Sparta Và Athens: Câu Chuyện Về Hai Thành Bang
Nguyên nhân nào khiến một nền văn minh phát triển rực rỡ trong khi nền văn minh khác lại dần tàn lụi?
Tại sao một vài nền văn minh đạt đến trạng thái phát triển rực rỡ để rồi lại sụp đổ nhanh chóng?
Các nhà sử học đã dốc sức viết ra nhiều quyển sách vĩ đại để trả lời những câu hỏi này, ví dụ như Decline and Fall of the Roman Empire của Edward Gibbon và Decline of the West của Oswald Spengler.
Ngoài ra có những cuốn sách khác cũng nói về lĩnh vực này dưới hình thức tiểu thuyết lịch sử. Trong Tides of War, Stephen Pressfield đã sáng tác dựa trên một trong những trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử – cuộc chiến tranh Peloponnesus – giữa hai nền văn minh rực rỡ nhất của phương Tây: Athens và Sparta.
Bằng sự nhiệt huyết của mình, Pressfield đã thêm thắt vào tác phẩm những mô tả đầy cảm hứng về trận chiến, những suy luận sâu sắc về các nguồn văn hóa diễn ra đằng sau hậu trường. Ông cho thấy những khác biệt trong tư duy và nguyên tắc chiến đấu giữa các bên, và cách những khác biệt ấy khiến đế quốc Athens hùng mạnh phải ngả mũ trước nước cộng hòa Sparta nhỏ bé.
Mặc dù sự suy tàn của một đế chế thường bị gán cho lý do kinh tế hoặc chính trị, song Pressfield lý luận rằng Athens sụp đổ là do một khía cạnh đặc thù về ý chí của cá nhân và quốc gia đã suy yếu và bị thay thế.
Sparta và Athens: câu chuyện về hai thành bang
Mặc dù vị trí địa lý ở gần nhau (hai thành phố chỉ cách nhau khoảng 250 km) và cùng thờ một vị thần, song thành bang Athens và Sparta lại khác biệt nhiều hơn tương đồng. Trong khi Sparta có tính cộng đồng, thì Athens nổi tiếng với sự độc lập và tự do cá nhân. Trong khi Sparta coi khinh sự giàu sang phú quý (gần như cấm sử dụng tiền) thì Athens lại là một đế chế thương mại. Trong khi sức mạnh quân đội của Sparta nằm ở tinh thần quyết chiến và bất khuất thì Athens đã thống trị các vùng biển với lực lượng hải quân của mình. Sparta bằng lòng với vị thế một quốc gia độc lập nhỏ bé, còn Athens ngày càng bành trướng chủ nghĩa đế quốc, tìm cách tăng cường ảnh hưởng của mình về chính trị, kinh tế và văn hóa.
Người dân Sparta đánh giá cao thơ ca, âm nhạc và triết học hơn nhiều so với những gì ta thường nghĩ; song những khao khát ấy bị lu mờ triệt để bởi tầm quan trọng của huấn luyện quân sự. Sự tập trung này đã tạo nên một trong những đội quân hiệu quả, kỷ luật và can đảm nhất thế giới. Mặt khác, Athens là nơi nổi tiếng với nghệ thuật và triết học được cho là đỉnh cao của sự phát triển loài người, nơi đã sản sinh ra những kiệt tác mỹ thuật và nhiều nhà tư tưởng, triết gia có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử phương Tây, bao gồm Socrates, Plato và Aristotle.
Athens và Sparta cũng có sự khác biệt về chính trị. Sparta duy trì hệ thống dân chủ với một hiến pháp cân bằng chia quyền lực thành ba nhóm. Một hệ thống kiểm tra và cân bằng tránh cho bất kỳ nhóm nào sở hữu quá nhiều quyền lực. Mặc khác, người dân Athens sống dưới một nền dân chủ cực đoan, trong đó mọi nam công dân đều được kỳ vọng sẽ gia nhập vào nhà nước.
Khi chiến tranh Hy Lạp-Ba Tư nổ ra, Athens và Sparta là đồng minh “bất đắc dĩ” của nhau trong công cuộc giành lại tự do cho Hy Lạp. Mỗi bên từ lâu đã dè chừng đối phương. Người dân Sparta đặc biệt thận trọng với chủ nghĩa đế quốc đang ngày càng tăng trong tâm trí người Athens; họ tin rằng việc Athens nỗ lực chinh phục mảnh đất nhỏ bé trên bán đảo Hy Lạp chỉ còn là vấn đề thời gian. Nỗi lo sợ ấy đã dẫn đến cuộc chiến tranh Peloponnesus kéo dài 30 năm giữa Athens và Sparta. Mặc dù xung đột kéo dài hàng chục năm làm hao mòn năng lượng và sức mạnh của cả hai bên, song Sparta là kẻ chiến thắng cuối cùng.
