừa nhận khiếm khuyết để cải thiện. Ta có thể ghi ra những suy nghĩ của mình. Bạn có thể chỉ cần nói ra các suy nghĩ trong khi đi tới đi lui trong phòng. Bạn có thể thảo luận với bạn thân, tìm hiểu quan điểm của họ để làm rõ những nhận thức sai lầm của mình.

Bạn có thể suy ngẫm ở mọi lúc mọi nơi. Sau một cuộc tranh luận nảy lửa hoặc sau khi nhận ra thất bại của mình, hãy ngăn bản thân phản ứng theo cảm xúc (việc này chắc chắn rất khó khăn). Thay vào đó hãy ngẫm lại sự kiện, xem xét từng sự việc riêng lẻ và tự hỏi tại sao việc đó không hiệu quả. Hãy tìm kiếm để thấu hiểu chứ không phải để chứng minh mình đúng. Sai lầm nằm ở đâu? Bạn đã bỏ lỡ điều gì? Bạn còn thiếu mảnh ghép nào để hiểu tường tận vấn đề, để giảm bớt nỗi thất vọng, để so sánh và làm sáng tỏ sự việc? Vào những lúc này, trong bạn đầy bất an và nhận thức sai lầm. Việc đưa ra giải pháp sẽ hữu ích hơn rất nhiều so với việc huênh hoang và phàn nàn.

Tìm kiếm để thấu hiểu, không phải để chứng minh đúng sai.

3. Có nền tảng triết lý sống làm điểm tựa.

“Trở thành một nhà triết học không chỉ đơn thuần là có những suy nghĩ tinh tế hay thậm chí là lập ra một trường phái nào đó… mà là giải quyết một số vấn đề của cuộc sống, không chỉ trên lý thuyết mà còn trên thực tế.” – Henry David Thoreau

Nếu xem xét nhân vật chính trong truyện nào đấy có được một người thầy thông thái dẫn dắt – như,Luke Skywalker và Yoda;Frodo và Gandalf;Harry Potter và Dumbledore;vị cao sư và người học trò;vị tướng và người lính. Chúng ta sẽ nhìn thấy hình ảnh thầy dạy trò các hiểu biết thực tế của mình. Các chủ đề phổ biến như sự hy sinh, vị tha, khiêm tốn, dũng cảm, danh dự, tinh thần trách nhiệm đều là những mục tiêu mà ta phấn đấu mỗi ngày nhưng đôi khi lại lơ là đi. Những người thầy này luôn bên cạnh giúp học trò thấm nhuần các nguyên tắc đạo đức. Khi không có người đồng sự nhiều kinh nghiệm hơn giúp đưa mình về đúng đường thì triết lý sống có thể trở thành kim chỉ nam của ta, người hùng của ta.

Tất nhiên, thách thức ở đây chính là việc phải nhớ quay về với triết lý sống của mình giống như cách ta gọi cho một người bạn khi tuyệt vọng. Đó không có nghĩa là ủng hộ tuyệt đối một trường phái triết học(hay tôn giáo) như Chủ nghĩa Stoics hay Phật giáo, mà là áp dụng các nguyên tắc, hiểu biết thực tế được lưu truyền xuyên suốt lịch sử loài người vào đời sống. Đôi khi, ta cần biết chính mình nên và không nên làm gì.

Ví dụ, sau khi nhận ra mình đã lãng phí phần lớn thời gian sáng tạo nhất để chăm chút tiểu sử cá nhân trên truyền thông xã hội thì bạn có thể rút ra bài học từ sai lầm đó không? Bạn có thể thừa nhận, “Mình đã làm hỏng chuyện. Đã đến lúc phải bắt tay vào việc rồi.” không, hay bạn sẽ đổ lỗi là bí ý tưởng viết văn hay viện những lý do giả dối nào đó? Có câu nói, câu thần chú hay đoạn văn đặc biệt nào trong sách có thể giúp bạn tập trung lại năng lượng để ngừng trì hoãn và thật sự làm việc không? Hoặc có thể bạn ngưỡng mộ một vị anh hùng nào đó. Vậy người này có hành động như thế không? Họ vấp ngã và đổ lỗi hay thật sự ngồi xuống giải quyết vấn đề?

Nhà triết học người La Mã Epictetus từng nói rằng một triết lý sống khôn ngoan chính là “khả năng tự xem xét với lòng nhân từ”. Ta phải học cách đối diện với chính mình, thừa nhận sai lầm, rút kinh nghiệm và để khả năng nhận thức đó thôi thúc và thay đổi chính mình. Bởi thẳng thắn mà nói thì người chịu trách nhiệm cho chất lượng cuộc sống của ta còn ai khác ngoài chính ta nào? Trên hết, ta phải cảm thông với chính mình vì sự thay đổi này là một quá trình chậm và ổn định, là cuộc đấu tranh vượt qua các thói quen cũ để cuối cùng hình thành những thói quen mới giúp xác định con người mình.

Ta phải hiểu rằng quá trình rèn luyện khả năng tự nhận thức này ngày càng khó khăn hơn vì toàn bộ những ảnh hưởng văn hóa đến bộ não cổ đều đang chống lại chính ta. Việc tỏ ra tức giận, đổ lỗi cho ngoại cảnh, trốn tránh thực tại đau thương gồm các khiếm khuyết và sai lầm của chính ta thì dễ dàng hơn rất nhiều.


Người phụ nữ vĩ đại, bà Maya Angelou quá cố, từng nói, “Khi nhận thức rõ hơn, ta sẽ làm tốt hơn.” Một khi bạn phạm sai lầm và rút ra được bài học từ sai lầm đó thì vai trò của ta là áp dụng những gì mình học được. Ta được yêu cầu duy trì ngân sách để khắc phục các vấn đề tài chính hoặc viết nhật ký ăn uống khi cố gắng ăn uống đúng cách chính là vì: sự tự công nhận chính là sức mạnh. Nếu không nhìn rõ được trạng thái tinh thần mình thì ta rất dễ lặp lại những thói quen xấu hoặc những sai lầm mình đã phạm lúc trước. (Và dù chuyện này có xảy ra thì đó chỉ là một cơ hội nữa để ta hiểu thêm về bản thân.)

Tự cải thiện không phải là đọc xong một cuốn sách hay hoàn thành một buổi hội thảo. Tự nhận thức chính là một sự rèn luyện, một cơ bắp phát triển dần theo thời gian và nỗ lực để cuối cùng đem lại cho ta sức mạnh. Chúng ta luôn trong trạng thái liên tục thay đổi, thích ứng với những ảnh hưởng văn hóa và trải nghiệm của chính mình. Càng học cách ý thức được những động lực, suy nghĩ và hành động của mình trong khi vẫn ghi nhớ các nguyên tắc nuôi dưỡng hiểu biết thực tế, ta sẽ càng dễ trở nên hoàn thiện hơn.

Nguồn: Tác giả: Paul Jun/99u

Leave a Comment