Tại sao sống đơn giản sẽ tốt hơn cho bạn?
Trong bộ phim Sàn đấu sinh tử (Fight Club), Tyler Durden đã thẳng thắn khẳng định:
Những thứ chúng ta sở hữu, cuối cùng sẽ sở hữu chúng ta.
Mặc dù bản thân tôi cảm thấy lời khẳng định này là đúng, tôi sẽ không cư xử quá khích và khuyên các bạn nên vứt đi hết những đồ vật bạn sở hữu và dời lên núi sống, hay bất kì điều gì tương tự như vậy. Các bạn có cuộc sống riêng của mình, có một ngôi nhà, hoặc thậm chí đã có gia đình. Thay đổi hoàn toàn phong cách sống sẽ không phải một lựa chọn khôn ngoan. Cứ ba tháng tôi lại chuyển đến một đất nước mới để sinh sống, làm việc trên laptop và thuê nhà đã sẵn nội thất. Tôi tự biết đó không phải là thứ gì xa xỉ đáng mơ ước.
Nhưng tôi muốn khuyên bạn rằng bạn không cần nhiều đồ đạc như bạn nghĩ. Bằng cách vứt bớt đồ đạc đi, nó có thể khiến bạn cảm thấy được giải phóng một cách bất ngờ, đồng thời cũng khiến bạn được hạnh phúc hơn.
Nhớ lại năm 2007, tôi đã khánh kiệt sau khi tốt nghiệp đại học. Để trang trải cuộc sống, tôi đã phải bán đi phần lớn tài sản và chuyển đến sống tạm trên chiếc đi- văng của một người bạn. Khoảng thời gian đầu thật khó khăn. Tôi đã bán đi chiếc giường của mình, bàn làm việc, rất nhiều sách và CDs, tranh ảnh, và biết bao thứ nữa. Tôi nhớ rằng điều đó khiến tôi cảm thấy thật đau khổ. Mặc dù tôi luôn dằn vặt rằng mình đã phải bán đi TẤT CẢ MỌI THỨ, tôi vẫn giữ lại hai chiếc hộp lớn toàn đồ linh tinh, hai vali đầy quần áo, máy tính bàn, ghế, kệ đựng tivi (làm ơn đừng hỏi tại sao!) và rất nhiều thứ vụn vặt khác. Trong sáu tháng sống trên đi-văng của bạn, 75% những đồ vật đó vẫn còn nguyên trong hộp, không được đụng đến.
Năm sau đó, khi doanh nghiệp online của tôi gặp nhiều khó khăn, tôi khánh kiệt và không có chỗ ở, tôi đã về sống với mẹ một thời gian. Bởi vì thời đó phí chuyển một hộp đồ từ Boston đến Texas là $100, và tôi không có khả năng chi trả một đô nào cả , tôi đã vứt thêm nhiều đồ nữa. Tôi bán chúng trên Craigslist, từ xe đạp, túi quai chéo, bộ poker xịn tôi thắng trong một giải đấu, tranh có khung treo, tạ tay, thảm tập yoga, bóng rổ, Playstation 2 và các loại trò chơi khác. Điều đó khiến tôi đau đớn. Bây giờ nghĩ lại thì chuyện đó thật buồn cười, nhưng lúc đó tôi cảm thấy như một kẻ thất bại vì phải bán tài sản để có tiền cứu doanh nghiệp của mình. Như thể điều đó là cả một sự hi sinh thật to lớn. Ngoài quần áo và vali, tôi chỉ còn giữ lại chiếc ghita và một hộp nhỏ toàn sách.