Cả Sparta và Athens đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng biệt, cho đến khi cuộc chiến Peloponnesus nổ ra, thế hệ con cháu đã lãng quên lời dạy được cho là của nhà lập pháp huyền thoại Solon: “Thứ gì nhiều quá thì đều không tốt.” Các chuẩn mực đạo đức và lý tưởng của người Athens bị đẩy lên mức cực đoan rồi trở thành các tệ nạn. Tình yêu tự do cá nhân đã thoái hóa thành chủ nghĩa ái kỷ; các doanh nghiệp thương mại hùng cường biến tướng thành kẻ tham lam vô độ; sự cứng rắn và nhẫn nhịn bị thay thế bằng tính nhu nhược; nền dân chủ tích cực và lành mạnh suy đồi thành “luật rừng”.
Thậm chí cả những triết gia nổi tiếng của Athens – Socrates và Plato – cũng ngày càng chỉ trích sự suy thoái của Athens trong đạo đức và trách nhiệm công dân, trái ngược với tính kỷ luật và đạo đức của người Sparta. Họ chỉ còn cách khoanh tay đứng nhìn một nền văn minh thịnh vượng đang rệu rã từng ngày.
Chiến binh Sparta bất khuất và sự khác biệt giữa Can đảm và Liều lĩnh
Vậy thì đâu là điểm khác biệt cốt lõi giữa Athens và Sparta? Chúng ta đã mổ xẻ sự khác biệt bên ngoài giữa hai thành bang, nhưng đâu là giá trị sâu sắc, căn bản mà người Sparta duy trì được còn người Athens lại thiếu và dẫn đến sự suy tàn và diệt vong của họ sau này?
Trong Tides of War, Pressfield đã mượn lời đô đốc hải quân Lysander của Sparta để trả lời cho câu hỏi này. Cảnh ấn tượng nhất trong cuốn sách có lẽ là khi Lysander đứng trước hàng ngàn chiến binh Sparta cùng các đồng minh trong cuộc hành quân tới trận địa Notium và có một bài diễn thuyết hùng hồn. Trong đó, ông chỉ ra những khác biệt giữa Athens và Sparta và giải thích vì sao lối sống của người Sparta tốt hơn, và tại sao đến cuối cùng đội quân của ông sẽ chiếm ưu thế.
“Những kẻ liều lĩnh thì ngạo mạn, vô liêm sỉ và tham vọng. Còn những người can đảm thì trầm tĩnh, thành kính và vững lòng,” Lysander nói.
Mặc dù Lysander phân biệt rõ ràng giữa liều lĩnh và can đảm, nhưng hành động liều lĩnh đôi khi cũng có thể hữu ích cho cả một người trưởng thành. Thỉnh thoảng, ta cũng rất cần sự bốc đồng hay thậm chí liều lĩnh để nắm bắt cơ hội chớp nhoáng.
Tuy vậy nơi nào có sự liều lĩnh thì ở đó, nó phải luôn được kết hợp và khai thác cùng với lòng can đảm. Can đảm phải là phẩm chất hàng đầu trong tính cách của một con người.
Tại sao lại như vậy?
Trong lời kêu gọi của mình, Lysander làm sáng tỏ sự khác biệt giữa những người liều lĩnh và những người can đảm, và đi sâu vào phân tích “kiểu người do hai phẩm chất mâu thuẫn này tạo nên.”
Phần tiếp theo là những gì Lysander đã nói trong Tides of War, không chỉ áp dụng cho các chiến binh Sparta mà còn cho cả những con người hiện đại.
Sự Khác Biệt Giữa Can Đảm Và Liều Lĩnh
Liều lĩnh là thiếu kiên nhẫn và không kiên định; can đảm là ổn định và bền bỉ
“Sự liều lĩnh chỉ tôn vinh hai thứ: mới lạ và thành công. Nó tồn tại và tan biến cũng chỉ vì hai thứ này.”
“Liều lĩnh là thiếu kiên nhẫn. Can đảm là khả năng chịu đựng trong thời gian dài. Người liều lĩnh không thể chịu đựng được sự gian truân hay trì hoãn; họ chỉ có lựa chọn thắng hoặc chết.”
“Điểm yếu của kẻ thù là thời gian. Sự liều lĩnh không thể duy trì lâu dài. Giống như trái chín cây thì ngon ngọt nhưng cuối cùng cũng thối rữa.”
