VÔ THỨC là một thách đố lớn lao
Đáng lý khi nói đến những
sào huyệt của Vô Thức, tôi còn phải ghi nhận thêm hai loại khác,
cũng quan trọng và lớn lao như năm loại kia. Đó là Bản sắc làm người
và Quan hệ tiếp xúc.Tuy nhiên, xuyên qua chương nầy, vấn đề về Bản sắc
làm người sẽ được đề cập, trong những đường nét chính yếu. Và một
bài chia sẻ sau này sẽ khảo sát vấn đề « quan hệ giữa người với người ».
Khi bàn đến Bản sắc làm
người, phần nhiều các tác giả đề nghị nêu lên câu hỏi cơ bản: Tôi là
ai, trong lòng cuộc đời ?
Robert DILTS (10) hướng dẫn
cách trả lời của chúng ta, bằng những câu hỏi khác ăn khớp vào nhau
và soi sáng lẫn nhau.
–
Câu hỏi thứ nhất : Cùng đích mà tôi nhắm tới, trong cuộc đời
là gì ? (What for ?)
–
Câu hỏi thứ hai : Cùng đích ấy bao gồm những giá trị nào ? (Why ?)
–
Câu hỏi thứ ba : Những giá trị bao la, diệu vợi ấy trở nên hiện
thực, trong lòng cuộc sống làm người, bằng cách làm nào ? Chương
trình hành động ấy nhắm tới những mục tiêu cụ thể nào ? (HOW ?)
–
Câu hỏi thứ bốn : Trong chương trình ấy, động tác cụ thể, mà
tôi thực hiện, ngày hôm nay, là điều nào ? (What next ?)
–
Câu hỏi thứ năm : Tôi làm điều ấy ở đâu, với ai, trong môi
trường nào ? (Where, with whom… ?)
Với phương pháp « kiến
tha lâu đầy tổ » hay là « cháo nóng húp quanh », do Tổ Tiên chúng ta
đề xướng, tôi biết rằng : tôi chỉ làm một động tác rất nhỏ mọn,
thuộc tầm tay non yếu của tôi, ngày hôm nay. Còn đám mây đen to
tướng kia, đang bao phủ bầu trời của Bà Âu Cơ, sẽ từ từ tan biến đi,
khi bình minh trở lại ngày mai. Đằng sau khúc sông eo hẹp, mà tôi
đang cố tìm đường lách ra, giữa bao nhiêu lau sậy, Biển Cả của Lạc
Long Quân đang chờ đợi tôi.
Hẳn thực, như Phần Hai vừa
qua đã cho chúng ta thấy rõ, Vô Thức bủa vây chằng chịt, trên mỗi đường
đi và lối thoát của chúng ta. Và chỗ nào có Vô Thức, chỗ ấy khổ
đau cũng có mặt tràn trề, man mác. Chỗ nào có Vô Thức, chỗ ấy xung
đột, chiến tranh, hận thù là hiểm họa có thể bùng nổ, trong từng
giây, từng phút. Và tôi còn muốn thêm, một cách cương quyết rằng :
Chỗ nào có con người chung sống với nhau, chỗ ấy thế nào cũng có những
thế hệ Sơn Tinh và Thủy Tinh. Không những ở Việt Nam. Nhưng trên mỗi
xứ sở của Hoàn Cầu.
Tuy nhiên, tôi không dừng
lại, bế tắc và bất động, trước nhận xét hoàn toàn khách quan và hiện
thực ấy. Tôi không bi quan, yếm thế. Trước mỗi vấn đề, mà tôi phân
tích, tôi luôn luôn trình bày ít nhất một hoặc hai cánh cửa mở rộng.
Trước mỗi bóng đen của Vô Thức bao trùm, khống chế, trấn ngự… luôn
luôn có một tia sáng Ý Thức kêu mời, khuyến khích. Ai lắng mà không
nghe ? Ai nhìn mà không thấy ? Ai tìm học, mà không có một vị thầy
hay cô giáo đợi họ đến gõ cửa. Vấn đề chính yếu là chúng ta có can
đảm đứng dậy, đi ra vùng ánh sáng hay không ?
Qua bao nhiêu nhận xét,
mà tôi đã trình bày và giới thiệu, trong suốt bài chia sẻ này, tôi
chỉ muốn nhấn mạnh một điều :
Cuộc sống là một thách
đố.
Vô thức là một thách
đố.
Khổ đau là một thách
đố.
Trong mỗi thách đố, cơ
may để tiến lên làm người luôn luôn có mặt, một cách tràn trề và lai
láng.
