Bài này được trích từ cuốn sách “Linh Hồn Của Tiền“
Tác giả: Lynne Twist
Mọi người đều thích tiền, và hầu hết chúng ta đều cảm thấy một mối quan tâm, thậm chí là nỗi sợ hãi dai dẳng rằng chúng ta sẽ không bao giờ thật sự có đủ, hoặc có thể giữ đủ tiền. Nhiều người trong chúng ta vờ coi tiền không quan trọng, hoặc nghĩ rằng không nên quan trọng hóa nó. Nhiều người khác sống công khai với quan điểm đặt việc kiếm được thật nhiều tiền làm mục đích hàng đầu. Dù số tiền chúng ta có, hay không có, là nhiều hay ít, nỗi lo chúng ta không có hoặc sẽ không có đủ luôn khiến ta bứt rứt không yên. Chúng ta càng cố để có tiền, thậm chí cố lờ đi hay vượt lên trên nó, tiền càng thít chặt vòng kiềm tỏa lên cuộc sống của ta.
Tiền đã trở thành sân chơi mà tại đó, chúng ta đánh giá khả năng và giá trị của mình bằng cách so sánh với người khác. Chúng ta lo rằng nếu không ra sức kiếm thêm tiền thì có lẽ chúng ta sẽ mất vị trí trong đội hoặc lợi thế trong cuộc chơi. Nếu không giành được thế trận, chúng ta cảm thấy mình đang thất bại. Nếu không dẫn đầu hay chí ít là ngang bằng với người khác trong cuộc đua tài chính, chúng ta cảm thấy mình đang tụt lại phía sau và cần nỗ lực để bắt kịp đối thủ. Cuộc chơi có lúc thật thú vị, có lúc thật đáng sợ, nhưng rủi ro bao giờ cũng lớn bởi trên sân chơi tiền bạc, nếu không phải là người chiến thắng, chúng ta chỉ có thể là kẻ chiến bại.
Thậm chí ngay cả khi cuộc chơi đang thuận lợi, chúng ta vẫn thường cảm thấy một sự hụt hẫng, một khoảng cách vời vợi giữa hình ảnh cuộc sống lý tưởng ta hằng hình dung với cuộc đời thực ta đang sống hàng ngày, bị đè nặng dưới sức ép của những trăn trở thường nhật làm thế nào kiếm được nhiều tiền hơn, mua sắm nhiều hơn, tiết kiệm nhiều hơn, giành được nhiều hơn, sở hữu nhiều hơn, và trở thành người quan trọng hơn. Có thể bạn cho rằng một tài sản khổng lồ sẽ mang đến sự bình yên và tự do, nhưng những người giàu có sẽ cho bạn biết sự thật không phải vậy. Đối với họ, cái giá phải trả cho trò chơi thì lớn hơn nhưng bản chất trò chơi thì vẫn vậy. Dù bạn là một vị tổng giám đốc kiếm được 7 triệu đô-la vào năm ngoái, nhưng nếu người cùng chơi golf với bạn vừa đàm phán thành công một hợp đồng trị giá 10 triệu đô-la, còn bạn thì không, điều đó cũng đã đẩy bạn tụt lại phía sau trong cuộc chơi tiền bạc. Khi số tiền đặt cược vào trò chơi càng lớn, ta càng có nhiều thứ để mất, và việc dẫn đầu trong trò chơi càng đòi hỏi nhiều thứ hơn. Không ai thoát khỏi những tác động của tiền. Tất cả mọi người đều phải đương đầu với những thăng trầm về tiền bạc trong cuộc đời mình.
Tiền chỉ mang sức mạnh mà chúng ta gán cho nó và chúng ta đã gán cho nó một sức mạnh gớm ghê. Chúng ta gần như đã trao cho nó quyền lực tối cao. Nếu chỉ nhìn vào hành vi, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta đã khiến tiền trở nên quan trọng hơn bản thân chúng ta và ý nghĩa hơn cuộc sống con người. Con người đã làm và sẽ còn làm những điều khủng khiếp chỉ vì tiền. Người ta giết người vì tiền, nô dịch người khác vì tiền và biến chính mình thành nô lệ của cuộc sống tẻ nhạt cũng chỉ vì theo đuổi đồng tiền.
Trong các gia đình giàu có, nhiều người bị đầu độc bởi lòng tham, nghi ngờ và tham vọng điều khiển người khác. Cuộc sống nhiều đặc quyền đã tước đi của họ những cơ hội quý giá để trải nghiệm những giao tiếp bình thường của con người và những mối quan hệ chân thật. Còn với những người sống trong thiếu thốn triền miên, cuộc chiến ấy có thể dễ dàng trở thành một ám ảnh xuyên suốt, hạ thấp giá trị cá nhân, và xói mòn tiềm năng cơ bản của một con người, một gia đình, hay thậm chí cả cộng đồng và nền văn hóa. Đối với một số người, thiếu thốn vật chất trở thành cái cớ biện minh cho việc họ không tháo vát, hữu ích hoặc trách nhiệm như lẽ ra họ có thể.
Chúng ta được sinh ra trong nền văn hóa do tiền nhào nặn nên và mối quan hệ ban đầu của chúng ta với tiền chính là sản phẩm của nền văn hóa đó.
Trẻ con lớn lên trên thế giới mà các phương tiện truyền thông và nền văn hóa đại chúng không ngừng nghỉ cổ vũ cho thói tiêu tiền và kiếm tiền không cần đoái hoài đến hậu quả gây ra cho con người hay môi trường. Những lệch lạc trong mối quan hệ của chúng ta với tiền nảy sinh từ những chuỗi ngày đều đặn tiếp xúc với những điều tưởng chừng vô thưởng vô phạt ấy trong một nền văn hóa (coi trọng) tiền bạc.