Image credit: CJS*64 A man with a camera
Sáu tháng sau, tôi bắt đầu thử sống theo phong cách “lưu động” của Tim Ferriss. Tôi đi thăm Brazil và chuyển tới sống tại Buenos Aires. Tôi chỉ mang theo một chiếc vali to, và trong vài ngày trước khi đi, tôi dành hàng tiếng cân nhắc kĩ càng làm sao có thể mang được tất cả những đồ đạc cần thiết cho 3-6 tháng ở nước ngoài trong một chiếc vali. Tôi nên mang theo những vật dụng gì? Nên mang chiếc áo mưa nào? Thực phẩm dinh dưỡng thể hình, ổ cứng di động, giày chạy bộ, bàn là hay gia vị đều là những đồ cần thiết với tôi lúc đó.
Có lẽ tôi không cần nói các bạn cũng đoán được là tôi không sử dụng tầm nửa số đồ dùng tôi mang đến Argentina. Từ đó đến giờ tôi đã cố gắng vứt bớt hầu như tất cả những đồ vật tôi không sử dụng thường xuyên. Giờ đây, tôi sống dựa vào một vali nhỏ đồ dùng (nhỏ hơn cả cỡ vali một người mang theo trong một chuyến du lịch biển 4 ngày), cùng với một chiếc balô dùng để đựng laptop. Phần lớn đồ tôi dùng rất đắt tiền, tuy vậy tôi mua chúng vì chúng bền và hữu dụng, không vì lí do giải trí, khoe của hay vì những nhu cầu nhất thời.
Bạn có thể thấy điều này hơi cực đoan. Và nó đúng như vậy. Nhưng, sự thật là: Mỗi khi tôi phải vứt bỏ đồ vật gì, tôi đã cảm thấy vô cùng khổ sở. Tuy vậy thì tôi chưa bao giờ nhớ hay cần đến những đồ vật đó nữa. Không bao giờ luôn.
Trường hợp ngoại lệ duy nhất là chiếc ghita tôi để quên ở nhà mẹ (tôi không muốn đi du lịch mà phải cầm theo nó). Ngoài nó ra, tôi không nhớ phần lớn những đồ vật tôi từng sở hữu. Tôi không thể dễ dàng nhớ đã từng treo những thứ gì trên tường, màu sắc của chiếc đi- văng cũ, chiếc tivi tôi mua ở đâu hay những trò chơi điện tử tôi từng có.
Sự thật là, không những tôi không nhớ nhung thứ đồ gì mà tôi đã vứt bỏ, tôi còn không hề muốn dành tiền mua những đồ tương tự. Giờ đây chỉ còn trải nghiệm cuộc sống và những mối quan hệ mới thực sự là những gì tôi cần.
Đầu tư vào bản sắc cá nhân (identity investiment) và nỗi sợ mất mát
Có 2 yếu tố tâm lí góp phần tác động vào việc sở hữu quá nhiều đồ. Tôi tin rằng cả 2 yếu tố đó đều làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn: đầu tư vào bản sắc cá nhân và nỗi sợ mất mát.
Bộ phim Sàn đấu sinh tử có nhiều cảnh bôi bác nhu cầu sở hữu nhiều vật dụng xa xỉ trong văn hoá Mỹ. Người Mỹ có xu hướng sống vật chất, thậm chí họ thường không nhận ra điều đó. Một người bạn của tôi từng kể rằng khi còn là một giáo sư trẻ, anh đã dành quá nhiều thời gian trang trí căn hộ của mình, để khiến nó trở thành một nơi hoàn hảo để bạn bè đến chơi. Anh phải mua những đồ nội thất để sao thể hiện được bản sắc và cá tính của mình, trang trí rồi lại trang trí. Điều buồn cười ở đây là anh ý đã dành tất cả thời gian trang trí căn hộ, thay vì thực sự ra ngoài kết bạn, và đưa những người bạn đó về nhà. Anh bạn tôi đã miêu tả quãng thời gian đó là tuyệt vọng và đáng thương hại.