Nhưng vực thẳm cũng ở
sát bên cạnh, tạo nguy cơ, để chúng ta có thể ngụp lặn và đắm chìm.
Cuộc sống luôn luôn là một chọn lựa. Và chọn lựa khó khăn nhất là
thay đổi lối nhìn về mình, trong chính nội tâm của chúng ta.
Cơ may lớn lao và chắc chắn
nhất là người anh chị em đồng bào cùng đi, cùng bước với chúng ta.
Khi họ rơi, chúng ta nâng đỡ. Khi chúng ta ngã, họ đưa tay kéo chúng
ta lên. Khi đèn nhà tôi tắt, tôi qua thắp lại, bên ngôi nhà láng giềng.
Khi mặt tôi lọ lem, họ nói cho tôi hay biết: tôi đang lọ lem.
Nguy cơ, trái lại, xảy
ra, khi tôi khước từ người anh chị em. Họ đưa tay, tôi không nắm bắt.
Họ kêu cứu, tôi không trả lời. Họ muốn sống, tôi mang tới bom đạn và
gươm giáo. Sống cô đơn, cô độc, tôi mất khả năng thông hiểu và sử dụng
ngôn ngữ họ thường dùng.
Nỗi buồn lớn lao của tôi,
mỗi lần nghe lại câu chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh, không phải là mối
tình tranh chấp của cả hai người đối với Mỵ Nương. Trên Đất Nước Lạc
Việt, có hằng trăm, hằng ngàn, hằng triệu Mỵ Nương, còn duyên dáng,
mặn mà hơn Nàng Công Chúa Mỵ Nương của Vua Hùng Thứ Mười Tám. Nhưng
tôi buồn thấm thía, vì hai người đã một lần sát cạnh nhau, trong bào
thai của mẹ. Nhưng bây giờ họ không có khả năng nói chuyện với nhau,
bằng tiếng Mẹ Đẻ. Họ đã quên hẳn tiếng nói làm người. Họ trở thành
người xa lạ, người Nước Ngoài. Không có Quê Hương, để nhớ đường trở
về. Không có Quê Hương, để thương khóc, khi ra đi. Họ không còn có
khả năng cùng nhau kết dệt một giấc mơ trọng đại, trong đó có Trời,
có Biển, có Núi, có Sông. Có những cánh đồng cò bay thẳng cánh. Có
những em bé ca hát líu lo, dẫn trâu về ràn. Có những cô thiếu nữ hò
giả gạo, dưới ánh trăng đêm. Có những bà mẹ đang dắt tay con đi vào
những hang động Huyền sử của Nước Non.
Buồn làm sao, vì cả Sơn
Tinh và Thủy Tinh đã quên rằng họ là những người « luyện vàng »,
nghĩa là có khả năng hiến tặng một tấm lòng, mặc dù người Anh hay
người Em của mình, trong một phút giây khổ đau, vô thức, mê muội…
đã mở lời tố cáo, phê phán, nghi kỵ, hằn học, ganh đua, tranh giành
phần hơn.
Trong mọi tình huống như
vậy, phải chi hai người anh em ấy biết dừng lại « tri chỉ »…tìm cách
học hỏi và tâm sự với nhau :
Em là Nước ? Anh xin
làm Biển Cả,
Cùng theo Em đến những
miền xa lạ,
Gieo vãi Tình Thương,
Khung Trời mở rộng,
Hiến cho đời mầm non,
trào nhựa sống.
Anh là Hoa ? Em xin
làm Mảnh Đất,
Ấp ủ vun trồng, dịu
dàng thân mật,
Dưới mỗi bước chân,
hương trầm ngào ngạt,
Trên khắp Non Sông,
nương đồng bát ngát.
Em là Trời ? Anh xin
làm Không Khí,
Đón nhận
Em trong Trái Tim bình dị,
Em an
bình, tâm hồn Anh diệu vợi,
Em hạnh
phúc, cuộc đời Anh phơi phới.
Anh là
Mây ? Em nguyện làm Gió Mát,
Thổi ân
tình vào lòng ai ngột ngạt,
Gieo thái
hòa giữa vùng đất bạo động,
Nuôi chí
khí, đánh thức người tuyệt võng.
Em là Núi ?
Anh nguyện làm Rừng Xanh,
Động viên
Em với tất cả lòng thành,
Hãy đứng
thẳng, nhìn Mặt Trời tỏa rạng,
Tay vươn
cao tiếp thu nguồn Ánh Sáng.