Chúng tôi nhận ra rằng cuộc chiến trước kia nhằm tích lũy và nâng cấp mọi thứ của chính mình và cuộc đời mình cũng là một thứ nạn đói.
Cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói đã được bàn và biết đến nhiều. Cái ít rõ ràng hơn và hầu như không được công nhận là cái vòng luẩn quẩn của sự giàu có. Người ta không mấy khi nhận ra cạm bẫy phía sau vẻ hào nhoáng của giàu sang, những nỗi đau khổ của người giàu: sự cô đơn, sự tách biệt, sự cằn cỗi của trái tim, cái đói và nghèo khó của tâm hồn dưới gánh nặng của cải.
Nền văn hóa của người Achuar không có bóng dáng của tiền. Tiền là vật thể lạ họ chỉ gặp lần đầu khi họ ra khỏi khu rừng. Đối với họ, đó là thứ vật thể kỳ cục, chỉ mang tính bổ sung, không phải là một phần cuộc sống hàng ngày hay suy nghĩ của họ. Mặc dù không có tiền, không có sở hữu, không có tích lũy của cải, và không có bất cứ tiện nghi nào của cuộc sống phương Tây như chúng ta, họ vẫn không hề thấy thiếu thốn, không lo sợ về chuyện không có đủ những thứ họ cần.
Họ không chạy đua để có nhiều hơn, không cam chịu hay tin rằng họ đang sống cuộc đời kém hơn người khác.
Họ đã sống (và vẫn đang sống), trải nghiệm và thể hiện sự đầy đủ. Thay vì tìm kiếm nhiều hơn, họ trân trọng và quản lý cẩn thận những thứ đang có sẵn. Thực tế, hiện giờ họ tập trung bảo vệ thứ đang ở ngay trước mắt – khu rừng – nguồn tài nguyên cho tất cả mọi người. Đối với người Achuar, giàu có nghĩa là được nếm trải và chia sẻ sự trọn vẹn, phong phú của hiện tại.
CẢM GIÁC THIẾU THỐN
Trong nhiều năm qua, tôi đã chứng kiến cuộc đời và cảnh ngộ của nhiều người. Trong số đó có những người sống trong nghèo khó cùng cực; sự thiếu thốn thức ăn, nước uống, nơi ở, tự do, cơ hội ám ảnh mọi hoạt động, mọi câu chuyện của họ. Những người khác có quá nhiều so với nhu cầu của họ, tính trên mọi phương diện. Họ có nhiều tiền, thức ăn, xe cộ, quần áo, học hành, dịch vụ, tự do và cơ hội hơn, họ có tất cả mọi thứ nhiều hơn. Nhưng thật ngạc nhiên, trong thế giới xa hoa ấy, các câu chuyện cũng chỉ xoay quanh những thứ họ không có và những thứ họ muốn có. Dù chúng ta là ai và cuộc sống của chúng ta ra sao, chúng ta vẫn say sưa nói về những thứ ta còn thiếu.
Tôi cũng nhận ra điều đó ở bản thân. Đối với tôi và rất nhiều người trong số chúng ta, ý nghĩ đầu tiên khi ta thức dậy và bắt đầu một ngày mới là “Mình chưa ngủ đủ”. Suy nghĩ tiếp theo là “Mình không có đủ thời gian”. Dù đúng hay không, ý nghĩ “không có đủ” tự động đến trước khi chúng ta kịp suy nghĩ, nghi ngờ hay xem xét nó. Chúng ta dành phần lớn thời gian trong cuộc đời để lắng nghe, giải thích, phàn nàn hoặc lo lắng về những thứ chúng ta không có đủ. Ta không có đủ thời gian. Ta chưa được nghỉ ngơi đầy đủ. Ta chưa tập thể dục đúng mức. Ta không có đủ việc làm. Ta không kiếm đủ lợi nhuận. Ta không có đủ sức mạnh. Ta thiếu môi trường thiên nhiên trong lành. Ta không có đủ các kỳ nghỉ cuối tuần. Tất nhiên, ta không có đủ tiền – không bao giờ là đủ. Ta không đủ thon thả, không đủ thông minh, xinh đẹp, khỏe mạnh, giỏi giang hoặc thành công hay giàu có – không bao giờ là đủ. Thậm chí trước khi chúng ta ngồi dậy trên giường, trước khi đặt chân xuống đất, chúng ta đã không có đủ, đã bị tụt lại phía sau, đã mất, đã thiếu cái gì đó. Và khi chúng ta lên giường đi ngủ vào buổi tối, trí óc chúng ta vẫn mải miết xoay quanh những thứ chúng ta đã không có hoặc không làm trong ngày. Giấc ngủ bị đè nặng bởi những ý nghĩ ấy và sau đó, chúng ta lại thức dậy bắt đầu một vòng quay mới đắm chìm trong cảm giác thiếu thốn.
Câu kinh “không có đủ” lặp đi lặp lại cả ngày, trở thành một thứ được cài đặt mặc định trong suy nghĩ của chúng ta về mọi thứ, từ tiền trong túi đến những người ta yêu hay giá trị của chính cuộc đời ta. Ban đầu nó chỉ đơn giản là dấu hiệu của cuộc sống gấp gáp và nhiều thử thách; về sau nó trở thành cái cớ tối cao để ta lý giải vì sao cuộc đời ta không hoàn thiện. Nó trở thành lý do chúng ta viện đến để thanh minh vì sao ta không đạt được những mục tiêu đặt ra cho bản thân, vì sao ước mơ của ta không trở thành hiện thực, hay vì sao người khác làm ta thất vọng, vì sao ta thỏa hiệp sự chính trực của mình, từ bỏ chính mình hay bỏ rơi người khác.
