Ích kỷ và Yêu bản thân (Selfishness and Self-Love)

Ích kỷ và Yêu bản thân không giống nhau, trên thực tế là đối lập nhau.

Ích kỷ là một kiểu tham lam. Giống như tất cả các kiểu tham lam, ích kỷ chứa đựng tính tham lam vô độ, không thể thoả mãn được. Tham lam là một cái hố không đáy làm một người kiệt sức vì liên tục nỗ lực để thoả mãn nhu cầu mà không bao giờ cảm thấy hài lòng. Điều này dẫn đến một điểm quan trọng: Sự quan sát cẩn thận cho chúng ta thấy mặc dù người ích kỷ lúc nào cũng bận tâm đến bản thân anh ta, nhưng anh ta không bao giờ cảm thấy thoả mãn, luôn luôn bồn chồn, luôn luôn bị thúc đẩy bởi nỗi sợ không có đủ, sợ bỏ lỡ thứ gì đó, sợ bị tước đoạt thứ gì đó. Lòng anh ta đầy ắp lửa ganh tỵ với bất kì ai có nhiều thứ hơn anh.

Nếu chúng ta quan sát kĩ hơn nữa, đặc biệt là những động lực vô thức, thì chúng ta sẽ phát hiện thấy kiểu người ích kỷ về cơ bản là KHÔNG YÊU THÍCH bản thân anh ta, đúng hơn là, anh ta ghét mình một cách sâu sắc.

Tính ích kỷ bắt nguồn từ sự thiếu yêu thích bản thân. Người không thích chính mình, không ủng hộ bản thân, thì liên tục bận tâm đến bản thân anh ta. Anh ta không có sự an toàn bên trong có thể tồn tại dựa vào nền tảng của sự ủng hộ và yêu thích chân thành con người mình. Anh ta phải quan tâm đến bản thân mình, tham lam giành lấy tất cả mọi thứ cho mình, vì về cơ bản, bản thân anh ta thiếu sự an toàn và thoả mãn.

Điều tương tự cũng đúng với người mắc chứng ái kỷ (narcissistic). Dù bên ngoài dường như kiểu người ái kỷ rất yêu bản thân họ, thì trên thực tế họ không hề thích bản thân, và tính ái kỷ của họ – cũng giống như tính ích kỷ – là một sự bù trừ quá mức cho sự thiếu tình yêu đối với bản thân. Freud từng chỉ ra rằng, người ái kỷ rút lại tình yêu của anh ta đối với mọi người và chuyển nó vào bản thân anh ta. Dù vế đầu của câu này là đúng, thì vế hai lại sai lầm. Anh ta chẳng yêu người khác cũng như bản thân mình.

Chúng ta có thể hiểu cơ chế này dễ dàng hơn khi so sánh nó với sự quá quan tâm và quá bảo vệ người khác. Dù đó là một bà mẹ quá lo lắng cho con hay một người chồng quá quan tâm đến vợ, thì sự quan sát đủ sâu sẽ chỉ ra một sự thật: Trên bề mặt ý thức, những người đó luôn tin rằng họ đặc biệt yêu con hoặc yêu vợ, thì thực tế là, có một sự thù địch bị kìm nén đối với người mà họ quan tâm. Họ quan tâm đến con, đến vợ vì họ phải bù trừ không chỉ cho sự thiếu tình yêu đối với người đó mà còn cả sự thù địch.

NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA SỰ GHÉT BẢN THÂN

Sự ghét bản thân được tiết lộ theo nhiều cách. Một trong những biểu hiện gián tiếp thường xuyên nhất của sự ghét bản thân là CẢM GIÁC THẤP KÉM (inferiority) rất phổ biến trong nền văn hoá chúng ta. Về mặt ý thức, những người đó không cảm nhận rằng họ đang ghét bản thân, những gì mà họ cảm nhận chỉ là cảm giác họ thấp kém hơn những người khác, rằng họ là đứa ngu ngốc, không quyến rũ.

Một hình thức khác tinh tế hơn của sự ghét bản thân là xu hướng liên tục chỉ trích bản thân. Những người đó có thể không cảm thấy thấp kém nhưng nếu họ mắc phải một sai lầm, hay phát hiện ra một điều gì đó ở bản thân mà họ không nên có, thì giọng nói chỉ trích bản thân của họ vượt quá mức độ nghiêm trọng của lỗi lầm. Họ phải hoặc là trở nên hoàn hảo theo những tiêu chuẩn của riêng họ, hoặc ít nhất phải đủ hoàn hảo theo những tiêu chuẩn của những người xung quanh họ để họ nhận được sự ủng hộ và tình cảm. Nếu họ cảm thấy những gì họ đã làm là hoàn hảo hoặc nếu họ thành công trong việc chiếm được sự ủng hộ từ người khác, thì họ cảm thấy dễ chịu. Nhưng bất cứ khi nào thiếu điều này thì trong lòng họ tràn ngập cảm giác thấp kém.

Biểu hiện phổ biến nhất của sự thiếu yêu thích bản thân là ở cách người đó đối xử với bản thân.

Yêu người khác và yêu bản thân không phải là loại trừ lẫn nhau. Cũng như ghét người khác và ghét bản thân. (Bạn yêu mình, bạn yêu người. Bạn ghét mình, bạn ghét người). Thái độ đối với người khác và thái độ đối với bản thân là tương tự nhau. Quan điểm này được nhấn mạnh bởi K. Horney, 1939.

Dịch theo tài liệu Selfishness and Self-Love – Erich Fromm

Leave a Comment