Bạn có ghét điều này không khi bạn có việc gì đó phải làm nhưng bạn chỉ là không muốn làm hoặc không có động lực để làm?
Ai ai cũng trì hoãn lúc này lúc khác, nhưng một số người trì hoãn những nghĩa vụ không mong muốn nhiều tới mức làm cảm xúc tụt dốc không phanh giống như hiệu ứng quả cầu tuyết lăn.
Ghi chú của người dịch:
“Snowball effect” = hiệu ứng quả cầu tuyết. Khi một khối tuyết lăn tròn từ trên cao xuống (vùng có tuyết), tuyết sẽ bám theo và tích tụ vào nó ngày càng nhiều hơn. Càng lăn thì nó lại càng to ra và lăn nhanh hơn. Hiệu ứng này cho thấy từ một hành động nào đó có thể gây ra những kết quả/hậu quả khó lường, ngày càng lớn theo thời gian.
Vậy điều gì làm người ta trì hoãn và né tránh các nhiệm vụ khó nhằn?
Một trong những lý do chủ yếu: sự trì hoãn chính là một thách thức cần phải vượt qua mà ai cũng có nhiều lý do khác nhau để trì hoãn.
Hơn thế nữa, cùng một người có thể có nhiều lý do để trì hoãn khi phải làm những nhiệm vụ khác nhau. Biện minh cho bệnh trì hoãn thì có cả mớ lý do.
Có thể bạn quá mệt chẳng muốn gọi cho bà hỏi thăm và nghĩ rằng “mai cũng được”. Hoặc bạn luôn nghĩ rằng bạn quá bận rộn chẳng thể nào bắt đầu thú vui mà bạn yêu thích.
Chìa khóa đánh bại bệnh trì hoãn là tìm ra lý do cụ thể và giải quyết từ cốt lõi vấn đề. Do vậy nếu bạn thực sự muốn tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “vì sao người ta trì hoãn” hãy cũng khám phá 8 nguyên nhân của bệnh trì hoãn dưới đây.
1. Nguyên nhân thứ nhất: Chủ nghĩa cầu toàn
Bạn lo lắng bạn sẽ phạm sai lầm trong công việc và để lộ yếu điểm của mình?
Nỗi sợ mắc sai lầm là có thật, và nó làm cho người ta trì hoãn ngày này sang ngày khác việc thực hiện những nghĩa vụ quan trọng.
(Nếu bạn là người sợ thất bại thì sau đây là quy trình 7 bước bạn có thể sử dụng để học hỏi, trưởng thành từ chính những sai lầm đó.)
Nỗi sợ mắc sai lầm là một loại tư duy được nói đến trong “Tư duy của Carol Dwick: Tâm lý học mới về thành công”. Trong cuốn sách này, nhà tâm lý học, tiến sĩ Đại học Stanford Carol S. Dwick đã chỉ ra sức mạnh của tư duy.
Dwick liên hệ sự nỗ lực của con người để đạt được thành công ở trường học, chơi thể thao, làm việc, nghệ thuật và các lĩnh vực khác với cách họ nghĩ thế nào về khả năng và tài năng của bản thân. Dwick giải thích rằng người ta có tư duy cố định hoặc tư duy phát triển. Những người có tư duy cố định tin rằng khả năng của họ đã sẵn định thế rồi, vì vậy họ chỉ tập trung phát triển sự thông minh hoặc tài năng hiện có, tin rằng họ không thể phát triển hơn được.
Họ tin rằng họ được sinh ra với những gì định sẵn, họ không thể cải thiện khả năng của họ hơn được. Người với tư duy cố định cũng tin rằng những người có tài năng thì chẳng cần nỗ lực vẫn đạt được thành công. Họ tin rằng tài năng đến một cách tự nhiên.
Vậy tại sao tư duy cố định lại nguy hiểm? Vì nó cảm trở khả năng học tập, trưởng thành và tạo ra những sự thay đổi tích cực.
Ngoài ra, tư duy phát triển cho phép người ta tin rằng khả năng của họ có thể phát triển mạnh mẽ thông qua sự nỗ lực và làm việc chăm chỉ.
Họ tin rằng trí tuệ và tài năng của con người chỉ là điểm khởi đầu. Họ được sinh ra với những điểm mạnh riêng, nhưng không có giới hạn nào cho những gì một người có thể đạt được. Tư duy phát triển đem lại khao khát học tập và khả năng vượt qua khó khăn để đạt được thành công.
