“Kính nghiệp lạc quần” có xuất xứ từ Lễ ký, ý chỉ chăm chỉ, kính cẩn với sự việc của mình, chung sống hài hòa với những người xung quanh. “Nghiệp” vốn là chỉ học hành, cũng có thể được hiểu là nghề nghiệp, công việc và phận sự của mình; “quần” vốn là chỉ bạn học, bạn bè, cũng có thể được hiểu là một nhóm hoặc xã hội. “Kính nghiệp” nhấn mạnh tính chất nghiệp vụ còn “lạc quần” thì nhấn mạnh tính chất xã hội.
Quan Niệm Văn Minh
Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích
“Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích (tự mãn chiêu mời tai họa, khiêm tốn thì được hưởng lợi)” có xuất xứ từ Thượng thư, có nghĩa là kiêu ngạo tự mãn sẽ chiêu mời tai họa, khiêm tốn cẩn trọng thì sẽ thu được lợi ích. “Mãn” tức là tự mãn, tự phụ; “khiêm” tức là “kính”, kính cẩn từ đáy lòng. Người xưa cho rằng, tất cả mọi sự vật đều không ngừng thay đổi, cái hay và cái dở, sự thành và bại có thể chuyển hoá cho nhau; con người phải tiến cùng thời đại, không ngừng nỗ lực, không thể thoả mãn trước những thành tích đã đạt được rồi giậm chân tại chỗ; phải khiêm tốn cẩn trọng và có tấm lòng rộng mở, luôn luôn khắc phục những khiếm khuyết của bản thân.
Tòng thiện như đăng, tòng ác như bâng
“Tòng thiện như đăng, tòng ác như bâng (thuận theo cái thiện khó như leo núi, luồn cúi trước cái ác dễ như núi lở)” có xuất xứ từ Quốc ngữ, đại ý là chỉ thuận theo cái thiện thì gian nan, khó khăn như leo núi, luồn cúi trước cái ác thì nhanh chóng, dễ dàng như núi lở. Làm điều thiện là khó, làm điều ác thì dễ là câu châm ngôn để khuyên răn mọi người của tiên hiền thời xưa. Muốn loại bỏ cái ác và thuận theo cái thiện, một là phải xây dựng “đê phòng hộ” với niềm tin mạnh mẽ trong lòng, hai là phải có sự giám sát và nhắc nhở. Xây dựng ý chí kiên định và thận trọng là điều hết sức thiết yếu đối với tầng lớp thanh niên.
Ngô nhật tam tỉnh ngô thân.
“Ngô nhật tam tỉnh ngô thân (mỗi ngày tự kiểm điểm ba lần)” có xuất xứ từ Luận ngữ, ý chỉ mỗi ngày tự kiểm điểm, xem xét lại bản thân mình nhiều lần để phát hiện những khuyết điểm và bù đắp những khiếm khuyết của mình. Nho gia cho rằng việc xác định đức hạnh được quyết định bởi những nỗ lực và theo đuổi của bản thân, do vậy phải luôn tự kiểm điểm những lời nói và suy nghĩ của mình và coi đây là phương pháp cơ bản để tu dưỡng đạo đức.
Ngôn tất tín, hành tất quả
“Ngôn tất tín, hành tất quả (đã nói là phải giữ lời, đã làm là phải có hiệu quả)” có xuất xứ từ Luận ngữ, có nghĩa là nói lời nhất định phải giữ chữ tín, làm việc thì nhất định phải có hiệu quả. Khi sử dụng câu thuật ngữ này, hậu thế thường nhấn mạnh một người nên coi trọng chữ tín, làm việc đến nơi đến chốn, không những phải thực hiện lời hứa mà lời nói phải đi đôi với hành động.
Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu
“Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu (khi cùng tận thì sẽ biến hoá, có biến hoá thì mới thông đạt, đã thông đạt thì mới lâu bền)” có xuất xứ từ Chu dịch – Hệ từ hạ, ý chỉ sự vật phát triển đến cực điểm thì ắt sẽ biến hoá, sau khi biến hoá thì mới có thể thông đạt, đã thông đạt thì mới có thể lâu bền, đây là một nhận thức về quy luật thay đổi của sự vật. Cũng có nghĩa là sự vật luôn thay đổi không ngừng và sẽ chuyển sang hướng đối lập khi cùng tận. Con người nên nắm bắt quy luật thay đổi của sự vật này, tìm kiếm cơ hội thay đổi khi đạt đến cùng cực, thúc đẩy sự thay đổi của sự vật để thực hiện sự phát triển thông đạt, lâu bền. Quan niệm này đã khái quát một đặc trưng cơ bản về sự thay đổi của tự nhiên, tức mọi sự vật phát triển đến giai đoạn nhất định thì sẽ gặp phải nút thắt cổ chai, những điều kiện có lợi vốn có cũng sẽ trở thành những cản trở cho sự phát triển tiếp theo. Lúc này thì phải chủ động thích ứng để tìm kiếm đường lối phát triển mới trong sự thay đổi, và đảm bảo các công việc, sự nghiệp được phát triển ổn định, bền vững thông qua việc thực hiện sự điều chỉnh liên tục, năng động.
Lộ mạn mạn kỳ tu viễn hề, ngô tương thượng hạ nhi cầu sách
“Lộ mạn mạn kỳ tu viễn hề, ngô tương thượng hạ nhi cầu sách (đường mênh mông và xa xôi này, ta sẽ chịu khó tìm tòi)” có xuất xứ từ “Ly Tao” của Khuất Nguyên, với đại ý là về việc theo đuổi chân lý, đường đi phía trước vẫn còn mênh mông xa xôi, nhưng tôi sẽ bền chí bất khuất, dốc hết sức mình để theo đuổi và tìm tòi.
Thiên lý chi hành, thuỷ vu túc hạ
“Thiên lý chi hành, thuỷ vu túc hạ (hành trình ngàn dặm, bắt đầu từ bước chân)” có xuất xứ từ Đạo đức kinh, có nghĩa là cho dù hành trình xa ngàn dặm thì cũng phải được bắt đầu từ bước chân. Câu này thường được dùng để hình dung những việc lớn đều là được phát triển và diễn biến dần từ việc nhỏ, dù mục tiêu có lớn đến đâu thì cũng phải bắt đầu làm từ từng việc nhỏ và được thực hiện từng bước; với nghĩa bóng là bất cứ làm việc gì thì cũng phải bắt đầu từ đầu, một sự khởi đầu tốt luôn là điều then chốt cho sự thành bại của sự việc, những lý tưởng và hoài bão cao xa cần được thúc đẩy một cách vững chắc, thiết thực thì mới có thể hoàn thành được những nhiệm vụ đã đặt ra.