Nghiên cứu về con người thường xuyên làm những việc phi lý trí như thế nào đã đủ giúp cho nhà tâm lý học Daniel Kahneman giành được giải Nobel kinh tế, và nó mở ra lĩnh vực về kinh tế học hành vi đang phát triển nhanh chóng. Những hiểu biết sâu sắc tương tự cũng định hình lại tất cả mọi thứ từ marketing cho đến ngành tội phạm học.
Hy vọng giúp bạn lần ra manh mối của những thành kiến đó đã định hình các quyết định của bạn như thế nào, chúng tôi đã thu thập được một danh sách dài gồm những thành kiến nhận thức đáng chú ý nhất.
1. Cảm xúc suy nghiệm (Affect heuristic)
Cách bạn cảm nhận ảnh hưởng đến cách bạn giải thích thế giới.
Lấy ví dụ, nếu các từ rake, take, và cake chạy nhanh qua màn hình máy tính trong 1/30 giây.
Bạn sẽ nhận ra từ nào?
Nếu bạn đang đói, nghiên cứu cho rằng tất cả những gì bạn thấy là cái bánh (cake).
2. Thành kiến “bám chặt” một điểm/ Mỏ neo (Anchoring bias)
Đố bạn biết Abraham Lincoln sinh vào thời gian nào? Nếu năm sinh của ông này không bật ra từ bộ nhớ của bạn ngay tức thì, và pin chiếc smartphone của bạn thì vừa mới tịt, làm sao bạn trả lời câu hỏi trên được? Có thể bạn biết rằng ông này là Tổng thống trong thời Nội Chiến Nam Bắc hồi những năm 1860 và ông là Tổng thống Mỹ đầu tiên bị ám sát. Khi nhìn vào Đài tưởng niệm Lincoln tại Washington, bạn không thấy một chàng thanh niên trẻ trung, hoạt bát, nhưng là một thứ gì đó gần giống hơn với một cựu chiến binh sáu chục tuổi đầy mệt mỏi. Đài tưởng niệm một danh nhân phải miêu tả ông ta vào đỉnh cao quyền lực chính trị, tức ở đây là vào tuổi 60. Ta cùng giả định rằng Lincoln bị ám sát vào giữa thập niên 1860, nên ta đoán 1805 hẳn là năm ông sinh ra đời (đáp án đúng là năm 1809). Vậy ta đã giải quyết vấn đề ra sao? Ta tìm thấy một chiếc mỏ neo (anchor) để giúp chúng ta – năm 1865 – và từ đó ta đưa ra một dự đoán có học thức.
Bất cứ khi nào ta phải đoán một thứ gì đó – độ dài sông Mississippi, mật độ dân số ở Nga, số nhà máy hạt nhân ở Pháp – ta sử dụng những chiếc mỏ neo. Chúng ta bắt đầu với một thứ gì đó mà chúng ta chắc chắn và từ đó dấn thân vào lãnh địa xa lạ. Ta có thể làm khác đi không nào? Chỉ cần chọn một con số nảy ra từ trong óc mình chăng? Điều đó hẳn thật là phi lý.
Thật không may, chúng ta cũng dùng những chiếc mỏ neo vào những khi ta không cần đến. Lấy ví dụ, một hôm nọ, trong giờ giảng, một giáo sư đặt một chai rượu nho lên bàn. Ông yêu cầu các sinh viên của mình viết ra 2 chữ số cuối trong số Mã An Sinh Xã Hội (Social Security Number) của họ, rồi sau đó xác định xem liệu họ có sẵn lòng trả mức tiền tương ứng 2 chữ số trên để mua chai rượu vang nọ. Trong cuộc bán đấu giá sau đó, các sinh viên có những con số cao hơn đặt mức giá gần như gấp đôi số sinh viên với những con số thấp hơn. Những chữ số An sinh Xã hội hoạt động như một chiếc mỏ neo – mặc dù theo một cách ẩn khuất và sai lệch.
Nhà tâm lý học Amos Tversky đã tiến hành một thí nghiệm trong đó có một bánh xe may mắn (wheel of fortune). Ông mời những người tham dự quay nó một lượt, sau đó phỏng vấn họ xem nước Mỹ có bao nhiêu tiểu bang. Dự đoán của họ xác nhận cho hiệu ứng mỏ neo: Những ước đoán cao nhất đến từ những người đã quay trúng những con số cao trên bánh xe.
2 nhà nghiên cứu Russo và Shoemaker đã hỏi các sinh viên có biết Bạo chúa Attila của nước Hung Nô bị thất bại liểng xiểng tại châu Âu vào năm nào? Cũng như ví dụ về Số An sinh Xã hội ban nãy, những người tham dự bị neo lại – lần này là bởi vài con số cuối trong số điện thoại di động của họ. Kết quả là gì? Người nào có số cao hơn chọn những năm sau đó và ngược lại. (Nếu bạn muốn biết thì vua Attila băng hà vào năm 453.)
Một thí nghiệm khác: Các sinh viên và những người môi giới bất động sản chuyên nghiệp thực thụ được đi tham quan một ngôi nhà và họ phải ước tính giá trị căn nhà đó. Sẵn trước đó, họ được cung cấp thông tin về giá bán đã niêm yết (được tạo ngẫu nhiên). Đúng như kỳ vọng, hiệu ứng mỏ neo đã ảnh hưởng lên các sinh viên: giá bán càng cao, họ ước tính tài sản càng cao giá. Còn dân chuyên nghiệp thì sao? Liệu họ có định giá căn nhà một cách khách quan? Không, họ bị ảnh hưởng tương tự từ một giá mốc ngẫu nhiên. Giá trị một thứ gì đó càng không chắc chắn-như là bất động sản, cổ phiếu, hoặc nghệ thuật – kể cả các chuyên gia cũng càng dễ bị ảnh hưởng với những mốc neo hơn.
Mỏ neo thì nhan nhản, còn ta thảy đều bám chặt lấy chúng. “Giá bán lẻ đề xuất” in trên nhiều sản phẩm chẳng là gì hơn là một chiếc neo. Các chuyên gia bán hàng biết rằng họ phải thiết lập một mức giá ngay từ giai đoạn đầu – rất lâu trước khi họ nhận được một lời đặt hàng. Tương tự, người ta chứng minh rằng nếu như các giáo viên biết được học lực của học trò trong quá khứ, việc đó sẽ ảnh hưởng lên cách họ đánh giá học lực tương lai của chúng. Thứ hạng gần đây nhất đóng vai trò như một điểm khởi đầu.