Người Athens là bá chủ biển khơi, kiểu chiến đấu liên quan đến các nước đi liều lĩnh, những cuộc tấn công bất ngờ, nhanh chóng và quyết đoán. Trong khi đó người Sparta chủ yếu tham chiến trên đất liền, vốn đã được chuẩn bị cho những cuộc hành quân và kháng chiến trường kỳ. Trong một trận hải chiến, người Athens có thể khua thuyền đi khỏi nếu điều kiện không có lợi cho họ, hoặc tấn công kẻ thù theo cách thức của riêng họ. Lysander để ý thấy rằng, một chiếc tàu chiến “không làm được gì nếu phải cố duy trì hàng ngũ”. Mặt khác, người Sparta luôn phải sẵn sàng cho cuộc chiến và đối đầu với kẻ thù ngay cả khi bất lợi. Sự khác biệt trong binh pháp cũng tạo ra khác biệt trong tư duy: Người Athens trở nên mất tinh thần khi chiến thắng không đến nhanh chóng và dễ dàng, còn người Sparta đã chuẩn bị tinh thần để vượt qua những thất bại tạm thời và đứng vững trong bất cứ hoàn cảnh hay thử thách nào. Họ sở hữu lòng can đảm từ sự bền bỉ.
Rất nhiều người hiện nay thường tiếp cận các vấn đề của mình với tư duy của người Athens. Họ có một ý tưởng kinh doanh tuyệt vời hoặc cảm thấy hừng hực khí thế khi bắt tay vào một mục tiêu mới. Trong vài tuần, họ cảm nhận được ngọn lửa đam mê và phấn khích, vàlàm mọi thứ có thể để thực thi dự án mạo hiểm của mình. Ban đầu có rất nhiều việc hấp dẫn để làm – chọn tên cho ban nhạc, chọn kế hoạch giảm cân, thiết kế website mới. Họ có thể đạt được chút thành công ban đầu và cảm giác như mình đang lướt nhẹ trên những đám mây. Vô cùng phấn khích, họ gần như cảm nhận được thành công đang ở rất gần.
Sau đó thất bại xảy ra. Thành công ban đầu của họ bị chững lại. Mọi thứ lúc bắt đầu cần nhiều thời gian hơn dự kiến, và họ có nhiều việc phải làm hơn mình nghĩ – những công việc khó khăn và tẻ nhạt. Sparta Và Athens: Câu Chuyện Về Hai Thành Bang
Thời gian trôi đi. Họ bắt đầu làm việc ngày một ít đi và dần lãng quên nó hoàn toàn. Họ bào chữa rằng công việc thật khó khăn và mệt nhọc; nhưng chẳng phải khi làm điều mình đam mê thì ta phải vui sao? Họ quyết định vấn đề không nằm ở cách làm việc của mình mà chỉ đơn giản là họ đã theo đuổi sai mục tiêu và cần theo đuổi một thứ khác. Họ lại có một ý tưởng đột phá nữa – thế là sự hào hứng quay trở lại, nhưng chỉ được một lúc mà thôi. Và rồi vòng lặp này diễn ra mãi.
Những người đó liều lĩnh chứ không can đảm; họ liều lĩnh bắt đầu mọi thứ nhưng không đủ can đảm để đi đến cùng. Khi sức nóng của khó khăn và sự hoài nghi tăng lên, động lực của họ liền bốc hơi hết. Họ không rèn luyện tính kiên nhẫn để làm việc khi sự hào hứng ban đầu tan biến, hay sự bền bỉ giúp thúc đẩy vượt qua những giai đoạn khó khăn. Họ nuôi dưỡng ham muốn nhận được những điều mới mẻ và thành quả ngay lập tức, nhưng lại không học cách duy trì sự tiến bộ để chuyển từ việc hào hứng bắt đầu sang quyết tâm xây dựng.
Chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh và thông minh có thể là yếu tố cốt lõi để chiến thắng một trận chiến. Trên thực tế Lysander chịu trách nhiệm tạo ra một đội hải quân hùng mạnh cho đạo quân bộ binh truyền thống của Sparta, và đội quân này sẽ giúp đảo ngược tình thế trong cuộc chiến Peloponnesus. Tuy vậy, bất kể chiến thuật nào thì chiến thắng cuối cùng vẫn phụ thuộc vào một tư duy bền bỉ – tinh thần không chỉ sẵn sàng thực hiện những nước đi táo bạo mà còn dám duy trì cục diện khi vấp phải sự phản kháng.
Lysander nói với các chiến binh của mình,
“Sự liều lĩnh là vũ khí lợi hại, nhưng nó có giới hạn và rào cản. Chúng ta chính là những rào cản ấy. Rào cản của chúng ta là lòng can đảm và tình đồng đội, thứ vẫn bền vững khi sự liều lĩnh của họ hạ nhiệt và lu mờ.
Liều lĩnh tiêu tan, can đảm trụ vững.
Hãy luôn ghi nhớ sự thật này và đừng bao giờ quên mất nó.”
