Làm thế nào để có thể nhận thức bản thân nhiều hơn nữa & ở những khía cạnh nào.
để nhận thức bản thân hơn nữa, ta có thể làm gì ? và ở những khía cạnh nào
1️⃣ – Trong các mối quan hệ
I: Sự cưỡng bức tái diễn
Ta không thật quá linh hoạt khi nói đến chuyện yêu đương. Ta đều có mẫu người lý tưởng của riêng mình. Đó là những khuôn mẫu nhất định: mỗi người trong số chúng ta đều có khuynh hướng động lòng trước một kiểu tính cách nhất định – nhiều hoặc ít hơn một mẫu phác họa về kiểu người mà ta cảm thấy bị thu hút.
Những hình mẫu này có thể mang tính cá nhân, nhưng nếu như nhìn vào tâm trí của người khác thì ta có thể tìm thấy những điều đại loại như:
- kiểu Byron – tóc tối màu (thường là tóc xoăn) , tuy kín đáo nhưng lại mạnh mẽ, tinh nghịch
- kiểu trầm tĩnh – điềm đạm, không dễ xúc động, vô ưu
- kiểu táo bạo – bặt thiệp, khiêm tốn, tự do
- …
Ta thường nhìn nhận về những hình mẫu lý tưởng của mình ở khía cạnh tích cực. Nhưng, thực ra, bất kỳ mẫu người nào cũng đều mang theo mình nhiều nét tính cách tiêu cực. Những người mà ta cảm thấy quyến rũ có thể hấp dẫn ta không chỉ bởi vì những lý do rất tốt đẹp mà còn bởi vì họ mang theo mình những vấn đề hay khó khăn đặc biệt nào đó mà đặc biệt thu hút ta. Hầu như ai trong số chúng ta cũng đều rơi vào sự cưỡng bức của việc tái diễn lại một số đau khổ nhất định trong cuộc sống cá nhân, thường là dựa trên một nỗi đau nào đó từ thuở bé.
Đặt các hình mẫu tương tự vào mặt tiêu cực hơn, thành ra một ai đó có thể bị hấp dẫn bởi:
- một người lộn xộn, ích kỷ, hung hăng luôn có vẻ không kiểm soát nổi tâm trạng và chẳng khi nào đúng giờ (mẫu người Byron)
- một ai đó sẽ tự thu mình lại và có hơi hướng trầm cảm (mẫu người trầm tĩnh)
- một người có tính cách trẻ con với kỹ năng làm chủ bản thân kém cỏi và cần được chăm sóc triệt để (mẫu người táo bạo)
- …
Ta cần tới sự nhận biết bản thân trong tình yêu bởi vì ta thường có khuynh hướng lặp lại những hình mẫu không lành mạnh. Ta từ bỏ một mối quan hệ tình cảm với cái hi vọng rằng có thể bỏ lại phía sau những vấn đề nhất định – điều mà hóa ra ta lại tìm thấy y nguyên trong mối quan hệ kế tiếp. Những hình mẫu này thường xuất phát từ những trải nghiệm thời thơ ấu khi mà tình yêu thương bị pha trộn với nhiều nỗi bất hạnh. Người cha với sự quan tâm và tình yêu thương mà ta hằng khao khát ấy vẫn thường khiến ta khó chịu (sự khó chịu, mà kể từ đó, đã được minh chứng là vô cùng hấp dẫn đối với một số người trong chúng ta); người mẹ mà ta luôn kính yêu vẫn thường bận rộn và luôn lao vào thực hiện những việc thú vị hơn trong khi bỏ mặc mình ta ở đó (vì thế mà người bạn đời của ta có một công việc căng thẳng cao độ và chẳng mấy khi bốc máy gọi điện thoại cho ta…)
Giờ đây khi chúng ta tình kiếm tình yêu và sự gần gũi ta cũng đồng thời tìm kiếm một nét tiêu cực nào đó, dù cho đó là những điều làm ta tổn thương đi chăng nữa, bởi vì ta đã học cách để cho rằng đó mới đích thực là tình yêu. Ta không nhận ra được điều đó, vì vậy mà những hình mẫu này tiếp tục định hướng hành vi của ta theo những chiều hướng xấu. Lý thuyết phân tâm học về sự cưỡng bức tái diễn cho thấy bạn cũng đồng thời bị lôi cuốn trước những rắc rối. Ví dụ như:
- họ khá hách dịch
- họ hay phán xét
- họ dường như không trưởng thành về mặt tâm lý và phải cần đến sự giúp đỡ
- họ kích động và cáu kỉnh
Sự nhận biết bản thân trước hết có ý nghĩa là nhìn rõ những hình mẫu này. Điều đó có nghĩa là hiểu rõ những khía cạnh tiêu cực của dạng người mà ta có ý định gắn bó lâu dài.
