Học thuyết Ngũ hành

Ngũ: năm; Hành: vận động, đi.

Người xưa mượn tên và hình ảnh của 5 loại vật chất để đặt tên cho 5 vị trí:

  1. Mộc: có tính chất động, khởi đầu (Sinh).
  2. Hỏa: có tính chất nhiệt, phát triển (Trưởng).
  3. Thổ: có tính chất nuôi dưỡng, sinh sản (Hóa).
  4. Kim: có tính chất thu lại (Thu).
  5. Thủy: có tính chất tàng chứa (Tàng).

Sau đó qui nạp mọi sự vật hiện tượng ngoài thiên nhiên lẫn trong cơ thể con người vào Ngũ hành để xét mối quan hệ Sinh – Khắc giữa các sự vật hiện tượng.

Như vậy, học thuyết Ngũ hành chính là sự cụ thể hóa qui luật vận động chuyển hóa của mọi sự vật hiện tượng.

Qui loại Ngũ hành

Qui loại Ngũ hành

Mộc Hỏa Thổ Kim Thủy
Vật chất Cây, gỗ Lửa Đất Kim loại Nước
Màu Lục Đỏ Vàng Trắng Đen
Vị Chua Đắng Ngọt Cay Mặn
Mùa Xuân Hạ Trưởng hạ Thu Đông
Hướng Đông Nam Trung
ương
Tây Bắc
Quá trình phát triển Sinh Trưởng Hóa Thu Tàng
Tạng Can Tâm, Tâm bào Tỳ Phế Thận
Phủ Đởm Tiểu trường, Tam tiêu Vị Đại trường Bàng quang
Ngũ thể Cân Mạch Nhục Bì mao Cốt tủy
Ngũ quan Mắt Lưỡi Miệng Mũi Tai
Tình chí Giận Mừng Lo Buồn Sợ

Các qui luật của Ngũ hành

Có 4 qui luật hoạt động của Ngũ hành (nói cách khác, có 4 kiểu quan hệ giữa các sự vật hiện tượng), gồm có:

A. Trong điều kiện bình thường(có 2 qui luật):

  1. Tương sinh (Sinh: hàm ý nuôi dưỡng, giúp đỡ):

Giữa Ngũ hành có mối quan hệ nuôi dưỡng, giúp đỡ, thúc đẩy nhau để vận động không ngừng, đó là quan hệ Tương sinh.

Người ta qui ước thứ tự của Ngũ hành Tương sinh như sau: Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc.

Trong quan hệ Tương sinh, mỗi Hành đều có mối quan hệ với hai Hành khác (hai vị trí khác: Cái-Sinh-Nó và Cái-Nó-Sinh).

Chẳng hạn Mộc (Mẹ) sinh Hỏa (Con)… Thí dụ: vận động chân tay (Mộc) làm cho người nóng lên (sinh Hỏa)…

  1. Tương khắc (Khắc hàm ý ức chế, ngăn trở):

Giữa Ngũ hành có mối quan hệ ức chế nhau để giữ thế quân bình, đó là quan hệ Tương khắc. Người ta qui ước thứ tự của Ngũ hành Tương khắc như: Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc.

Trong quan hệ tương khắc, mỗi Hành cũng có quan hệ với hai Hành khác (hai vị trí khác: Cái-Khắc-Nó và Cái-Nó-Khắc). Chẳng hạn Mộc (kẻ thắng) khắc Khổ (kẻ thua). Thí dụ: khi vận động chân tay (Mộc) thì hoạt động của tiêu hóa sẽ giảm đi (khắc Thổ)…

Sơ đồ sau đây do người đời sau trình bày để dễ học hỏi (không hoàn toàn chính xác với ý nghĩa của Ngũ hành).

Sơ đồ 2: Quan hệ Tương sinh Tương khắc của Ngũ hành (Tương sinh “; Tương khắc 4)

Tương tự như mối quan hệ giữa Âm và Dương, Tương sinh và Tương khắc không tách rời nhau, nhờ đó vạn vật mới giữ được thăng bằng trong mối quan hệ với nhau.
Thí dụ: Mộc khắc Thổ, nhưng Thổ lại sinh Kim khắc Mộc nhờ đó Mộc và Thổ giữ được thế quan bình, Thổ không bị suy. Có tương sinh mà không tương khắc thì không thăng bằng, không phát triển bình thường được. Có tương khắc mà không tương sinh thì không thể có sự sinh trưởng biến hóa. Như vậy, qui luật tương sinh tương khắc của Ngũ hành, về bản chất, chính là sự cụ thể hóa Học thuyết Âm Dương.