Sự liều lĩnh thì bốc đồng và bất cẩn; lòng can đảm thì khôn ngoan và có chuẩn bị
“Những chiến binh nói rằng họ sợ phải đối mặt với Alcibiades (tướng quân của Athens); ông ta khích họ trở nên liều lĩnh. Các anh em, ta cũng sợ ông ta. Đây không phải sự hèn nhát mà là thận trọng. Đối đầu với ông ta cũng không phải là cam đảm mà là liều lĩnh. Bởi ta đã tính đến kỹ năng của kẻ thù và thấy rằng kỹ năng của quân mình chưa tương xứng. Vị tướng khôn ngoan biết công nhận sức mạnh của kẻ thù. Kỹ năng của người này là không tấn công vào điểm mạnh của đối thủ mà là điểm yếu của họ, không phải vào nơi hay thời điểm họ sẵn sàng mà là khi họ lơ là và mất cảnh giác nhất.”
“Lòng can đảm sinh ra từ sự tuân lệnh. Nó bắt nguồn từ sự vô ngã, tình anh em và tình yêu tự do… Đó là lý do vì sao chúng ta tham gia tập luyện. Mồ hôi không phải để đổ ra vô ích hay chèo thuyền chỉ để cho vui, mà vì việc luyện tập cùng nhau sẽ khắc sâu trong chúng ta lòng can đảm, chất chứa trong tim ta lòng tin vào bản thân, vào đồng đội và chỉ huy của mình.”
Trước trận Notium, Alcibiades, tổng tư lệnh quân đội Athens, đã cho bao vây đội quân của Sparta và cố nhử tàu của họ ra khơi chiến đấu. Các chiến binh Sparta bị khích và sẵn sàng tham chiến. Tinh thần của họ đang lên rất cao, sự kỷ luật và lòng tự tin vô cùng mạnh mẽ. Họ cảm thấy sẵn sàng đối đầu với kẻ thù của mình. Nhưng Lysander lại chủ động ra lệnh cho họ kiềm chế, khiến các chiến binh cảm thấy chán nản và bồn chồn không yên.
Lysander giải thích rằng sự kiên nhẫn do lòng can đảm tạo ra không chỉ để chịu đựng trở ngại khi lâm trận, mà còn để chờ đợi đúng thời điểm. Lysander có thể nhìn thấy đội quân của Athens hùng mạnh hơn Sparta, việc đóng thêm tàu và đào tạo thêm binh lính là cần thiết để đảm bảo khi xuất quân, họ sẽ chiến thắng. Ông cũng bồn chồn không kém gì các binh lính, nhưng ông biết cái gọi là lòng can đảm từ sự kiềm chế.
Cách tiếp cận của Lysander tương tự với triết gia Aristotle, người tin rằng lòng can đảm nằm giữa sự liều lĩnh và sự hèn nhát.
Kẻ hèn nhát đánh giá quá cao nguy cơ của hành động và thậm chí không dám làm hoặc chỉ biết trì hoãn. Anh ta luôn phải nghiên cứu thêm về cuộc thi này, đọc thêm vài cuốn sách nọ về chủ đề nào đó, hay tập luyện thêm một chút trước khi thực sự bắt đầu.
Kẻ liều lĩnh lại đánh giá quá thấp thử thách mà anh ta phải đối mặt, mù quáng và bốc đồng lao vào mọi thứ. Và kết quả cho kẻ liều lĩnh này là ý tưởng của anh ta chưa đủ chín muồi và bị thất bại. Anh ta không có đủ kỹ năng và sự tự tin để thành công, hoặc anh ta hoàn toàn rút lui sau khi nhận ra những gì mình phải hi sinh để có được chiến thắng.
Người can đảm tránh được hai mức độ cực đoan trên. Anh ta biết đâu là thời điểm cần liều lĩnh, đâu là thời điểm cần kiềm chế. Anh ta luyện tập kỹ năng và sự tự tin trước khi tham chiến, nhưng cũng biết rằng đôi khi mình phải hành động trước rồi mới rút ra bài học. Anh ta tích cực luyện tập và chuẩn bị cho sự bắt đầu đúng thời điểm, nhưng cũng hiểu rằng không có thứ gì gọi là cơ hội hoàn hảo. Không bồn chồn cũng chẳng gấp gáp, anh ta vận dụng trí tuệ của mình để quyết định khi nào là thời điểm thích hợp để tấn công.
Các chiến binh Sparta cho rằng việc chiến đấu vì cơn thịnh nộ hay ác cảm là không đáng, vì những cảm xúc dữ dội như vậy thường chỉ là nhất thời, là vỏ bọc cho nỗi sợ hãi và thiếu kỹ năng. Thay vào đó, họ tham chiến với quyết tâm bình thản, tràn đầy tự tin vì đã chuẩn bị và có lòng can đảm nhờ biết kiềm chế.