Về mặt văn hóa ta thường cự tuyệt kiểu tự nhận biết bản thân như thế này. Ta không hề quen thuộc với cái ý niệm rằng ta có thể sẽ bị thu hút trước người khác vì những lý do xấu. Ta những muốn nói rằng: Tôi thấy rất khó chịu khi người ta không lắng nghe hay Tôi thật sự không thích những kẻ cáu bẳn và kích động. Dĩ nhiên những điều này không có gì là sai cả. Ta làm sao mà thấy thích thú cho nổi khi người khác hành xử theo lối đó.
Nhưng rốt cuộc ta lại quá đỗi thường xuyên kết đôi cùng họ!
BÀI TẬP DÀNH CHO BẠN
- _ Hãy nghĩ tới một người nổi tiếng hay một diễn viên điện ảnh mà bạn cảm thấy lôi cuốn.
- _ Bạn thấy họ hấp dẫn ở những điểm tốt đẹp nào?
- _ Có lý do xấu nào dẫn đến việc bạn thấy họ hấp dẫn hay không?
- _ Mặt xấu ở những người mà bạn hiếm khi thấy hấp dẫn là gì?
- _ Hãy phác họa ra một ‘dạng’ người mà bạn cảm thấy thật hấp dẫn.
- _ Bạn thấy mẫu người này là hấp dẫn có vì một nguyên nhân tồi tệ nào không?
- _ Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào?
- _ Việc có được sự nhận biết bản thân về những khía cạnh tiêu cực hơn của một kiểu người mà bạn thấy hấp dẫn sẽ cho phép ta trở nên khôn ngoan hơn.
Và khi bạn tìm kiếm một mối quan hệ mới:
Hãy nhận biết rằng sự hấp dẫn về mặt cảm xúc không nhất thiết – đối với chúng ta mà nói – là sự định hướng tốt nhất cho việc ta có thể có được mối quan hệ tốt đẹp với ai đó.
Sự vội vàng có thể sẽ gây ra sai lầm này và bạn nên nhìn nhận rằng đó là một sai lầm.
Trong một mối quan hệ lâu dài:
Hãy chấp nhận rằng ta không nên chỉ đơn giản đổ lỗi cho người kia vì những nét tính cách khó chịu nhất định – chẳng hạn như sự xa cách hay sự cáu kỉnh của họ. Ta có thể thừa nhận rằng đó là một phần của điều đã khiến ta bị họ hấp dẫn ngay từ đầu.
Điều này giúp cho ta có thể xác định sự cân bằng tâm lý thành thục mà một người cần đến; nếu như bạn bị hấp dẫn bởi những người khá khó tính, thì bạn không thể lúc nào cũng than phiền rằng họ thật hay xét nét.
Tự nhận thức nghĩa là nhận ra bản thân đang phóng chiếu và mong muốn quay lại bản chất đích thực của sự việc.
Ii: Phóng chiếu (PROJECTION)
Tâm trí của chúng ta có xu hướng phóng chiếu mạnh mẽ một cách bản năng, nghĩa là phản ứng trước một tình huống hiện tại từ các gợi ý chưa hoàn chỉnh – dựa vào thiết lập linh hoạt trong quá khứ và những biểu thị sở thích, động lực và mối quan tâm vô thức của chúng ta.
Hãy cùng nhìn vào bức hình này, một trong những bài kiểm tra nổi tiếng về sự phóng chiếu:
Trong trường hợp bạn không hiểu chuyện quái gì đang xảy ra, thì tất cả chúng ta đều nhìn ra những điều khác nhau trong bức hình này. Người ta có thể nói rằng:
Đây là hai cha con đang tiếc thương trước một mất mát nào đó, có thể họ vừa nghe tin một người bạn hay người thân qua đời.