Kiểu đầu tư cho bản sắc cá nhân kể trên được tiêm nhiễm vào chúng ta qua quảng cáo. Và quảng cáo đã và đang thành công. Con người trở nên gắn bó với những công ty sản xuất ra xe của họ, máy tính, quần áo và đồ dùng của họ, v.v… Con người dành hàng tháng trời tiết kiệm để mua cho được một sản phẩm, dành nhiều trí não chọn xem sản phẩm nào phù hợp nhất để “đại diện” cho bản sắc cá nhân của họ. Vì thế, có nhiều người tự nhận bản thân mình là một “chàng trai Ford”, một “người dùng Mac”, và tương tự như vậy.
Và điều này trở thành một phần (nhỏ hoặc lớn) của bản sắc cá nhân mà bạn thể hiện ra với những người xung quanh. Nếu bạn đã đọc blog của tôi, bạn nên học được rằng việc đầu tư vào bản sắc cá nhân, nhưng mà là những yếu tố bên ngoài (quan hệ với mọi người, kiếm tiền, v.v..) là việc làm không tốt và sẽ làm giảm tự trọng của bạn.
Yếu tố thứ hai tôi muốn nhắc đến, đó là nỗi sợ mất mát – một thực tế đáng buồn của cuộc sống. Tâm lí học đã cho thấy con người cảm thấy sự đau khổ khi đánh mất một thứ gì đó, và sự đau khổ này lớn hơn nhiều so với sự thoả mản khi sở hữu chính thứ đó. Điều này đúng với tất cả mọi thứ – từ các mối quan hệ, tài sản, thi thố – và điều này đã nhiễm sâu vào tất cả chúng ta. Ví dụ như bộ poker tôi thắng được, tôi đã thề sẽ giữ nó. Tôi đau khổ khi phải bỏ nó đi, tuy vậy, một khi không còn nữa thì tôi lại chả nghĩ đến hay nhớ nó một lần nào.
Nỗi sợ mất mát khiến chúng ta dành nhiều thời gian và công sức giữ gìn những gì chúng ta đã sở hữu, thay vì tập trung vào việc chúng ta thoả mãn như thế nào khi được sở hữu chúng. Giả sử nếu việc sở hữu một vật dụng nào đó khiến ta thoả mãn 5, thì việc mất đi nó khiến ta đau 15. Vì vậy chúng ta sẽ cố 15 để không mất đi vật dụng đó – thứ sẽ mang lại thoả mãn chỉ có 5.
Và đó là lời nguyền của nỗi sợ mất mát. Và đó cũng là lợi ích của việc sở hữu càng ít đồ dùng càng tốt.
Nhiều nghiên cứu về hạnh phúc đều cho thấy rằng: 1) chúng ta được hạnh phúc hơn nhiều từ những trải nghiệm cuộc sống, so với việc sở hữu vật chất, và 2) chúng ta sẽ được lợi nhiều hơn nếu đầu tư sức lực vào những mối quan hệ thay vì những vật dụng chúng ta sở hữu.
Vì vậy, việc vứt bỏ bớt những vật dụng không cần thiết có thể gián tiếp nâng cao chất lượng cuộc sống. Nó giúp ta:
- Có thêm nhiều thời gian và tiền bạc để đầu tư vào những trải nghiệm cuộc sống và những mối quan hệ với mọi người
- Bắt buộc bản thân đầu tư nhiều hơn cho bản sắc cá nhân qua những cách cư xử và thái độ của mình với mọi người xung quanh, thay vì đầu tư vào những vật dụng ta sở hữu
- Loại bỏ stress vì sự mất mát và nỗ lực để giữ gìn những vật chất ta đã sở hữu
- Tiết kiệm tiền (đây cũng luôn là một cách giảm bớt stress)
Tôi tin chắc rằng, một ngày nào đó, tôi sẽ sở hữu một số tài sản. Tôi sẽ lại cần phải trang trí căn nhà hay phòng trung cư của mình. Tuy vậy, nếu tôi có quay trở lại việc sở hữu tài sản, tôi chắc chắn sẽ không đầu tư vào chúng như cách phần lớn mọi người đang làm (và như tôi đã từng làm).
Bạn có thể bỏ đi những đồ vật gì hôm nay?
