Bí mật của hạnh phúc? Đừng cảm thấy tồi tệ về tâm trạng không vui của mình.

Niềm tin rằng tất cả chúng ta đều phải phấn đấu để luôn ở trong tâm trạng tích cực là một hiểu lầm sâu sắc về bản chất của con người.

Tôi sắp thú nhận một bí mật bất ngờ, thậm chí là đáng xấu hổ. Tôi không phải là một người hạnh phúc. Thậm chí, tôi là kiểu người mà đến cả những người lạ trên phố đều khuyên nhủ tôi nên vui lên, vì có thể tôi sẽ chẳng bao giờ vui vẻ được.

Nhưng, tôi nhấn mạnh, tôi cũng không phải là một người hay phiền muộn. Tôi thích cười, và một số cuốn sách tôi viết được cho là tương đối hài hước. Tôi nghĩ tôi giống hầu hết mọi người, tâm trạng luôn lên xuống và thay đổi. Đôi lúc vui, đôi lúc buồn, phần lớn thời gian thì tôi bình thường, tâm trí lơ đãng bay bổng ở đâu đó. Nỗi thất vọng, sợ hãi và mất mát là một phần cuộc sống của tôi, cũng như sự thành công, hi vọng và niềm vui. Tất cả đều là những phần của một tổng thể.

Tuy nhiên tâm trạng vô định này có vẻ như không còn được xã hội chấp nhận nữa. Tôi bị bắt buộc, bằng cả những lời nói và hàm ý, phải luôn ở trong một trạng thái lúc nào cũng gần như bùng nổ – đam mê với cái này, hứng thú với cái nọ, háo hức mong chờ một cái gì khác. Nếu không, tôi là người chối bỏ xã hội, một gã đàn ông già nua cáu kỉnh. Tệ hơn cả, tôi là một sự thất bại, bởi nếu như tôi thành công, tôi sẽ hạnh phúc. Tôi cũng là kẻ chẳng ra gì, vì hạnh phúc vốn được cho là thành quả của việc ăn ở tử tế.

Chủ nghĩa hạnh phúc kiểu phát xít này là một trào lưu tương đối mới, được du nhập từ Mỹ. Những người Anh, cách đây không lâu lắm, hoàn toàn thoải mái với tâm trạng buồn bực khó chịu. Kêu ca than phiền trước đây còn là một thú tiêu khiển được mọi người chấp nhận. Nhưng giờ thì không. Tất cả mọi thứ, như bài hát nhạc nền của bộ phim Lego nói, nhất định đều Tuyệt vời.

Chúng ta được bảo đảm, một cách tự tin, rằng hạnh phúc là mục đích của cuộc sống, là một điều chúng ta đạt được bằng cách làm việc chăm chỉ, mua sắm, chơi đùa và tập thể thao, ủng hộ những hoạt động từ thiện, và tham gia vào những sự vụ nóng hổi nhất của chủ nghĩa tư bản. Bởi chủ nghĩa tư bản say mê với việc trưng hạnh phúc ra như một cái đích đến cuối cùng – vì họ có thể đưa ra vô vàn những sản phẩm hứa hẹn sẽ mang đến hạnh phúc. Khi những sản phẩm đó không thành công, họ vẫn có thể đưa ra những sản phẩm thay thế với cùng những lời hứa hẹn như vậy. Liên tục, liên tục. Thương mại phát đạt nhờ vào nỗi bất hạnh. Bạn sẽ được hạnh phúc nếu như bạn đủ gầy/đủ khỏe mạnh/đủ nổi tiếng/đủ vui vẻ. Và đây là một sản phẩm giúp bạn đạt được điều đó.

Bản thân tôi không phải kẻ ủng hộ cho những nỗi buồn khổ – thậm chí ngược lại là khác. Hạnh phúc tốt cho bạn và cho những người xung quanh bạn – những người bạn yêu thương không mong điều gì hơn là việc được thấy bạn hạnh phúc. Nhưng bạn không nên cảm thấy xấu hổ nếu như bạn không làm được điều ấy.

Tôi ước gì tôi luôn luôn hạnh phúc vui vẻ – tôi chỉ không nghĩ rằng điều ấy khả thi cho lắm. Những chuỗi thảm hoạ được đưa tin hằng ngày trên thời sự cũng đã đủ làm tôi tỉnh mộng. Ý thức về cuộc sống hữu hạn của bản thân là một điều đáng buồn. Tuổi già và bệnh tật khiến tôi sợ hãi. Những khó khăn trong việc giao tiếp giữa người với người đem lại cả những mối quan hệ lẫn sự cô lập. Việc quyền lực có thể bị lạm dụng và mua chuộc là một lời nhắc nhở hằng ngày về những bất công luôn hiện diện. Phần lớn những con người trong đất nước này đơn giản là làm và làm chăm chỉ hơn và chăm chỉ hơn nữa, để có thể tiêu xài, hoặc chỉ để tồn tại; điều này, như tôi thấy, là một nỗi bất hạnh sâu sắc.

Và nếu như bạn có chút nghi ngờ gì về điều ấy, hãy nhìn vào khuôn mặt của những người trên xe buýt, trên tàu đang trên đường đi làm – hoặc thậm chí, những khoái lạc đáng buồn của đám trẻ say xỉn trong quán kebab vào một tối thứ bảy. Chẳng phải ngẫu nhiên mà những tác phẩm vĩ đại nhất của con người – từ “Elektra” đến “Hamlet” đến “A View From the Bridge” (Nhìn từ cây cầu) – đều là bi kịch.