Đây là một quản lý đang trong quá trình sa thải một nhân viên trẻ không đáp ứng được yêu cầu (cảm giác thất vọng nhiều hơn giận dữ)
Tôi cảm thấy một sự thô bỉ: khung cảnh trong một nhà vệ sinh công cộng, người đàn ông lớn tuổi hơn đang nhìn vào dương vật của chàng trai trẻ và khiến anh ta ngượng ngùng.
Có một điều chúng ta không biết, rằng bức hình này thực ra không hề mang bất cứ ý nghĩa nào giống như trên. Đó chỉ là một hình ảnh MƠ HỒ.
Bức ảnh này chỉ đơn giản cho thấy hai người đàn ông ăn mặc khá lịch sự, một người lớn tuổi hơn. Rắc rối xuất hiện từ phía người nhìn vào nó. Và cách họ nhìn nhận, kiểu câu chuyện mà họ kể, có lẽ nói về họ nhiều hơn là về bức ảnh. Đặc biệt khi họ trở nên cố chấp và khăng khăng đó là ý nghĩa thực sự của bức hình. Đây chính là sự phóng chiếu.
Chúng ta không chỉ làm vậy với những bức hình, điều tương tự còn xảy ra với con người. Trong các mối quan hệ, phóng chiếu xuất hiện khi có những “tình huống mơ hồ”.
Chẳng hạn, người yêu của bạn đang cười khúc khích khi đọc tin nhắn. Người ấy không cho bạn xem cùng và lén gửi nhanh một tin nhắn trả lời. Bạn bắt đầu cảm thấy bồn chồn. Có vẻ người yêu của bạn đang có người khác. Họ vừa nhắn tin cho nhau về một chuyện đùa nào đó (mà rất có thể là về bạn và những thất bại của bạn); người yêu của bạn nóng lòng muốn trả lời. Người đó không yêu bạn. Bạn bị phản bội và bỏ rơi. Giờ thì bạn giận dữ với người kia, cảm thấy mình bị lừa dối. Nhưng thực ra chẳng có gì xảy ra cả. Tin nhắn kia đến từ một đồng nghiệp nhiệt tình thái quá ở nơi làm việc, và người yêu bạn cho rằng đó chỉ là chuyện tầm phào không đáng nhắc đến. Thực tế, nỗi đau mà bạn cảm thấy bắt nguồn từ khi bạn còn đi học: Bạn phát hiện ra người mà bạn coi là bạn thân thực chất lại đi nói xấu bạn với người khác. Bạn vẫn còn bị tổn thương vì điều này dù ghét phải thừa nhận nó.
Cấu trúc sẽ là:
Chúng ta quan sát một tình huống nào đó không hoàn toàn rõ ràng.
Chúng ta đặt vào đó một loạt các động cơ, ý định, thái độ – những điều thường khiến ta mệt mỏi, gia tăng cảm giác lo lắng và tức giận.
Cảm giác lo âu hay sợ hãi thực ra có liên quan đến những trải nghiệm trước đây. Nhưng chúng ta không nhận ra nó.
Chúng ta sợ hãi hay giận dữ về những gì đang xảy ra dù không cần phải như vậy.
Phóng chiếu kể cho chúng ta nghe một câu chuyện nhằm trả lời câu hỏi: Thực chất việc đó có ý nghĩa gì? Đó có thể là một tình huống hoặc một người nào đó.
Khi phóng chiếu, ta không có cảm giác rằng mình đang làm điều gì đó phức tạp hay đặc biệt. Ngược lại, nó đem đến cảm giác như thể ta đang nhìn nhận sự việc đúng như nó vốn là. Do đó, thông thường chúng ta sẽ không thích bị nói rằng ta đang “phóng chiếu”; chẳng khác nào một lời sỉ nhục về khả năng nhận định sự việc của chúng ta. Việc thừa nhận rằng có khả năng ta đang phóng chiếu sự việc là một điều nhục nhã. Nhưng nó đáng làm bởi phóng chiếu khiến cuộc sống của chúng ta gặp nhiều rắc rối. Ta trút giận lên nhầm người. Và trong quá trình ấy ta có thể làm tổn thương ai đó một cách bất công. Chúng ta e sợ việc nhầm lẫn này. Nỗi sợ hãi ai đó trong quá khứ sẽ cản đường việc kết bạn ngày hôm nay.
Tự nhận thức nghĩa là nhận ra bản thân đang phóng chiếu và mong muốn quay lại bản chất đích thực của sự việc. Vấn đề chính không phải ở hiện tại, có những sự việc chưa kết thúc trong quá khứ vẫn đang đeo bám chúng ta.
