1️⃣ Vì sao nhận biết bản thân lại quan trọng & quan trọng trong tình cảnh nào ?
Nhận biết bản thân quan trọng vì một lý do trọng yếu: nó cho ta một con đường đến với hạnh phúc và trọn vẹn lớn hơn.
Thiếu hiểu biết về bản thân khiến bạn có thể gặp nạn và có những tham vọng phi lý.
Trang bị đúng kiến thức về bản thân, ta sẽ có nhiều khả năng né tránh sai lầm khi đối nhân xử thế và khi đưa ra những sự lựa chọn trong cuộc sống.
Cùng điểm qua một số lĩnh vực cần bạn hiểu bản thân
Tình yêu
Nếu không hiểu bản thân, tất tần tật những rắc rối có thể xảy ra:
1. Chọn sai đối tượng: Ta cố gắng ở bên người không thực sự hợp với mình, vì ta không hiểu nhu cầu của bản thân
Khi lần đầu tìm kiếm đối tượng, những yêu cầu ta đưa ra đều là những điều mơ hồ không cụ thể đẹp đẽ: ta sẽ nói mình rất muốn tìm một người “tốt” hay “vui khi ở bên”, “đẹp” hay “thích phiêu lưu”…
Những mong muốn ấy không sai, chỉ là chúng không đủ chính xác để hiểu cụ thể ta cần gì để hạnh phúc – hay, chính xác hơn, ta cần gì để không khổ sở triền miên.
Tất cả chúng ta đều điên khùng theo những cách rất cụ thể. Ta thần kinh, mất cân bằng và trẻ con một cách riêng biệt, nhưng lại không biết chi tiết vì không ai khuyến khích ta tìm hiểu điều đó cả. Do đó nhiệm vụ cấp bách, chủ yếu của một người yêu là xử lý tình huống khi ta nổi điên. Họ phải chạy đua với những lần lên cơn rối loạn. Họ cần hiểu chúng từ đâu mà có, chúng gây ảnh hưởng thế nào – và quan trọng nhất, loại người nào sẽ kích thích hay xoa dịu những cơn rối loạn ấy. Một mối quan hệ tốt không hẳn là giữa hai con người lành mạnh (không còn nhiều người như thế trên hành tinh này đâu), mà là mối quan hệ giữa hai người điên có khả năng hoặc may mắn tìm được sự hòa hợp có ý thức giữa những cơn điên cuồng ấy.
Nếu không thấy được những khó khăn trong ta, các đối tượng tiềm năng sẽ lấy làm e ngại. Câu hỏi cần đặt ra chỉ là vấn đề nằm ở đâu: có thể ta có khuynh hướng nổi giận khi có người không đồng ý với mình, hoặc ta chỉ có thể thư giãn khi đang làm việc, hay ta hơi khó chịu với việc thân mật sau khi làm tình, hoặc ta không giỏi chỉ ra vấn đề khi ta lo lắng. Chính những vấn đề này – qua hàng chục năm – tạo nên những thảm họa và vì thế ta cần phải dự liệu trước nhằm tìm được người có thể chịu đựng được chúng. Một câu hỏi chuẩn cho bất kỳ buổi hẹn ăn tối nào chỉ cần đơn giản là: “Và khi bạn nổi điên lên thì sẽ thế nào?”
Vấn đề ở đây là kiến thức về những chứng rối loạn trong ta không phải dễ dàng mà có được. Cần phải trải qua nhiều năm và qua những tình huống ta chưa bao giờ gặp phải. Trước hôn nhân, ta hiếm khi vướng vào tình cảnh phơi bày những xáo trộn trong ta. Mỗi khi những mối quan hệ thông thường đe dọa tiết lộ những mặt “khó khăn” của bản chất con người ta, ta thường đổ lỗi cho người khác – và bỏ qua chúng. Đối với bạn bè, họ thường không đủ quan tâm để có động lực tìm hiểu con người thật của ta. Họ chỉ muốn một buổi tối đi chơi vui vẻ. Vì thế, ta thường mù mờ với những mặt không đẹp trong bản thân mình.