B. Trong điều kiện bất thường(có hai qui luật):

Nếu một lý do nào đó phá vỡ sự thăng bằng giữa Ngũ hành với nhau, Ngũ hành sẽ chuyển sang trạng thái bất thường, không còn thăng bằng và hoạt động theo hai qui luật:

  1. Tương thừa (Thừa: thừa thế lấn áp):

Trong điều kiện bất thường, Hành này khắc Hành kia quá mạnh, khi đó mối quan hệ Tương khắc biến thành quan hệ Tương thừa. Chẳng hạn: bình thường Mộc khắc Thổ, nếu có một lý do nào đó làm Mộc tăng khắc Thổ, lúc đó gọi là Mộc thừa Thổ.
Thí dụ: giận dữ quá độ (Can Mộc thái quá) gây loét dạ dày (Vị Thổ bị tổn hại).

  1. Tương vũ (Vũ: hàm ý khinh hờn):

Nếu Hành này không khắc được Hành kia thì quan hệ Tương khắc trở thành quan hệ Tương vũ. Chẳng hạn: bình thường Thủy khắc Hỏa, nếu vì một lý do nào đó làm Thủy giảm khắc Hỏa (nói cách khác: Hỏa “khinh lờn” Thủy) thì lúc đó gọi là Hỏa vũ Thủy.
Thí dụ: Thận (thuộc Thủy) bình thường khắc Tâm (thuộc Hỏa), nếu Thận Thủy suy yếu quá không khắc nổi Tâm Hỏa sẽ sinh chứng nóng nhiệt, khó ngủ…

Như vậy, quan hệ bất thường chủ yếu thuộc quan hệ Tương khắc. Có hai lý do khiến mối quan hệ Tương khắc bình thường trở thành quan hệ Tương thừa, Tương vũ bất thường.

(1) Một hành nào đó trở nên thái quá. Thí dụ: Thủy khí thái quá làm tăng khắc Hỏa; đồng thời cũng có thể khinh lờn Thổ.

(2) Một Hành nào đó trở nên bất cập. Thí dụ: Thủy khí bất túc làm Thổ tăng khắc Thủy; đồng thời Thủy cũng bị Hỏa khinh lờn.

Tuy vậy, quan hệ Tương sinh cũng có bất thường, đó là trường hợp Mẫu bệnh cập tử, Tử bệnh phạm mẫu.

Ứng dụng vào một số lãnh vực đời sống

A. Ứng dụng vào việc ăn uống:

“Trời nuôi người bằng Ngũ khí, Đất nuôi người bằng Ngũ vị”.

Người ta phân loại thức ăn theo Ngũ hành dựa vào màu sắc, mùi vị mà suy ra tác dụng của món ăn đối với cơ thể. Thí dụ: món ăn chua đi vào Can, ngọt đi vào Tỳ… (bảng 1). Và sau đó áp dụng nguyên tắc ăn uống theo qui luật của Ngũ hành: dùng thức ăn phù hợp với tình hình sức khỏe của mình sao cho duy trì được thế quân bình (đối với người khỏe) hoặc tái lập mối quan hệ quân bình của Ngũ hành trong cơ thể (đối với người đau ốm). Món ăn đầy đủ Ngũ hành thường tồn tại rất lâu phong tục ẩm thực (tô phở, nước mắm…). Tránh tình trạng dùng thái quá một món ăn nào đó vì có thể hại sức khỏe.
Thí dụ: ăn quá chua hại Can, quá mặn hại Thận; hoặc khi đang có bệnh về Tỳ (Thổ) nên tránh dùng thức ăn uống chua (Mộc) để tránh làm hại thêm Tỳ Vị (Mộc tăng khắc Thổ).

B. Ứng dụng vào tổ chức công việc, tổ chức sinh hoạt hàng ngày:

Dựa theo tính chất của từng hành trong Ngũ hành: Sinh (Mộc), Trưởng (Hỏa), Hóa (Thổ), Thu (Kim), Tàng (Thủy) và qui luật của Ngũ hành mà tổ chức công việc hợac sinh hoạt
thường ngày. Thí dụ:

– Khởi đầu một ngày, công việc luôn có tính chất Mộc cần có thời gian để Sinh. Thí dụ: máy chạy một chút cho trơn máy, người tập thể dục hít thở để khởi động cho một ngày.