THỰC HÀNH
– Các bạn nghĩ gì khi nhìn bức hình dưới đây?
– Đừng suy nghĩ quá nhiều mà hãy nói ngay những điều bạn tin là đang xảy ra. Viết ra một tờ giấy và những người khác cũng làm tương tự.
– Sau đó so sánh kết quả với nhau.
– Tự hỏi bản thân lời giải thích nào không nói về bức hình (bản thân bức hình khá mơ hồ) mà là nói về chính bạn. Phần nào trong bạn “được phóng chiếu” qua bức ảnh mơ hồ đó?
HAI: ĐỐI ĐẦU VÀ CHỈ TRÍCH
Một khía cạnh khác nơi việc thiếu sự tự nhận thức gây phiền phức là xung quanh cách chúng ta đối xử với người khác, bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Có một số vấn đề cần nêu ở đây.
I: Hình thức đối đầu
Cuộc sống thường ngày đưa đến cho ta những tình huống khó chịu không dứt buộc ta phải lựa chọn cách thức phản hồi. Tất cả chúng ta đều trưng ra một loạt biểu hiện của “hình thức đối đầu”, nhưng lại thường không nhận thức được kiểu phản ứng mình đang biểu hiện cũng như hậu quả của nó.
THỰC HÀNH
Hãy hình dung:
Ai đó hứa sẽ đưa cho bạn tài liệu vào 12h trưa. Và giờ đã là 1h chiều.
Tuần tới là sinh nhật bạn, nhưng người yêu chẳng đả động gì đến nó. Bạn muốn tổ chức ở bên ngoài.
Lại có tiếng máy khoan ở nhà bên cạnh.
Một đồng nghiệp nẫng tay trên một trong số các khách hàng của bạn. Bạn cảm thấy thế nào?
Và bạn thường phản ứng như thế nào?
Thông thường sẽ có 4 kiểu phản ứng có thể xảy ra: cam chịu, nổi xung, cam chịu-nổi xung, quyết đoán:
Cam chịu (Passive): bạn thấy rằng cuộc đời là vậy, có những điều bạn phải chấp nhận; nếu bạn làm ầm lên thì mọi chuyện còn tệ hơn. Sau cùng thì chuyện này cũng không quá tệ. Đôi khi bạn thực sự bực bội về những điều đó, nhưng rồi cũng cam chịu cho qua.
Nổi xung (Aggressive): Tôi vô cùng bực bội. Tài liệu đâu rồi? Tại sao người yêu không nhắc đến sinh nhật tôi? Sao tôi phải chịu đựng chỉ vì tên hàng xóm bất tài, ngu ngốc, tham lam hay quá lười biếng để sửa chữa vào khung giờ hợp lý? Không biết điều thì sẽ biết tay tôi.
Cam chịu – nổi xung (Passive-aggressive): Kết hợp giữa cảm giác cam chịu và nổi xung. Người ta có thể nói rằng: “Mình chẳng muốn làm lớn trong ngày sinh nhật- và chắc là người yêu mình cũng bận bịu nhiều thứ.”, nhưng sâu trong thâm tâm lại đang bốc hòa. Hoặc với tình huống tập tài liệu, một người sẽ nghĩ “Tên đó đúng là một kẻ không đáng tin cậy,” nhưng khi tài liệu được đưa đến lúc 5h chiều người đó lại nói “Tốt lắm” và cho qua mọi chuyện…Có nhiều sự thù địch gián tiếp xung quanh ta. Người cam chịu – nổi xung che giấu sự giận dữ của mình đủ để có thể phủ nhận nó với người khác và với chính mình. Họ không cảm thấy mình đang tiêu cực hay hung hăng. Họ thấy mình đang phải chịu đựng bất công. Điều họ ghét nhất là làm rối tung mọi thứ – nhưng điều đó không giúp họ tránh được nỗi thất vọng. Thông thường, nỗi thất vọng không đến với người đã gây ra nó mà đến với những kẻ vô tội. Những người cam chịu – nổi xung không thể hiện cảm xúc rõ ràng ở nơi làm việc, để rồi khi về nhà họ trút giận lên con cái, vợ chồng hay cún cưng. Cam chịu – nổi xung có gốc rễ nằm ở việc có lòng tự trọng thấp. Đơn giản là họ cảm thấy mình không được phép chỉ trích một cách trực tiếp. Điều này cần đến sự tự tin. Và cùng lúc họ cũng chẳng vui vẻ gì. Do đó sự thỏa hiệp chỉ là một tấm màn che cho những giận dữ bên trong.