Liều lĩnh là tham lam; can đảm là mãn nguyện
“Những kẻ liều lĩnh rất tham lam. Anh ta kiện người hàng xóm ra tòa; anh ta toan tính và mập mờ. Ngược lại người can đảm hài lòng với những gì mình có; anh ta tôn trọng món quà Thượng đế ban cho và khéo léo sử dụng nó; anh ta khiêm tốn với nhân loại như thể người gác cổng thiên đường.”
Sự vĩ đại của người Athens buộc họ phải liên tục bành trướng đế chế của mình. Để tài trợ cho các dự án công cộng xa hoa cùng việc duy trì đội hải quân oai vệ của mình, người Athens cần tạo càng nhiều thành bang dưới trướng của họ càng tốt. Những thuộc địa này hàng năm phải cống nạp cho Athens, hoặc nếu không sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Ham muốn quyền lực, tầm ảnh hưởng và chủ quyền của người Athens đã đẩy họ vào tình thế khó xử. Giống như căn bệnh ung thư, sự sống còn của cả đế chế đòi hỏi phải họ tăng trưởng liên tục. Nhưng tất cả chúng ta đều biết kết quả cuối cùng của căn bệnh ung thư là gì.
Nó sẽ giết chết vật chủ.
Trong khi đó, người Sparta hài lòng với việc là một thành bang nhỏ bé, chất phác. Phong cách sống của họ đơn giản, sử dụng vật chất ở mức tối thiểu và tiết kiệm. Họ không ham muốn những thứ xa hoa hay kiến tạo nên đế chế hùng cường, vì vậy họ không cần liên tục đi tìm kho báu để cấp vốn cho nền văn minh của mình. Họ có lòng can cảm từ sự mãn nguyện, tức khả năng nói rằng “đủ là đủ”. Nhiều nhà sử học tin rằng sự hài lòng của người Sparta có đóng góp lớn trong sự bền vững của chính phủ dân chủ cộng hòa kéo dài ít nhất 580 năm – tạo nên một chính phủ có yếu tố dân chủ kéo dài nhất trong lịch sử nhân loại.
Tất cả chúng ta đều sẽ phải đối mặt với những khoảnh khắc ham muốn có nhiều hơn nữa trong đời. Nhiều tiền hơn, uy danh hơn, địa vị cao hơn. Nhưng đó là sự khao khát vô phương thỏa mãn, càng được đáp ứng thì nó càng lớn dần lên. Những lời kêu gọi về quyền lực và sự giàu có cùng hứa hẹn về một trạng thái tự do cao hơn cuối cùng lại là xiềng xích cho chính sự tự do hiện tại. Càng ham muốn địa vị, bạn càng dễ thỏa hiệp các nguyên tắc của mình để có được nó. Càng mua nhiều thứ mình không trả nổi, bạn càng mắc thêm nợ và rồi sự nghiệp và lối sống của bạn sẽ chỉ còn rất ít lựa chọn. Càng dùng tiền của người khác nhiều thì bạn càng lệ thuộc vào họ.
Hài lòng với những điều nhỏ bé sẽ cho bạn lòng can đảm để nói không với những chương trình tiếp thị, lờ đi những món đồ xa xỉ, giữ vững nguyên tắc của bản thân và làm những gì bạn muốn mà không bị ép buộc. Với lối sống Sparta, bạn sẽ có được quyền lực và sự tự do đích thực.
Liều lĩnh ngạo mạn; Can đảm khiêm tốn
“Người Athens không sợ Thượng đế; họ có tham vọng trở thành Thượng đế. Họ tin thiên đường trị vì bằng danh vọng chứ không phải sức mạnh. Họ nói rằng thần linh cai trị bằng sự tôn vinh, bằng uy quyền tối cao khiến con người phải kinh hãi và buộc họ phải cạnh tranh để tồn tại. Tin vào điều này, người Athens cố làm vui lòng thiên đường bằng cách nặn tượng thần bằng đất sét theo hình dáng của bản thân. Họ không chịu khiêm tốn và nhún nhường, coi đó là thứ không xứng với những con người trong hình hài của thần linh.”
“Những thiếu sót của chúng ta có thể khắc phục bằng sự luyện tập và tự kỷ luật.”
Người Hy Lạp thường nghĩ lòng can đảm liên quan đến chiến tranh và giống như một đức tính nơi chiến trường. Nhưng can đảm cũng là phẩm chất giúp một người sẵn sàng cho chiến tranh trong thời bình: đức tính này thúc đẩy các binh sĩ cố gắng hết sức trong quá trình luyện tập thường xuyên và duy trì một lối sống giản dị, kỷ luật. Điều này giúp tạo nên những cơ thể cường tráng và tinh thần thép, cùng với sự cứng rắn để đối đầu với bất cứ kẻ thù nào.
