Thân nhân thiện lân

“Thân nhân thiện lân (thân cận với đức nhân, giao hảo với lân bang)” có xuất xứ từ Tả truyện, ý chỉ việc thân cận với người có đức nhân, quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng là một nguyên tắc mà mỗi cá nhân và quốc gia cần phải kiên trì. Quan niệm này nhấn mạnh “thân nhân” là nền tảng để xây dựng quan hệ “thiện lân”, tức hai bên đều nên tuân theo đức nhân, điều này đã thể hiện quan niệm quan hệ quốc tế với sự thống nhất giữa tính nguyên tắc và tính thiết thực, thể hiện tinh thần cơ bản tôn sùng chữ “nhân” và “hiệp hoà vạn bang”.

Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm thiện thiên hạ

“Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm thiện thiên hạ (nghèo thì chỉ lo cho mỗi bản thân mình, khi hiển đạt thì làm phúc cho thiên hạ)” có xuất xứ từ Mạnh Tử, ý chỉ khi bất đắc chí thì phải giữ mình trong sạch và tu dưỡng phẩm hạnh đạo đức, khi đắc chí thì phải đem lại sự giúp đỡ và lợi ích cho tất cả mọi người trong thiên hạ.

Hậu đức tải vật.

“Hậu đức tải vật (đức dày nâng đỡ vạn vật)” có xuất xứ từ Chu dịch, ý chỉ người nên lấy đức tính rộng lượng để nâng đỡ vạn vật hoặc người khác trong thiên hạ. “Hậu đức tải vật” thể hiện sự theo đuổi của người xưa về sự tu dưỡng đạo đức của bản thân và sự thống nhất hài hoà giữa con người với tự nhiên và xã hội.

Đạo pháp tự nhiên

“Đạo pháp tự nhiên (thuận theo tự nhiên)” có xuất xứ từ Đạo đức kinh. “Tự nhiên” là chỉ trạng thái tự chủ, thư thái của sự vật. “Đạo” sáng tạo và nuôi dưỡng vạn vật, nhưng “đạo” không hề chỉ huy và điều khiển vạn vật, mà là noi theo, thuận theo cái “tự nhiên” của vạn vật. “Đạo pháp tự nhiên” đã vạch rõ đặc tính của cả vũ trụ, bao gồm thuộc tính căn bản của tất cả các sự vật trong trời đất, tức vạn sự vạn vật trong trời đất và vũ trụ đều noi theo hoặc tuân theo quy luật “tự nhiên mà vậy”. Mối quan hệ giữa “đạo” với vạn vật được thể hiện bằng mối quan hệ giữa nhà cầm quyền với trăm họ, nhà cầm quyền nên tuân theo yêu cầu của “đạo”, hạn chế và không sử dụng quá mức quyền lực của mình, noi theo, thuận theo trạng thái tự nhiên của trăm họ bằng phương thức vô vi. “Đạo pháp tự nhiên, thiên nhân hợp nhất” là quan niệm sinh tồn nội tại của nền văn minh, là trí tuệ mưu cầu sự cộng sinh hài hoà giữa con người với thiên nhiên.

Thiên nhân hợp nhất

“Thiên nhân hợp nhất (trời và con người là một)” là một thế giới quan và lối tư duy cho rằng trời, đất và người liên thông với nhau. Mạnh Tử cho rằng, thông qua tâm đắc và sự suy ngẫm có thể hiểu biết về bản tính và trời, tâm, tính và trời thống nhất với nhau; Lão Tử chủ trương, “nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên (người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên)”. Họ đều nhấn mạnh mối quan hệ nhịp nhàng, thống nhất giữa người và thế giới tự nhiên, tức là mối liên hệ mang tính chỉnh thể và nội tại giữa trời đất và con người, thể hiện con người trong sự liên hệ với trời. Là một bộ phận cấu thành quan trọng trong tư tưởng văn hoá “hoà”.

Bất hoạn quả như hoạn bất quân, bất hoạn bần như hoạn bất an

“Bất hoạn quả như hoạn bất quân, bất hoạn bần như hoạn bất an (không lo thiếu mà lo không công bằng, không lo nghèo mà lo không yên ổn)” có xuất xứ từ Luận ngữ, với đại ý là đối với một quốc gia, không cần lo về việc không có nhiều đất đai, tài sản và dân số, mà nên lo cho việc tài sản xã hội phân phối không đồng đều và cuộc sống nhân dân không yên ổn.

Quốc thái dân an

“Quốc thái dân an (đất nước thái bình, nhân dân yên vui)” có xuất xứ từ Mộng lương lục, có nghĩa là đất nước thái bình và không rối loạn, xã hội hài hoà và yên ổn, nhân dân có cuộc sống hạnh phúc.

Thiên thời, địa lợi, nhân hoà

“Thiên thời, địa lợi, nhân hoà (khí hậu có lợi, địa hình có lợi, nhân ủng hộ)” bắt nguồn từ câu: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hoà” trong Mạnh Tử. Ngoài ra, Tôn Tẫn binh pháp cũng nói rằng: “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà, nếu không có được cả ba yếu tố này thì cho dù giành được thắng lợi tạm thời cũng sẽ để lại tai hoạ”. Quan niệm này nhấn mạnh cần xem xét đầy đủ các yếu tố như điều kiện khí hậu tự thiên, môi trường địa lý và sự ủng hộ. “Thiên thời” vốn là chỉ khí hậu có lợi khi tác chiến, phiếm chỉ các điều kiện có lợi về thời gian, trong đó bao gồm thời tiết, thời cơ và cơ hội, v.v.; “địa lợi” vốn chỉ địa hình có lợi khi tác chiến, phiếm chỉ các điều kiện có lợi về không gian, trong đó bao gồm địa hình, địa thế và vị trí, v.v.; “nhân hoà” vốn là chỉ nhận được sự ủng hộ của con người, trên dưới đồng lòng, đoàn kết nhất trí, phiếm chỉ thế mạnh về con người. Người xưa cho rằng, chúng là ba yếu tố quan trọng nhất liên quan đến sự thành bại, trong đó quan trọng nhất là “nhân hoà”. Quan niệm này đã phản ánh ba góc độ cơ bản trong khi xem xét vấn đề, đó là thời gian (thời cơ), không gian (môi trường) và con người, thể hiện quan niệm cơ bản “lấy nhân làm gốc”.