Dù tâm trí có vẻ như thuộc về chúng ta, nhưng không phải lúc nào ta cũng điều khiển hay biết được nó đang chứa đựng điều gì.
Phương pháp thiền triết học | sắp xếp tâm trí thay vì trút bỏ chúng
Dù tâm trí có vẻ như thuộc về chúng ta, nhưng không phải lúc nào ta cũng điều khiển hay biết được nó đang chứa đựng điều gì. Luôn có những ý tưởng xuất hiện rành rành trong nhận thức rất rõ ràng và dễ hiểu: ví dụ, ta yêu những đứa con của mình. Hay ta phải ra khỏi nhà trước 7:40 sáng. Hoặc, rằng ta muốn ăn một món nào đó mặn mặn ngay bây giờ. Những suy nghĩ này hiển nhiên và không đè nặng lên ta những mơ hồ hay yêu cầu ta phải hao tâm vì chúng.
Nhưng có những ý tưởng khác lại hay bay lượn trong một trạng thái không tập trung hơn rất nhiều. Ví dụ, có thể ta biết rằng sự nghiệp của mình cần thay đổi, nhưng lại không thể nêu được gì thêm. Hay ta cảm thấy oán giận với người tình sau một sự việc không vui vào đêm hôm trước, nhưng ta không thể chỉ ra chính xác mình thực sự cay đắng hay buồn bã vì điều gì. Những mơ hồ trong ta đôi lúc có chút tích cực nhưng tất cả đều khiến ta rối tung: có lẽ có gì đó “thú vị” sâu xa nơi quán cà phê bên bờ kênh ta tìm thấy ở Amsterdam hay cảnh một người đọc sách trên tàu hay ánh mặt trời thắp sáng trên bầu trời về chiều tối sau cơn bão, nhưng thật khó để có thể xác định chính xác ý nghĩa của những cảm giác ấy.
Những suy nghĩ không tập trung liên tục luẩn quẩn trong tâm trí, nhưng từ phía ta, từ góc nhìn của nhận thức, ta không thể hiểu rõ chúng là gì. Ta hay nói là cần “sắp xếp lại suy nghĩ” hay “điều khiển lại mọi thứ”, nhưng cách làm điều đó thì không hề hiển nhiên – cũng không ai bàn luận về nó cả. Có một ý kiến về chuyện tâm trí đã trở nên cực kỳ phổ biến ở các nước phương Tây những năm gần đây. Xuất phát từ truyền thống của Phật giáo, thiền đã len vào trí tưởng tượng của người dân phương Tây, chứng minh mình là một giải pháp cho những vấn đề về tâm trí hỗn loạn. Ở Mỹ cứ 10 người trưởng thành thì có 1 người tham gia vào các hoạt động thiền có bài bản.
Những tín đồ của thiền khuyên ta ngồi yên lặng, trong tư thế thẳng người, thông qua một số bài luyện tập, và cố gắng trút bỏ tâm trí, đẩy xa những thứ không tập trung và gây nhiễu loạn ra khỏi đầu óc, để lại một khoảng không trung tâm trống rỗng và thanh thản. Trong thế giới quan Phật giáo, nỗi lo âu và sự phấn khích không nói cho ta biết bất cứ điều gì đặc biệt thú vị hay có giá trị cả. Ta thường xuyên lo nghĩ mà không có mục đích tốt nào cả, lo nghĩ về thứ này thứ nọ và những thứ vô nghĩa – và vì thế giải pháp tốt nhất là đẩy chúng hết sang một bên.
Liệu pháp thiền của Phật giáo rất thành công khiến ta quên đi một cách khác hiệu quả và có phần vượt trội hơn để tìm kiếm bình yên trong tâm hồn, cách này bắt nguồn từ văn hóa phương Tây: Thiền Triết học. Cũng như thiền phương Đông, Thiền Triết học muốn những suy nghĩ, cảm xúc và lo âu bớt gây trở ngại cho chúng ta, nhưng cách sắp xếp lại tâm trí thì rất khác. Về cốt lõi, Thiền Triết học không tin rằng những thứ trong tâm trí là vô lý hay vô nghĩa. Những mối lo âu trông thật phiền toai nhưng chúng thực ra là những tín hiệu quan trọng cho ta biết nên điều hướng cuộc sống như thế nào. Chúng chứa đựng những manh mối phức tạp cho sự phát triển của bản thân. Vì thế, thay vì muốn xóa sạch tâm trí, những người luyện tập Thiền Triết học khuyến khích ta dọn dẹp tâm trí: họ muốn đưa những vấn đề ấy vào sự tập trung, và từ đó bình tĩnh hiểu rõ về chúng thay vì gạt bỏ.