Bây giờ chúng ta sẽ đến với phần thú vị nhất. Chúng ta sẽ cùng liệt kê ra những thứ vật dụng vô bổ mà bạn có thể bỏ đi hôm nay. Tôi sẽ bắt đầu với những vật dụng dễ dàng nhất để vứt bỏ và sau đó tiếp đến những vật dụng khó vứt bỏ hơn.
1. 90% những thứ trong kho quần áo, gác xép hay hầm để xe. Đây là phần dễ nhất trong việc dọn bỏ đồ dùng thừa thãi. Nó bao gồm bộ đồ golf mà bạn chưa từng sử dụng, hộp dụng cụ cũ, bộ trò chơi đã hư, chiếc bơm dành cho cái xe đạp mà bạn không còn giữ, bộ đồ chơi bể bơi, poster từ đại học, v.v… Đây là những vật bạn nhẽ ra phải vứt đi từ rất lâu, nhưng bạn vẫn giữ chúng bởi có thể bạn nghĩ “mình không thể biết bao giờ sẽ cần đến chúng”. Hoặc có thể lúc đó chúng khiến bạn nhớ đến một hay một vài kỉ niệm đẹp. Lời khuyên của tôi dành cho bạn là, nếu bạn không hề sử dụng chúng trong vòng 3 tháng trở lại đây, và bạn không tính sử dụng chúng trong 3 tháng tiếp theo, hãy vứt bỏ ngay. Đừng suy nghĩ về nó nữa. Đừng hoài niệm về nó nữa. Cứ vứt bỏ đi. Tôi hứa với bạn rằng chắc chắn bạn sẽ không nhớ nó đâu.
2. CDs. Giờ đã là năm 2012. Hãy bắt kịp xu thế và lưu tất cả nhạc của bạn trên máy tính. Vài năm trước tôi bán bộ sưu tập hơn 400 đĩa CDs với giá $500. Nó giúp tôi chi trả vé máy bay đến Panama. Thật là không có gì phải suy nghĩ cả.
3. Trò chơi điện tử. Sẽ khoảng nữa số độc giả há hốc miệng kinh ngạc khi nhìn thấy trò chơi điện tử trong danh sách. Đúng là trò chơi điện tử rất hay, nó giúp ta giải toả căng thẳng mọi lúc mọi nơi. Nhưng phần lớn những người chơi điện tử, chủ yếu là các nam thanh niên, lại chơi quá nhiều. Không những trò chơi điện tử quá tốn thời gian, chúng còn tốn tiền và ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ xã hội. Hãy thử hỏi bản thân rằng, nếu bạn đã dành nửa số thời gian chơi điện tử vào việc thiết lập các mối quan hệ xã hội hay đọc sách, cuộc sống của bạn giờ đây sẽ như thế nào? Nếu suy nghĩ này khiến dạ dày bạn quặn lên, hãy rao bán Xbox và PS3 trên Craigslist ngay. Xoá Diablo 3 trên ổ cứng của bạn. Hãy bắt đầu sống thật sự.
4. TV. Đúng là có một vài chương trình TV rất hay, nhưng bạn luôn có thể xem chúng trên máy tính. Hãy quên TV đi. Có TV trong nhà chỉ khuyến khích bạn dành thời gian cho nhiều thứ vô bổ. Nếu bạn yêu thể thao thì hãy xem trận đấu yêu thích trong một quán bar thể thao. Đằng nào thì xem thể thao với nhiều người khác hay hơn 10 lần, kể cả họ là những người lạ.
5. Sách. Tôi là một mọt sách và tôi mê mùi keo dán và giấy. Nhưng bạn nên mua một chiếc Kindle hay iPad và tải sách về. Điều này đã từng khiến tôi rất khổ sở và tôi đã kiềm chế nó một thời gian dài. Nhưng tôi rất vui vì cuối cùng tôi cũng đã thực hiện điều này.
