Ôn cố nhi tri tân

“Ôn cố nhi tri tân (xét cũ mà biết mới)” có xuất xứ từ Luận ngữ, có nghĩa là ôn lại những tri thức đã có và đạt được những hiểu biết và nhận thức mới. Người xưa có hai cách lý giải chính về “ôn cố nhi tri tân”: Thứ nhất, coi “ôn cố (xét cũ)” và “tri tân (biết mới)” là hai phương diện ngang hàng, cho rằng khi “xét cũ” thì sẽ từng bước có được những kiến thức mới, “biết mới” được thực hiện trong quá trình “xét cũ”. Thứ hai, coi “xét cũ” là tiền đề và nền tảng của “biết mới”, cho rằng không “xét cũ” thì sẽ không thể “biết mới”, “mới” là sự phát triển của “cũ” và đã loại bỏ những quan niệm cũ kỹ hủ bại trong đó.

Hậu tích bạc phát

Hậu tích bạc phát (tích luỹ nhiều, dùng ít một) tức là tích luỹ một cách đầy đủ rồi bỏ ra từng ít một, thường dùng để chỉ việc nghiên cứu khoa học hoặc sáng tác văn nghệ, v.v. trước hết phải tiếp thu rộng rãi những kiến thức và thành quả sẵn có của người đi trước, để khi nào tích luỹ được nhiều và nền tảng vững chắc thì mới từng bước thực hiện nghiên cứu khoa học hoặc sáng tác văn nghệ, cố gắng đưa ra những kiến giải độc đáo hoặc thực hiện sáng tạo trên cơ sở của người đi trước. Cũng dùng để chỉ một quốc gia, một doanh nghiệp từng bước bắt đầu thể hiện sức mạnh, sức sáng tạo của mình và mở ra cục diện mới, v.v. qua sự tích luỹ lâu dài trong một lĩnh vực hoặc một phượng diện nào đó. Với nội hàm cốt lõi là bất cứ làm việc gì cũng không thể mong muốn thành công ngay, cần chú trọng tích luỹ, chuẩn bị đầy đủ thì mới có thể làm tốt công việc.

Học như cung nỗ, tài như tiễn tộc

“Học như cung nỗ, tài như tiễn tộc (học thức như cung nỏ, tài năng như đầu tên)” có xuất xứ từ Tục thi phẩm – Thượng thức của Viên Mai, nhà phê bình thơ ca thời nhà Thanh, với đại ý là học thức giống như cung nỏ, tài năng giống như đầu tên, học thức quyết định tài năng, giống như cung nỏ định hướng cho mũi tên rồi bắn ra thì mới có thể bắn vào hồng tâm. Bất kể là đọc tác phẩm của người khác hay là tự mình sáng tác, trình độ học thức cao thấp và nông sâu đều ảnh hưởng trực tiếp đến trình độ thưởng thức và hiệu quả sáng tác. Do vậy, trong học tập thường ngày, chúng ta cũng phải rèn giũa để có được những kiến thức dồi dào vững chắc, như vậy mới có thể sử dụng tốt hơn tài năng của mình để hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ.

Bác học chi, thẩm vấn chi, thận tư chi, minh biện chi, đốc hành chi

“Bác học chi, thẩm vấn chi, thận tư chi, minh biện chi, đốc hành chi (học cho rộng, hỏi cho kỹ, nghĩ cho cẩn thận, phân biệt cho sáng rõ, làm cho hết sức )” có xuất xứ từ Trung dung. Bác học tức là học cho rộng; thẩm vấn tức là hỏi cho kỹ, đặt câu hỏi đúng nơi; thận tư tức là chịu khó suy nghĩ cẩn thận; minh biện tức là phân biệt cho sáng rõ; đốc hành tức là dùng những kiến thức đã có được và những tư tưởng đã hình thành từ việc học tập để chỉ đạo thực tiễn. Câu nói này đã xác định rõ ràng năm giai đoạn trong quá trình từ “học” đến “hành”, mà cũng là năm cấp độ tiến dần theo tuần tự.

Tích thiện thành đức

“Tích thiện thành đức (tích luỹ những việc thiện nhỏ thành đạo đức cao thượng)” có xuất xứ từ Tuân Tử, có nghĩa là thường xuyên làm việc tốt, luôn tích luỹ những việc thiện nhỏ thành đạo đức cao thượng thì sẽ hình thành một phẩm chất đạo đức cao thượng.

Chính khí hạo nhiên

“Hạo nhiên chi khí (chính khí hạo nhiên)” có xuất xứ từ Mạnh Tử, dùng để chỉ người đọc sách, có khí phách cương trực mạnh mẽ mà tràn đầy trong sự sống, là một khí phách hùng mạnh, vững bền, phù hợp với đạo nghĩa, được phát ra từ bên trong đến bên ngoài.

Vô dục tắc cương

“Vô dục tắc cương (không có dục vọng thì cương nghị bất khuất)” bắt nguồn từ sự đánh giá của Khổng Tử đối với học trò của ông trong Luận Ngữ: “Khổng Tử nói:‘Ta chưa từng thấy người có tính tình cương nghị.’. Một người có dục vọng thì sẽ khó có được tính tình kiên cường mạnh mẽ. “Dục” ở đây là chỉ các ham muốn cá nhân và lòng tham; “cương” tức là ngay thẳng, chính trực.

Thượng thiện nhược thuỷ

“Thượng thiện nhược thuỷ (nước là thiện nhất)” có xuất xứ từ Đạo đức kinh, ý chỉ những đạo đức và hành động thiện lành nhất giống như tính nết của dòng nước, âm thầm nuôi dưỡng vạn vật trên đời mà không hề tranh giành với ai. Lão Tử đem tính nết mềm yếu của dòng nước so sánh với phẩm chất đạo đức mà một người cầm quyền chí thiện cần có. Người cầm quyền nên đối xử với trăm họ như dòng nước với vạn vật, nên giúp đỡ, hỗ trợ trăm họ chứ không tranh giành với họ, về sau thường được dùng để chỉ việc một người khi ứng xử với người khác và thế giới bên ngoài có thể hết lòng hết sức giúp đỡ người khác chứ không hề tranh giành danh lợi như dòng nước tưới đều vạn vật, hoặc là có phẩm cách kiên nhẫn, khiêm tốn