Đâu đâu cũng vậy, từ trung tâm thành phố đến vùng ngoại ô, dù ở New York hay Topeka, Beverly Hills hay Calcutta. Dù ta sống trong nghèo nàn khốn khó hay khi giàu có xa hoa, thậm chí khi ta có rất nhiều tiền, tài sản và tất cả những gì ta có thể muốn hoặc cần, chúng ta trung thành sống với cảm giác thiếu thốn như một mặc định tất nhiên. Đó dường như là điều kiện quy định chất lượng cuộc sống mà ta không mảy may nghi ngờ, thậm chí đôi khi không cần nói ra. Ngay cả khi bản thân chúng ta không trải qua thiếu thốn, cảm giác thiếu thốn vẫn kiểm soát cách ta suy nghĩ, hành động và sống trên đời. Nó định hình ý thức sâu sắc nhất về bản thân, và trở thành lăng kính để ta nhìn cuộc sống. Qua lăng kính ấy, những hy vọng, hành vi của chúng ta cùng những hậu quả kéo theo sẽ trở thành điềm báo trước sự thiếu thốn và bất mãn mà tự nó có thể sẽ trở thành hiện thực.
Trạng thái tâm lý hay ám ảnh về sự thiếu thốn nằm trong chính lòng ghen tỵ, sự tham lam, định kiến và bất đồng của chúng ta trước cuộc sống, nó gắn chặt với mối quan hệ với tiền. Trong nỗi ám ảnh về sự thiếu thốn, mối quan hệ của chúng ta với tiền đầy sợ hãi, nó đẩy chúng ta vào cuộc chạy đua vô tận tìm kiếm nhiều hơn, hoặc khiến ta thỏa hiệp hòng thoát khỏi cuộc đua và những khó chịu liên quan đến tiền. Khi mải miết chạy đua hay thỏa hiệp, chúng ta rời xa sự hoàn thiện và chính trực tự nhiên của mình. Chúng ta chối bỏ tâm hồn mình và ngày càng bị đẩy ra xa khỏi những giá trị gốc và quyết tâm cao quý. Ta nhận ra mình bị mắc kẹt trong vòng quay của sự cô đơn và bất mãn. Ta bắt đầu tin những quảng cáo và thông điệp văn hóa chạy theo lợi nhuận rằng tiền có thể mua được hạnh phúc. Ta bắt đầu tìm kiếm bên ngoài bản thân ta những yếu tố có thể giúp ta trở nên hoàn thiện. Theo trực giác, chúng ta biết điều này không đúng, nhưng nền văn hóa tiền bạc đã át đi tiếng nói thông thái của tâm hồn ta, và ta thấy buộc phải săn lùng cả những an ủi và tiện nghi nhất thời nhất mua được bằng tiền.
Có lẽ vài người sẽ nói rằng thực tế thiếu thốn là nền tảng có thật, tự nhiên và tất yếu cho mối quan hệ của chúng ta với tiền và các nguồn lực. Tuy nhiên, cuối cùng, mọi thứ đều có quá nhiều. Hơn hai trăm năm trước, vào khoảng thời gian xảy ra cuộc Cách mạng Mỹ, nhà kinh tế học và triết học người Scotland Adam Smith cho rằng “nỗ lực tự nhiên của mỗi cá nhân nhằm cải thiện điều kiện sống của mình” là động lực mạnh mẽ hơn hết thảy trở ngại, và tiếp đó, ông còn trình bày các nguyên tắc nền tảng của nền kinh tế “thị trường tự do” hiện đại (so với thời đó), trong đó “bàn tay vô hình” của lợi ích cá nhân được chấp nhận là lực lượng định hướng và điều tiết mạnh mẽ và tự nhiên nhất.
Nhưng lập luận đó tự nhiên và chính xác đến đâu? Thế giới thời đó, thế giới mà nhà lý luận da trắng người châu Âu được đào tạo theo cách truyền thống – Adam Smith – đã sinh sống, là thế giới mà phần lớn người da trắng chối bỏ những người thổ dân và da màu, coi họ là “mông muội” và “dã man”, chứ không đánh giá họ là tháo vát và thông thái, điều mà những xã hội “văn minh” sau nhiều thế hệ mới biết cách trân trọng. Tầng lớp người da trắng chiếm ưu thế thời đó chấp nhận và thực hiện việc phân biệt chủng tộc, tôn giáo và giới tính, coi đó là một ngầm định trong đạo đức và kinh tế. Thời đó, lợi ích cá nhân và chủ nghĩa dân tộc chưa ý thức được sự liên kết biện chứng giữa các yếu tố mang tính toàn cầu, điều mà ngày nay chúng ta nhận thấy có tác động sâu sắc lên bản thân chúng ta, tài sản và sự an toàn của chúng ta. Điều này tất yếu dẫn đến nhu cầu mở rộng phạm vi của lợi ích cá nhân để bao chứa hạnh phúc của tất cả mọi người ở tất cả mọi nơi. Những nguyên tắc và cấu trúc kinh tế cơ bản của cái thời đã qua đó dựa trên những giả định thiếu sót và suy nghĩ sai lầm về tự nhiên, tiềm năng con người và về bản thân tiền bạc.