Trong những năm mới vào nghề của mình, tôi có một sự hạn chế nhanh chóng (quick stint) tại một công ty tư vấn. Sếp của tôi là một dân pro khi vận dụng các mốc neo. Trong cuộc đàm thoại đầu tiên với mọi khách hàng, ông đảm bảo chốt một mức giá khởi điểm, theo đó, giá thành này gần như vượt quá các mức giá nội bộ của chúng tôi: “Tôi sẽ nói với ngài điều này ngay bây giờ để ngài bớt ngạc nhiên khi nhận được báo giá, thưa Ông-A-hay-B-gì-đó: Chúng tôi vừa mới hoàn thành một dự án tương tự cho một trong những đối thủ cạnh tranh của ngài và chi phí tầm 5 triệu đô la.” Chiếc neo đã được thả xuống: Chuyện thương lượng giá cả bắt đầu chính xác từ con số 5 triệu.
3. Thành kiến xác nhận (Confirmation bias)
Chúng ta có xu hướng chỉ nghe những thông tin xác minh những định kiến của chúng ta – đó là một trong nhiều lý do tại sao quá khó để có một cuộc trò chuyện thông minh về biến đổi khí hậu.
Gil muốn giảm cân. Anh chọn cho mình một chế độ ăn kiêng và kiểm tra quá trình của anh theo một thang đo vào mỗi sáng sớm. Nếu anh giảm được vài cân, anh tự khen ngợi mình và cho rằng mình đang ăn kiêng đúng. Nếu anh tăng cân lại, anh coi nó như biến đổi thường ngày rồi lờ nó đi. Vài tháng sau, anh chìm trong ảo giác rằng anh đã ăn kiêng tốt, dù khối lượng cơ thể anh vẫn giữ nguyên. Gil là một nạn nhân của thiên kiến xác nhận – mặc dù đây là dạng thức vô hại của nó.
“Thiên kiến xác nhận” là mẹ của tất cả quan niệm sai lệch. Đó là xu hướng diễn dịch thông tin mới sao cho thông tin ấy trở nên hợp lệ với các lý thuyết, niềm tin (conviction) và tín ngưỡng (belief) có sẵn. Nói cách khác, chúng ta lọc bỏ bất cứ thông tin mới nào mâu thuẫn với quan điểm hiện có của mình. (“chứng cớ phản bác”). Đây là một thực tế nguy hiểm. Nhà đầu tư tài giỏi Warren Buffet nhận định: “Điều con người đang làm tốt nhất là diễn dịch mọi thông tin mới sao cho các kết luận trước đó của họ vẫn nguyên vẹn.”
Thiên kiến xác nhận sống khỏe v à sống tốt trong thế giới kinh doanh. Một ví dụ: Một nhóm điều hành quyết định chọn một chiến thuật mới. Nhóm này ăn mừng nhiệt liệt bất cứ dấu hiệu nào cho thấy chiến thuật đang thắng lợi. Bất cứ nơi nào mà nhóm điều hành trông thấy, họ thấy đủ các bằng chứng xác nhận, trong khi các dấu hiện về phần ngược lại hoặc bị vô hình trong mắt họ hoặc nhanh chóng bị lờ đi như là những “ngoại lệ” hoặc “trường hợp đặc biệt”. Họ mù quáng trước các chứng cớ phản bác.
Bạn có thể làm gì? Nếu nghe ai đó thốt lên từ “ngoại lệ, thì hãy dỏng tai lên. Thường thì nó đang che giấu sự hiện diện của các bằng chứng phản bác. Ta nên nghe lời khuyên hữu ích của Darwin: Từ hồi còn trẻ, ông đã chuẩn bị để chiến đấu với thiên kiến xác nhận một cách hệ thống. Bất cứ khi một quan sát nào đó mâu thuẫn với lý thuyết của ông, ông tiếp nhận chúng một cách hết sức nghiêm túc và ghi chép ngay vào sổ của mình. Ông biết rằng não bộ chủ động “quên” các bằng chứng phản bác sau một thời gian ngắn. Khi xét thấy lý thuyết của mình càng ngày càng đúng, ông càng chủ động tìm kiếm các mâu thuẫn.
4. Hiệu ứng Bandwagon
Xác suất một người tin theo một niềm tin tăng lên dựa vào số lượng người tin vào niềm tin đó. Đây là một hình thức mạnh mẽ của tư duy tập thể (groupthink) – và đó là một lý do tại sao các cuộc họp là rất vô ích.
5. Điểm mù định kiến (Bias blind spots)
Không nhận ra những thành kiến nhận thức của bạn cũng là một thành kiến.
Nhà tâm lý học trường Princeton, Emily Pronin phát hiện thấy “các cá nhân nhìn thấy được sự tồn tại và hoạt động của những thành kiến nhận thức và động cơ ở những người khác nhiều hơn ở chính bản thân họ.”
6. Thành kiến ủng hộ sự lựa chọn (Choice-supportive bias)
Khi bạn lựa chọn một thứ gì đó, bạn có xu hướng cảm thấy tích cực về thứ đó, ngay cả nếu sự lựa chọn của bạn có những sai lầm. Bạn nghĩ rằng con chó của bạn là tuyệt vời – ngay cả nếu nó thỉnh thoảng cắn người khác – và những con chó khác là ngu ngốc vì chúng không phải chó của bạn.
7. Ảo giác gom nhóm (Clustering illusion)
Đây là xu hướng nhìn thấy những kiểu mẫu trong những sự kiện ngẫu nhiên.
Vào năm 1957, ca sĩ opera người Thụy Điển Friedrich Jorgensen mua một máy chơi băng để ghi lại giọng của mình. Khi ông nghe lại đoạn thâu âm, ông nghe thấy những tiếng nhiễu kỳ lạ trong đó, thì thầm như những thông điệp siêu nhiên. Vài năm sau đó, ông thu âm tiếng chim hót. Lần này, ông nghe thấy giọng người mẹ đã khuất của ông trong âm thanh nền đang thì thầm với ông: “Ôi! Fried bé bỏng của mẹ, con nghe tiếng mẹ chứ? Mẹ đây con.” Vậy đấy. Đời Jorgensen thay đổi từ lúc đó và ông đã dành trọn đời mình để liên lạc với người đã khuất qua những đoạn băng ghi âm.
Vào năm 1994, Diane Duyser từ bang Florida cũng có một cuộc gặp gỡ với thế giới bên kia. Sau khi cắn một mẩu bánh nướng và đặt lại xuống đĩa, bà thấy khuôn mặt của Đức Mẹ Đồng Trinh trên đó. Bà dừng ăn tức thì và cất thông điệp thần thánh (trừ miếng bị cắn) vào một chiếc hộp plastic. Vào tháng 11 năm 2004, bà bán đấu giá bữa ăn vẫn còn được bảo quản kỹ lưỡng của mình trên eBay. Miếng ăn của bà đem lại chủ nhân của nó 28,000 Đô-la Mỹ.
