Đằng Sau Sức Mạnh Của Ý Chí

Tại sao chúng ta vẫn thường đưa ra những lựa chọn sai lầm và kém hiệu quả – thậm chí khi ta biết mình nên lựa chọn tốt hơn? Nếu bạn mang câu này đi hỏi thì hầu hết mọi người sẽ nói rằng những lựa chọn sai lầm là hệ quả của việc “thiếu ý chí.” Tuy nhiên, một nghiên cứu được thực hiện tại trường Đại học Columbia lại bắt đầu tiết lộ rằng sức mạnh ý chí không hẳn hoạt động theo kiểu này.

Trên thực tế, bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng những quyết định nhỏ nhặt hằng ngày của mình có ảnh hưởng to lớn đến sức mạnh ý chí của bạn đến mức nào khi đứng trước các lựa chọn quan trọng trong đời. Và quan trọng nhất là, hóa ra chỉ cần một vài lựa chọn đơn giản có thể giúp bạn làm chủ sức mạnh ý chí và đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn một cách nhất quán hơn. Vấn đề là đây…

Lý do một số tội phạm không có được phán quyết công bằng

Trong một nghiên cứu do Viện Khoa học quốc gia Hoa Kỳ công bố, các nhà tâm lý học đã khảo sát các nhân tố ảnh hưởng đến việc liệu một thẩm phán có chấp thuận cam kết tuân thủ pháp luật của một tội phạm hay không (để được hưởng ân xá).

Các nhà nghiên cứu đã xem xét 1.112 phán quyết trong thời gian 10 tháng. Tất cả các quyết định được đưa ra bởi một thẩm phán thuộc Hội đồng Thử thách, người sẽ quyết định tội phạm đó có được phép ra tù trong thời gian thử thách hay không. (Trong một vài trường hợp thì tù nhân không xin được ra tù mà yêu cầu thay đổi các điều khoản về cam kết tuân thủ pháp luật.)

Bây giờ thì hẳn bạn cho rằng những vị quan tòa này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như loại hình phạm tội mà tù nhân mắc phải hoặc những luật lệ cụ thể mà họ vi phạm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lại khám phá ra một sự thật hoàn toàn trái ngược. Những quyết định của thẩm phán được tác động bởi tất cả những thứ không nên tạo ảnh hưởng trong phòng xử án. Và yếu tố tác động đáng chú ý nhất là thời điểm trong ngày.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng vào đầu ngày, xác suất là 65% thẩm phán có xu hướng đưa ra phán quyết chấp thuận. Tuy nhiên, qua hết buổi sáng, vị thẩm phán càng trở nên mệt mỏi vì càng lúc càng phải đưa ra nhiều quyết định hơn thì nhiều khả năng một tội phạm nhận được phán quyết chấp thuận giảm dần xuống con số 0.

Tuy nhiên, sau giờ nghỉ trưa, vị thẩm phán quay lại phòng xét xử trong tâm thế tràn đầy năng lượng và khả năng ra quyết định chấp thuận ngay lập tức tăng trở lại con số 65%. Sau đó, thời gian trôi qua thì tỉ lệ ra quyết định chấp thuận lại giảm xuống con số 0 trước khi ngày hôm đó kết thúc.

Xu hướng này áp dụng cho hơn 1.100 vụ việc. Bất kể là loại hình nào – dù cho đó là giết người, hiếp dâm, trộm cắp hay tham ô – thì một tội phạm vẫn có nhiều cơ hội nhận được phán quyết chấp thuận hơn, nếu phiên tòa được xếp lịch vào buổi sáng (hoặc ngay sau giờ ăn trưa) so với phiên tòa được xếp lịch gần cuối một đợt xét xử kéo dài.

Con số trong biểu đồ bên dưới mô tả xác suất một thẩm phán đưa ra quyết định chấp thuận phụ thuộc vào thời điểm trong ngày. Những đường chấm chấm biểu thị cho các giờ nghỉ giải lao diễn ra trong suốt một ngày.

Trạng thái mệt mỏi ảnh hưởng đến những phán quyết của thẩm phán ra sao
Bí Mật Đằng Sau Sức Mạnh Của Ý Chí
Biểu đồ mô tả việc một tội phạm sẽ nhận được phán quyết chấp
thuận từ thẩm phán hay không tùy thuộc vào thời điểm phiên tòa
diễn ra trong ngày. Hãy chú ý là khi thời gian trôi qua, khả năng
nhận được phán quyết chấp thuận càng giảm.

Chuyện gì đang diễn ra ở đây?

Hóa ra sức mạnh ý chí của bạn cũng giống như sức mạnh cơ bắp. Tương tự các cơ bắp trong cơ thể, ý chí có thể trở nên mệt mỏi khi bạn sử dụng nó nhiều lần. Mỗi lần bạn ra một quyết định cũng giống như bạn đẩy tạ thêm một lần nữa trong phòng tập thể hình. Tương tự cách mà cơ bắp của bạn trở nên mệt mỏi vào cuối buổi tập, sức mạnh ý chí cũng giảm dần khi bạn càng ra nhiều quyết định hơn.