Bernard Lietaer, tác giả đương đại người châu Âu, cựu quan chức cao cấp của Ngân hàng Trung ương Bỉ cũng là một trong những kiến trúc sư trưởng của đồng tiền chung châu Âu, trong cuốn sách Of Human Wealth (Sự Giàu có của Con người) đã nói rằng lòng tham và nỗi sợ hãi sự thiếu thốn chẳng qua là do chính con người tạo nên; chúng không tồn tại trong tự nhiên, thậm chí không có trong bản chất con người. Chúng đi liền với hệ thống tiền tệ mà chúng ta gắn bó, và chúng ta đã gắn bó với nó lâu đến nỗi mặt tối của nó hầu như trở thành vô hình trước mắt chúng ta. Chúng ta đã học cách coi chúng là những hành vi bình thường và chính đáng. Ông kết luận rằng đúng ra có thể mô tả hệ thống kinh tế của Adam Smith là việc phân bố các tài nguyên có hạn thông qua lòng tham của cá nhân. Toàn bộ quá trình của kinh tế học “hiện đại” của Smith thực tế có nguồn gốc từ nỗi sợ nguyên thủy đối với sự thiếu thốn và lòng tham. Công cụ thực hiện, hay quá trình biến điều này thành hiện thực chính là tiền.
Khi bước ra khỏi cái bóng của hệ thống méo mó và lạc hậu này, đồng thời rũ bỏ những ám ảnh đi liền với nó, chúng ta sẽ khám phá ra là: Thiếu thốn chỉ là lời nói dối. Nó độc lập với bất cứ lượng tài nguyên thực tế nào; nó là một hệ thống giả định, quan điểm và niềm tin sai lầm và không được xem xét cẩn trọng mà từ đó, chúng ta coi thế giới là nơi ta liên tục bị đe dọa bởi mối lo không thể thỏa mãn được nhu cầu.
Sẽ hợp lý nếu giả định rằng những người cực kỳ giàu có không phải lo sợ thiếu thốn, nhưng tôi đã chứng kiến thiếu thốn vẫn đè nặng lên cuộc sống của họ chẳng kém gì đối với những người sống cuộc đời bấp bênh, hầu như không thể kiếm đủ tiền để thỏa mãn những nhu cầu đơn giản nhất. Cũng thật vô lý khi những người cực kỳ giàu có nghĩ rằng họ không có đủ, vô lý đến mức tôi bắt đầu nghi ngờ nguồn gốc mối lo của họ. Không có gì trong hoàn cảnh hiện tại của họ có thể lý giải cho điều đó. Tôi bắt đầu tự hỏi có lẽ những lo lắng này dựa trên giả định chứ không phải hoàn cảnh. Càng xem xét những ý tưởng đó, càng tiếp xúc với những người thuộc nhiều hoàn cảnh, văn hóa và nguyên tắc sống khác nhau, tôi càng khẳng định được rằng giả định nền tảng của sự thiếu thốn lan tràn khắp nơi. Những chuyện hoang đường và ngôn ngữ của sự thiếu thốn là giọng nói chủ đạo trong hầu hết mọi nền văn hóa, vượt qua bằng chứng và lý lẽ, và nỗi ám ảnh của sự thiếu thốn tạo ra những thái độ và hành vi méo mó, thậm chí vô lý, đặc biệt trong các vấn đề về tiền.
Quan niệm về sự thiếu thốn này không phải là điều chúng ta chủ định tạo ra hay cố ý đưa vào cuộc sống của mình. Nó đã ở đó từ trước chúng ta, và có lẽ sẽ còn tiếp tục bám theo và vượt lên chính chúng ta, duy trì những ngộ nhận và ngôn ngữ trong nền văn hóa tiền bạc của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể lựa chọn có tham gia vào nó hay không, và có thể cho phép nó điều khiển cuộc sống chúng ta không.
NHỮNG NGỘ NHẬN NGUY HIỂM VỀ SỰ THIẾU THỐN
Những ngộ nhận và mê tín chỉ có thể tác động đến người nào tin tưởng nó, nhưng một khi đã đặt niềm tin, chúng ta sẽ bị yểm bùa tuyệt đối, và phải sống hoàn toàn trong thế giới tưởng tượng ấy. Thiếu thốn là một điều nói dối, nhưng từ đời này sang đời khác, nó đã được truyền lại như một sự thật hiển nhiên, với sức mạnh khó lòng cưỡng lại, đòi hỏi sự tuân thủ tuyệt đối và loại trừ mọi nghi ngờ hay thắc mắc.
Khi làm việc với những người có hoàn cảnh kinh tế hay nguồn lực rất khác nhau, tôi nhận ra rằng có thể làm rõ hệ thống niềm tin và giả định này cùng quan điểm sống gắn với nó. Từ đó ta có thể lùi xa thêm một chút, giải phóng bản thân khỏi vòng kiềm tỏa của nó và mỗi cá nhân trong cuộc đời riêng sẽ tự tìm hiểu đó có phải là cách sống đúng đắn hay không. Khi soi chiếu vào những ám ảnh về sự thiếu thốn, chúng ta sẽ nhận ra ba ngộ nhận cơ bản đã điều khiển mối quan hệ của chúng ta với tiền, ngăn cản ta tiếp xúc với cuộc sống thành thật và trọn vẹn hơn.
Ngộ nhận nguy hiểm thứ nhất: Không có đủ
Ngộ nhận phổ biến nhất về sự thiếu thốn là không có đủ. Không có đủ cho tất cả mọi người. Không phải ai cũng thành công. Sẽ có người bị bỏ lại. Có quá nhiều người. Không có đủ thức ăn. Không có đủ nước. Không có đủ không khí. Không có đủ thời gian. Không có đủ tiền.