Tất nhiên, tất cả những sự thật này đều xứng đáng nhận được những cái ngoảnh mặt – loài người, như TS Eliot đã nhận xét, không thể chịu đựng quá nhiều hiện thực. Tôi chỉ nghĩ, điều quan trọng là chúng ta nhớ được rằng chúng ta cần cả Nick Drake lẫn Pharell Williams, và rằng chúng ta có cả Requiem Mass của Mozart cũng như Moon River của Mantovani. Trước đây, việc nghe Morrissey và Ian Curtis được tôn trọng và không bị gán cho cái danh nhà quê. Những người khó ưa như Tony Hancock và Leonard Rossiter là anh hùng của đất nước. Không có điều tương tự vào thời đại ngày nay.

Chúng ta, được gợi ý rằng, có thể đạt được hạnh phúc thông qua việc làm những điều tốt. Đây cũng là một hệ tư tưởng. Khả năng tôi bị thất vọng khi làm một việc ‘đúng’ cũng ngang với khả năng tôi cảm thấy vui vẻ hơn. Vì vậy nên việc này mới khó khăn. Sự thật mà không ai nói, đó là sự hào phóng cũng có thể khiến bạn trống rỗng như sự ích kỉ. Tôi cũng không ủng hộ tính ích kỉ – tôi chỉ muốn chỉ ra rằng, nếu những điều ‘tốt’ mà dễ dàng thì nó sẽ không còn đáng ngưỡng mộ nữa. Nó sẽ chỉ đơn giản là một dạng của chủ nghĩa hưởng thụ mà thôi.

Tôi thật lòng mừng vì mọi người đều vui vẻ hơn những năm 70 hay 80. Nhưng tất cả những điều tích cực này lại có nguy cơ phản tác dụng. Một trong những rào cản lớn nhất của sự hài lòng là yêu cầu rằng bạn phải hạnh phúc – như vậy, chúng ta lại thêm vào cuộc sống một điều buồn phiền nữa, nếu như chúng ta cảm thấy chúng ta không đạt được điều được coi là mục đích chính của cuộc sống. Liên Hiệp Quốc giờ còn có Ngày Hạnh phúc Quốc tế, cái ngày mà chúng ta được hướng dẫn là phải vui vẻ hạnh phúc, nếu không sẽ được gán cho cái mác một đứa thiểu não, một mẩu bánh đa nhúng nước. Nếu như trước đó tôi không khó chịu, thì sau cái mệnh lệnh này tôi đã vô cùng bực bội, vì nó là một ví dụ điển hình của việc bắt ép hạnh phúc. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy tâm trạng vui vẻ không giúp được nhiều cho chiều hướng suy nghĩ của thời đại như chúng ta vẫn tưởng. Những căn bệnh trầm cảm đang đạt mức kỷ lục. Độ căng thẳng ở trẻ em cao chưa từng thấy, các giáo viên cũng vậy. Tự tử đang là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết ở đàn ông dưới 35 tuổi.

Có quá nhiều những điều không vui xung quanh ta. Tại sao phải dành quá nhiều thời gian cho nó? Tôi đồng ý, đó là điều không cần thiết. Nhưng chúng ta cũng không nên phủ nhận nó. TV và mạng internet tuyên truyền bằng cách đưa ra và nhai đi nhai lại những cuộc sống bóng lộn, sáng tạo và trọn vẹn. Nó khiến tôi cảm thấy thua kém vì cuộc sống của tôi, dù có sáng tạo và đủ đầy và tương đối khá giả, vẫn không khiến cho tôi được ở trong một trạng thái ngây ngất cực độ hằng ngày. Nó chỉ đơn giản là cuộc sống, đôi lúc tốt, đôi lúc tệ, mà thường thì là một sự kết hợp khó hiểu của cả hai.

Người xưa có một cách nhìn khác về hạnh phúc. Như Oliver Burkeman đã quan sát thấy trong cuốn sách xuất sắc của ông “The Antidote” (Thuốc giải độc), những người Stoics (theo chủ nghĩa khắc kỷ) đặc biệt để tâm đến việc chú ý tới những điều thảm khốc có thể xảy ra với bạn – dù chỉ là để hiểu rằng những điều ấy sẽ không tệ đến mức bạn nghĩ. Giờ đây, thay vì Seneca, chúng ta có những nhà truyền giáo thời đại mới nói rằng nếu chúng ta có những suy nghĩ tích cực, chúng ta sẽ bay bổng trên những đám mây màu hồng và luôn có được điều chúng ta luôn mong muốn.

Tôi sẽ không nói quá lên như Slavoj Žižek, người mà, khi được hỏi điều gì khiến ông thấy đáng buồn nhất, trả lời: “Hạnh phúc của những kẻ ngu dốt”. Nhưng tôi hiểu điều ông muốn nói. Bất kỳ một ai thông minh, nhạy cảm và biết nghĩ, đều không thể nhìn vào thế giới này và chính bản thân họ mà không cảm thấy nghi ngờ, dù chỉ một chút, rằng, tất cả mọi thứ dù có lạ lẫm và đáng nhớ đến đâu, đều không phải lúc nào cũng tuyệt vời. Dù sao đi nữa, ánh sáng cần bóng tối để có thể tồn tại. Nếu chúng ta có thể công nhận bóng tối, gánh nặng của việc phủ nhận nó sẽ được cất đi. Và bạn biết không? Chúng ta đều sẽ hạnh phúc hơn vì điều ấy.

Nguồn: Tim Lott, “The secret of happiness? Stop feeling bad about being unhappy”, The Guardian, 10/05/2015.
Dịch: Lini

Leave a Comment