Diane Duyser và chiếc bánh có mặt Đức Mẹ Đồng Trinh
Vào năm 1978, một phụ nữ từ New Mixeco cũng có trải nghiệm tương tự. Các điểm đen trên chiếc bánh tortilla của bà hợp thành khuôn mặt Chúa Jesus. Báo chí đã đeo bám câu chuyện này, và hàng ngàn người lũ lượt kéo đến New Mexico để xem đấng cứu thế dưới hình hài chiếc bánh buritto. 2 năm trước đó, tức năm 1976, tàu vũ trụ Viking đã chụp từ trên cao một thành hệ đá (rock formation) trông như mặt người. “Khuôn mặt trên sao Hỏa” trở thành tít chạy trên khắp mặt báo thế giới.
Tortilla có mặt chúa Jesus
Còn bạn? Có bao giờ bạn thấy những khuôn mặt trong những đám mây hay viền nét của những loài thú trên những tảng đá? Tất nhiên rồi. Điều này hoàn toàn bình thường. Não người cố tìm kiếm các khuôn mẫu và quy tắc. Thực tế là, não lại tiến thêm một bước xa hơn: Nếu nó không tìm thấy khuôn mẫu quen thuộc nào, nó đơn giản sẽ tự sáng chế ra vài cái. Tín hiệu càng nhòe (diffuse), như là nhiễu nền trong băng ghi, não càng dễ tìm thấy “các thông điệp ẩn” trong đó. 25 năm sau khi người ta phát hiện “khuôn mặt trên sao Hỏa”, tàu thăm dò Sao Hỏa (Mars Global surveyor) gửi về các hình ảnh rõ nét, sinh động về các thành hệ đá: khuôn mặt người quyến rũ hóa ra là những quả đồi nham nhở mà thôi.
Những ví dụ phù phiếm trên đây khiến cho ảo giác gom nhóm (clustering illusion) có vẻ vô hại; nhưng thực ra là không. Lấy thị trường chứng khoán làm ví dụ, vốn cho ra những cơn lũ thông tin vô tích sự mỗi giây. Cười toét mang tai, anh bạn tôi bảo rằng y vừa khám phá ra một khuôn mẫu trong biển dữ liệu kia: “Nếu anh nhân tỷ lệ phần trăm sự thay đổi của Dow Jones với tỷ lệ phần trăm sự thay đổi của giá dầu, anh sẽ biết được sự dịch chuyển giá vàng trong vòng 2 ngày tới.” Nói cách khác, nếu giá cổ phiếu và giá dầu cùng nhau lên hay xuống, giá vàng sẽ lên trong ngày sau ngày mai. Lý thuyết của anh bạn tôi hoạt động tốt trong vài tuần, cho đến khi anh bắt đầu đầu cơ với một tổng số lớn hơn trước giờ và cuối cùng phung phí hết số tiết kiệm của ảnh. Anh đã cảm nhận một khuôn mẫu ở nơi vốn không tồn tại.
oxxxoxxxoxxoooxooxxoo. Đây là chuỗi ngẫu nhiên hay có định trước? Giáo sư tâm lý học Thomas Gilovich đã phỏng vấn hàng trăm người với câu hỏi này. Hầu hết không muốn tin rằng chuỗi trên được sắp xếp tùy ý. Họ đoán hẳn phải có một luật nào đó chi phối thứ tự các ký tự trên. Sai lầm, theo như Gilovich giải thích, và ông chỉ ra cho thấy trong trò tung xúc xắc: Có thể tung ra cùng một con số đến 4 lần liên tiếp khá dễ, điều này làm một số người bị mê hoặc. Hiển nhiên chúng ta gặp rắc rối trong việc chấp nhận những sự kiện như vậy có thể diễn ra hoàn toàn ngẫu nhiên.
Trong thế chiến II, quân Đức thả bom London. Trong các loại vũ khí, họ dùng các tên lửa V1, một loại máy bay không người lái tự dẫn đường (self-navigating drone). Với mỗi đợt tấn công, những vùng ảnh hưởng được đánh dấu cẩn thận trên bản đồ, và người London khiếp hãi: Họ nghĩ rằng họ khám phá được một khuôn mẫu và phát triển các lý thuyết về các vùng trong thành phố sẽ là nơi an toàn nhất. Tuy vậy, sau khi chiến tranh kết thúc, các khảo sát thống kê xác nhận rằng sự phân phối trên hoàn toàn ngẫu nhiên. Ngày nay nguyên nhân lý giải điều này khá rõ ràng: Hệ thống dẫn đường của tên lửa V1 vô cùng kém chính xác.
Khi nhận thức về một khuôn mẫu nào đó, chúng ta thường nhạy cảm thái quá. Hãy khôi phục thái độ hoài nghi của bạn. Nếu bạn nghĩ là bạn mới khám phá một khuôn mẫu nào, trước hết hãy cho rằng nó chỉ thuần ngẫu nhiên. Và nếu những phần bánh pancake giòn tan của bạn bắt đầu trông như khuôn mặt Chúa Jesus, hãy tự hỏi: Nếu thực sự Người muốn hiện thân, sao ngài không làm vậy ở Quảng Trường Thời Đại hay trên đài CNN?
9. Sự tuân theo (Conformity)
Đây là xu hướng con người tuân theo những người khác. Thành kiến này mạnh đến nỗi nó có thể khiến con người làm những việc lố bịch, buồn cười, như từng được chứng minh trong thực nghiệm của Solomon Asch.
Hỏi một đối tượng và nhiều đối tượng giả (người đang làm việc cho thực nghiệm viên) trong các đoạn thẳng B, C, D, và E, đoạn thẳng nào dài bằng đoạn A? Nếu tất cả các đối tượng giả trả lời là D dài bằng A, thì đối tượng thật sẽ đồng ý với câu trả lời sai đó tới 3/4 lần.
10. Tai hoạ của kiến thức
Khi người có nhiều kiến thức không thể hiểu được những người bình thường. Ví dụ, trong chương trình truyền hình “The Big Bang Theory,” thật khó để nhà khoa học Sheldon Cooper hiểu được cô phục vụ Penny của ông.
11. Đưa ra “mồi nhử” để dụ dỗ
Để giải thích về “hiệu ứng mồi” (decoy effect), nhà kinh tế học hành vi Dan Ariely đã lấy ví dụ về cách bán quảng cáo của hãng Economist.
Một ví dụ về “lựa chọn mồi” – decoy option
Hãng này đưa ra ba mức đăng kí quảng cáo như sau: 59 USD cho quảng cáo online (khoảng 1,3 triệu VND), 159 USD (khoảng 3,5 triệu VND) cho quảng cáo trên giấy và gói 159 USD nếu sử dụng cả quảng cáo giấy và online.