Không có đủ trở thành lý do khiến chúng ta hạ mình làm những việc mà bản thân ta không thấy tự hào. Không có đủ dẫn đến nỗi sợ hãi thôi thúc chúng ta cố gắng để đảm bảo rằng mình, và những người thân yêu sẽ không rơi vào khốn khó, bị gạt ra ngoài lề, hay bỏ lại phía sau.
Một khi chúng ta coi thế giới của mình là thiếu hụt, toàn bộ năng lượng sống của chúng ta, mọi thứ ta nghĩ, mọi điều ta nói và mọi việc ta làm – nhất là khi liên quan đến tiền – đều là những nỗ lực vượt qua cảm giác thiếu thốn này và nỗi sợ hãi thua người khác hay bị gạt ra ngoài.
Nhiệm vụ đảm bảo cuộc sống cho mình và những người thân, tùy chúng ta coi đó là ai, trở thành một trách nhiệm vinh quang. Nếu không có đủ cho tất cả mọi người thì việc chăm sóc được bản thân và người thân, thậm chí khi điều đó ảnh hưởng đến người khác, dường như là điều đáng tiếc nhưng tất yếu, và phần nào hợp lý. Nó giống như trò chơi giành ghế của trẻ con. Khi số ghế ít hơn số người chơi, bạn phải chú ý để không thua cuộc và đảm bảo rằng sau cuộc giành giật, bạn có được một chiếc ghế. Chúng ta không muốn trở thành kẻ vô dụng đáng thương, do vậy ta tranh đấu để có được nhiều hơn những người khác, ta quyết tâm vượt lên trước phán quyết đang treo lơ lửng trên đầu, mặc dù phán quyết gì ta cũng chưa biết rõ.
Sự thiếu hụt và nỗi sợ hãi phản ánh trong cách ta sống, những hệ thống và thể chế ta lập nên để kiểm soát quyền tiếp cận với những tài nguyên ta cho là có giá trị hoặc hạn chế. Mỗi người đều là thành viên trong cộng đồng toàn cầu, nhưng đôi khi do lo sợ, chúng ta đặt những ham muốn vật chất cá nhân lên trên sức khỏe, sự an toàn và hạnh phúc của người khác và dân tộc khác, chẳng hạn khi cần dầu lửa của nước ngoài. Trong những cộng đồng nhỏ của mình, chúng ta đáp lại nỗi sợ không có đủ bằng cách tạo ra những hệ thống ưu ái bản thân ta hay loại trừ người khác tiếp cận với những tài nguyên cơ bản như nước sạch, trường học tốt, dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp, hay nhà ở an toàn. Và trong chính gia đình của mình, không có đủ thúc giục chúng ta mua nhiều hơn lượng ta cần, hay thậm chí cả lượng ta muốn, khiến ta coi trọng, ưu ái hay cầu cạnh người khác để được ưu ái trên cơ sở giá trị của họ đối với ta về mặt tiền bạc. Các phẩm chất của con người họ không có ý nghĩa gì.
Ngộ nhận nguy hiểm thứ hai: Càng nhiều càng tốt
Ngộ nhận tiếp theo là càng nhiều càng tốt. Chúng ta luôn cố gắng có được nhiều hơn lượng hiện có. Đó là một phản ứng hợp lý khi bạn sợ rằng không có đủ, nhưng chính suy nghĩ này đã thúc đẩy một thứ văn hóa cạnh tranh khốc liệt để tích lũy, thu thập, và thỏa mãn lòng tham. Những điều này lại khiến ta càng thêm lo sợ và tăng tốc cho cuộc chạy đua. Không gì trong số đó khiến cuộc sống trở nên đáng quý. Thực tế là, cuộc đua giành lấy phần nhiều hơn đẩy chúng ta xa rời cơ hội trải nghiệm giá trị sâu sắc hơn của những thứ ta kiếm được hoặc đã có từ trước. Khi ăn quá nhanh hoặc quá nhiều, chúng ta không thể thưởng thức mùi vị của món ăn. Khi liên tục tập trung vào thứ tiếp theo – bộ váy tiếp theo, chiếc xe tiếp theo, công việc tiếp theo, kỳ nghỉ tiếp theo, lần sửa nhà tiếp theo – chúng ta khó có thể trân trọng món quà của những thứ chúng ta có trong thì hiện tại. Trong mối quan hệ với tiền bạc, quan điểm càng nhiều càng tốt làm ta không thể sống lý trí và giàu có hơn chỉ bằng những thứ ta hiện có.
Càng nhiều càng tốt là một cuộc đua không có điểm kết thúc và không có người chiến thắng. Nó giống như vòng quay bánh xe mà chúng ta nhảy lên, chạy mải miết và quên mất cách dừng lại. Cuối cùng, cuộc đua trở thành thứ gây nghiện, và như với mọi chất gây nghiện khác, bạn gần như không thể nào dừng lại chừng nào còn nằm trong vòng kiểm soát của nó. Nhưng dù bạn đi xa đến đâu, hay nhanh đến đâu, hay vượt qua bao nhiêu người, bạn không thể nào thắng cuộc. Trong ám ảnh về sự thiếu thốn, ngay cả khi có quá nhiều vẫn là chưa đủ.