Làm sao để đưa những sự vật sự việc gây bối rối trong tâm trí vào vùng tập trung? Có những hướng dẫn cho Thiền Triết học, cũng giống như Thiền Phật giáo (một chút yếu tố nhân tạo có thể là những gì ta cần để thêm kỷ luật vào quá trình). Ưu tiên trước nhất là dành ra một chút thời gian, lý tưởng là 20 phút, một lần mỗi ngày. Bạn nên ngồi với một tờ giấy và bắt đầu hỏi bản thân những câu hỏi đơn giản: hiện tại tôi đang hối hận, lo lắng, hay phấn khích vì điều gì? Ta có thể tải về những nội dung trực tiếp nhất từ tâm trí. Ta tự nhiên sẽ cảm thấy không chắc rằng những cảm nhận này có ý nghĩa gì, vì vậy tốt nhất là viết lại – mà không suy nghĩ hay kiểm duyệt bản thân – một hoặc hai từ cho mỗi cảm nhận. Điều cần làm là đưa những thứ trong tâm trí ra giấy một cách vô thức nhất có thể. Ví dụ một người có thể viết: Darren, chuyến đi Cologne, cuối tuần, giày dép, mẹ, khuôn mặt ở ga tàu… Nhiệm vụ sau đó là cố gắng chuyển đổi từng từ ngữ này từ một mối lo âu, tiếc nuối hay phấn khích mơ hồ và thầm lặng thành một điều gì đó dễ hiểu, dễ sắp xếp và sau đó là kiểm soát tốt hơn. Thành công trong phương pháp thiền này nằm ở quá trình đặt câu hỏi. Tưởng tượng những suy nghĩ ấy là những người lạ lộn xộn và thiếu sáng suốt, người tràn ngập những ý tưởng quý giá, nhưng cũng là người ta cần tìm hiểu bằng cách đặt ra những câu hỏi đung đắn.
Thiền Triết học giúp ta bình thản không phải qua loại bỏ vấn đề, mà là giúp ta hiểu được chúng, từ đó loại trừ những hoang tưởng và quan ngại cứ bám víu lấy chúng. Khi những sự việc gây bối rối trong nhận thức trở nên sáng tỏ hơn, chúng không còn làm phiền ta nhiều như trước. Vấn đề không biến mất, nhưng chúng chỉ còn là một phần nào đó và có thể được chế ngự. Ví dụ, ta có thể thoải mái với những mối lo âu đã được trấn ấp xoay quanh dòng tựa đề mơ hồ “chuyến đi Cologne”. Từ “Darren” có thể nhắm đến một người mà ta ghen tỵ, nhưng cũng là người nắm giữ những manh mối thú vị giúp ta tạo nên một bước tiến mới trong sự nghiệp. Từ “cuối tuần” mang đến cảm xúc đối với người yêu của bạn khi cả hai đều đang giận nhau nhưng vẫn có thể ngồi xuống thảo luận và có thể là giải quyết vấn đề trong tối hôm đó. Sắp xếp lại tâm trí không chỉ đem lại cảm giác dễ chịu (giống như dọn dẹp nhà cửa), mà nó còn giúp ta tránh những lỗi lầm nghiêm trọng.
Sự phấn khích nhầm lẫn có thể sẽ rất nguy hiểm nếu có liên quan đến tham vọng sự nghiệp. Tưởng tượng một người có khuynh hướng phấn khích khi đọc tờ Vogue hay Gourmet Traveller – và sau đó tuyên bố, mà không phân tích cảm xúc một chút nào, rằng họ muốn “làm việc cho một tờ tạp chí”. Họ sẽ thấy rất hợp lý khi gửi CV đến tòa soạn. Sau nhiều nỗ lực họ có thể được nhận với chức vụ thực tập bèo bọt. Phải mất vài năm và rất nhiều lần thất vọng đau lòng thì họ mới nhận ra tạp chí không phải là đối tượng thật sự thu hút họ. Thứ thật sự hấp dẫn họ chính lá ý niệm làm việc với một nhóm thân thiết trong một lĩnh vực không phải là tài chính (là ngành nghề của mẹ họ, một người hay miệt thị và khó gần, khắt khe trong chuyện tình dục và tiền bạn). Thiền Triết học có thể giúp ta tiết kiệm rất nhiều thời gian.
