“Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu (khi cùng tận thì sẽ biến hoá, có biến hoá thì mới thông đạt, đã thông đạt thì mới lâu bền)” có xuất xứ từ Chu dịch – Hệ từ hạ, ý chỉ sự vật phát triển đến cực điểm thì ắt sẽ biến hoá, sau khi biến hoá thì mới có thể thông đạt, đã thông đạt thì mới có thể lâu bền, đây là một nhận thức về quy luật thay đổi của sự vật. Cũng có nghĩa là sự vật luôn thay đổi không ngừng và sẽ chuyển sang hướng đối lập khi cùng tận. Con người nên nắm bắt quy luật thay đổi của sự vật này, tìm kiếm cơ hội thay đổi khi đạt đến cùng cực, thúc đẩy sự thay đổi của sự vật để thực hiện sự phát triển thông đạt, lâu bền. Quan niệm này đã khái quát một đặc trưng cơ bản về sự thay đổi của tự nhiên, tức mọi sự vật phát triển đến giai đoạn nhất định thì sẽ gặp phải nút thắt cổ chai, những điều kiện có lợi vốn có cũng sẽ trở thành những cản trở cho sự phát triển tiếp theo. Lúc này thì phải chủ động thích ứng để tìm kiếm đường lối phát triển mới trong sự thay đổi, và đảm bảo các công việc, sự nghiệp được phát triển ổn định, bền vững thông qua việc thực hiện sự điều chỉnh liên tục, năng động.