Các nhà nghiên cứu thường gọi hiện tượng này là “tình trạng mệt mỏi khi ra quyết định”. Khi thẩm phán trong Hội đồng Thử thách trải qua tình trạng mệt mỏi vì ra quyết định, họ từ chối nhiều yêu cầu được phóng thích hơn.

Điều này cũng khá dễ hiểu. Khi sức mạnh ý chí dần bị giảm sút và bộ não bạn trở nên mệt mỏi vì ra quyết định, bạn rất dễ nói không và quyết định không phóng thích tù nhân thay vì tranh luận xem tù nhân này có đủ tin cậy để được ra tù hay không. Vào đầu ngày, vị thẩm phán sẽ ra phán quyết công bằng cho mỗi trường hợp, nhưng khi năng lượng của họ bắt đầu giảm đi thì sao? Từ chối, từ chối, từ chối.

Đó là lý do tại sao điều này quan trọng đối với bạn…

Bạn có rơi vào tình trạng mệt mỏi khi ra quyết định không?

Tình trạng mệt mỏi khi ra quyết định diễn ra mỗi ngày trong cuộc sống. Nếu phải đưa ra quá nhiều quyết định trong một ngày làm việc, bạn sẽ cảm thấy cực kỳ đuối sức khi về đến nhà. Có thể bạn muốn đi đến phòng tập nhưng não bạn chỉ muốn đưa ra một quyết định dễ dàng hơn, đó là ngồi thư giãn trên chiếc ghế sô-pha. Đó chính là tình trạng mệt mỏi khi ra quyết định.

Điều tương tự cũng xảy ra nếu bạn cảm thấy khó mà nâng cao sức mạnh ý chí để tập trung vào công việc kinh doanh bán thời gian vào buổi tối hay nấu một bữa ăn tối bổ dưỡng.

Mặc dù tất cả chúng ta phải đối mặt với tình trạng mệt mỏi khi ra quyết định, nhưng có một vài cách giúp bạn sắp xếp lại cuộc sống của mình và lên kế hoạch cho một ngày nhằm làm chủ sức mạnh ý chí của bản thân.

Bạn có bị rơi vào tình trạng mệt mỏi khi ra quyết định?

5 cách giúp bạn vượt qua tình trạng mệt mỏi khi ra quyết định

1. Có kế hoạch cho các quyết định hàng ngày vào tối hôm trước

Sẽ luôn có nhiều chuyện xảy ra ngoài dự tính buộc bạn phải quyết định mỗi ngày. Điều đó không sao cả. Đó là một phần của cuộc sống. Tuy nhiên, đối với hầu hết chúng ta, những quyết định khiến chúng ta mệt mỏi là những quyết định mà ta phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Việc lãng phí sức mạnh ý chí quý giá vào những quyết định vốn có thể tự động hóa hoặc lên kế hoạch trước là lý do khiến nhiều người cảm thấy kiệt sức vào cuối ngày. Lấy ví dụ, các quyết định như…

Hôm nay mặc đồ gì đi làm? Ăn sáng món gì đây? Nên đi đến tiệm giặt ủi trước hay sau giờ làm việc? v.v.

Bạn có thể đưa ra các quyết định trên trong vòng chưa tới 3 phút vào buổi tối hôm trước, nghĩa là bạn sẽ không lãng phí sức mạnh ý chí cho những lựa chọn này vào ngày hôm sau. Việc dành thời gian lên kế hoạch, đơn giản hóa đời sống và giải quyết ổn thỏa các quyết định lặp đi lặp lại hằng ngày này sẽ giúp bạn tiết kiệm trí lực để thực hiện những lựa chọn quan trọng mỗi ngày.

2. Làm điều quan trọng nhất trước

Nếu có một vụ án quan trọng nhất trên thế giới thì bạn muốn vị thẩm phán xét xử vào thời gian nào?

Theo nghiên cứu trên, câu trả lời là vào thời điểm sớm nhất trong ngày. Bạn muốn vị thẩm phán có khả năng tập trung cao nhất, nhiều năng lượng nhất và dốc hết sức vào việc đưa ra quyết định quan trọng nhất.

Điều tương tự cũng xảy ra trong công việc và cuộc sống của bạn. Điều gì là quan trọng nhất đối với bạn ngay tại thời điểm này?

Bạn đang luyện tập để có một thân hình như ý? Bạn đang tạo dựng doanh nghiệp? Bạn đang viết quyển sách mà mình tâm huyết nhất? Hay bạn đang học cách loại bỏ căng thẳng và tập thư giãn?

Dù đó là gì đi nữa thì hãy tập trung nguồn năng lượng tốt nhất của mình vào đó. Nếu bạn buộc phải thức dậy sớm hơn 30 phút thì cũng hãy làm ngay đi. Hãy bắt đầu một ngày bằng cách tập trung nỗ lực vào điều quan trọng nhất trong cuộc đời mình.