Ariely giải thích rằng gói quảng cáo giấy chỉ tồn tại với mục đích khiến gói quảng cáo kép trên giấy và online trở nên hấp dẫn hơn, kích thích khách hàng mua gói quảng cáo này.
Khi muốn kích cầu khách hàng, “lựa chọn mồi” sẽ là một phương pháp hữu hiệu
Nói một cách khác, khi bạn gặp khó khăn trong việc bán 2 sản phẩm với giá thành đắt, hãy tạo thêm một “lựa chọn thứ 3” sao cho các lựa chọn ban đầu trở nên “bớt đắt” và vì vậy hấp dẫn hơn đối với khách hàng.
12. Availability heuristic
Khi con người đánh giá quá mức tầm quan trọng của thông tin có sẵn đối với họ.
Ví dụ, một người có thể tranh cãi rằng hút thuốc không phải là không lành mạnh dựa trên cơ sở là ông nội của anh ấy đã sống tới 100 tuổi và đã hút 3 gói thuốc một ngày, một lập luận phớt lờ khả năng ông nội của anh ấy là một trường hợp ngoại lệ.
Tất cả những người bán xổ số đều sử dụng một định kiến đơn giản trong cách thức hoạt động của tâm lý con người, được gọi là định kiến về sự có sẵn (the availability bias). Đây là xu hướng đánh giá xác suất dựa trên sự xuất hiện dễ dàng của những ví dụ.
Khi các tổ chức xổ số đẩy mạnh quảng cáo về những người thắng giải xổ số, mọi người liên tục nghe tin về những người trúng độc đắc. Mặt khác, họ hầu như không nghe được gì về đại đa số những người không trúng giải. Do đó, mọi người giả định là họ có nhiều khả năng trúng số hơn thực tế. Trong xổ số của Anh được quảng cáo là “Người đó có thể là bạn”, tất nhiên câu này là đúng một cách nghiêm túc. Để nói toàn bộ sự thật thì bạn nên đọc là:” Người đó có thể là bạn, nhưng gần như chắc chắn sẽ không phải là bạn.”
Cá mập tấn công thì sao?
Định kiến này ảnh hưởng đến tất cả các phán quyết của chúng ta, dựa trên trí nhớ. Sau đây là một vài ví dụ.
Mọi người đánh giá họ có nhiều khả năng bị sát hại hơn là bị ung thư dạ dày, bởi vì những vụ sát hại được thông báo rất thường xuyên trên tin tức (Brinol et al., 2006). Thực tế thì bạn có khả năng chết vì ung thư dạ dày cao gấp 5 lần so với nguy cơ bị sát hại, dù nguy cơ bị ung thư dạ dày là khá hiếm.
Điều này cũng đúng với những cuộc tấn công của cá mập, mọi người nghĩ là nó xảy ra thường xuyên vì truyền thông đưa tin. Thực tế thì bạn có nhiều khả năng bị chết bởi một phần nào đó rơi khỏi máy bay (Read, 1995).
Khi 2 người bạn của bạn bị tai nạn xe cộ, bạn sẽ đánh giá con đường đó trở nên ít an toàn hơn và bạn cũng cảm thấy mình có nhiều khả năng bị một tai nạn.
Khi thông tin trở nên rõ ràng hơn, sinh động hơn hoặc dễ dàng hơn khi nhớ lại , thì nó sẽ ảnh hưởng đến cách thức chúng ta đánh giá về xác suất của sự kiện đó.Lý do chúng ta có định kiến này là thỉnh thoảng nó là một cách hiệu quả để đưa ra những quyết định nhanh chóng. Ví dụ, những sự kiện đáng ghi nhớ – như ngộ độc thực phẩm – dạy cho ta những bài học quan trọng (về những quán ăn rẻ tiền).
Vượt qua định kiến này như thế nào?
Thường thì định kiến về sự có sẵn làm chúng ta lo sợ nhiều hơn cần thiết. Có một cách để vượt qua nó, ví dụ: Có bao nhiêu người bạn biết mà:
Không bị sát hại?
Không trúng số?
Không bị giết bởi cá mập?
13. Khoảng cách thấu cảm (Empathy gap)
Đó là khi người ở trong một trạng thái tâm lý này không hiểu được người khác đang ở trong trạng thái tâm lý khác. Nếu bạn đang hạnh phúc thì bạn không thể hình dung được tại sao người khác lại bất hạnh. Khi bạn không cảm thấy hứng tình thì bạn không thể hiểu được bạn hành xử như thế nào khi bạn đang hứng tình.
14. Ảo tưởng tần suất (Frequency illusion)
Một từ, một cái tên hoặc vật bạn vừa mới học đột nhiên xuất hiện ở khắp mọi nơi. Bây giờ bạn đã biết từ SAT có nghĩa là gì, bạn nhìn thấy nó ở rất nhiều nơi!
15. Hiệu ứng quy cho căn bản (Fundamental attribution error)
Ở đây bạn quy hành vi của một người cho một phẩm chất nội tại của cô ấy hơn là quy cho tình huống mà cô ấy đang mắc phải. Ví dụ, bạn có thể cho rằng đồng nghiệp của bạn là một người hay cáu giận, trong khi thực tế cô ấy chỉ bực bội vì bị vấp ngón chân.
16. Hiệu ứng Pygmalion và hiệu ứng Galatea
Hay còn gọi là Self-fulfilling prophecy (lời tiên đoán tự trở thành hiện thực) được xem như một bí quyết quan trọng trong quản lý nhân sự. Nếu một người (hoặc chính ta) nghĩ ta thông minh hay ngu dốt hay sao đó, họ sẽ đối xử với ta theo cách mà họ nghĩ. Nếu ta được đối xử như thể ta thông minh hay ngu dốt hay sao đó, ta sẽ hành xử, và thậm chí trở thành như thế. Do vậy, những “tiên cảm” ban đầu của người đó về ta đã trở thành hiện thực! Tóm lại, một khi ý niệm đã hình thành, thậm chí ngay cả khi nó không đúng với thực tế, chúng ta vẫn có khuynh hướng hành xử theo đó. Và kỳ diệu thay, kết quả sẽ xảy ra đúng theo kỳ vọng đó, như thể có phép lạ!