6. Quần áo. Với nam giới, bạn chỉ cần 3-4 áo sơmi, 3-4 áo phông, 2 quần jeans, một chiếc quần dài thật xịn, vài quần sóc, giầy tập thể dục, giày âu, một áo khoác dài, một áo khoác ngắn, một áo len, có thể là một chiếc áo chui đầu, tất và đồ lót.
Với phụ nữ, điều tôi sắp nói có thể hơi hoang đường, nhưng thật ra phụ nữ không cần quá nhiều quần áo so với nam giới. Có lẽ 3-4 chiếc váy lịch sự thay vì áo sơmi (nếu bạn rất thích váy). Điều rất tuyệt của thời trang phụ nữ đó là trang sức sẽ thay đổi được phong cách của cả bộ trang phục. Chỉ cần vài chiếc khăn hoặc vài đồ trang sức, mũ, bạn có thể phối đồ và trông như thể bạn có cả một tủ quần áo vĩ đại.
7. Đồ nội thất. Bây giờ là thời khắc quan trọng: tôi muốn nói đến chiếc ghế rất đẹp bạn không bao giờ ngồi lên, bộ đồ ăn dùng một lần một năm, chiếc bàn phụ trong văn phòng, tủ sách trống. Khi bạn bỏ đi những đồ nội thất không cần đến, bạn sẽ nhận ra rằng mình hoàn toàn có thể sống dễ dàng trong một căn nhà/căn hộ chỉ một nửa diện tích bây giờ. Nó có thể khá sốc với bạn, nhưng nếu bạn có thể chấp nhận thực tế này, bạn có thể tiết kiệm thêm tiền bằng việc chuyển đến một chỗ ở nhỏ hơn, ở một vị trí đẹp hơn. Bạn hãy nhớ rằng, trải nghiệm mang lại hạnh phúc, không phải vật chất. Vậy điều sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn là chiếc futon bà đã tặng bạn nhân dịp tốt nghiệp, hay việc ở gần sân khấu nhạc yêu thích nhất của bạn.
8. Xe ôtô. Và nếu nhà của bạn ở một vị trí tốt hơn, ở một thành phố có phương tiện công cộng chất lượng, nhiều khả năng bạn sẽ không cần xe ôtô nữa. Tôi đã không sở hữu xe ôtô được 9 năm rồi và tôi tin rằng tôi cũng không bao giờ cần xe ôtô nữa. Bạn bè đều nghĩ tôi điên rồi, nhưng đó là vì họ chưa bao giờ sống ở một thành phố có hệ thống giao thông công cộng tốt cả. Nếu bạn không có nhiều đồ dùng, và bạn sống ở một trong những nơi đẹp và thuận tiện nhất trong thành phố, hãy dùng xe bus hoặc metro. Nó không chỉ rẻ hơn rất nhiều, tiện lợi hơn và thoải mái hơn, nó còn giúp giảm lượng khí CO2 trong không khí. Tôi chỉ thấy cần sử dụng xe ôtô nếu một ngày bạn có 4 đứa con và bạn cần đưa chúng đi hết tập bóng đá lại đến tập nhảy. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ dừng lại ở đây, trước khi tôi mường tượng ra viễn cảnh dạy con chơi bóng ngay lúc này.
Về tác giả:
Mark là một cây bút chuyên viết về các chủ đề tâm lý. Anh có nhiều bài viết chất lượng cho các trang tin hàng đầu như Huffington Post, CNN Travel, Forbes, và Good Men Project. Anh chán ghét lối viết truyền thống “Tôi là chuyên gia, bạn là người có vấn đề. Làm như thế này để sửa lỗi đi” và dùng cách viết “Tôi cũng như bạn, cũng mắc đầy lỗi. Mỗi khi gặp sự cố, tôi làm thế này này, bạn áp dụng thử xem có hiệu quả không. Vẫn không hiệu quả? Kệ m* nó đi”. Lối viết này của anh khiến mọi người rất thích thú và luôn hào hứng đón đọc bài viết mới của anh.
Theo Mark Manson | Nguồn: Ybox.vn