Tri hành hợp nhất

Tri hành hợp nhất (hiểu biết và thực hành phải đi đôi với nhau) có nghĩa là đạo lý nhận biết sự vật không thể tách rời với việc thực hành. Tri là chỉ cảm nhận của nội tâm, là sự nhận biết về sự vật; hành là chỉ hành động thực tế của con người. Sự hiểu biết và thực hành phải đi đôi với nhau không phải lấy hiểu biết để hợp nhất vào thực hành, cho rằng hiểu biết chính là thực hành, cũng không phải lấy thực hành để hợp nhất vào hiểu biết, cho rằng thực hành chính là hiểu biết, mà là bên trong có hiểu biết đúng đắn thì bên ngoài sẽ có thực hành tốt, hiểu biết là nền tảng, là tiền đề, thực hành là trọng điểm, là mấu chốt.

Tri hành hợp nhất là mệnh đề về nhận thức luận và thực tiễn luận trong triết học cổ đại, chủ trương hành vi bên ngoài của con người chịu sự chi phối của ý thức bên trong, cho rằng chỉ có những người thực lòng hướng tới cái thiện và đạt được hiểu biết đúng đắn thì mới có được thực hành tốt tự phát ra bên ngoài.

Cách vật trí tri

“Cách vật trí tri (nghiên cứu đến cùng để hiểu về sự vật)” có xuất xứ Đại học, thể hiện một tinh thần suy xét và nghiên cứu vấn đề tường tận, được gọi là “Tám điều” trong Đại học cùng với thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Cách vật trí tri với hàm nghĩa cơ bản là dùng những kiến thức mà mình học được để phân tích và phán đoán những nhân vật và sự vật xung quanh, từ đó xây dựng nên thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan. Có nghĩa bóng là hiểu được “bản tâm (tâm tư nguyện vọng của mình)”, phân biệt được phải trái thật giả, và hiểu bản thân nhiều hơn khi cư xử với những người và sự vật xung quanh, tìm được vị trí thích hợp hơn cho bản thân mình.

Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ

“Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ (tu dưỡng bản thân trước, quản lý gia đình sau, tiếp theo cai trị đất nước, cuối cùng khiến cho thiên hạ thái bình)” có xuất xứ từ Đại học, ý chỉ lấy sự tu dưỡng bản thân làm nền tảng, trước hết quản lý gia đình mình cho tốt đẹp, sau đó thực hiện nhân chính và đức trị để cai trị đất nước cho có kỷ cương, phép nước rồi tiến tới vỗ yên và trị vì trăm họ, cuối cùng khiến cho thiên hạ thái bình. Trong quá trình mở rộng từng cấp độ, đức tính và sự tu dưỡng của cá nhân gắn kết chặt chẽ với hoài bão ở các cấp độ khác nhau. Đây là mệnh đề quan trọng về triết học và hoài bão chính trị của Nho gia thời cổ đại, cũng là sự khái quát về “đại học chi đạo (đạo của đại học)”, đã thể hiện quan niệm chính trị đạo đức tiến dần từng bước từ cá nhân đến gia đình, rồi đến đất nước, cuối cùng là đến thiên hạ của tư tưởng Nho gia.

Nhất hoa độc phóng bất thị xuân, bách hoa tề phóng xuân mãn viên

“Nhất hoa độc phóng bất thị xuân, bách hoa tề phóng xuân mãn viên (một nhành hoa nở chẳng nên xuân, trăm hoa đua nở xuân đầy vườn)” có xuất xứ từ Cổ kim hiền văn, có nghĩa là chỉ có một nhành hoa nở không được coi là mùa xuân đã về, mà đến lúc trăm hoa đua nở mới thực sự là sắc xuân đầy vườn. Câu này với nghĩa bóng là nếu trên thế giới chỉ có một loài hoa, vậy thì cho dù loài hoa này đẹp đến mức nào đi chăng nữa thì cũng được coi là đơn điệu. Sở dĩ quan niệm này được lưu truyền rộng rãi, chính là vì có chứa đựng triết lý sâu sắc: Thứ nhất là đã trình bày quan hệ biện chứng giữa chỉnh thể và bộ phận, “nhất hoa (một nhành hoa)” là bộ phận, còn “bách hoa (trăm hoa)” là chỉnh thể, chức năng của bộ phận tương đối nhỏ và cần phải được dẫn dắt bằng chỉnh thể; thứ hai là đã thể hiện quan điểm về mối liên hệ của sự vật, mối liên hệ có tính phổ biến, “nhất hoa” và “bách hoa” liên hệ với nhau, vì vậy phải tôn trọng tính đa dạng của nền văn hoá; thứ ba là đã nói rõ sự phát triển thay đổi của sự vật là điều khách quan, “bách hoa tề phóng (trăm hoa đua nở)” là điều tất nhiên, vì vậy phải thuận theo trào lưu lịch sử.

Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại

“Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại (biển nạp trăm sông, chứa được mới lớn)” có xuất xứ từ một câu đối dùng để răn mình của anh hùng dân tộc Lâm Tắc Từ, có nghĩa là phải có tấm lòng rộng rãi và đức tính bao dung như biển cả có thể dung nạp sông suối nhiều vô kể. Quan niệm này là một sự tự giác về mặt đạo đức để xử lý một cách khéo léo mối quan hệ với người khác và mưu cầu xã hội hài hoà trên cơ sở chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của cá thể và xã hội, nhưng lại không phải là cố tình dung túng hoặc thoả hiệp vô nguyên tắc. Câu này nhắc nhở người ta rằng khi lập thân xử thế nhất là khi làm quan và quản lý đất nước, phải có tấm lòng rộng mở, vui lòng lắng nghe các loại ý kiến, đối xử với sự vật khác nhau một cách khoan dung, giống như biển cả dung nạp sông suối nhiều vô kể, chỉ có như vậy thì mới có thể vun đắp nên phẩm cách vĩ đại, làm nên sự nghiệp vĩ đại.

Học hỏi và tham khảo lẫn nhau

Học hỏi và tham khảo lẫn nhau là chỉ học hỏi và tham khảo lẫn nhau, lấy dài bù ngắn, cùng nhau phát triển trên cơ sở tôn trọng những sự khác biệt như tính đa dạng của nền văn minh, tính đa dạng của đường lối và trình độ phát triển không đồng đều, v.v. Học hỏi và tham khảo lẫn nhau là yêu cầu bản chất trong sự phát triển của nền văn minh, nên được thực hiện một cách đồng đẳng, bình đẳng, đa nguyên và đa chiều, chứ không phải cưỡng chế, bắt buộc, đơn nhất và một chiều. Các nước nên phá vỡ rào cản giao lưu văn hoá với tấm lòng rộng lớn, hấp thụ chất dinh dưỡng của các nền văn minh khác với thái độ tiếp thu mọi cái hay dở, thúc đẩy các nền văn minh cùng nhau tiến về phía trước trong sự giao lưu và tham khảo lẫn nhau.

Vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại, đạo tịnh hành nhi bất tương bội

“Vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại, đạo tịnh hành nhi bất tương bội (vạn vật cùng lúc sinh trưởng mà không làm hại nhau, các đạo đồng thời thi hành mà không trái nhau)” có xuất xứ từ Trung dung, quan niệm này đã trình bày rõ ràng phương thức nhận thức thế giới cơ bản của người xưa, đó chính là vạn vật đua nhau sinh trưởng mà không làm hại nhau; nhật nguyệt vận hành, bốn mùa thay nhau đều có quy luật của riêng mình mà không xung đột với nhau.

Vật chi bất tề, vật chi tình dã

“Vật chi bất tề, vật chi tình dã (sự vật không đều nhau, là cái lẽ của sự vật)” có xuất xứ từ Mạnh Tử, ý chỉ sự vật có khác biệt rất lớn, đây là tình hình khách quan và quy luật tự nhiên. Quan niệm này nhấn mạnh tính khác biệt của sự vật, nói với người ta rằng không cần coi sự khác biệt là cái khác thường, mà nên lấy sự khác biệt làm sự bổ sung để cho mình lấy dài bù ngắn.