Do đó, tuy người Sparta nổi tiếng can đảm trên chiến trường, nhưng lòng can đảm đó thậm chí còn biểu hiện rõ hơn ở hậu phương. Khi mới lên 7 tuổi, những cậu bé Sparta đã tham gia vào các cuộc tập trận quân sự giúp họ quen với khó khăn gian khổ. Họ chỉ mặc đúng một bộ quân phục cả mùa đông lẫn mùa hè, sống bằng những khẩu phần ăn ít ỏi và liên tục rèn luyện võ thuật. Như sử gia La Mã Plutarch quan sát thấy, các chiến binh Sparta “là những người đàn ông duy nhất trên thế giới xem chiến tranh chỉ là sự tạm hoãn tập luyện.”
Người Sparta hiểu rằng thắng lợi không chỉ là thắng trong những thời điểm then chốt của trận chiến, mà còn thắng cả trong từng bước và nhiệm vụ nhỏ vốn dẫn đến thời khắc then chốt ấy, và rằng họ không chỉ cần lòng can đảm trong khoảnh khắm quyết định mà còn cần rèn luyện nó mỗi ngày.
Aristotle lý luận rằng lòng can đảm “giúp một người duy trì niềm tin vào các lý do về những gì anh ta nên hoặc không nên sợ hãi, bất chấp trong vui sướng hay đau khổ.”
Một triết gia khác cũng bổ sung, lòng can đảm là “sức mạnh đối mặt với hiện tại gây bất mãn nhằm hướng đến cái kết mang lại sự thỏa mãn lâu dài.” Vậy thì sự can đảm không chỉ là sẵn sàng tiến về phía trước trong những khoảnh khắc hiểm nguy, mà còn là khả năng trì hoãn ham muốn, bỏ qua những niềm vui ngắn hạn để dành tâm sức cho những mục tiêu dài hạn, làm những công việc khó khăn và tẻ nhạt để theo đuổi những lợi ích to lớn hơn.
Những người lãnh đạo bằng sự liều lĩnh thay vì can đảm, những người nghĩ họ thật đặc biệt và quyền uy, những người tin rằng thành công đến từ tài năng vốn có hơn là nỗ lực, đều muốn được nổi tiếng và đạt được thành quả ngay tức khắc. Họ cảm thấy như mình được sinh ra để giành lấy vinh quang. Những công việc thường ngày không đáng để họ làm. Tập luyện thì càng không cần thiết. Họ muốn thành công mà không phải hi sinh. Họ muốn đốt cháy giai đoạn để lên đỉnh cao ngay lập tức.
Họ nhìn thấy cảnh tượng trên sân khấu mà không biết đến những gì cần diễn ra sau hậu trường để tạo nên sân khấu ấy.
Họ muốn cảm thấy đủ đầy mà không phải trải qua cơn đói.
Họ là thần linh, và vì cớ gì mà thần linh phải quan tâm đến việc thành thạo những nguyên tắc nền tảng thấp kém? Vì cớ gì mà thần linh phải làm một công việc chân tay? Tại sao để đạt tới sự giàu có họ phải làm việc hơn 4 giờ một tuần? Tại sao một người đặc biệt như họ lại phải bước từng bước thay vì phóng thẳng đến ngai vàng vinh quang?
Trong khi hấp tấp, những vấp ngã đã làm nhụt chí họ, họ quên rằng sự can đảm chờ đợi trong im lặng và thực hiện “nghĩa vụ hàng ngày” là điều kiện tiên quyết để vươn đến đỉnh cao.
Liều lĩnh theo đuổi vinh quang; can đảm mưu cầu danh dự
“Kẻ liều lĩnh muốn phân chia mọi thứ, muốn tất cả thuộc về mình và sẽ gạt các anh em của mình sang một bên để cướp đoạt thứ mình muốn. Người can đảm thì đoàn kết. Anh ta giúp đỡ đồng đội và hiểu rằng điều gì mang lại thịnh vượng cho tập thể thì cũng mang lại điều tương tự cho anh ta.”
“Trong những thời điểm khó khăn, kẻ liều lĩnh đắm chìm trong phiền muộn, cố lôi kéo những người xung quanh vào nỗi bất hạnh của mình…”
Những năm tháng tuổi 20, sau hơn 10 năm rèn luyện, một công dân Sparta đã hội tụ đầy đủ điều kiện để phục vụ quân đội. Tại thời điểm này, anh ta gia nhập syssitia – một nhóm gồm 15 chàng trai. Mỗi ngày một chiến binh bắt buộc phải tham dự một buổi gặp mặt trang nghiêm và dùng bữa cùng chỉ huy của họ, nhằm thể hiện mục đích xây dựng tình đồng đội. Thực tế, trước thế kỷ thứ 5 TCN, syssitia đơn thuần được biết đến như andreia – trong bối cảnh này có nghĩa là “thuộc về những người đàn ông”. Khi những người đàn ông ăn bánh mỳ cùng nhau, họ học cách tin tưởng người khác và hình thành liên kết hỗ trợ làm phong phú thêm những ngày tháng thanh bình của họ và đóng góp cho thành công trong thời chiến.