Một người kiếm được 40nghìn đô-la một năm sẽ thấy rất khó hiểu khi một người kiếm được năm triệu đô-la một năm tranh cãi về mức trợ cấp thôi việc, và đòi ít nhất mười lăm triệu đô-la nữa. Một số người có đủ của cải để sống ba lần cuộc đời mình vẫn ngày đêm lo lắng về chuyện mất tiền trên thị trường chứng khoán, bị cướp, hay lừa đảo, hay không có đủ khi về già. Trong cuộc sống sung túc về vật chất của họ, bất cứ cảm giác viên mãn thật sự nào cũng dễ dàng bị những sợ hãi và căng thẳng tiền bạc lấn át. Tại sao những người kiếm được hàng triệu đô-la nghĩ rằng họ vẫn còn cần nhiều hơn thế? Họ nghĩ rằng họ cần thêm bởi đó chính là một ngộ nhận phổ biến. Chúng ta đều nghĩ vậy, cho nên họ cũng nghĩ thế. Ngay cả những người có rất nhiều cũng không thể rời đường đua. Dù hoàn cảnh kinh tế của ta ra sao, cuộc rượt đuổi để giành lấy nhiều hơn đòi hỏi sự chú ý, vắt kiệt năng lượng và hủy hoại dần cơ hội hoàn thiện của ta. Khi chúng ta tin rằng có nhiều hơn sẽ tốt hơn, chúng ta không bao giờ đến đích. Dù đang ở đâu ta vẫn không bao giờ có đủ bởi lúc nào có nhiều hơn cũng tốt hơn. Những người theo đuổi quan điểm này, dù ý thức hay vô thức, và ai trong chúng ta cũng có một phần trong đó, buộc phải sống cuộc đời dang dở. Họ đánh mất khả năng dừng lại. Do đó, trong nền văn hóa thiếu thốn này, ngay cả những người có rất nhiều cũng không thể dừng cuộc chơi.
Quan điểm càng nhiều càng tốt còn khiến chúng ta lạc lối sâu hơn nữa. Nó khiến ta định nghĩa bản thân qua thành công về tiền bạc và những thành tích bên ngoài. Chúng ta đánh giá người khác căn cứ vào việc họ có những gì và có nhiều chừng nào. Ta bỏ qua những món quà tâm hồn không đo đếm được mà họ mang đến cho cuộc sống. Tất cả những bài học tinh thần đều dạy chúng ta nhìn sâu vào bản thân để tìm thấy sự viên mãn ta hằng khao khát, nhưng cuộc đua không cho ta có thời gian và không gian tinh thần nhìn lại nội tâm mình. Khi lao vào cuộc đua tìm kiếm nhiều thêm, chúng ta bỏ qua sự hoàn thiện và đầy đủ có sẵn, đang chờ được khám phá trong bản thân. Khi cố gắng tăng giá trị tài sản của mình, ta dần xa cách cơ hội khám phá và đào sâu giá trị tự thân.
Niềm tin rằng chúng ta phải sở hữu, và phải sở hữu nhiều hơn người khác, công ty khác hoặc đất nước khác là nguyên nhân phía sau tình trạng bạo lực, chiến tranh, tham nhũng và bóc lột trên trái đất. Trong tình trạng thiếu thốn, chúng ta tin rằng mình phải có thêm, thêm dầu, thêm đất, thêm sức mạnh quân sự, thêm thị phần, thêm lợi nhuận, thêm cổ phiếu, thêm tài sản, thêm sức mạnh, thêm tiền. Khi nỗ lực giành lấy nhiều hơn, chúng ta thường theo đuổi mục đích của mình bằng mọi giá, ngay cả khi phải hủy diệt cả một hay nhiều nền văn hóa và dân tộc.
Liệu những đất nước khác có cần đồ ăn nhanh, công viên giải trí, thuốc lá Mỹ không, hay chính những công ty Mỹ đã khôn ngoan mở rộng thị trường ra phạm vi quốc tế nhằm tăng lợi nhuận bất chấp ảnh hưởng họ có thể gây ra cho nền văn hóa, nông nghiệp, kinh tế, sức khỏe của các cộng đồng sở tại, thậm chí ngay cả khi có những cuộc phản đối rộng rãi chống lại sự có mặt của họ?
Liệu chúng ta có cần, hay thật sự muốn những thứ phục sức cầu kỳ, máy móc cao cấp mà chúng ta mang về nhà sau các chuyến đi mua sắm không, hay đó chỉ là phút bốc đồng nhất thời đáp lại tiếng gọi của nền văn hóa tiêu dùng và sự cám dỗ đều đặn đầy tính toán của các quảng cáo thời trang, thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng? Liệu đứa bé năm tuổi cần những gì để cảm thấy được yêu thương, ngoài vài món quà chọn lựa kỹ càng? Thật ra chúng ta đang phục vụ lợi ích của ai khi trao cho trẻ con nhiều hơn lượng chúng cần hay có thể trân trọng?
Khi ta mặc sức kiếm thêm không một chút lưỡng lự, nó đã tiếp sức duy trì một nền kinh tế, văn hóa và lối sống thiếu bền vững; đó chính là những thứ sẽ khiến ta phải thất vọng, khi chúng chặn đường chúng ta đến với những khía cạnh sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn của cuộc sống và của bản thân ta.
Ngộ nhận nguy hiểm thứ ba: Đó là lẽ tất nhiên
Ngộ nhận nguy hiểm thứ ba chính là suy nghĩ đó là lẽ tất nhiên, và không thể nào khác được. Không có đủ cho mọi người, có càng nhiều chắc chắn là càng tốt, và những người có nhiều hơn chẳng bao giờ là chúng ta. Cuộc chơi thật không công bằng, nhưng chúng ta vẫn cần tham gia, bởi đó là lẽ tất nhiên. Thế giới này thật tuyệt vọng, vô ích, bất công, và chúng ta không bao giờ có thể thoát khỏi vòng vây của cái bẫy đã sập xuống.