– Kế tiếp là Hỏa (Trưởng): đẩy mạnh tiến độ công việc, đây là lúc năng suất công việc cao nhất.

– Công việc có kết quả, có sản sinh ra một cái gì mới mẻ thì công việc mới tồn tại {Thổ (Hóa)}.

– Khi đã có kết quả cần biết thu lại, rút lui từ từ về, nghỉ ngơi dần {Kim (Thu)}.

– Và ẩn, chứa lại, nghỉ ngơi để chuẩn bị cho ngày mới {Thủy (Tàng)}, chuẩn bị cho quá trình Sinh Trưởng Hóa Thu Tàng kế tiếp. Tránh làm ngược lại hoặc làm rối loạn quá trình đó.

V. Ứng dụng vào Y học

A. Ứng dụng vào Triệu chứng học:

Căn cứ vào Bảng qui loại của Ngũ hành, người ta phân loại triệu chứng bệnh để xem xét mối quan hệ của các triệu chứng ấy theo qui luật của Ngũ hành.
Thí dụ: can có quan hệ với Đởm, chịu trách nhiệm hoạt động của gân cơ (chủ cân), tình trạng công năng của Can thể hiện ra mắt (khai khiếu ra mắt), móng tay móng chân (vinh nhuận ra móng), có liên quan đến tính khí giận dữ… Do đó, co giật, mắt đỏ, móng khô, nóng tính bất thường,… là triệu chứng của Can, vì Đởm, gân cơ, mắt, móng, tính khí giận dữ… tất cả đều cùng thuộc Hành Mộc (xem lại bảng 1).

B. Ứng dụng vào việc phân tích bệnh và chẩn đoán:

– Tạng Phủ được qui vào Ngũ hành (bảng 1). Mối tương quan của Tạng Phủ trong trường hợp bệnh lý được phân tích theo qui luật Tương thừa – Tương Vũ.
Thí dụ: bình thường Phế Kim khắc Can Mộc để duy trì sự cân bằng, khi thở quá mức (Phế Thịnh) sẽ gây tê rần và co rút chân tay (Mộc).

– Học thuyết Ngũ hành giúp truy tìm nguyên nhân hay gốc phát sinh bệnh ban đầu.
Thí dụ: mất ngủ là chứng của Tâm (Hỏa) có thể do: (1) chính Tâm gây ra, hay (2) do Tạng Sinh nó gây ra: Can (Mộc), hay (3) do Tạng nó Sinh gây ra; Tỳ (Thổ), hay (4) do tạng nó Khắc gây ra; Phế (Kim), hay (5) do Tạng Khắc nó gây ra: Thận (Thủy).

C. Ứng dụng vào việc điều trị bệnh:

Điều trị bệnh chủ yếu dựa vào nguyên tắc: “Con hư bổ mẹ, mẹ thực tả con”. Thí dụ: Phế yếu (Phế Hư) phải làm mạnh Tỳ Vị lên (Kiện Tỳ) gọi là nguyên tắc Bồi Thổ sinh Kim.

Nguyên tắc này được ứng dụng nhiều nhất trong lãnh vực Châm cứu.

D. Ứng dụng vào việc phân loại, bào chế và sử dụng thuốc:

Người xưa dựa vào màu sắc và mùi vị của thuốc mà phân loại thuốc theo Ngũ hành và từ đó suy ra tác dụng của thuốc đi vào Tạng Phủ tương ứng. Thí dụ: thuốc vị chua, màu xanh đi vào Can, vị ngọt, màu vàng đi vào Tỳ. Người xưa cũng dựa vào Ngũ hành để tìm thuốc mới và bào chế thích hợp để biến đổi tính năng của thuốc. Thí dụ: sao thuốc với giấm để thuốc đi vào Can; sao với đường, mật để vào Tỳ; tẩm muối để đi vào Thận; sao với gừng để vào Phế, sao cho vàng để vào Tỳ, chế cho đen để vào Thận…

Tóm lại, Học thuyết Ngũ hành là học thuyết về mối quan hệ giữa mọi sự vật với nhau. Muốn nghiên cứu bất kỳ một sự vật, một hiện tượng gì luôn phải biết đặt trong mối quan hệ của nó với những sự vật hiện tượng xung quanh nó. Điều quan trọng trong mối quan hệ giữa các sự vật hiện tượng chính là quá trình Sinh và Khắc chứ không phải là con số 5 hoặc cái tên Mộc Hỏa Thổ Kim Thủy. Đó mới thực sự là tinh thần của Học thuyết Ngũ hành.

Leave a Comment