Thành viên trong syssitia bắt buộc phải thuộc quyền kiểm soát của homoioi – hiệp hội công dân và quân nhân chính thức của Sparta. Homoioi có nghĩa là “bình đẳng”, ngụ ý là trong thực tế những người đàn ông Sparta cùng có chung lối sống kỷ luật, chung bữa ăn, chung cả những mối nguy hiểm và bộ quy tắc ứng xử. Homoioi cũng có nghĩa là nhóm danh dự – tập hợp những người đàn ông cam kết kiềm chế niềm vui thú cá nhân để hỗ trợ cho đồng đội.
Việc phát triển lòng can đảm về danh dự này là vô cùng quan trọng trên chiến trường, trong đó mỗi chiến binh Sparta chiến đấu như mỗi đốt ngón tay trên một bàn tay. Các thành viên của một đội quân sẽ tiến lên phía trước như một thể thống nhất và đối đầu với kẻ thù. Mỗi chiến binh kề vai sát cánh với đồng đội, kê sát những tấm khiên cạnh nhau tạo thành bức tường bảo vệ, tin tưởng vào lòng can đảm của hai người đứng cạnh họ để chiến thắng và sống sót. Do đó một đội quân sẽ có sức mạnh thống nhất, và dựa vào mỗi thành viên chiến đấu cùng nhau vì mục đích lớn lao hơn. Một người đàn ông hành động liều lĩnh, phá vỡ liên kết vì sợ hãi, hay vì tham vọng của bản thân đều đặt cả đội vào nguy hiểm.
Theo đuổi danh dự, hỗ trợ và bảo vệ đồng đội, người Sparta sống vì một mục đích lớn lao hơn bản thân họ. Ngược lại, họ cảm thấy kẻ thù của mình sống chỉ để thỏa mãn thú vui của bản thân. Lysander cho rằng sự liều lĩnh biểu hiện qua tham vọng cá nhân – nỗi khao khát giàu có và làm những thứ có lợi cho vinh quang của bản thân.
Sparta Và Athens: Câu Chuyện Về Hai Thành BangSparta Và Athens: Câu Chuyện Về Hai Thành BangNhiều người ngày nay tập trung cuộc sống của mình vào kiểu tham vọng cá nhân này, họ không quan tâm những hành động và yếu kém của bản thân ảnh hưởng như thế nào đến người khác hay đến đất nước của mình. Họ chỉ làm những gì mình muốn và có lợi nhất cho mình, thỏa mãn ý muốn và thói ham hư danh. Nếu sự lừa dối giúp họ đạt được mục tiêu, họ sẵn sàng làm điều đó dù có gây tổn thương cho người khác. Nếu các tiêu chuẩn và lý tưởng đối với một người quá khó khăn với họ, họ sẽ hạ thấp nó hoặc điều chỉnh thước đo cho phù hợp với mình. Nếu họ cảm thấy muốn nuông chiều bản thân trong khi bạn bè và người thân yêu cần đến họ, họ sẽ lợi dụng ham muốn này và kéo người khác xuống bùn với mình.
Những kẻ liều lĩnh tự cho rằng họ có quyền tự do làm mọi thứ mình thích, nhưng họ thiếu lòng can đảm từ danh dự – sự tận tâm phát triển và hỗ trợ đồng đội, tôn vinh những đạo lý và tôn trọng người khác đủ để làm điều đúng, dù có khó khăn đến đâu.
Liều lĩnh là hồ đồ; can đảm là tôn kính
“Liều lĩnh sinh ra từ sự coi thường và thiếu tôn trọng; nó là đứa con hư của sự bất kính và coi thường pháp luật.”
Như đã nói ở trên, nhờ vào thành công của mình, người Athens bắt đầu nghĩ bản thân họ như những vị thần, do đó ngày càng ít thờ cúng thần linh hơn. Những kẻ liều lĩnh đã thuyết phục bản thân một cách sai lầm rằng họ hoàn toàn chịu trách nhiệm cho số phận của mình. Và rồi họ bắt đầu thách thức các vị thần. Đêm trước cuộc viễn chinh Sicilia – một trận chiến trong Peloponnesus – tất cả những bức tượng Hermes tại Athens đều bị đập vỡ. Nhiều người nghi ngờ Alcibiades điên rồ có liên quan đến việc này. Vài người gọi đây là trò đùa ngớ ngẩn, nhưng với người Athens khi bắt đầu thực hiện một cuộc chinh phạt lớn, đó là dấu hiệu cho thấy họ tin mình vĩ đại hơn thần linh và không cần đến sự trợ giúp của thần linh.