Hiệu ứng Pygmalion được diễn giải qua bốn quá trình sau:
– Chúng ta hình thành kỳ vọng về con người hay sự kiện
– Chúng ta thể hiện kỳ vọng đó qua những tín hiệu giao tiếp, đối đãi…
– Người ta có khuynh hướng đáp lại những tín hiệu đó bằng cách điều chỉnh cách cư xử của họ cho phù hợp
– Kết quả là kỳ vọng ban đầu trở thành hiện thực
Kết quả trở lại tác động vào kỳ vọng ban đầu, tăng cường niềm tin vào những điều chúng ta đã nghĩ về con người/sự kiện đó. Bốn quá trình trên đây tạo nên vòng tròn cho “lời tiên đoán tự trở thành hiện thực” (the circle of self-fulfilling prophecies). Vòng lặp càng “quay” lại nhiều càng làm tăng cường ảnh hưởng của nó.
Hiệu ứng Pygmalion mang một ý nghĩa to lớn khi ứng dụng trong quản lý nhân sự và giáo dục, nhất là đối với việc giáo dục các trẻ cá biệt. Người ta thấy rằng nhân viên/học sinh có khuynh hướng thể hiện, hoàn thành công việc tốt hơn khi được cấp trên/thầy giáo tôn trọng, kỳ vọng, tin tưởng. Đôi khi người ta còn phân ra làm hai dạng: (1) Hiệu ứng Pygmalion – sức mạnh của sự kỳ vọng của cấp trên đối với nhân viên (hay thầy giáo đối với học sinh) và (2) hiệu ứng Galatea – sức mạnh của sự tự kỳ vọng (của nhân viên/học sinh vào bản thân mình). Người ta cho rằng hiệu ứng Galatea (năng lực của sự tự kỳ vọng) này còn thậm chí còn quan trọng hơn cả hiệu ứng Pygmalion. Do đó, người thầy giáo giỏi phải là người biết truyền cho học trò niềm tin và sự kỳ vọng vào bản thân mình.
17. Hiệu ứng hào quang (Halo effect)
Chúng ta lấy một thuộc tính tích cực của một ai đó và gắn nó với tất cả những thứ khác về người đó hoặc vật đó.
18. Thành kiến Dễ – khó (Hard-Easy bias)
Ở đó mọi người quá tự tin trong những vấn đề dễ và không đủ tự tin đối với những vấn đề khó.
19. Đàn đúm với nhau
Mọi người có xu hướng tụ tập lại với nhau, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn hoặc không chắc chắn.
20. Thiên lệch nhận thức muộn (Hindsight bias)
Não bộ luôn tự động và vô thức khiến các sự kiện và trải nghiệm xung quanh trở nên có ý nghĩa. Điều này khiến cho các sự kiện bất ngờ trở nên không còn bất ngờ, thậm chí trở thành tất yếu.
Hiện tượng này được gọi là “thiên lệch nhận thức muộn” hoặc “dự đoán theo sự thật đã xảy ra” (hindsight bias). Khi vướng phải lỗi này, nhiều người cho rằng họ thấy những sự kiện xảy ra đã được dự đoán trước với xác suất cao, mặc cho xác suất thực tế của sự kiện trong quá khứ là rất thấp.
Những ký ức dự đoán sự việc sẽ biến mất nên nhiều người sẽ tự tin cho rằng, họ đã dự đoán được điều đó ngay từ đầu – như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, hay kết quả cuộc bầu cử…
Sự thiên lệch này làm cho bạn tin sự kiện “có vẻ như” dễ đoán và dễ giải thích, qua đó làm dịu căng thẳng cho não bộ. Nhưng điều này lại ngăn cản suy nghĩ nhằm tìm ra giải pháp và gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hành vi trong tương lai.
Theo các chuyên gia, sự “thiên lệch muộn” chỉ xảy ra sau khi bạn gặp thất bại. Từ đó ngăn cản chúng ta suy nghĩ chống đối với những hành vi thay thế nhằm đảm bảo thành công từ những sự việc trong quá khứ.
21. Ảo tưởng kiểm soát
Khuynh hướng con người đánh giá quá cao khả năng kiểm soát các sự kiện của họ, như khi một fan thể thao nghĩ rằng những suy nghĩ hoặc hành động của anh ta có một tác động lên trận đấu.
22. Thành kiến thông tin (Information bias)
Xu hướng tìm kiếm thông tin khi nó không có ảnh hưởng đến hành động. Nhiều thông tin hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn. Quả thật, với ít thông tin hơn thì con người có thể đưa ra nhiều dự đoán chính xác hơn. Trong mẩu truyện ngắn “Del rigor en la ciencia”, chỉ gồm duy nhất một đoạn văn, Jorge Luis Borges mô tả một đất nước rất đặc biệt. Trong đất nước này, khoa học vẽ bản đồ phức tạp đến nỗi chỉ có những tấm bản đồ chi tiết nhất, bản đồ tỉ lệ 1:1, to bằng cả đất nước. Những người dân dần nhận ra rằng bản đồ như vậy không giúp họ nhìn thấu được cái gì cả, vì nó chỉ đơn thuần là một bản sao của những gì họ đã biết mà thôi. Bản đồ của Borges là một trường hợp đặc biệt của Thiên hướng thông tin, một ảo tưởng cho rằng nhiều thông tin có thể đảm bảo những quyết định đúng đắn hơn.
Cách đây không lâu khi tìm một khách sạn ở Miami, tôi đã liệt kê ra năm đề xuất tốt. Ngay lập tức, một khách sạn đã lọt vào mắt xanh của tôi, nhưng tôi vẫn muốn chắc rằng mình chọn nơi tốt nhất và tiếp tục tìm kiếm. Tôi đào bới hàng tá bài phê bình, bài blog và bấm xem không biết bao nhiêu hình ảnh cũng như đoạn phim. Hai tiếng sau, tôi đã có thể chắc chắn đâu là khách sạn tốt nhất : chính là nơi mà tôi đã thích ngay từ đầu. Cả núi thông tin thêm kia chẳng hề dẫn đến một quyết định tốt hơn. Trái lại, nếu thời gian là tiền bạc, thì tôi có lẽ đã đến ở khách sạn Four Seasons rồi.
Jonathan Baron của Đại học Pennsylvania hỏi các bác sĩ câu hỏi sau : một bệnh nhân có những triệu chứng biểu hiện khả năng 80% anh ta đang mắc bệnh A. Nếu không phải vậy thì anh ta mắc bệnh X hoặc Y. Cả ba căn bệnh đều nghiêm trọng như nhau, và các cách chữa đều cho ra những tác dụng phụ tương đồng. Là một bác sĩ, bạn sẽ đề xuất cách chữa nào? Theo logic thì bạn sẽ chọn bệnh A và đề xuất cách chữa tương ứng. Bây giờ giả sử có một cách chẩn đoán như sau, sau khi kiểm tra kết quả là “dương tính” nếu mắc bệnh X, và “âm tính” nếu mắc bệnh Y. Tuy nhiên, nếu người bệnh thực sự mắc bệnh A, kết quả sẽ có 50% khả năng “dương tính” và 50% khả năng “âm tính”. Bạn có đề xuất thực hiện kiểm tra không? Đa số bác sĩ nói có – mặc dù kết quả không hề có liên quan. Cứ cho rằng kết quả là dương tính, xác suất bệnh A vẫn cao hơn nhiều xác suất bệnh X. Thông tin thêm vẫn không đóng góp gì thêm cho quyết định. Bác sĩ không phải là những chuyên gia duy nhất có thiên hướng cần thông tin dư thừa. Các nhà quản lý và nhà đầu tư cũng rất ham muốn có nó. Có bao lần người ta làm hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác, trong khi cái sự thực đã rành rành trước mắt? Thông tin thêm không chỉ tốn thời gian và tiền bạc, nó còn đẩy bạn vào thế bất lợi.
