Cơ chế Phóng chiếu-Đồng nhất hoá (Projective Identification)

Phóng chiếu-Đồng nhất hoá là gì? (Projective Identification)

Phóng chiếu là hành động vô thức gán một thứ gì đó bên trong bản thân chúng ta sang người khác. Thường thì “thứ” mà chúng ta phóng chiếu là một cảm xúc hoặc thuộc tính không mong muốn. Ví dụ, nếu John không cảm thấy tốt về hình ảnh cơ thể của chính anh ấy, thì anh ấy có thể nhìn Mark và tự nghĩ, “Hmmm, có vẻ Mark đã tăng cân rất nhiều.” Bây giờ, nếu Mark trên thực tế tăng nhiều cân thì John đang quan sát thực tế một cách chính xác. Nếu Mark không tăng cân thì chúng ta có thể giả định rằng John đang phóng chiếu thuộc tính kém quyến rũ của anh ấy sang Mark. Bằng việc phóng chiếu sang Mark, John cũng đang bóp mép khả năng nhìn nhận thực tế một cách rõ ràng của chính anh ấy.

Cơ chế phóng chiếu xảy ra bên trong tâm trí của một người. Trong ví dụ trên, sự phóng chiếu đang diễn ra trong John. Mark có thể đi ngang qua John mà không hề biết những gì John nghĩ về mình.

Phóng chiếu-Đồng nhất hoá là một quá trình 2-người. Hãy sử dụng kịch bản trên, nhưng lần này ta để cho John và Mark tương tác với nhau. John gặp Mark, chào anh ấy, và sau đó bình luận về Mark “Bạn trông giống như đang tăng cân.” Ta có thể hiểu được là Mark có thể cảm thấy tổn thương và/hoặc tức giận, và/hoặc bối rối bởi câu nói này. Nguyên nhân của những cảm xúc khó chịu của Mark nên được xem xét kỹ, vì vào lúc này chúng ta phải xác định xem liệu hai người này có đang nhìn nhận đúng về thực tế không hay là họ đang cùng nhau bước vào một trạng thái hoang tưởng.

Nếu gần đây Mark quả thực lên cân, thì những cảm xúc khó chịu của anh ấy sau câu nói của John có thể đơn giản là đang phản ánh những cảm xúc của chính anh ấy về trạng thái cơ thể của mình. Còn nếu gần đây Mark không lên cân thì chúng ta có thể nói rằng anh ấy đang đồng nhất hoá với sự phóng chiếu những cảm xúc khó chịu về hình ảnh cơ thể của chính John. Do đó, Mark cảm thấy tổn thương, tức giận và bối rối, khi trên thực tế anh ấy chẳng có gì đáng để mà cảm thấy tổn thương, tức giận hoặc bối rối. Theo nghĩa đen, anh ấy mắc kẹt trong việc “giữ chiếc túi xách chứa những cảm xúc khó chịu” mà thậm chí chiếc túi đó ban đầu không hề thuộc về anh.

Giả sử là Mark thực tế không tăng cân, chúng ta có thể nói rằng anh ấy có quyền cảm thấy bị xúc phạm bởi câu nói thô lỗ của John, nhưng thật vô lý khi Mark bắt đầu cảm thấy lo lắng về hình ảnh cơ thể của anh ấy vì rõ ràng là chẳng có gì để mà lo lắng cả. Mặc cho điều này, thật dễ dàng để tưởng tượng Mark có thể về nhà và bắt đầu soi gương, lo lắng về việc mặc quần áo không vừa, hoặc lo lên kế hoạch đi tập gym.Nếu tình huống diễn ra theo cách này, chúng ta có thể bắt đầu nhìn thấy những mối nguy hiểm của việc ĐỒNG NHẤT HOÁ với NHỮNG PHÓNG CHIẾU của người khác: theo nghĩa đen, chúng ta bắt đầu đánh mất khả năng tin tưởng vào những nhận thức, quan điểm, suy nghĩ và cảm xúc của mình. Chúng ta bắt đầu đánh mất một sự hiểu biết căn bản của những nội dung của tâm trí mình. Điều này nói về tầm quan trọng của khả năng tin tưởng vào bản thân của một người, và thiết lập những ranh giới hiệu quả khi đối mặt với những sự phóng chiếu được phóng vào chúng ta.