Anh là
Đất ? Em hóa thân thành Nắng,
Sưởi ấm
Anh bằng tấm lòng thầm lặng,
Suốt mùa
đông, chết đi nuôi Anh sống,
Qua tiết
xuân, gọi mời Anh hy vọng.
Nói và làm
được như vậy là luyện mình thành vàng.
Hẳn thực,
theo lối nhìn của văn hào Paulo CUELHO, LUYỆN VÀNG là giấc mơ kỳ vĩ,
trong cuộc sống làm người. Khi « va chạm » vào chúng ta, người khác
làm bằng với bất kỳ chất liệu gì như đồng, chì, sắt, thép… sẽ từ từ
hóa thân thành vàng nguyên chất.
Tuy nhiên,
để có khả năng luyện vàng như vậy, nhân vật chính trong cuốn tiểu
thuyết lừng danh của tác giả nầy, mang tên là « Người Luyện Vàng »
(11), đã phải từ bỏ tất cả, trong cuộc đời hiện tại của mình, băng
ngàn, leo núi, vượt trùng dương, đi vào Sa Mạc. Tại nơi đây, ông đã
học lắng nghe tiếng gió, khám phá những dấu chân trên mặt cát muôn
hình vạn trạng, thương lượng với những người sinh sống bằng chiến
tranh. Thế nhưng, cũng nhờ sa mạc, ông đã biết yêu, đã gặp thầy, đã
đào đất tìm được « Hòn Đá Khôn Ngoan », bên cạnh một Kim Tự Tháp.
Với báu vật cuối cùng nầy, ông đã biết cách luyện vàng, để có tiền
trở về quê hương của mình.
Tại một căn
lều bỏ hoang, mà trước đây ông đã từng chiếm cứ và qua đêm với đàn
cừu của mình, ông đã gặp lại giấc mơ ngày xưa của mình. Giấc mơ ấy,
tại nơi đây, đã bảo ông ra đi học làm người luyện vàng. Hôm nay, sau
hơn hai mươi năm, cũng giấc mơ ấy, tại nơi đây, bảo ông hãy đào bới
những tầng sâu thăm thẳm, ở chỗ ông đã từng nằm trước đây và bây giờ
đang nằm. Kỳ thực, một kho vàng lớn lao đang ở trong đôi tay của ông.
Ông không ngờ, ông đã kinh qua hai mươi năm, học làm người luyện
vàng. Bây giờ, tại căn lều mà ông đã sinh sống suốt cuộc đời thơ ấu,
hai bàn tay ông đã đào bới được vàng.
Sau câu
chuyện nầy, văn hào Paulo Cuelho đã kết luận : khi chúng ta cưu
mang, ấp ủ và ngày ngày vỗ về một giấc mơ, tất cả trăng sao, gió mưa,
đất trời và toàn thể vũ trụ…đều đóng góp phần năng động và giúp
chúng ta thực hiện hoài bảo của mình.
Trở lại với
tất cả những điều chúng ta đã khám phá, về những tầng sâu của nội
tâm, chúng ta cũng có thể kết luận gống y hệt Paulo Cuelho : Nếu
chúng ta cưu mang chất lượng làm nguời, trong đáy sâu thăm thẳm của
tâm hồn, chính Vô Thức và bao nhiêu khổ đau, trong lòng cuộc đời,
đều là chất liệu quí hóa giúp chúng ta thành người và có khả năng
chuyển biến kẻ khác thành người cùng với chúng ta.
________________________________________________________
Bí chú
1.- SPITZ R. – The first year of life -I.U.P N.York
1965
2.- NGUYỄN VĂN THÀNH – Quan hệ Mẹ Con – Tình Người,
Lausanne 2000.
3.- BRAZELTON T.B. – Points forts II – Stock, Paris
2000
4.- WINNICOTT D.W.- The family and Invidual development-
Basic Books, New York 1965.
5.- ROBBINS R.- Unlimited Power : a black choice
-Simon and Schuster, N.Y. 1997 p.251.
6.- 100 bài thơ tình – Nhà Xb Giáo dục, Hà Nội 1993,
tr. 9.
7.- JAMPOLSKY G. – Aimer c’est se libérer de la peur
– Ed. Soleil, Genève 1980
8.- STONE D. – Difficult Conversations -M-Joseph,
London 1999.
9.- NGUYỄN VĂN THÀNH – Đồng Cảm để Đồng Hành – Tình
Người, Lausanne 2003.
10.- DILTS R. – Applications of NLP – Metapubl.
CA 1983.
11.- CUELHO P. – L-Alchimiste – éd. ill. par Moebius
1995
http://ttntt.free.fr/archive/nguyenvanthanhz.html