Dwick giải thích tư duy của một người cho thấy cách những người giáo viên, cha mẹ, quản lý tuyệt vời đã thăng tiến trong nghề nghiệp như nào và đạt được thành tựu to lớn ra sao. Với một tư duy đúng đắn có thể tạo động lực, dẫn lối và dạy cách thay đổi tích cực cuộc sống của chính họ và của những người khác nữa.
Theo Hillary Rettig, tác giả của cuốn 7 bí mật của sự sung túc: hướng dẫn dứt khoát để vượt qua bệnh trì hoàn, thói cầu toàn và bí ý tưởng, người trì hoãn do thói cầu toàn thường có tư duy cố định.
Điều này có nghĩa là họ né tránh làm một số việc nhất định vì lo sợ rủi ro phạm sai lầm và trông có vẻ kém hoàn hảo hơn. Họ muốn việc họ làm thật hoàn hảo. Vì họ tin rằng họ chắc chắn sẽ thất bại nếu nhiệm vụ đó không phù hợp với tài năng sẵn có, nên tốt nhất là gác nó lại vào lúc khác.
Mặc dù thường bị hiểu lầm là có tiêu chuẩn cao, chủ nghĩa cầu toàn giới hạn định nghĩa về thành công ở mức tiêu chuẩn thiếu thực tế, tiêu chuẩn này sẽ không bao giờ đạt được, vậy tại sao phải cố gắng?
Nguồn ảnh: https://jaredtendler.com/
(Nếu bạn muốn trau dồi tư duy phát triển ở nhà, ở trường học hoặc nơi làm việc, hãy treo 1 trong 25 tấm áp phích tư duy phát triển này).
2. Nguyên nhân thứ 2: nỗi sợ những điều không biết
Một ngày bạn để ý có một cái nốt ruồi xuất hiện trên da bạn, bạn bắt đầu lo lắng nó có thể là ung thư, vì thế bạn né tránh đi kiểm tra và hy vọng nó sẽ tự khỏi.
Nghe có giống bạn không?
Đôi khi người ta sợ hành động vì nó có thể tiết lộ ra sự thật mà họ không muốn nghe.
Hóa ra, câu nói cũ: “Những gì bạn không biết sẽ không thể làm tổn thương bạn”, lại là sự thật. Trong hầu hết các trường hợp, bạn phớt lờ điều gì đó trong thời gian dài, mong chờ nó tự biến đi, mà nó chỉ trở lên tồi tệ hơn thôi.
Các nghiên cứu từ Đại học Michigan đã tiến hành cuộc nghiên cứu về tác động của việc để thông tin sai lệch đọng lại trong tâm trí của ai đó.
Nghiên cứu đã lưu ý rằng thông tin sai lệch vẫn đọng lại trong ký ức của một người và tiếp tục ảnh hưởng đến cách họ suy nghĩ, thậm chí ngay cả khi người đó biết mình đã nhầm.
Người đó có khả năng sử dụng những thông tin sai lệch, đặc biệt nếu nó phù hợp với niềm tin hiện tại và tạo ra câu chuyện hợp lý. Điều này sau đó sẽ dẫn đến việc tiếp tục lan tỏa thông tin không chính xác đến người khác.
Nghiên cứu này cũng áp dụng cho cả những bất lợi về môi trường, chính trị và ở cấp độ cá nhân.
Mang trong mình thông tin sai lệch hoặc định kiến mơ hồ về các vấn đề sức khỏe như “Nhà tôi chưa có ai bị ung thư nên chắc tôi có lẽ cũng ổn thôi” hoặc là “cái nốt ruồi này sẽ tự biến mất” có thể gây ra những tổn hại đáng kể.
Những nghiên cứu cũng tìm ra rằng niềm tin của một người và giá trị cá nhân có thể gây ra trở ngại lớn trong việc thay đổi những thông tin sai lệch đã được tin tưởng. Thêm vào đó, việc cố gắng nói với ai đó sự thật không muốn trái ngược với những gì họ tin tưởng trước đó thậm chí có thể phản tác dụng và khuếch đại những ý tưởng sai lầm.
Khi nói đến các vấn đề về sức khỏe, việc phớt lờ thay vì đối diện với sự thật chắc chắn có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng hơn, thậm chí cả cái chết.
Hãy nghĩ về điều này:
Nếu cái nốt ruồi đó là một dạng ung thư có thể được điều trị khỏi hoàn toàn ở những giai đoạn đầu, nhưng có khả năng phát triển thành ác tính nếu bị bỏ qua?