Quyết đoán (Assertive): Bạn hiểu rõ khi nào một người cư xử không đẹp với mình hay đang gây ra vấn đề. Bạn không hài lòng về việc đó. Nhưng mục đích chính của bạn là giải quyết vấn đề. Bạn không cần trả thù hay cố khiến người kia cảm thấy có lỗi. Bạn có thể gặp riêng họ và nói ra điều bạn nghĩ. Bạn không xấu hổ về bản thân hay cảm thấy có lỗi vì đã làm lớn chuyện. Bạn nghĩ việc đối xử tốt với người khác là điều đương nhiên và nếu ai đó cư xử dưới chuẩn của bạn, bạn không ngại ngần mà nói rõ cho họ biết. Đó không phải là thảm họa, chỉ là một vài khoảnh khắc khó chịu, nhưng điều đó sẽ khiến mối quan hệ được cải thiện trong dài hạn. Không có tổn thương sâu sắc nào ở đây. (Tham khảo bài viết Hội chứng người tốt có bàn về phương pháp để trở nên quyết đoán hơn)
Rất ít người trong chúng ta quyết đoán. Ước tính rằng không quá 20% dân số thẳng thắn bày tỏ một cách chín chắn những điều khó chịu trong lòng. Điều đó có nghĩa là có rất nhiều sự giận dữ ngầm, nhiều người bị quở trách dù họ không thật sự chịu trách nhiệm.
Lý do chúng ta không nhận thức được cách phản ứng cam chịu – nổi xung của bản thân (do đó cần nâng cao khả năng tự nhận thức) là có nhiều cản trở trong việc thẳng thắn về những gì một người cảm thấy khó chịu:
– Họ cảm thấy mình chẳng là gì để phải làm lớn chuyện.
– Họ có thể mang cảm giác nhục nhã hay niềm tin sâu xa rằng họ là một kẻ tồi tệ không xứng với những chuẩn mực cao, dù cho thực tế thì họ xứng đáng với nó.
– Họ cảm thấy người khác sẽ phản ứng dữ dội và khốc liệt nếu họ đưa ra lời chỉ trích.
Tất cả những giả định này đều phải đặt nghi vấn.
THỰC HÀNH
Đây là bài thực hành được gọi là nghiên cứu Ascendance-Submission do nhà tâm lý học Gordon Allport người Mỹ phát minh.
1. Một người nào đó chen lên phía trước bạn trong lúc đang xếp hàng. Bạn đã đợi khá lâu và không thể đợi thêm nữa. Giả sử kẻ chen lấn kia cùng giới tính với bạn, bạn sẽ:
– La rầy kẻ chen lấn
– Lườm nguýt kẻ chen lấn và nói móc mỉa lớn tiếng với người đi cùng mình
– Quyết định không đợi nữa và bỏ đi
– Không làm gì cả
2. Bạn có cảm thấy tự tin khi xuất hiện trước cấp trên/tiền bối trong môi trường học tập hay kinh doanh không?
– Chắc chắn rồi
– Một chút
– Hoàn toàn không
3. Một số đồ đạc của bạn phải mang ra tiệm sửa chữa. Bạn đã hẹn lịch đến lấy nhưng người chủ tiệm nói rằng “bây giờ mới bắt đầu sửa.”
Phản ứng thông thường của bạn là:
– Khiển trách anh ta
– Thể hiện sự không hài lòng một cách nhẹ nhàng
– Che giấu cảm xúc hoàn toàn
Một nhà tâm lý học người Mỹ khác, tiến sĩ Saul Rosenzweig đã đưa ra bài kiểm tra Hình ảnh Thất vọng (Picture Frustration), thể hiện một số tình huống gây thất vọng và yêu cầu chúng ta điền vào chỗ trống:
Bạn thường phản ứng như thế nào trước kịch bản này?
Hãy thử làm và nhớ lại những khoảnh khắc khác trong cuộc sống mà bạn từng phản ứng theo cách tương tự…
Ii: Chỉ trích
Sự chỉ trích luôn mang đầy thách thức, nhưng người ta có những phản ứng với nó theo nhiều cách. Việc nắm bắt được phản ứng/hành vi của bản thân xung quanh việc nhận những lời chỉ trích có thể đem lại lợi ích to lớn nhằm điều chỉnh và hướng đến cách hành xử trưởng thành hơn.
