Nói thế không có nghĩa bạn là mẫu người Walter Mitty, hoặc bạn trở thành vị siêu nhân nào đó khi mặt trời lặn. Không, tôi chỉ đơn giản hỏi rằng liệu trong đời bạn có những phần không ăn khớp với nhau hay không. Liệu bạn có từng nói một đằng rồi làm một nẻo hay không. Đây là vài ví dụ thường ngày:
- Roger đội nón bảo hiểm khi đi xe đạp – rồi anh ta ngưng lại và hút thuốc.
- Craig đi nghỉ ở nước ngoài nhưng anh ta lại tức giận khi không mua được loại bia ưa thích của mình và ở đó người ta cho dầu olive vào xà-lách.
- Gia đình Smith béo ú hay mặc những bộ đồ thể thao mới nhất nhưng chẳng bao giờ tập thể dục.
- Marty ám ảnh về việc tái chế nhưng cứ bay suốt những đoạn đường dài.
- Carol yêu thích các chương trình dạy nấu ăn nhưng sống bằng thức ăn nhanh.
- Jim vừa mới nhắc lại lời tuyên thệ đám cưới, và giờ đang ngủ với thư kí của anh ta.
- Kath mỗi khi đi tập thể dục ở phòng tập thì cô cố gắng đậu xe càng gần phòng tập thể dục càng tốt.
- Hayley đang nợ tiền thẻ tín dụng trong khi tủ quần áo thì đầy những váy và giày cô ta chưa từng mặc bao giờ.
Chúng ta không phải lúc nào cũng hành động theo suy nghĩ ý thức và làm theo lời phát ngôn của mình. Những thế lực vô thức cũng xui khiến hành vi của ta. Chúng bao gồm thói quen suy nghĩ và cư xử của ta, những thói quen đến từ cuộc sống thường nhật lâu dần trở thành quen thuộc và những thói quen ngăn cách hành động của ta ra khỏi những điều ta thật sự muốn làm.
Mô hình giải thích điều này xem con người theo hai phần, phần bản ngã trải nghiệm (experiencing self) và phần bản ngã phản tư (reflecting self).
Phần bản ngã trải nghiệm là những trải nghiệm theo đường hướng khi nó diễn ra. Nó bao gồm cách ta nhận biết theo vô thức, cảm giác và suy nghĩ ra sao lúc ta đang làm một điều gì đó. Đây là nơi thói quen của ta ngự trị.
Phần bản ngã phản tư là quan niệm của ta về chính mình, kí ức của ta, và cái cách ta thấy và muốn thấy chính bản thân mình ở quá khứ cũng như trong tương lai.
Những khó khăn trỗi dậy khi hai yếu tố này của bản ngã xung đột nhau. Lấy ví dụ về mối quan hệ tình cảm, Jack muốn mình trở thành một người yêu tốt bụng và đáng yêu. Tuy vậy anh ta lại phát triển những thói quen và phản ứng khiến anh ta cư xử lạnh lùng và vô tâm. Laura thật sự muốn khoẻ mạnh. Tuy nhiên những công việc, bài tập và thói quen ăn uống của cô đã ngăn chặn điều cô muốn.
Tôi gọi cái khe nứt giữa hai yếu tố bản ngã này là sự rời rạc (incoherence). Khi một người có tính rời rạc thì những điều suy ngẫm của họ (những thứ họ nói hay họ muốn làm) xung đột với trải nghiệm của họ (những gì họ làm). Cái lối mà chúng ta đang trở thành được quyết định bởi sự tương tác giữa bản ngã trải nghiệm và bản ngã phản tư.
Bản ngã trải nghiệm gần như lúc nào cũng hoạt động một cách tự nhiên. Những ngòi nổ tự động và các nhu cầu thoả mãn gây tác động nặng nề lên phần này. Những quá trình xử lí tự động theo thói quen này thường thắng thế trong việc quyết định cái chúng ta nghĩ và làm ở bất kì thời điểm nào. Bản ngã này dùng ít tài nguyên của não bộ hơn.
Bản ngã phản tư nhớ những gì chúng ta đã làm trước đây và ý định của ta là gì. Nó có thể ảnh hưởng lên những gì ta làm bằng cách tạo ra nỗ lực và kiểm soát ý thức nhưng điều đó cần nỗ lực rất nhiều. Nó có thể góp phần vào cảm giác của ta vào lúc xảy ra những phản ứng tự động (về cảm giác tội lỗi chẳng hạn, nếu chúng ta đang trải qua một điều gì đó mà phần bản ngã phản tư của ta biết rằng điều đó rất tồi tệ đối với ta).
Sự rời rạc giữa hai phần bản ngã xảy ra trong tất cả chúng ta ở một chừng mực nào đó. Trở nên cố kết rõ ràng hơn chính là chìa khoá để ta tự thấy mình thoải mái, hoà đồng với người khác, tạo ra sự thay đổi tích cực ở hành vi, và đạt được thành công.
Bạn có tính rời rạc như thế nào?
Khi người ta có tính rời rạc, luôn xảy ra một hậu quả hay sự tổn hại nào đó, với chính họ và với người khác. Những ví dụ ở đầu bài viết trông có vẻ khiếm nhã, thực tế sự rời rạc ở con người có thể tác động vào sâu bên trong hơn là chỉ một vài hành vi ở bề mặt.
Sắp xếp đúng chỗ phần bản ngã (thói quen) trải nghiệm và phần bản ngã (suy xét) phản tư chính là nền tảng cho việc thông hiểu chúng ta có thể đạt được sự thay đổi tích cực ra sao. Theo kinh nghiệm của tôi, con người không thể thay đổi trở thành tốt được nếu không vấp phải cả hai phần bản ngã trải nghiệm và phản tư. Sự phát triển cá nhân phải thay đổi cách chúng ta trải nghiệm chính mình và trải nghiệm thế giới. Nó cũng phải thay đổi toàn bộ thói cư xử và cách ta phản ứng với sự vật. Không có hai yếu tố này thì sự thay đổi sẽ không kéo dài hoặc là không hữu ích.
Làm điều gì đó khác biệt sẽ mang lại sự liền lạc chắc chắn hơn cho mỗi cá nhân. Những hành vi mới mẻ dù có nhỏ cũng sẽ tạo ra ảnh hưởng đối với cả hai yếu tố bản ngã và giúp ta sắp chúng ngay hàng thẳng lối lại. Sống cuộc đời này mà mong ước về một điều khác. Sự liền lạc cá nhân là dấu hiệu cho biết toàn bộ những phần trong cuộc đời họ đã được xếp liền mạch. Những gì họ làm và những điều họ nói đều có liên kết nhau. Họ không bị thói quen và hạn chế cá nhân níu giữ lại, và họ thật sự thấy thoải mái về chính bản thân mình và về thế giới họ đang sống. Những phần bản ngã trải nghiệm và phản tư sống hoà hợp cùng nhau. Cuối cùng thì cái dấu hiệu cho biết đây là một con người rời rạc – làm một đằng và nói một nẻo – sẽ biến mất đi.
Duy Đoàn chuyển ngữ
Nguồn:http://www.psychologytoday.com/blog/do-something-different/201203/are-you-living-lie
Nguồn dịch:
https://chiecnon.wordpress.com/2012/03/11/ben-fletcher-ban-co-dang-song-gia-tao-hay-khong/