Bạn có thể chủ động đi kiểm tra nốt ruồi đó và vấn đề dễ dàng để xử lý hoặc bạn có thể trì hoãn vì cho rằng mọi thứ sẽ ổn thôi.
Trong trường hợp này, điều bạn không biết chắc chắn có thể làm bạn tổn thương và niềm tin cá nhân cho rằng nó sẽ tự khỏi thật có hại.
Một vài ví dụ khác về hiện tượng này gồm cả việc tránh đi đến nha sĩ và tiếp tục tự nhủ về chiếc răng nghi bị sâu sẽ ổn thôi.
Bạn có thể không muốn đóng thuế, đến khi bạn đối diện với sự thật về nợ tiền, bạn không muốn phải lăn tăn về nó. Có lẽ bạn né tránh nói chuyện với vợ/chồng bạn để trì hoãn tranh cãi có thể xảy ra.
Đôi khi người ta sợ hành động bởi vì nó có thể tiết lộ sự thật mà họ không muốn nghe.
Tất cả những lý do gây ra trì hoãn này nghe khá quen thuộc.
Điều này liên quan đến những phát hiện của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Michigan, bởi vì trong những trường hợp này, người ta không muốn biết sự thật. Họ cảm thấy thoải mái với khả năng mọi thứ sẽ ổn.
Phớt lờ là hạnh phúc, phải không? Vì thể đôi khi chúng ta trì hoãn chỉ vì muốn giả ngu và hạnh phúc.
Tuy vậy, bỏ qua những trường hợp này có thể dẫn đến hậu quả tồi tệ.
Vậy bài học ở đây là gì?
Đơn giản thôi: Kiến thức là sức mạnh.
Nguồn ảnh: thebeautyinbeinginsignificant.com
Ngay cả khi bạn nghe được tin xấu càng sớm thì càng có nhiều cơ hội để bạn vượt qua được tình huống tồi tệ. Hiểu biết là nắm được nửa trận chiến rồi – từ đó bạn phải làm gì đó để khắc phục nếu cần.
Vì thế, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi quan trọng, khi bạn nghĩ về nguyên nhân khiến bạn có cảm giác trì hoãn:
– Mình sợ cái gì thế?
– Hậu quả tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?
– Chuyện gì có thể xảy ra nếu mình bỏ qua tình huống này?
– Tại sao mình lại trì hoãn điều này?
– Mình sẽ có được gì về lâu dài nếu trì hoãn việc này?
– Người ta có thường chết vì làm điều này không?
– Tại sao mình đang cố tự thuyết phục bản thân rằng điều đó không có thật?
– Là mình đang sợ quá trình hay kết quả?
– Mình có thể xử lý được hậu quả không?
– Mình đang gắng bảo vệ bản thân khỏi hậu quả nào đó sao?
– Là mình thực sự sợ hay mình chỉ nói nó thật đáng sợ?
Khi bạn đã biết nỗi sợ của bàn là gì nhưng vẫn muốn học cách loại bỏ sự trì hoãn ngay bây giờ?
Hãy xem video dưới đây, bạn sẽ học được 5 thói quen đơn giản để giúp bạn thôi trì hoãn.
3. Nguyên nhân thứ 3: Mình sẽ làm nó sau
Lời biện minh phổ biến này nhắc rằng bạn có thể làm nhiệm vụ dang dở sau cũng được.
Bạn tưởng tượng chỉ còn lại vài giờ hoặc vài ngày bạn sẽ có cơ hội hoàn hảo để đạt được mục tiêu của bạn. Mà bạn chẳng biết gì về việc bạn phải làm sau đó.
Tuy nhiên, điều này gây ra sự mất kết nối trầm trọng giữa điều lý tưởng mà bạn cảm thấy với điều bạn thực sự cảm thấy trong tương lai là như nào.
Lý tưởng nhất, bạn tự dưng được ban cho nguồn năng lượng vô hạn, ăn uống khoa học và lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và làm việc chăm chỉ vào các buổi tối để hoàn thành mọi việc.
Tuy nhiên, hiện thực tương lai của bạn chỉ là mệt mỏi, mất động lực, kiệt sức, xử lý những đứa con ngang bướng và thèm ăn bánh sô cô la.
Hiện tượng này liên quan đến hai khái niệm: Khoảng cách thấu cảm nóng-lạnh và sự mâu thuẫn động.
