Trong Ngũ Thời Giáo, cảnh giới của “Hoa Nghiêm” với “Pháp Hoa”, “Niết Bàn” là giống nhau, vì sao lại xem “Hoa Nghiêm” như sữa, xem “Pháp Hoa”, “Niết Bàn” như đề hồ?
Giải đáp:
Sữa và đề hồ là tỉ dụ. Từ xưa đến nay, bất luận là Tổ Sư Đại Đức của tông phái nào, đều thừa nhận “Hoa Nghiêm” là pháp luân căn bản của Phật, dùng lời hiện nay mà nói thì chính là khái luận Phật học. Kinh ấy chứa đựng Phật pháp viên mãn, gồm Đại Thừa, Tiểu Thừa, Hiển Giáo, Mật Giáo, cho đến nhân thiên, chẳng gì không chứa đựng, nên kinh ấy được xếp ở đầu tiên.
Đề hồ là chế phẩm từ sữa mà tinh luyện thành, tinh luyện đến mức đẹp đẽ thì gọi là đề hồ, trong kinh Phật thường hay nói đến. Đề hồ rốt cục là gì? Pháp sư giảng kinh trước đây chưa từng gặp qua. Lão Hòa thượng Đạo Nguyên có cơ hội đến Ấn Độ tham quan, Ngài là Pháp sư giảng kinh. Đến Ấn Độ, Ngài hỏi người Ấn Độ đề hồ mà trong kinh Phật nói là gì? Còn có quả Am-ma-la, điều này Phật thường hay tỉ dụ, quả Am-ma-la là gì? Người ta đề cao đề hồ, vậy đề hồ là gì? Là váng sữa, là chế phẩm tốt nhất từ sữa. Quả Am-ma-la là gì? Người Đài Loan gọi là trái ổi. Lão Hòa thượng nhìn thấy rồi, quay về Đài Loan nói với chúng tôi: “Tôi đã thấy đề hồ rồi, các vị đều đã thấy qua, nhưng không biết đó là đề hồ”. Thời xưa, trong các chế phẩm của sữa thì đây là tinh tuý nhất, Phật thường hay dùng cái này làm tỉ dụ.
“Hoa Nghiêm” là nền tảng, căn bản của hết thảy pháp, cũng là viên mãn của hết thảy pháp. “Pháp Hoa”, “Niết Bàn” là viên mãn của hết thảy pháp, không thể lấy làm nền tảng để tu học, đạo lý là ở chỗ này. Đề hồ từ đâu có? Đề hồ từ trong sữa mà luyện ra, rời sữa thì không có đề hồ. Mặc dù “Pháp Hoa” và “Hoa Nghiêm” đều là Nhất Thừa Viên Giáo nhưng nghĩa thú vẫn có sự phân biệt.