Mối nguy hiểm tương tự cũng xuất hiện khi ta tức giận hay lo âu. Tưởng tượng hôm qua bạn ăn tối tại nhà một người bạn rất thành công. Họ vừa trở về từ chuyến du lịch đến Maldives và đang kể cho bạn nghe về mối làm ăn gần đây nhất trong ngành dược phẩm. Bạn cảm thấy bồn chồn và khó chịu, nhưng không biết vì sao. Cuộc sống của bạn trở nên nhạt nhẽo và vô vị. Những dự định mơ hồ quay cuồng trong đầu bạn. Có thể bạn đã có một ý tưởng tuyệt vời và khởi nghiệp. Tự nhiên bạn muốn cuộc sống của mình giống với của người bạn kia. Nhưng ý tưởng khởi nghiệp tuyệt vời là cái gì? Và bắt đầu như thế nào?
Rồi người yêu của bạn đề cập đến việc ăn tối với mẹ của cô ấy. Vào lúc đó, từ đâu đó trong bạn, bạn cảm nhận một làn sóng giận dữ – và lớn tiếng một điều gì đó về việc nhà cửa lúc nào cũng bề bộn. Thực chất chỉ là một chồng đĩa bẩn trong tầm mắt của bạn. Nhưng người yêu của bạn nói rằng bạn điên rồi, nhà đâu có lộn xộn đến vậy, và dọn một vài cái đĩa thì mất bao lâu chứ…? Cô ấy cáu kỉnh rời căn phòng và vì thế nên tối nay, bạn sẽ ngủ lại ngủ trên ghế sofa vì một mớ lý do nay đã trở nên rất khó để gỡ rối, chứ đừng nói là thảo luận một cách tỉnh táo.
Vô số những khổ sở và lỗi lầm xuất phát từ việc không phân tích kỹ lưỡng những trải nghiệm rối bời trong nội tâm. Ta chọn sai ngành nghề, yêu sai người, mà đúng người thì ta lại rời bỏ, tốn tiền sai mục đích và không tận dụng tài năng và những khát vọng sâu thẳm. Xử sự mà không có Thiền Triết học giống như được phép bắt đầu chuyến đi mà không kiểm tra trang thiết bị hay bản đồ. Ta tin tưởng cảm xúc mà không thừa nhận rằng chúng có thể xúi giục ta đi những hướng đi thảm họa.
Mong muốn xóa sạch tâm trí, trấn tĩnh những suy nghĩ hỗn loạn không hoàn toàn đối lập với việc dọn dẹp tâm trí, giải mã, phân tích và sắp xếp lại mọi thứ. Chỉ là trong khoảnh khắc ấy, ta đã cho phép bản thân bị lời hứa hẹn cho sự bình yên quyến rũ, để ta luôn nỗ lực xóa sạch tâm trí, thay vì cố gắng hiểu trong tâm trí có gì. Ta xem sự kích động của mình là kết quả của việc suy nghĩ quá độ, chứ không phải là chưa suy nghĩ được đủ nhiều. Đã đến lúc xã hội đón lấy những hứa hẹn và lợi thế của Thiền Triết học.
Nếu một người có nhiều kiến thức về bản thân thì họ thể hiện ra hành vi như thế nào? Kiến thức về bản thân ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống?
Nghệ thuật trò chuyện | làm thế nào để cải thiện và đẩy nhanh tiến độ nhận thức bản thân ?
Một trong những phương thức chủ chốt để hiểu rõ bản thân và người khác là thông qua trò chuyện. Tuy nhiên, ta thường nghĩ về trò chuyện theo chiều hướng “lãng mạn”. Ta tin rằng trong bối cảnh chuẩn – bên bàn gỗ cũ, với thức ăn vùng Liguria, bánh mì bruschetta – cuộc trò chuyện sẽ diễn ra trôi chảy tự nhiên mà không cần nỗ lực gì đặc biệt.
Trên thực tế trò chuyện là một thành tích, là thứ ta cần luyện tập. Chìa khóa để đạt được điều đó là có trong tay những câu hỏi đúng đắn.
Tiếp cận nhận thức bản thân như một trò chơi. Có thể sẽ vui đấy.
Cùng xem qua những câu hỏi rất hay trong bộ 100x câu hỏi của The School of Life:
Ví dụ:
- Bạn muốn được khen về điều gì nhất trong một mối quan hệ? Bạn nghĩ mình đặc biệt giỏi điều gì nhất?