Hãy cùng tìm hiểu về các khái niệm này…
* Khoảng cách thấu cảm nóng – lạnh
Khoảng cách thấu cảm nóng – lạnh là trạng thái tinh thần làm cho người ta đánh giá thấp sự ảnh hưởng của bản năng lên cách thái độ, cách cư xử và sở thích của họ.
Khía cạnh quan trọng nhất của khái niệm này là sự hiểu biết của con người phụ thuộc rất lớn vào trạng thái tinh thần khi đó.
Ví dụ, nếu ai đó đang tức giận, thật khó để họ hình dung bản thân đang bình tĩnh. Nếu bạn đang đói, cũng thật khó để nghĩ mình no rồi.
Việc không thể rút ngắn khoảng cách đồng cảm có thể gây ra hậu quả tieu cực nhất là trong môi trường chuyên nghiệp.
Ví dụ bao gồm bác sĩ đang đánh giá cơn đau về mặt thể xác của bệnh nhân hoặc chủ DN đang tính toán cần trả bao nhiêu tiền thôi việc cho nhân viên mới có người thân qua đời. Những quyết định này có thể dễ bị ảnh hưởng bởi khoảng cách thấu cảm nóng – lạnh.
Có thể bác sĩ trước đó đã từng bị tai nạn tương tự như bệnh nhân kia và cảm thấy họ đang phản ứng thái quá với cơn đau đó, hoặc người chủ có thể có người thân vừa mới qua đời nhưng vẫn nhanh chóng quay trở lại công việc.
Những trải nghiệm và cảm giác trong quá khứ có thể ảnh hưởng tới quyết định của ngưởi đó.
Bởi vì “bạn trong tương lai” là không biết trước được, bạn cũng thể đoán được cảm giác hay cảm xúc của bạn sẽ như nào trong tương lai, chính điều này đã thêm vào yếu tố làm gián đoạn các kế hoạch những điều cần làm trong tương lai.
Cảm xúc của bạn có thể tồi tệ hơn hoặc bạn có thể rơi vào trạng thái tinh thần khiến bạn càng xa rời việc thực hiện nhiệm vụ trước mắt.
* Mâu thuẫn động
Mâu thuẫn động là tình trạng mà người quyết định sẽ có nhiều sự ưu tiên ở những thời điểm khác nhau, và những sự ưu tiên của họ trở lên mâu thuẫn.
Điều này phản ảnh quan điểm rằng mỗi người sẽ có nhiều phiên bản cá nhân khác nhau khi đưa ra quyết định. Mỗi “cái tôi” đại diện cho người ra quyết định ở mỗi thời điểm, và sự mâu thuẫn xảy ra khi những sự ưu tiên này không thống nhất.
Điều này cũng đã gia tăng thêm nhân tố không thể dự đoán trước cái tôi trong tương lai. Ví dụ, một đêm trước kỳ thi, sinh viên thường ước giá có thêm một ngày nữa để học. Vào đêm dó, nếu được hỏi, một số sinh viên có thể đồng ý trả thêm 10$ để hoãn kỳ thi thêm một ngày.
Mặt khác, nếu được hỏi vài tháng trước ngày thi, sinh viên thường thấy không cần phải hoãn kỳ thi. Nên là họ sẽ không sẵn sàng chi 10$ để rời lịch thi.
Như vậy quyết định ở các thời điểm khác nhau cho dù sự lựa chọn chi trả là như nhau trong cả hai trường hợp. Bởi vì quyết định của sinh viên thay đổi, họ đang thể hiện sự mâu thuẫn về mặt thời gian (trường hợp nghiên cứu).
Một ví dụ khác cho “mâu thuẫn động” được thể hiện thông qua thí nghiệm năm 1999. Tại đây, người tham gia được cho thuê phim miễn phí. Những bộ phim được chia làm hai loại: phim giải trí (như là Austin Powers) và phim hàn lâm (như là Hamlet).
Những nhà nghiên cứu đã phân tích mô hình lựa chọn mà người tham gia thực hiện. Thiếu “mâu thuẫn động”, người ta mong đợi người tham gia có cùng lựa chọn bất kể khi họ đưa ra quyết định trái ngược với khi họ xem phim. Tuy nhiên, những quyết định này lại khác nhau.
Khi người tham gia được yêu cầu chọn bộ phim để xem ngay, hầu hết có xu hướng chọn bộ phim giải trí. Dù vậy, khi họ phải đưa ra lựa chọn phim nào xem trong 4 ngày tới hoặc hơn nữa thì 70% người tham gia lại chọn bộ phim hàn lâm hơn.