Cơ chế Phóng chiếu-Đồng nhất hoá (Projective Identification)

Và tất cả chúng ta đều phóng chiếu; chúng ta đều có những khía cạnh của bản thân mà ta ao ước thoát khỏi nó, và chúng ta đều có những cơ chế vô thức, vì vậy chúng ta không tránh khỏi việc tham gia vào hành vi uốn cong thực tế này.Chúng ta cũng có những điểm yếu trong ranh giới thuộc về các mối quan hệ người-người của chúng ta, điều đó có nghĩa là chúng ta dễ bị tổn thương khi đồng nhất hoá với những kiểu phóng chiếu nào đó của người khác. Khi điều này xảy ra, chúng ta bước vào một không gian hoang tưởng được chia sẻ với người khác.

Nhiều mối quan hệ quan trọng trong cuộc sống con người có thể phần nào hoặc hoàn toàn được xây dựng trên sự phóng chiếu và phóng chiếu-đồng nhất hoá. Sếp và nhân viên, vợ chồng và những đôi yêu nhau, bố mẹ và con cái thường mang ma trận phóng chiếu-đồng nhất hoá vào các mối quan hệ của họ, gây ra nhiều khó chịu cho mọi người.

  • Một bà mẹ mắc chứng ái kỷ bị thừa cân và không thích điều đó ở bản thân bà. Bà ấy chuyển thuộc tính này ở bản thân sang cô con gái của bà (Phóng chiếu). Ban đầu, cô con gái biết mình không bị béo phì, nhưng bà mẹ càng ép buộc cô tin vào điều đó thì nó càng trở thành một sự hoang tưởng. Cô con gái lớn lên với chứng rối loạn ăn uống như một hệ quả của việc bị mẹ thường xuyên nói rằng cô béo.
  • Cô vợ mắc chứng ái kỷ buộc tội chồng là người hay gây hấn. Khi anh từ công sở về nhà, cô bắt đầu tranh cãi với anh, quở trách, chế nhạo anh. Khi anh không tỏ ra bực bội, cô bám theo anh trong nhiều giờ xúc phạm anh cho đến khi anh phát điên và hét vào mặt cô. Sau đó cô cười tự mãn và nói “Thấy tôi nói đúng chưa?”
  • Người yêu cũ phóng chiếu sang tôi rằng tôi là người ích kỷ, hay ghen tuông, hay cáu giận, một kẻ nói dối, kiểm soát, điên khùng và hay đòi hỏi. Bị phóng chiếu những điều đó vào mình hằng ngày, hằng tháng khiến tôi bắt đầu tin rằng tôi có những thuộc tính đó, và dó đó chia sẻ một sự hoang tưởng với anh ta. Anh ta cũng nói với tôi rằng gia đình của tôi không ưa tôi, tôi không có bạn, và tôi không hoà đồng với bất kì ai. Vì tôi từng bị cô lập quá lâu nên tôi tiếp nhận những phóng chiếu đó. Tôi từng cố gắng nhắc nhở bản thân về con người thực của tôi trước khi có mối quan hệ này, nhưng thật khó, tôi bắt đầu quên mình là ai. Nhìn lại tất cả thì TẤT CẢ NHỮNG PHÓNG CHIẾU CHÍNH XÁC LÀ ĐANG MIÊU TẢ VỀ ANH TA!!! (Anh ta mớilà người ích kỷ, hay ghen tuông, hay cáu giận, một kẻ nói dối, kiểm soát, điên khùng và hay đòi hỏi). Tuynhiên, anh ta nói những thứ đó với tôi quá thường xuyên nên tôi tiếp thu chúng và bắt đầu hành động theo. Tôi trở nên ghen tuông, hay kiểm soát, nói dối và hoàn toàn dừng nói chuyện với bạn bè, gia đình. Tôi đã chứng minh là anh ta đúng và anh ta thích nó. Anh ta thậm chí còn có những hành động khiến cho tôi ghen tuông nhiều hơn, anh ta biến mất để tồi sẽ gọi cho anh ta 15 cuộc…

Trong cơ chế Phóng chiếu-Đồng nhất hoá, người phóng chiếu cảm nhận là một với người khác. Một cảm xúc “tôi là bạn”.

Hãy xem ví dụ sau của một nhà trị liệu tâm lý trong cuốn 101 defenses của tác giả Jerome S. Blackman:

Cô U, độc thân 23 tuổi bị trầm cảm, miêu tả về những vấn đề rắc rối trong mối quan hệ với cha cô, ở đó ông ta liên tục công kích cô một cách vô lý. Trong một buổi tham vấn, cô bắt đầu chỉ trích tôi vì đến trễ 1 phút. Cô nói “Ông đối xử với tôi như thể tôi là một người nhu nhược! Ông biết tôi không thể đợi nổi vì cách mà cha tôi từng đối xử với tôi, và sau đó ông tiếp tục để tôi chờ đợi! Tôi không thích ông kiểm soát tôi bằng kĩ thuật tâm lý! Tôi cần một lời xin lỗi!”