Đó là lẽ tất nhiên chỉ là một ngộ nhận, nhưng có lẽ ảnh hưởng của nó lại mạnh mẽ hơn cả, bởi vì bao giờ người ta cũng có thể viện dẫn các ví dụ chứng minh cho nó. Khi một điều gì đó đã tồn tại trong thời gian dài, và những truyền thống, giả định hoặc thói quen đã tạo ra lớp vỏ bọc khiến nó dị ứng với thay đổi, một điều có vẻ tất nhiên và logic đó là nó sẽ mãi giữ nguyên như nó lúc này. Chính tại vị trí đó và thời điểm đó, sự mù quáng, bị động, u mê, và bên dưới tất cả là sự cam chịu, ăn sâu vào cuộc sống chúng ta. Cam chịu khiến ta thấy tuyệt vọng, vô dụng và hoài nghi. Nó cũng khiến ta trở nên bàng quan, thậm chí cho đến phút cuối, khi thiếu thốn vật chất được viện làm lý do giải thích vì sao ta không thực hiện quyết tâm và cống hiến những thứ ta vốn có – thời gian, sức lực và sức sáng tạo – để thay đổi cuộc sống. Nó khiến ta ngừng chất vấn mình đã thỏa hiệp với bản thân hay bóc lột người khác đến mức nào để kiếm được tiền trong công việc, sự nghiệp, mối quan hệ cá nhân hay cơ hội kinh doanh.
Đó là lẽ tất nhiên biện hộ cho lòng tham, định kiến, sự trì trệ trong mối quan hệ của chúng ta với tiền và với phần còn lại của nhân loại. Trong nhiều thế hệ, nó bảo vệ nạn buôn bán nô lệ tại Mỹ thời kỳ đầu, giúp số đông được hưởng ưu đãi có thể xây dựng những trang trại, thành phố, dựng lên những tập đoàn kinh doanh và gây dựng tài sản gia đình. Rất nhiều trong số đó đến nay vẫn còn tồn tại. Trong nhiều thế hệ hơn thế, nó bảo vệ và củng cố nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt đối xử trong kinh tế và xã hội có hệ thống và trắng trợn, chống lại những dân tộc hoặc nhóm tôn giáo thiểu số khác. Trong lịch sử và cả ngày nay, nó dung dưỡng việc kinh doanh gian dối và cho các nhà lãnh đạo chính trị quyền bóc lột người khác để thu lợi tiền bạc cho bản thân.
Trên phạm vi toàn cầu, điều ngộ nhận này giúp những người có nhiều tiền nhất nắm trong tay quyền lực tối cao, đồng thời thấy mình được khuyến khích, được quyền làm như vậy. Chẳng hạn, nước Mỹ chỉ chiếm 4% dân số thế giới nhưng thải ra 25% lượng ô nhiễm dẫn đến hiện tượng trái đất ấm lên. Theo Geo 2000, báo cáo môi trường của Liên hợp quốc năm 1999, việc một nhóm thiểu số giàu mạnh tiêu dùng quá mức trong khi số đông cư dân số thế giới tiếp tục chìm trong đói nghèo là hai nguyên nhân chính của hiện tượng thoái hóa môi trường. Trong khi đó, các nước đang phát triển học tập mô hình kinh tế của châu Âu đang đi theo vết xe đổ của các nước này khi đặt quyền lực quá mức trong tay thiểu số giàu có, tạo ra những thể chế và hệ thống xã hội ưu đãi họ, không thể giải quyết tận gốc những bất công cố hữu và những hậu quả đối với sức khỏe, giáo dục và sự an toàn của tất cả mọi người, ngay cả trong các xã hội dân chủ.
Chúng ta nói rằng ta rất buồn khi chứng kiến những bất công như thế trên thế giới, nhưng dường như vấn đề bắt rễ sâu xa đến nỗi không thể phá bỏ. Chúng ta lại nạp mình cho lý do điều đó là tất yếu, thừa nhận rằng chúng ta bất lực và không thể thay đổi điều gì. Cùng lúc đó, chúng ta đã chối bỏ chính tiềm năng con người của mình, và khả năng cống hiến cho một thế giới thịnh vượng, công bằng và lành mạnh.
Điều đó là tất yếu là một trong những thử thách khó khăn nhất khi ta muốn chuyển biến mối quan hệ với tiền bạc, bởi vì nếu không thể từ bỏ cuộc rượt đuổi, rũ bỏ cảm giác bất lực và hoài nghi do cuộc đua đó tạo ra, chúng ta lại đi vào ngõ cụt. Nếu bạn không sẵn sàng đối mặt, rất khó để loại bỏ cái cách suy nghĩ đã khiến ta bế tắc. Chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ quan điểm việc đó là điều tất yếu, dù chỉ trong một khoảnh khắc, để xem xét có cơ may nào nó không phải là điều tất yếu, hay tất yếu là nó không như vậy. Chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn hành động thế nào và biến đổi hoàn cảnh ra sao.
SỰ ĐẦY ĐỦ: TÌM LẠI SỨC MẠNH CỦA NHỮNG THỨ CÓ SẴN
Dù trong hoàn cảnh nào, mỗi người trong chúng ta cũng đều được quyền lựa chọn lùi lại và rũ bỏ ám ảnh về sự thiếu thốn. Khi làm được điều đó, chúng ta sẽ khám phá ra sự thật đáng ngạc nhiên về sự đầy đủ. Khi dùng từ “đầy đủ”, tôi không có ý ám chỉ một lượng cụ thể. “Đầy đủ” không phải là hai bậc trên ngưỡng nghèo khó, hay một bậc dưới ngưỡng giàu có. Nó không phải là phép đo vừa đủ hay nhiều hơn đủ. Nó không phải là một lượng vật chất. Nó là một cảm giác, một bối cảnh chúng ta tạo ra, một sự tuyên bố, sự nhận thức rằng có đủ, và chúng ta là đủ.