Mặt khác, người Sparta lại duy trì lòng sùng đạo. Họ hiểu rằng dù đã chuẩn bị tốt nhất có thể hay chiến đấu bằng tất cả khả năng, nhưng đôi khi kết quả vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát họ.
Nếu thua cuộc, họ không tỏ ra bực bội hay khó chịu. Họ chấp nhận nó với khiếu hài hước của mình.
Nếu thắng lợi, họ không tự mãn. Họ hiểu rằng thần linh đã giúp họ có chiến thắng này, và thần linh cũng có thể tước nó đi. Những điều tốt nhất họ có thể làm là kỷ luật đạo đức và trở thành người đàn ông mạnh mẽ và kiệt xuất – và rồi để mọi thứ diễn ra theo tự nhiên.
Đây không chỉ là sự can đảm nỗ lực hết mình, mà còn là sự can đảm dám từ bỏ thực tế sai lầm rằng ta có thể kiểm soát mọi thứ. Ta cần dũng cảm chiến đấu để định hình số phận của mình, đồng thời giống như Nietzsche đã nói, amor fati – không chỉ chấp nhận định mệnh, mà hãy yêu lấy nó.
Kết luận: Lòng can đảm là bức tường lửa chống lại sự suy đồi của từng cá nhân và cả quốc gia
2000 năm sau cuộc suy tàn của nền văn minh Hy Lạp, những nhà lập nên nước Mỹ đã đưa ra nhiều bài học về con đường khác biệt của Sparta và Athens. Các nhà sáng lập này là những học trò khôn ngoan của môn lịch sử cổ đại. Họ đã nhìn vào hai thành bang này để lấy cảm hứng về cách thức quản lý nền cộng hòa mới mẻ của mình. Mặc dù họ không hề đồng tình với nhiều hoạt động xã hội ở thời Sparta cổ đại (như việc giết trẻ sơ sinh, nghi thức giết người để đánh dấu sự trưởng thành của một người đàn ông, và ngoại tình được nhà nước cho phép), song giống như những triết gia Athens nổi tiếng, họ ngưỡng mộ sự cân bằng, ổn định của người Sparta, cùng với khả năng kiềm chế, kỷ luật và nguyên tắc. Trong lúc ca ngợi sự bảo vệ tự do cá nhân cùng lòng tôn kính nghệ thuật và triết học của người Athens, họ cũng xem Athens như một ví dụ về sự suy đồi của xã hội khi tình yêu tự do cá nhân, vật chất xa hoa, thành công thương mại và chế độ dân chủ không đi kèm với sự cống hiến, tiết kiệm, đức hạnh và danh dự. Họ nhìn ra sự nguy hiểm khi trở thành những kẻ liều lĩnh thay vì can đảm. Vì một nền cộng hòa thành công, những nhà sáng lập tin rằng mỗi người đàn ông không chỉ cần trau dồi lòng can đảm trong chiến đấu, mà còn cả lòng can đảm trong tính kiên nhẫn, kiềm chế, hài lòng, kỷ luật, tôn kính và danh dự – lòng can đảm không chỉ biểu hiện trên chiến trường mà còn trong cuộc sống hàng ngày.
Can đảm là quyết định ở nhà và làm việc khi bạn bè đang vui chơi bên ngoài; là ăn ức gà và súp lơ khi muốn một chiếc hamburger; và sử dụng số tiền tiết kiệm để trả nợ và bước dần đến tự do tài chính.
Can đảm là làm những hành động nhỏ để phục vụ cộng đồng thay vì cho rằng nếu không phải việc lớn lao thì không đáng để làm, là lựa chọn sự chân thành và nghiêm túc thay vì nghi ngại và thờ ơ.
Can đảm là quyết định sống có đạo đức mỗi ngày, dù cho những kẻ giả dối dường như đang dẫn trước.
Can đảm là bệ đỡ cho một người chống lại sự hèn nhát và yếu đuối của bản thân.
Can đảm là bức tường lửa của quốc gia chống lại sự suy đồi nhân cách và đạo đức.
can đảm(trầm tĩnh, thường xuyên và tự nhiên)
Tác giả: Brett & Kate McKay
Nguồn dịch: https://ubrand.cool/courses/can-dam-hay-lieu-linh-bai-hoc-tu-chien-binh-sparta?sub=lesson3833 Nguồn gốc: http://www.artofmanliness.com/2016/05/19/courage-vs-boldness-how-to-live-with-spartan-bravery/