Qua lời chỉ trích kịch liệt của cô, tôi cảm thấy bị buộc tội một cách bất công, nhưng tôi cũng cảm thấy việc bảo vệ bản thân sẽ là vô ích vì cô ấy có vẻ rất vô lý. Thật may mắn, tôi ngờ rằng phản ứng cảm xúcc của tôi cho thấy một đáp ứng mà cô đang dùng cơ chế Phóng chiếu-Đồng nhất hoá. Do đó, tôi nói với cô “Bây giờ tôi đang cảm thấy giống như tôi đang gặp cha cô.” Câu nói của tôi dựa vào việc nhận ra là cô ấy đang cố làm cho tôi cảm nhận giống với cách mà cô từng cảm nhận khi cha cô nổi giận một cách vô lý với cô và cô không thể tự bảo vệ bản thân.

Những buổi tham vấn sau này cho thấy một trong những động cơ của cô khi làm điều đó với tôi là để làm giảm bớt nỗi sợ rằng tôi sẽ không bao giờ hiểu được cô từng cảm thấy như thế nào. Bằng cách gây ra trong tôi một trạng thái của sự tức giận bất lực thì cô có thể cảm thấy ít ra cũng có một ai đó biết được cô từng trải qua những gì.

Trong tâm lý trị liệu, chúng ta nói về phóng chiếu-đồng nhất hoá khi một người phóng chiếu một phần bị chối bỏ của con người anh ta và chuyển nó sang người khác và kiểm soát mạnh mẽ đối tượng từ bên trong như một con rối (Cynthia Rogers, 1987). Phần bị chối bỏ có thể là phần tốt hoặc xấu. Phóng chiếu và phóng chiếu-đồng nhất hoá có thể xảy ra không chỉ vì người đó muốn thoát khỏi những phần xấu xa của chính họ. Người phóng chiếu có thể không muốn thừa nhận những phẩm chất tích cực của anh ta, những tài sản của anh ta, vì tội lỗi hoặc sợ bị ghen tỵ, trả đũa, bị bỏ rơi, cô đơn hoặc sợ làm hại một ai đó quan trọng. Bằng quá trình phóng chiếu hoặc Phóng chiếu-đồng nhất hoá, những phần tốt đó có thể được gán cho một người khác.

Ví dụ 1: Thời cấp ba mình học trường chuyên. Trong một đợt đi thi học sinh giỏi, mình ở cùng phòng cùng nhiều bạn nữ. Trong đó có một bạn học giỏi nhất lớp. Bạn ấy từng mỉa mai mình là: Bạn H là tấm gương sáng cho cả lớp. Trong khi thành tích học tập của mình không bằng bạn ấy. Bạn ấy có cơ chế phóng chiếu (bạn ấy mới chính là tấm gương sáng) sang mình. Do đó, bạn ấy không phải cảm thấy sợ bị bạn bè ganh tỵ vì học giỏi.

Ví dụ 2: Chị sếp mỉa mai khi thấy buổi sáng mình ăn bánh mì: Buổi sáng ăn bành mì tội rứa em. Em nhiều tiền vậy tiêu sao hết. Thực tế, chị ấy kiếm nhiều tiền hơn mình. Chị ấy đang phóng chiếu sự giàu có của chị ấy sang mình. Do đó, chị ấy tránh được cảm giác bị người khác ganh tỵ vì giàu.

Tất nhiên, để chấm dứt vấn đề trong những mối quan hệ như thế bao gồm việc chấm dứt quá trình phóng chiếu, nghĩa là giúp một ai đó CHẤP NHẬN và làm việc với những khía cạnh khó chịu, đáng ghét của bản thân anh/cô ấy mà họ trước đây chưa nhận thấy mà chỉ đang phóng chiếu sang người khác. Có ai muốn nhìn thẳng vào những phần xấu xí của chính mình?

Hy vọng cho tất cả chúng ta. Dường như cách duy nhất để sống cuộc đời logic và lành mạnh, và để có các mối quan hệ lành mạnh và logic là, học cách chấp nhận những cảm xúc không mong muốn của chính chúng ta, không phóng nó sang một ai khác.

Rubi dịch và viết

Nguồn:

http://drs-oleary.com/Projective_Identification.htm

Leave a Comment