Khi ở một mình và tức giận, ta không la hét, vì không có ai nghe cả – và vì thế ta bỏ qua sức mạnh đáng lo ngại thực sự của cơn giận trong bản thân mình. Hay ta làm việc cả ngày không biết mệt, vì không có ai gọi ta đi ăn tối cả, ta điên cuồng làm việc để có được cảm giác điều khiển cuộc sống – và có thể sẽ hóa rồ nếu có ai đó muốn ngăn cản. Về đêm, ta chỉ biết rằng sẽ rất ngọt ngào nếu âu yếu một ai đó, nhưng ta không có cơ hội đối mặt với bản chất né tránh thân mật sẽ khiến ta trở nên lạnh lùng và xa lạ nếu cảm thấy mình ràng buộc quá sâu đậm với người khác. Một trong những lợi thế lớn nhất khi độc thân là ảo tưởng mình là một người dễ sống chung. Với kiến thức về tính cách của bản thân hạn chế như vậy, cũng chẳng lấy làm lạ khi ta không biết mình phải tìm kiếm người như thế nào.
2. Ta lặp lại những khuôn mẫu không lành mạnh từ thời thơ ấu, luôn dính vào những người luôn phiền lòng ta một cách quen thuộc nhưng đầy đau đớn
Ta tin rằng mình tìm kiếm hạnh phúc trong tình yêu, nhưng không đơn giản như thế. Đôi khi thứ mà ta thực sự tìm kiếm là cảm giác quen thuộc – điều có thể phức tạp hóa bất kỳ dự định hạnh phúc nào của chúng ta. Trong các mối quan hệ trưởng thành ta tái tạo một số cảm xúc từ thời thơ ấu. Ta lần đầu tiên biết đến và hiểu tình yêu nghĩa là gì khi còn là trẻ nhỏ. Nhưng bất hạnh thay, những bài học ta nhận được có thể không rõ ràng rành mạch. Tình yêu mà ta biết khi còn nhỏ có khi còn gắn với những động lực khác không mấy tốt lành: bị điều khiển, bị lăng mạ, bị bỏ rơi, không giao tiếp, nói ngắn gọn: khổ sở. Khi trưởng thành, có thể ta sẽ từ chối những người lành mạnh mà ta gặp, không phải vì họ sai, mà chính xác là vì họ tâm lý quá ổn định (quá chín chắn, quá thấu hiểu, quá đáng tin), và sự ổn định này quá xa lạ, gần như là áp bức. Thay vào đó ta lại hướng đến những đối tượng mà vô thức ta bị thu hút, không phải vì họ vừa ý ta, mà vì họ sẽ phiền lòng ta một cách quen thuộc. Ta chọn sai người vì người đúng có gì đó sai sai – ta không xứng đáng có được họ; vì ta không biết đến lành mạnh, vì ta không nghĩ được yêu là cảm giác thỏa mãn.
Ta không thể giải thích cảm giác của mình với đối phương – vì ta không hiểu đủ về bản thân. Ta biến cảm nhận thành hành động thay vì lời nói, thường sẽ dẫn đến hậu quả mang tính tàn phá. (ta phá cửa thay vì giải thích rằng mình đang giận điên lên).
Ta không nhận thức được ảnh hưởng từ lời nói của mình lên người khác. Ta không nhận ra mình nặng lời với họ nhiều đến mức nào.
Ta không thể dự báo cảm xúc: khi ta bắt đầu trở nên quá khích và nói quá nhanh, ta nên biết rằng đã đến lúc đi dạo một vòng vì nếu không rất có thể ta sẽ nổ tung…
Ta phản hồi lại với những sự kiện dựa trên khuôn mẫu đặt ra từ thời thơ ấu, trong đầu ta, người yêu bị lẫn lộn với những người khác trong lịch sử cảm xúc (người mẹ thích đáng xấu hổ, người cha xa cách,…).
Ta bị quá khứ thống trị: những thói quen xấu cũ cứ tiếp diễn. Ta không nhìn ra được điều gì đang xảy ra và vì thê ta không thể làm gì khác cả.
Ta có thể làm rất nhiều thứ một khi người khác có khả năng nói với ta về những vấn đề của họ. Ta không cần người không có vấn đề – ta cần có thể giải thích vấn đề nằm ở đâu.
Công việc
Thiếu hiểu biết về bản thân là một trở ngại cho sự phát triển sự nghiệp ở nhiều phương diện:
Chúng ta chỉ có một vài năm ngắn ngủi để đưa ra câu trả lời thuyết phục về những gì chúng ta muốn làm với cuộc sống của mình. Sau đó, dù chúng ta đang ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình suy tư thì chúng ta cũng phải lao vào công việc với tất cả sức lực để có tiền trang trải cuộc sống hoặc giải quyết nhu cầu xã hội.
