ta đang sở hữu ý nghĩ, hay ý nghĩ đang điều khiển ta?

Chứng Nghiền Ngẫm (Rumination) là những suy tưởng, những ý tưởng bị mắc kẹt trong trí não và cứ không ngừng được lặp đi lặp lại như một cỗ máy.

Suy tưởng đang điều khiển chúng ta chứ không phải chúng ta đang kiểm soát chúng. Chúng ta muốn tìm mọi cách để ngừng suy nghĩ về vấn đề gì đó nhưng lại thấy bất lực. Chứng nghiền ngẫm do nhiều loại bệnh lý khác nhau gây ra như: rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hội chứng tự kỷ, rối loạn lo âu toàn thể, trầm cảm (đối với nhiều người) hay chứng hay lo lắng. Đôi khi chỉ đơn giản là chúng ta đã không thể tha thứ hay quên sự việc trong quá khứ.

Bất kể dù suy nghĩ này liên quan đến chứng Nghiền ngẫm hay không đều không đem lại lợi ích gì cho bản thân. Nó không giúp bạn đi đến đâu cả. Nó không giúp bạn đưa ra được những ý tưởng mới, kế hoạch mới, hành vi mới hay giải pháp cho bất cứ việc gì. Nó cũng không hề giúp bạn tiến lên trong cuộc sống. Nó chỉ đơn thuần là một vòng luẩn quẩn trong não bạn mà thôi. Bob Dylan miêu tả vấn đề này là “tái chế những suy tưởng cũ mèm”.

Những điều mà chúng ta được biết về “Tính dẻo của não”

(Neuroplasticity) cũng như sự thay đổi của não bộ đã giúp chúng ta hiểu thêm về chứng nghiền ngẫm cả về mặt tốt và xấu.

Trước hết tin xấu là: việc các suy tưởng được lặp đi lặp lại sẽ khiến cách mạch thần kinh ngày càng tạo nhiều liên kết với nhau hơn. Thế nên nếu bạn càng nghĩ nhiều, càng bị ám ảnh, càng tái sử dụng các suy tưởng cũ mèm, thì việc này càng diễn ra với mật độ dày đặc hơn.

Có thể hiểu việc này như sau: hãy tưởng tượng não bạn như một khu rừng hoặc đồng cỏ hoang. Nếu chỉ mới đi bộ ngang qua đó 1 lần, bạn sẽ khó có thể tạo được tác động gì lên đó. Lần thứ 2 quay lại, bạn hầu như không thể tìm được con đường mình đã đi lần đầu. Tuy nhiên, nếu bạn không ngừng dẫm lên các bước chân đã đi, con đường mòn sẽ dần hiện rõ. Sau một thời gian, chả cần phải nghĩ mình phải đi đâu, bạn chỉ cần tự động bước lên con đường mà chính mình tạo ra mà thôi.

road
đường mòn

Não bộ hoạt động y như vậy. Có hàng tỉ neuron trong não và hàng nghìn tỉ liên kết giữa các neuron với nhau. Các liên kết này hình thành nên các mạch thần kinh để điều khiển các chức năng của não. Với mỗi sự lặp lại các hành động hay suy nghĩ, các kết nối liên quan đến hoạt động này sẽ trở nên mạnh hơn, và càng tăng khả năng lặp lại của hoạt động.

Tin tốt là:

Nếu bạn học cách chú ý đến các suy nghĩ bị lặp lại, chấp nhận sự thật rằng bạn và tâm trí đang thực hiện hành vi lặp lại ngay trong thời khắc này, và quyết định đưa suy nghĩ cũng như sự chú ý về các hoạt động đang diễn ra – cảm giác, trải nghiệm – thì bạn đang dần thoát khỏi tình trạng này.

Cuối cùng, bạn sẽ tự quyết định việc mình nghĩ cái gì. Bạn đang sở hữu suy nghĩ của mình chứ không phải nó đang kiếm soát bạn nữa. Bạn càng thoát khỏi tình trạng này nhiều bao nhiêu, các mạch thần kinh mới sẽ càng được gia cố hoặc gia tăng số lượng mạch thần kinh nhiều hơn vì giờ đây, bạn đang có nhiều trải nghiệm khác nhau.

Đây chỉ là một trong nhiều cách để loại bỏ các suy nghĩ lặp đi lặp lại trong trường hợp người bị chứng ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm, rối loạn lo âu toàn thể. Đồng thời, đây còn là một phần trong các liệu pháp hành vi nhận thức, liệu pháp tỉnh thức cũng như các hoạt động khác chẳng hạn như phương pháp tiếp cận của Jeffrey Schwartz trong cuốn sách The Mind and The Brain. Mục đích của chúng là để ghìm sức mạnh của tính kỉ luật hoặc Schwartz gọi là “sức mạnh tinh thần”, từ đó chúng ta mới có thể tái cấu trúc lại não bộ và suy nghĩ, đưa chính bản thân mình đến với tự do.

Bạn đang sở hữu ý nghĩ, hay ý nghĩ đang điều khiển bạn?
Hãy quay lại ví dụ về cánh rừng và đồng cỏ. Điều gì sẽ xảy ra nếu con đường mòn lâu ngày không được dùng đến? Cỏ cây sẽ mọc lên tốt tươi và xóa mờ dấu vết con người. Vậy nên, bằng việc lặp đi lặp lại việc luyện tập trí não một cách vừa đủ, bằng việc quyết định bản thân nghĩ gì, con đường mòn mang tên chứng nghiền ngẫm sẽ dần dần mờ đi và biết mất.

Tính dẻo của não còn thể hiện một hàm ý khác: việc luyện tập suy nghĩ cho não bộ vô cùng có lợi cho quá trình phát triển con người, đặc biệt là ở độ tuổi còn nhỏ. Thực chất điều này không hề dễ dàng nhưng với sự giúp đỡ và hỗ trợ không ngừng từ bố mẹ, trẻ hoàn toàn có thể làm được. Nhờ đó, trẻ sẽ luôn được sống trong tỉnh thức. Bạn sẽ quyết định mình nghĩ cái gì. Bạn sẽ sở hữu được suy nghĩ của mình thay vì để nó kiểm soát mình.

Dịch: Hạnh Nguyên
Nguồn: https://www.neurodevelopmentcenter.com/do-your-thoughts-have-you/

Leave a Comment