- Bạn muốn người khác hào phóng hơn đối với khuyết điểm nào của mình?
- Bạn sẽ nói điều gì về tình yêu với bản thân khi còn trẻ?
- Có một sự việc nào đó bạn muốn xin lỗi người yêu hay bạn bè của mình?
- Hoàn thành những câu sau đây:
- Khi tôi lo lắng về một mối quan hệ, tôi thường…
- Đối phương khi đó thường đáp lại là…
điều đó khiến tôi… - Khi tôi tranh cãi, bề ngoài thì tôi…, nhưng trong thâm tâm tôi cảm thấy…
- Không suy nghĩ quá nhiều, hãy hoàn thành những câu sau về cảm nhận của bạn đối với người khác:
- Tôi tức giận…
- Tôi bối rối bởi…
- Tôi bị tổn thương bởi…
- Tôi hối hận…
- Tôi e sợ rằng…
- Tôi bực bội vì…
- Tôi vui hơn khi…
- Tôi muốn…
- Tôi trân trọng…
- Tôi hy vọng…
KẾT LUẬN
Người khôn biết gì về bản thân?
Tất nhiên, thân ai thì biết phận người đó thôi. Nhưng ta vẫn có thể nhận biết được đại khái những gì họ biết. Nếu một người có nhiều kiến thức về bản thân thì họ thể hiện ra hành vi như thế nào? Kiến thức về bản thân ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống? Kiến thức về bản thân không phải là một loại những mệnh đề mà ta đồng thuận. Thay vào đó nó là một bộ những khả năng ứng phó với nhu cầu, với khuyết điểm và quản lý bản thân tốt hơn. Một người khôn ngoan, hiểu rõ về bản thân…
Sẽ ít đổ lỗi cho người khác vì những vấn đề của mình. Họ buồn bực, họ phiền muộn, họ lo âu, vẫn sẽ có những bất ổn. Nhưng kiến thức về bản thân dẫn đến tinh thần trách nhiệm. Vì thế cảm giác phiền phức không hóa thành hành vi giận dữ với một người không liên quan – người không có lỗi và không đáng trách.
Họ thường ít phiền muộn vì công việc: không phải là họ có công việc hoàn hảo. Họ đủ hiểu bản thân để tìm kiếm loại hình công việc khiến họ thoải mái, họ không hối thúc bản thân tiến lên, họ có thể đương đầu tốt với những chỉ trích, vì thế họ không lo sợ vô ích trong môi trường cạnh tranh.
Họ ít hoảng loạn hơn: hoảng loạn bắt nguồn từ nỗi sợ, và đa phần là nỗi sợ tâm lý chứ không phải sinh lý – sợ bị bẽ mặt hoặc bị từ chối hoặc buồn chán. Kiến thức đầy đủ về bản thân có thể xóa bỏ những nỗi sợ này.
Họ không hay ghen tỵ – vì ghen tỵ thường xuất phát từ việc không biết rõ điều bạn cần là gì.
Họ không hay đau đầu về vấn đề tiền bạc, đó là vì họ cảnh giác hơn đối với những gì quan trọng với mình, họ ít chi tiêu bộc phát, họ giỏi tiết kiệm hơn.
Có thể họ sẽ ít rung động hơn. Họ không điên cuồng phóng chiếu bản thân với người khác và vì thế ít khả năng nghĩ rằng một người lạ gặp trên tàu hay ngồi bàn bên là tri kỷ lý tưởng của mình.
Họ giỏi xin lỗi, một phần vì họ có thể hoàn toàn tôn trọng việc đôi lúc mình có hơi phiền phức – cho dù có là vô ý. Họ có thể suy tư về việc có thể họ đã sai, mà không quá bảo thủ.
Họ thường rất khéo trò chuyện. Vì họ cảnh giác với những việc mình làm – và không phải lúc nào cũng nói ra những gì mình nghĩ. Họ cũng không tự cho là người khác cũng suy nghĩ giống mình. Họ có thể hòa hợp với nhiều loại người khác nhau vì họ có thể khai quật nhiều khía cạnh khác nhau của bản thân ở nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc sống.
Xem video có phụ đề tiếng Việt: https://www.youtube.com/watch?v=oocunV4JX4w
CẢM ƠN
Người dịch: Hoàng Dung, Mai Trang Phạm, Yin Yang, Thợ săn tiền thưởng/ tamlyhoctoipham | Nguồn: http://www.thebookoflife.org/know-yourself/