Khi không tự biết bản thân, chúng ta sẽ quá mông lung về tham vọng của mình; chúng ta không biết làm gì với cuộc đời mình và – bởi vì tiền bạc có xu hướng trở thành mối ưu tiên cấp bách – chúng ta giam mình trong một cái lồng mà có thể phải mất hàng thập kỷ ta mới nhận ra mình muốn gì.
Chúng ta quá khiêm tốn: ta bỏ lỡ nhiều cơ hội: ta không biết mình có những khả năng gì.
Chúng ta quá tham vọng: ta không biết mình không nên cố gắng trong việc gì. Chúng ta không hiểu được những giới hạn của mình một cách rõ ràng, nên đã phung phí bao năm tháng nỗ lực làm một việc gì đó mình không phù hợp.
Chúng ta không biết được những hành vi khó chịu của mình khi là sếp hoặc nhân viên. Chúng ta có thể phòng thủ, cảnh giác quá mức, không muốn tin tưởng vào bất kỳ ai hoặc hào hứng làm vừa lòng mọi người.
Ta không nhận thức được những thái độ đối với thành công và thất bại bị ẩn giấu trong bản thân. Có lẽ ta nhìn nhận bản thân (một cách sai lầm) không phù hợp với những vai trò lớn hơn khi mọi chuyện bắt đầu tiến triển tốt, ta trở nên dễ mắc lầm lỗi hơn. Có lẽ trong vô thức ta cố né tránh ganh đua với bố mẹ, hoặc anh chị em bằng cách tự vấp ngã. Những động lực từ gia đình có ảnh hưởng ngầm to lớn đến độ hiệu quả của ta trong công việc.
Chung sống với tha nhân
Thiếu hiểu biết về bản thân biến chúng ta trở thành “của nợ” với những người xung quanh:
Chúng ta không nhận ra tác động của mình lên người khác: ta vô tình xuất hiện một cách đầy kiêu ngạo, lạnh lùng trong mắt người khác, giống như đang cố giành lấy mọi ánh nhìn. Cũng có thể trông như khép kín và chần chừ quá mức hay nổi giận vào những lúc không nên nổi giận.
Chúng ta có thể rơi vào tình trạng cô đơn không cần thiết: chỉ vì không hiểu mình thực sự cần gì và điều gì ở mình khiến người khác khó hiểu.
Khó thấu cảm: không thừa nhận những phần bất an và dễ tổn thương của bản thân, đồng nghĩa với không xem bản thân mình ‘giống với’ những người khác ở những phương diện cốt yếu. Ta khó mà hiểu được những điều sâu kín ở người khác nếu chưa từng khám phá chúng ở bản thân trước.
Những sai lầm ngu ngốc khi tiêu tiền
Chúng ta chi tiền cho thứ gì đó dựa vào linh cảm rằng thứ đó sẽ làm ta vui vẻ. Tuy nhiên, khi không hiểu mình, chúng ta sẽ khó xác định được mối quan hệ giữa thứ ta mua và cảm xúc của mình.
Những kỳ nghỉ và chuyến du lịch sẽ làm ta thất vọng.
Ta sẽ sớm hối hận về những lần mua sắm thả phanh.
Chúng ta sẽ trở thành con mồi của thời trang: không hiểu bản thân, mong muốn của ta sẽ bị xã hội tiêu dùng kiểm soát.
Chúng ta có thể trở thành những kẻ đua đòi thiếu suy xét: ta thích thứ gì đó chỉ vì mọi người thích chúng chứ không hẳn vì ta thực lòng thích.
Tự hiểu mình lúc nào cũng quan trọng. Nhưng hiện nay nó quan trọng hơn bao giờ hết. Đây là kết quả của sự phát triển xã hội và chính trị. Khi cuộc sống bị kiềm chế khắt khe bởi truyền thông, hệ thống trật tự xã hội cứng nhắc và những quy tắc ứng xử nghiêm ngặt, thì mọi người ít cần đến Hiểu bản thân để chỉ dẫn hành động. Nhưng giờ đây, chúng ta giành được nhiều độc lập, tự chủ hơn trong công việc, tình yêu và đời sống xã hội, nên ta càng có nhiều lý do để hiểu bản thân ngay từ rất sớm.