Tôi đã viết về tầm quan trọng của những thói quen buổi sáng và việc quản lý thời gian, còn bài nghiên cứu tập trung vào sức mạnh ý chí này chỉ là một lý do khác thôi thúc bạn dồn sức vào những điều quan trọng nhất đầu tiên.

3. Bắt đầu đưa ra cam kết thay vì đưa ra quyết định.

Tôi cho rằng lời khuyên kiểu như, “Bạn chỉ cần quyết định làm điều đó” bị lạm dụng quá nhiều. Vâng, tất nhiên là bạn cần quyết định làm những điều quan trọng đối với bản thân mình, nhưng hơn thế nữa, bạn cần đưa những điều này vào thời gian biểu. Tất cả chúng ta đều cho rằng có những điều quan trọng đối với bản thân mình.

  • “Tôi thật sự muốn mở rộng công việc kinh doanh.”
  • “Tôi thật sự muốn giảm 18 kg.”
  • “Tôi thật sự muốn bắt đầu vào thời điểm XYZ.”

Không may là phần lớn chúng ta chỉ đơn giản hy vọng rằng mình sẽ có sức mạnh ý chí và động lực để đưa ra những quyết định khôn ngoan mỗi ngày. Thay vì chỉ hy vọng đưa ra lựa chọn đúng đắn mỗi ngày, tôi trở nên hiệu quả hơn bằng cách lên kế hoạch cho những điều quan trọng đối với bản thân mình.

Lấy ví dụ, lịch viết lách của tôi là thứ Hai và thứ Năm. Lịch tập tạ của tôi là thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu. Vào bất kỳ ngày thứ Hai nào đã được lên lịch, tôi không cần phải lăn tăn suy nghĩ xem mình có nên viết hay không. Việc này đã được lên lịch trước rồi. Tôi cũng không hy vọng mình có đủ sức mạnh ý chí để đến phòng tập. Đó đơn giản chỉ là nơi tôi đến vào ngày thứ Hai lúc 6 giờ chiều.

Nếu chỉ ngồi ì ra và hy vọng mình có khả năng đưa ra được những quyết định đúng đắn mỗi ngày thì chắc chắn bạn sẽ trở thành nạn nhân của tình trạng mệt mỏi vì ra quyết định và thiếu ý chí. Bộ não trở nên mệt mỏi vì ra quyết định quá nhiều.

4. Nếu bạn phải đưa ra quyết định đúng đắn vào cuối ngày thì hãy ăn chút gì đó trước khi ra quyết định.

Không có gì trùng hợp khi những vị thẩm phán có quyết định sáng suốt hơn sau khi dùng bữa. Bây giờ, nếu mỗi ngày bạn đều ních đầy một bụng khoai tây chiên thì tôi không nghĩ là bạn cũng sẽ đạt được những kết quả tương tự. Nhưng việc nghỉ ngơi để nạp thức ăn cho bộ não là một cách tuyệt vời để gia tăng sức mạnh ý chí của bạn.

Điều này đặc biệt quan trọng bởi vì mặc dù làm điều quan trọng nhất đầu tiên trong ngày là rất tuyệt vời, nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể sắp xếp một ngày của mình như thế.

Khi bạn muốn bộ não giúp mình đưa ra những quyết định đúng đắn hơn, hãy nạp năng lượng cho cơ thể bằng thức ăn lành mạnh hơn.

5. Đơn giản hóa

Dù đang nỗ lực đạt được hiệu suất làm việc cao nhất hay chỉ đơn giản là muốn bắt đầu một chế độ ăn uống lành mạnh thì nỗi lo lớn nhất của hầu hết mọi người là cảm giác cần phải sử dụng sức mạnh ý chí liên tục hàng giờ.

Hãy tìm cách đơn giản hóa cuộc sống. Nếu điều gì đó không quan trọng với bạn, hãy loại bỏ nó. Việc đưa ra các quyết định về những thứ không quan trọng không phải là một hành động vô hại, thậm chí nếu bạn có thời gian làm thế đi nữa. Hành vi này làm giảm đi nguồn năng lượng quý giá cũng như sức mạnh ý chí mà đáng lẽ nên dành cho những điều quan trọng. Sức mạnh ý chí là một lĩnh vực trong cuộc sống giúp bạn cải thiện kết quả một cách chắc chắn nhất bằng cách giảm đi nỗ lực đầu vào.

Kết luận

Sức mạnh ý chí không phải là thứ gì đó bạn có thể sở hữu hoặc thiếu. Nó chỉ tăng lên hoặc giảm xuống. Mặc dù bạn không thể duy trì sức mạnh ý chí ở mức cao nhất trong mọi thời điểm trong ngày, nhưng bạn vẫn có thể tạo nên một vài thay đổi cho một ngày của bạn cũng như thay đổi thói quen, nhờ đó bạn có thể đưa ra những quyết định sáng suốt nhất và liên tục đạt được sự tiến triển về những thứ quan trọng đối với bản thân mình.

Tác giả: James Clear http://jamesclear.com/willpower-decision-fatigue Nguồn dịch: Ubrand.cool

Leave a Comment