Hãy xem xét câu hỏi này: thành phố nào đông dân hơn – San Diego hay San Antonio? Gerd Gigerenzer của Viện nghiên cứu Max Planck của Đức đặt ra câu hỏi này với các sinh viên Đại học Chicago và Đại học Munich. Sáu mươi hai phần trăm sinh viên Chicago đoán đúng: San Diego đông dân hơn. Nhưng, đáng ngạc nhiên hơn, tất cả các sinh viên Đức đều đoán đúng. Lý do: tất cả họ đều đã nghe về San Diego, nhưng không biết về San Antonio, vậy nên họ đã chọn thành phố thân thuộc hơn. Trong khi đó đối với các sinh viên Chicago, cả hai thành phố đều quen thuộc. Họ có nhiều thông tin hơn, và những thông tin đó đã đánh lạc hướng họ. Hoặc, xem xét việc hàng trăm hàng ngàn nhà kinh tế học – làm việc trong ngân hàng, viện chính sách, quỹ đầu cơ và chính quyền – và tất cả những giấy tờ mà họ đã xuất bản từ năm 2005 đến 2007, một thư viện tràn ngập các báo cáo nghiên cứu và mẫu toán học. Những xấp giấy bình luận đáng sợ. Những bài thuyết trình PowerPoint bóng bẩy. Cả terabyte thông tin trên dịch vụ tin tức Bloomberg và Reuters. Những điệu nhảy huyên náo tôn sùng vị thần thông tin. Tất cả đều là những việc làm sáo rỗng. Khủng hoảng kinh tế ập đến và làm đảo lộn thị trường toàn cầu, làm cho vô số các dự báo và bình luận trở nên vô nghĩa.
Hãy quên chuyện chất đống các dữ liệu. Hãy cố gắng tận dụng những thông tin thực tế đang có. Chúng sẽ giúp bạn có những quyết định đúng đắn hơn. Những kiến thức thừa thải không có giả trị gì cả, cho dù bạn có biết hay không. Daniel J. Boorstin nói đúng: “Trở ngại lớn nhất của sự khám phá không phải sự ngu dốt – mà là ảo tưởng của tri thức.” Và lần tới khi bạn gặp kẻ địch, hãy cân nhắc việc giết hắn – không phải giết bằng lòng tốt, mà là bằng sự đáng sợ của thông tin và phân tích thông tin.
23. Thành kiến trong nhóm (Inter-group bias)
Chúng ta xem những người trong nhóm của chúng ta khác biệt với cách chúng ta xem một người nào đó ở nhóm khác.
24. Sự leo thang phi lý trí
Khi con người đưa ra những quyết định vô lý dựa vào những quyết định hợp lý trong quá khứ. Nó có thể xảy ra trong một cuộc bán đấu giá, khi một cuộc chiến trả giả kích thích hai nhà trả giá đưa ra mức giá cao hơn nhiều so với mức giá họ sẵn sàng trả.
25. Thành kiến tiêu cực (Negativity bias)
Xu hướng chú trọng những trải nghiệm tiêu cực hơn là những trải nghiệm tích cực. Người có thành kiến này cảm thấy “cái xấu mạnh hơn cái tốt” và sẽ nhìn thấy những mối đe dọa nhiều hơn cơ hội trong một tình huống nhất định.
Các nhà tâm lý cho rằng đó là một sự thích nghi về mặt tiến hóa – vì tốt hơn là nhầm một tảng đá thành một con gấu hơn là nhầm một con gấu thành một tảng đá.
26. Thành kiến bỏ qua (Omission bias)
Đó là xu hướng thích sự không hành động hơn là hành động, ở bản thân chúng ta và thậm chí trong chính trị.
Theo bạn thì về mặt đạo đức, điều nào sau đây tồi tệ hơn: Đẩy một người xuống biển cho chết đuối hoặc không làm gì để cứu một ai đó rõ ràng đang sắp chết đuối? Nhiều nghiên cứu tâm lý đã chứng minh về “thành kiến bỏ qua” (omission bias): Khi xem xét cách tốt nhất để làm hại, nếu được lựa chọn, số đông mọi người chọn ‘không hành động’ thay vì hành động, ngay cả nếu cả hai sự lựa chọn đều dẫn đến cùng kết quả xấu. Trong thực tế, con người có xu hướng chọn không hành động ngay cả khi “không hành động” dẫn đến nhiều nguy hại hơn là hành động.
Những nghiên cứu khác đã chứng minh một hiệu ứng tương tự đối với việc đánh giá về những hành động của người khác: mọi người đánh giá một người đầu độc một nạn nhân là đáng trách hơn so với một người không đưa thuốc giải độc cho nạn nhân.
Tại sao mọi người xem tội lỗi của sự chểnh mảng/không hành động ít tồi tệ hơn những tội của sự hành động, ngay cả nếu hậu quả của cả hai là như nhau? Các nhà tâm lý, nhà kinh tế và nhà đạo đức đã đưa ra một số lý do. Chúng bao gồm:
– Đối với sự không hành động có sự mơ hồ về những ý định của người hành động. (Người không hành động đơn giản là không chắc chắn về những gì phải làm?)
– Những hành động thì dễ thấy hơn, thu hút nhiều sự chú ý hơn so với không hành động. (Những hành động ảnh hưởng sâu sắc đến chúng ta hơn và do đó bị đánh giá khắc nghiệt hơn).
27. Hiệu ứng đà điểu (Ostrich effect)
Quyết định phớt lờ những thông tin tiêu cực hoặc nguy hiểm bằng cách “chôn” đầu vào cát, giống như một con đà điểu.
Hiệu ứng đà điểu là thuật ngữ tâm lý để chỉ hành động bạn sợ hãi phải đối mặt với sự thật giống như những con đà điểu chôn đầu trong cát để ngụy trang giống lùm cây tránh kẻ thù. Ví dụ, vấn đề tâm lý này có thể xảy ra khi bạn đang phải đối mặt với việc đưa ra các chỉ số bán hàng cuối tháng của mình trong khi bạn không hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra.