Cách phản ứng trước những lời chỉ trích
1. Chắc chắn là họ đã sai:
Đây là kiểu phản ứng “tự vệ” – khi một lời chỉ trích đã giải phóng một phản ứng tự vệ mạnh mẽ không tương xứng với nó. Lời chỉ trích nguyên bản không được lắng nghe.
Một người có thể nghĩ: “Tôi làm tốt lắm rồi, nói chung thì tôi không mắc lỗi. Nếu họ khó chịu với tôi thì có thể họ đang đòi hỏi quá cao, hoặc là họ ghen tỵ hay đang cố kéo tôi xuống. Vấn đề nằm ở họ.”
2. Họ có thể hoàn toàn đúng và tôi không xứng đáng được sống trên đời:
Ở đây người ta có thể nghĩ rằng một lời chỉ trích cá nhân (trong một cuốn sách, tài liệu, hay điều gì đó mà một người từng nói trong bữa tối) trên thực tế đang nhắm đến nhân phẩm và toàn bộ con người họ. Rất nhanh chóng lời nhận xét cá nhân này sẽ mang đến một cuộc khủng hoảng:
“Tôi không xứng đáng được sống. Tôi là một kẻ khốn khổ. Người ta đã nhìn ra tôi. Đúng là vậy, tôi là một thứ vô nghĩa, nhỏ bé, ngu si đần độn…”
3. Họ có thể đúng VÀ tôi cũng hoàn toàn ổn.
Ở đây một người có thể chấp nhận những lời chỉ trích một cách dễ dàng. Họ có thể phân biệt giữa chỉ trích về một khía cạnh nào đó của bản thân với cuộc công kích vào nhân phẩm con người.
THỰC HÀNH
Một trong các bài tập thực hành tự nhận thức nổi tiếng nhất trong số các nhà tâm lý học liên quan đến trò chơi hoàn thành câu.
Ý tưởng là trả lời thật nhanh, không nghĩ quá nhiều, cho phép tiềm thức đưa ra câu trả lời trước khi được kiểm duyệt.
Dưới đây là một số câu để hoàn thành liên quan đến chỉ trích:
– Khi ai đó chỉ ra một phần nào đó trong công việc của tôi chưa tốt, tôi sẽ….
– Khi sếp nói gì đó với tôi, tôi nghĩ…
– Những người sếp thường hay chỉ trích…
Thử thực hiện theo cách thức chỉ trích của bạn:
– Bạn có tự vệ không?
– Bạn có cảm thấy như bị cả thế giới quay lưng không?
– Hay bạn cảm thấy chỉ một vài người quay lưng với bạn?
Phân tích
Phản ứng với những lời chỉ trích được hình thành từ thời thơ ấu.
Đó là nhiệm vụ của tất cả các bậc phụ huynh, chỉ trích con cái và cho chúng thấy sự thật về những ước nguyện cũng như kế hoạch của họ – nhưng rõ ràng có nhiều cách khác nhau để nói về việc này.
Kiểu chỉ trích tốt nhất là khiến cho đứa trẻ cảm thấy rằng lời phê bình đó chỉ nhắm vào một khía cạnh – và chúng vẫn được yêu thương.
Hơn nữa, gợi ý là tất cả mọi người đều mắc lỗi, đặc biệt là các bậc cha mẹ, và lời chỉ trích ấy mang ý tốt và không đe dọa đến khía cạnh của cuộc sống thường ngày.
Nhưng cũng có những kịch bản về việc một đứa trẻ bị chỉ trích và không ai để ý rằng nó đã khiến đứa trẻ bị tổn thương sâu sắc. Không có một gợi ý nào về việc đây chỉ là một lời chỉ trích hạn hẹp. Đứa trẻ sẽ bị rơi vào niềm tin rằng chúng hoàn toàn vô dụng. Trong quá trình trưởng thành, một lời trách mắng nho nhỏ cũng có thể gợi lại viễn cảnh này.
Thảo luận
Bạn đã học được gì về chỉ trích khi còn nhỏ?
Cha/mẹ khiến bạn cảm thấy như thế nào khi chỉ trích bạn?