Thực Hành Hiểu Bản Thân

Phát triển sự hoài nghi về cảm giác của bản thân

Tâm trí ta bị lấp đầy bởi những suy nghĩ trông có vẻ như do lý trí tạo ra nhưng thật ra không phải vậy, những suy nghĩ phần nhiều là do những quá trình sinh lý bậc thấp mà ta chối bỏ hay không nhận ra.

Thường thì ta đã quen với ý niệm gia tăng hiểu biết về bản thân bằng cách đặt ra những câu hỏi: mình cảm thấy thế nào về điều này?

Có nghĩa là bạn biết “bạn thực sự là ai”, bằng cách tìm hiểu cảm giác của mình.

Nhưng đề xuất sau đây lại khác, hay thực chất là ngược lại hoàn toàn.

Điều chúng tôi khuyên bạn là khả năng tách rời khỏi cảm xúc để nhận ra bản chất dối lừa tiềm ẩn của nó. Điều này có nghĩa là thừa nhận sự khác biệt cơ bản giữa cảm xúc của ta về một tình huống – và tình huống ấy thực sự là gì.

Một ví dụ kinh điển cho vấn đề này là khi con người lần đầu tiên chấp nhận rằng dù cho trái đất có cảm giác như là phẳng, nhưng thực chất nó lại tròn. Nói cách khác, khi con người học cách nghi ngờ cảm nhận của mình, thay vào đó là tin tưởng dữ kiện từ lý trí – vượt qua cảm xúc để duy trì lý trí. Điều này xuất hiện rất trễ trong quá trình tiến hóa của loài người, và trong cuộc sống hằng ngày, đa số chúng ta đều vận hành theo cách tiền Copernicus, đặc biệt là với đời sống cảm xúc.

Tuy vậy cũng có một ngoại lệ, mà ta có thể học hỏi rất nhiều, là trẻ em. Đối với trẻ nhỏ, ta dễ dàng bỏ qua những phản ứng của loài bò sát và nhắm đến một cách giải nghĩa bậc cao. Ta vượt qua vẻ bề ngoài, và cố gắng mường tượng điều gì đang xảy ra.

Tưởng tượng một đứa trẻ đang buồn rầu và rồi đến chỗ ba mẹ, đánh ba mẹ một cái và nói, con ghét ba mẹ.

Phản ứng nguyên thủy sẽ là đánh trả. Nhưng phản ứng tinh vi và phức tạp hơn chính là hỏi rằng: chuyện gì đang xảy ra đằng sau điều tôi có thể thấy từ hành vi của đứa trẻ?

Và, vì đã là 6 giờ tối mà nó vẫn chưa ngủ trưa và có hơi bị cảm, ta thường gán những yếu tố này là nguyên do cho khí sắc tồi tệ của trẻ. Tâm trí bậc cao sẽ lý giải tình huống.

Dù cách làm này rất khôn ngoan, thật khó để thực hiện lên chính bản thân mình.

Có thể ta cũng cảm thấy mệt và đói. Nhưng ta không hỏi bản thân điều này có vai trò như thế nào trong việc ta tự dưng cảm thấy mọi người ghét mình và sự nghiệp của mình đang là thảm họa.

Đó có vẻ là kết luận rất hợp lý rút ra từ những thực tế xung quanh. Thế nhưng, thực chất, chúng là kết quả của việc vừa mệt vừa đói mà vẫn phải giải quyết vấn đề tồn tại. Sau một buổi ăn nhẹ và nằm nghỉ, quan điểm của ta sẽ rất khác.

Nói cách khác, tâm trí ta bị lấp đầy bởi những suy nghĩ trông có vẻ như do lý trí tạo ra nhưng thật ra không phải vậy, những suy nghĩ phần nhiều là do những quá trình sinh lý bậc thấp mà ta chối bỏ hay không nhận ra.