Thật không may, cách duy nhất để bạn thay đổi tình hình là phải đối mặt với sự thật và tìm ra hướng giải quyết có tính thực thi cao nhất.
28. Thành kiến kết quả (Outcome bias)
Đánh giá về một quyết định dựa vào kết quả – hơn là chính xác thì quyết định đó được đưa ra như thế nào trong lúc đó. Chỉ vì bạn đã thắng được nhiều tiền ở Vegas không có nghĩa rằng việc đánh bạc là một quyết định thông minh.
29. Quá tự tin
Một số người trong chúng ta quá tự tin về những năng lực của mình, và điều này làm chúng ta thực hiện những mạo hiểm lớn hơn trong cuộc sống hằng ngày.
30. Quá lạc quan
Khi chúng ta tin rằng thế giới này là một nơi tốt đẹp hơn thực tế nó là thì chúng ta sẽ không chuẩn bị cho những mối nguy hiểm và bạo lực mà chúng ta có thể gặp phải. Không có khả năng chấp nhận được đầy đủ, chính xác bản chất loài người khiến chúng ta dễ bị tổn thương.
31. Thành kiến bi quan, yếm thế
Đây là thành kiến đối lập với thành kiến quá lạc quan. Những người bi quan quá cân nhắc về những hậu quả tiêu cực với những hành động của họ và của những người khác.
32. Hiệu ứng Placebo (thuốc trấn yên)
Tin rằng một điều gì đó đang xảy ra giúp làm cho nó xảy ra. Đây là một nguyên tắc cơ bản của các chu kỳ thị trường chứng khoán cũng như một đặc điểm hỗ trợ của việc điều trị y khoa nói chung.
33. Sai lầm lên kế hoạch (Planning fallacy)
Xu hướng đánh giá thấp về việc sẽ mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành một công việc.
34. Hợp lý hóa sau khi mua sắm (Post-purchase rationalisation)
Sau khi chúng ta mua một thứ gì đó không tốt, chúng ta tự thuyết phục mình là nó tốt.
Phần lớn mọi người từ chối việc chấp nhận họ đã mắc một sai lầm, đặc biệt với những món mua sắm có giá trị lớn. Những người làm marketing biết điều này, vì vậy họ cố khuyến khích người mua bằng cách đảm bảo hoàn trả tiền. Một khi bạn đã đưa ra 1 quyết định, bạn tự thuyết phục mình rằng đó là quyết định đúng, và bạn cũng bắt đầu đánh giá cao món đồ hơn bởi vì bạn sở hữu nó (e.g. Cohen et al., 1970).
Hãy chống lại nó! Nếu món đồ hoặc dịch vụ không tốt, hãy trả lại.
35. Sự mồi (Priming)
Sự mồi là nếu bạn được giới thiệu một quan điểm thì bạn sẽ không khó khăn gì để xác định được những quan điểm liên quan.
36. Thành kiến Pro-innovation
Khi một người đề xuất một sự đổi mới có xu hướng đánh giá quá cao tính hữu dụng của nó và đánh giá thấp những hạn chế của nó. Nghe quen đúng không, Thung lũng Silicon?
37. Reactance
Muốn làm ngược lại những gì mà ai đó muốn bạn làm, chỉ để chứng minh rằng bạn có sự tự do lựa chọn.
38. Mới gần đây
Xu hướng xem trọng thông tin mới nhất hơn những dữ liệu cũ.
39. Sự có đi có lại
Cách đây không lâu, có thể bạn đi ngang các môn đồ giáo phái Hare Krishna lướt quanh trong bộ trang phục vàng nghệ khi bạn đang vội vã bắt chuyến bay hay tàu hỏa đi đâu đó. Một thành viên của giáo phái này tặng bạn một bông hoa nhỏ và mỉm cười với bạn. Nếu bạn giống hầu hết người khác, bạn sẽ nhận hoa chỉ để tránh bị xem là thô lỗ. Nếu bạn cố từ chối, bạn hẳn sẽ nghe họ lịch sự đáp “Xin hãy nhận đi, đây là quà chúng tôi dành tặng bạn.” Nếu bạn muốn bỏ hoa vào thùng rác gần đó, bạn nhận ra rằng đã có một ít nằm ở trong đấy. Nhưng chuyện chưa dừng lại. Ngay khi lương tâm tệ hại của bạn bắt đầu giằng xé, một môn đồ Krishna khác tiến gần bạn lần nữa, lần này y mời bạn quyên góp. Trong nhiều trường hợp, lời cầu xin này khá thành công – đã lan rộng đến độ rất nhiều các sân bay đã cấm cửa giáo phái này.
Nhà tâm lý học Robert Cialdini có thể giải thích sự thành công của chiến dịch này và những chiến dịch tương tự. Ông nghiên cứu hiện tượng “có qua có lại mới toại lòng nhau“- “có đi ắt có lại” (reciprocity) và chứng minh rằng con người cảm thấy cực kỳ khó chịu khi mắc nợ người khác.
Nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) và tổ chức từ thiện cũng dùng kỹ thuật y chang: Cho rồi mới nhận. Tuần trước, một tổ chức bảo tồn gửi cho tôi một phong bì đầy các tấm bưu ảnh về tất cả các loại phong cảnh đồng quê. Lá thư đi kèm cam đoan với tôi là những tấm bưu ảnh là quà tặng có thể giữ lại, dù tôi có muốn hay không muốn quyên góp cho tổ chức của họ. Dẫu tôi hiểu chiến thuật của họ, tôi vẫn cần một chút sức mạnh ý chí và nhẫn tâm để vất chúng vào sọt rác.
Điều không may là loại tống tiền lịch sự này – bạn cũng có thể gọi nó là hối lộ – khá phổ biến. Một tay chuyên cung cấp ốc vít mời các khách hàng tiềm năng của gã đến tham dự chung một trò chơi thể thao lớn. Tháng sau đó, tới lúc khách hàng đặt mua ốc vít. Khao khát không muốn mắc nợ mạnh đến nỗi người mua đành khuất phục và đặt mua với người bạn mới này.
Đây cũng là một kỹ thuật cổ xưa. Ta thấy “có đi ắt có lại” trong các giống loài mà nguồn cung thức ăn của chúng có sự dao động cao. Giả sử bạn là một người săn bắt-hái lượm. Một hôm bạn gặp may và giết được một con hươu. Bạn không thể ăn cả con trong ngày, mà tủ lạnh thì còn cách đó vài thế kỷ. Bạn quyết định chia sẻ con hươu với bầy đàn của mình, điều này đảm bảo rằng bạn sẽ hưởng lợi từ chiến lợi phẩm của người khác khi mẻ hàng của bạn không mấy ấn tượng nữa. Dạ dày của mấy gã bạn thân đóng vai trò tủ lạnh cho bạn.