Sự đầy đủ nằm bên trong chính bản thân ta, và chúng ta có thể khơi nó dậy. Nó là sự ý thức, sự chú ý, sự lựa chọn lý trí khi chúng ta nghĩ về hoàn cảnh. Trong mối quan hệ của chúng ta với tiền, nó là việc sử dụng tiền để thể hiện sự chính trực của bản thân, dùng tiền để thể hiện giá trị thay vì quyết định giá trị. Sự đầy đủ không kêu gọi sống đơn giản, giảm bớt hay hạ thấp hy vọng. Đầy đủ không có nghĩa là chúng ta không nên phấn đấu hay tham vọng. Nó là hành động tạo ra, phân biệt, và nhận thức được sức mạnh, sự tồn tại của những nguồn lực có sẵn bên ngoài và bên trong ta. Nó là trạng thái tỏa ta từ tâm hồn, nhắc nhở rằng nếu chúng ta nhìn quanh và nhìn vào bản thân, chúng ta sẽ tìm thấy thứ mình cần. Bao giờ cũng có đủ.
Tôi cũng nhận ra vẻ đẹp và sức mạnh khi ta tạo ra một môi trường mà bạn có thể rũ bỏ ám ảnh về sự thiếu thốn, dù chỉ trong một khoảnh khắc, và nhận ra rằng nó chỉ là một ám ảnh, không hơn.
Liệu trong mối quan hệ của chúng ta với tiền và các nguồn lực, với tư cách cá nhân và cộng đồng, chúng ta có thể rũ bỏ mặc định rằng cái gì càng có nhiều càng tốt? Liệu chúng ta có thể nhận ra rằng tốt hơn không phải nhờ có nhiều hơn, mà nhờ đào sâu hơn cảm giác với những thứ có sẵn?
Chúng ta phải biết rằng nguồn lực là có hạn và quý giá, nhưng nó luôn có đủ.
Quan điểm này thống nhất với các quy luật của tự nhiên, kéo theo một hệ thống nguyên tắc và giả định mới cho nền văn hóa tiền bạc mới. Nó dạy chúng ta cách quản lý tiền chứ không phải tích cóp tiền. Nó dạy chúng ta cách sử dụng tiền bạc khôn ngoan và hiệu quả để phản ánh những tài sản tâm hồn, thay vì trình diễn khoa trương các tài sản vật chất.
Gertrude đã dạy tôi rằng tiền giống như là nước. Tiền chảy qua cuộc sống của tất cả chúng ta, đôi khi giống như một dòng sông cuồn cuộn, đôi lúc như một vòi nước nhỏ giọt. Khi nó chảy, nó có thể thanh lọc, tẩy rửa, nuôi dưỡng và hồi sinh. Nhưng khi nó bị giam hãm, bị ngưng lại quá lâu, nó có thể thành nước tù đọng và độc hại đối với những người đang giữ hay tích trữ nó.
Giống như nước, tiền là một phương tiện chuyên chở. Nó có thể mang nguồn năng lượng may mắn, khả năng, và thiện ý, nó có thể mang sự kiểm soát, chi phối hay tội lỗi. Nó có thể là dòng chảy, là phương tiện của tình yêu, đường dẫn cho những quyết tâm, cũng có thể mang theo đau đớn hay những điều tai hại. Chúng ta có thể bị chìm ngập trong tiền và chết đuối trong sự thừa mứa ấy
Giống như dòng máu phải chảy đến tất cả mọi nơi trên cơ thể để con người sống khỏe mạnh, tiền sẽ có ích khi nó được vận động và lưu chuyển, được phân phát, chia sẻ, định hướng và đầu tư phục vụ cuộc sống. Khi dòng máu chậm lại và bị ngừng hay tắc nghẽn ở đâu đó, cơ thể trở nên ốm yếu. Khi dòng nước chảy chậm lại và bị ứ đọng, nó trở nên độc hại. Tích lũy và giữ chặt lấy lượng tiền lớn có thể dẫn đến ảnh hưởng độc hại tương tự lên cuộc sống của chúng ta.
Khi chúng ta coi tiền là dòng chảy qua cuộc đời mình và qua thế giới, chúng ta nhận ra rằng nó không thật sự thuộc về ai; hoặc chúng ta có thể nói nó thuộc về tất cả mọi người. Trách nhiệm của chúng ta là để nguồn tài nguyên đó chảy tự do trên thế giới giống như dòng nước, phục vụ cho nhiều người nhất và những mục đích cao nhất.
TIỀN MANG THEO NĂNG LƯỢNG CỦA TÂM HỒN
Như Gertrude đã mô tả, tiền giống như dòng chảy, và bà tự hào khi chuyển nó đi để “giúp được nhiều điều nhất cho nhiều người nhất.” Đối với mỗi chúng ta, tiền dù nhiều hay ít đều là phương tiện chuyên chở cho năng lượng và thiện ý.
Chẳng hề tồn tại cái chúng ta hay gọi là người giàu và kẻ nghèo. Tất cả chúng ta đều là những người giàu có và tài sản của chúng ta rất đa dạng. Nhờ có sự nhiệm màu của quá trình hợp tác, chúng ta trở thành những đối tác bình đẳng; chúng ta tạo ra sự vẹn toàn và đầy đủ cho tất cả mọi người.