Kiến thức về bản thân có nghĩa là trở nên giỏi nhận biết có bao nhiêu quá trình tâm lý (mở rộng ra những sự việc như quan điểm chính trị và đánh giá của ta về sự nghiệp và người yêu) có thể được lý giải bởi:

uống không đủ nước
ngủ không đủ giấc
ăn không đủ no

Nếu vài đêm gần đây bạn ngủ không ngon giấc và làm việc quá sức, một vài lời bình luận thiếu khéo léo từ người bạn đời có thể khiến bạn nghĩ đến việc li dị. Có cảm giac như mối quan hệ đang vỡ vụn, rằng bạn cần một nước đi mạo hiểm, kịch tính và mang tính thay đổi cuộc sống, rằng những thỏa hiệp, ổn định và yêu thương vài năm qua đều bỏ phí. Vấn đề trông có vẻ khổng lồ. Nhưng thật ra không phải. Điều sai ở đây chỉ là bạn đang mệt. Vô cùng khó để chúng ta phân biệt giữa nhu cầu của cơ thể và mâu thuẫn cảm xúc bi lụy.

Hoặc có thể là, bỏ bữa sáng, một cuộc họp công việc khó nhằn khiến bạn quyết định từ chức. Mọi chuyện sau đó có thể sẽ khó khăn, tất nhiên rồi, nhưng gì cũng được miễn là không phải tiếp tục bán linh hồn cho những kẻ ngu xuẩn không có đầu óc này. Vấn đề trông có vẻ khổng lồ – sự nghiệp trên bờ vực thảm họa. Thế nhưng nguyên do thật sự có thể chỉ đơn giản là lượng đường trong máu giảm sút.

Ngay tại thời điểm này, quan điểm tồn tại không phải sản phẩm của lý trí mà là của chứng khó tiêu hay mệt mỏi, nghe có vẻ điên rồ. Nhất là khi điều đó là sự thật. Ta muốn tin rằng những khổ sợ của mình đều là vấn đề trên trời – trí tuệ, đạo đức và hiện sinh – trong khi đó chỉ là những xáo trộn trong cơ thể không hơn không kém.

Ta nên cẩn thận với việc duy tâm quá mức. Để vui vẻ và hạnh phúc, ta cần những điều to lớn (tiền bạc, tự do, tình yêu), nhưng ta cũng cần rất nhiều nhỏ nhặt khác (ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, bầu trời nắng đẹp). Trẻ sơ sinh rất giỏi điều này. Chúng không có trí tuệ một cách hữu dụng. Chúng nhắc ta nhớ một số sự thật thâm thúy.

Câu hỏi cần đặt ra ở đây không phải lúc nào cũng là “ta cảm thấy thế nào?”. Hiểu biết về bản thân có khi đến từ câu hỏi: ta hoạt động thế nào? Cảm xúc đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống của ta? Và điều đó đôi lúc có thể khiến ta gạt bỏ cảm xúc dù cho chúng có mạnh mẽ đến đâu. Đây là khả năng bậc cao để tách biệt khỏi cảm xúc.

Khi bạn mệt mỏi, thiếu nước hoặc đói, căng thẳng hoặc sợ hãi, những trạng thái tinh thần này thay đổi nhận thức thực tại của bạn. Ý thức bị sai lệch. Hành vi của người khác trông có vẻ ác ý hơn thực tế, ta khó có thể hiểu được những động lực phức tạp sâu xa hơn. Những mối đe dọa có vẻ lớn hơn, những nguồn cung sự an toàn hay vui vẻ trông nhỏ đi, mong manh hon và xa vời hơn thực tế.

Vị trí bậc cao chính là nhận ra đây là một cách thức hoạt động của bản thân. Đây là những gì mà sự mệt mỏi, mất nước và những thứ tương tự gây ra với chúng ta. Vậy nên ta cần biết cách nghi ngờ những trang thái tâm lý nhất định, ta phải học cách không hành động dựa trên chúng. Trí khôn có nghĩa là giỏi đặt câu hỏi: đây là sự thật hay mình đang nhìn sự việc theo một chiều hướng méo mó, do không ăn trưa hay thiếu 2 giờ ngủ.

Leave a Comment