“Có đi ắt có lại” là một chiến lược sinh tồn rất hữu dụng, một dạng quản lý rủi ro. Không có nó, nhân loại – và vô số giống loài khác – đã bị tuyệt chủng từ lâu. Nó là cốt lõi của sự hợp tác giữa người với người (không thân thích) và là thành phần thiết yếu của sự tăng trưởng kinh tế và kiến tạo thịnh vượng. Sẽ chẳng có nền kinh tế toàn cầu nếu thiếu nó – sẽ không còn nền kinh tế nào cả. Đó là mặt tốt của “có đi ắt có lại.”
Nhưng cũng có mặt xấu của “có đi ắt có lại“: ăn miếng trả miếng. Oan oan tương báo, và rồi bạn sẽ sớm thấy mình đang trong một cuộc chiến toàn diện. Đức Chúa Jesus đã thuyết giảng rằng ta nên phá tan vòng xiềng xích này bằng cách đưa luôn má còn lại ra, được chứng minh là rất khó thực hiện, vậy nên sức lôi kéo của “có đi ắt có lại” rất thuyết phục ngay cả khi phần bỏ ra không cao.
Vài năm trước đây, một đôi vợ chồng mời tôi và bà nhà dùng bữa tối. Chúng tôi biết cặp này vào một dịp tình cờ ít lâu trước đó. Họ khá tử tế nhưng không thú vị mấy cho cam. Nhà tôi không nghĩ ra cách gì từ chối khéo nên đành chấp nhận. Mọi thứ diễn ra y như chúng tôi đã nghĩ: bữa dạ tiệc vượt xa cả chán. Dẫu rằng thế, chúng tôi miễn cưỡng mời họ đến nhà vài tháng sau đó. Ràng buộc “có đi có lại” tạo ra cho chúng tôi 2 buổi tối chán ngắt. Và, lạ lùng chưa kìa (lo and behold), vài tuần sau đó, họ gửi cho chúng tôi một thư mời kế tiếp. Tôi tự hỏi có bao nhiêu bữa dạ tiệc đã phải chịu đựng luật “có đi ắt có lại”, ngay cả khi thực khách hẳn họ đã muốn biến mất khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy nhiều năm trước đó.
Tương tự, nếu ai đó tiến đến gần bạn trong siêu thị, dù là họ mời bạn một ngụm rượu vang, một mẩu bơ , hay một nắm ô-liu, lời khuyên tốt nhất của tôi là hãy từ chối lời mời của họ – trừ phi bạn muốn kết thúc bằng một chiếc tủ lạnh đầy ắp những thứ linh tinh mà bạn không hề thích chút nào.
40. Thành kiến về sự tự kiềm chế (Restraint bias)
Đánh giá quá cao khả năng tự kiềm chế của mình khi đối mặt với cám dỗ.
Nhiều sai lầm về tiền bạc là kết quả của một sự thiếu kiểm soát bản thân. Chúng ta nghĩ rằng mình sẽ kiểm soát được bản thân, nhưng khi đối mặt với sự cám dỗ thì chúng ta không thể. Nghiên cứu của Nordgren et al., (2009) cho thấy mọi người rất lạc quan trong việc dự đoán sự tự kiểm soát bản thân của họ.
Vì vậy, đừng đặt bản thân vào những tình huống trở nên bị cám dỗ. Đó là lý do tại sao người ta thường khuyến khích bạn cắt giảm thẻ tín dụng. Chúng ta yếu đuối hơn mình nghĩ, do đó bạn không nên tự tạo cho mình cơ hội.
41. Sự nổi bật (Salience)
Xu hướng của chúng ta là tập trung vào những đặc điểm dễ dàng nhận thấy nhất của một người hoặc một quan điểm.
42. Ảo tưởng nhà tiên tri-gã khờ (Seersucker Illusion)
Quá phụ thuộc vào lời khuyên của chuyên gia. Điều này liên quan đến sự né tránh hoặc trách nhiệm. Chúng ta đòi “các chuyên gia” dự đoán dù họ thường không dự đoán giỏi hơn những người bình thường. Nói cách khác, cứ mỗi nhà tiên tri thì có một gã khờ.
43. Nhận thức có chọn lọc
Để cho những kỳ vọng, mong đợi của chúng ta ảnh hưởng đến cách chúng ta tri nhận về thế giới.
44. Thành kiến truyền tải thông điệp đề cao bản thân (Self-enhancing transmission bias)
Mọi người đều chia sẻ những thành công nhiều hơn là những thất bại của họ. Điều này dẫn đến một sự hiểu sai về thực tế và không thể đánh giá chính xác tình huống.
45. Thành kiến duy trì hiện trạng (Status quo bias)
Xu hướng thích giữ nguyên trạng mọi việc. Điều này giống với thành kiến ác cảm với sự mất mát (loss-aversion bias), ở đó con người thích né tránh những mất mát thay vì có được những lợi lộc.
46. Mẫu rập khuôn (Stereotyping)
Mong đợi một nhóm hoặc một người có những phẩm chất nhất định mà không hề có thông tin thực tế về cá nhân đó. Điều này giải thích cho những đánh giá nhanh chóng mà Malcolm Gladwell nói đến trong cuốn sách “Blink.” Dù sự rập khuôn có thể có giá trị nhưng mọi người có xu hướng lạm dụng nó.
47. Thành kiến sống sót (Survivorship bias)
Một sai lầm đến từ việc chỉ tập trung vào những trường hợp sống sót được, khiến chúng ta đánh giá sai về một tình huống. Ví dụ, chúng ta có thể nghĩ rằng trở thành một doanh nhân là việc dễ dàng vì chúng ta chưa từng nghe kể về tất cả những doanh nhân đã thất bại.
Nó cũng có thể làm chúng ta giả định rằng những người sống sót là giỏi hơn rất nhiều so với những kẻ thất bại, mà không tính đến tầm quan trọng của sự may mắn hoặc các yếu tố khác.
48. Bi kịch của đồ chùa
Chúng ta sử dụng quá nhiều những nguồn tài nguyên chung vì nó không thuộc về quyền lợi của bất kì cá nhân nào để giữ gìn chúng. Điều này giải thích về việc dùng quá nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, chủ nghĩa cơ hội, và bất kì hành vi tư lợi nào xâm phạm lợi ích tập thể.
Rubi dịch
Nguồn: Business insider
Rolf Dobelli – The Art of Thinking Clearly
https://haiphanit.wordpress.com/2015/10/06/vi-sao-banh-xe-may-man-lam-chung-ta-quay-cuong-hieu-ung-mo-neo/