Điều này có nghĩa gì?
Tâm trí con người luôn thay đổi theo thời gian và kết quả của các quyết định liên quan tới thời điểm quyết định đó được đưa ra chắc chắn có thể tác động đến cách người ta suy nghĩ.
Con người có thể đưa ra các quyết định khác nhau bởi những gì tác động đến họ trước mắt hơn là những gì sẽ tác động đến họ trong tương lai.
4. Nguyên nhân thứ 4: Làm những nhiệm vụ nhỏ vì chúng dễ hơn
Điều này nghe khá quen thuộc. Thường chúng ta chọn làm những những việc phụ vì những việc này làm xong nhanh và dễ dàng. Nó gồm các việc như kiểm tra email, nói chuyện với đồng nghiệp, hoặc làm vài việc vặt giấy tờ.
Trong khi những việc này có thể làm bạn có vẻ và cảm thấy mình thật bận rộn, nghĩ rằng mình đang làm được khá nhiều việc rồi, nó thực chất chỉ là một dạng trì hoãn rất sáng tạo. Những nhiệm vụ nhỏ dễ làm mang đến cho bạn cảm giác hoàn thành, vì vậy khi làm chúng trước tiên bạn có thể có được cảm giác hài lòng ngay tức khắc.
Càng tốn thời gian và nỗ lực để làm một nhiệm vụ, người ta càng có khả năng trì hoãn hoàn thành việc phải làm.
Thiếu dopamin ập tới tức thời khi hoàn tất thành công một nhiệm vụ, dường như phần thưởng vì hoàn thành công việc càng xa vời. Người ta muốn thấy mình thành công và hoàn thành sớm hơn là muộn.
Thường chúng ta sẽ chọn làm những việc vặt bởi vì chúng nhanh chóng và dễ hoàn thành.
Bạn đã từng nghe về “xu hướng hiện tại” chưa?
Nguồn ảnh: https://insidebe.com/articles/present-bias/
Thuật ngữ này nói đến xu hướng ưu tiên lợi ích trước mắt hơn khi phải cân nhắc sự đánh đổi giữa hai thời điểm trong tương lai.
Một nghiên cứu được thực hiện Đại học Princeton đã nghiên cứu bộ não của các đối tượng khi học được chọn giữa những phần thưởng nhỏ tức thời và phần thưởng lớn hơn có thể nhận được sau này.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hai vùng não cạnh tranh để kiểm soát hành vi của một người cố gắng quyết định giữa những phần thưởng ngắn hạn và mục tiêu dài hạn.
Các nhà kinh tế chuyển sang vấn đề kinh tế nan giải phổ biến, trong đó, người tiêu dùng hành động thiếu kiên nhẫn ở hiện tại nhưng lại lên kế hoạch kiên nhẫn trong tương lai. Ví dụ, nếu ai đó được yêu cầu lựa chọn nhận 9 đô ngày hôm nay hay 10 đô cho ngày mai, họ có thể sẽ lấy 9 đô và đi mất.
Tuy nhiên, nếu ai đó được lựa chọn giữa nhận 9 đô sau 1 năm kể từ ngày được đề nghị hay 10 đô cho 1 năm + 1 ngày sau đó, người ta có khả năng lựa chọn số tiền cao hơn và bị trì hoãn một chút.
Một nghiên cứu về sự trì hoãn tập trung vào 14 sinh viên đại học Princeton những người đã được quét bộ não khi họ được yêu cầu cân nhắc trì hoãn việc lựa chọn phần phần thưởng.
Ví dụ về sự lựa chọn đó là những sinh viên nhận được đề nghị rằng họ sẽ nhận thẻ quà tặng tại trang Amazon có giá trị từ 5 đến 40 đô ngay tại thời điểm đó hoặc là nhận được số tiền lớn hơn chưa xác định nếu họ có thể đợi trong khoảng thời gian dao động từ 2 đến 6 tuần.
Những nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi các sinh viên đang cân nhắc những lựa chọn liên quan đến khả năng nhận phần thưởng ngay lập tức, các bộ phận trong não họ được kích hoạt và chịu tác động nặng nề bởi hệ thống thần kinh liên quan đến cảm xúc.
Ngoài ra, tất cả những quyết định được đưa ra cả ngắn và dài hạn, đều kích hoạt hệ thống não liên quan đến suy luận trừu tượng.
Điều thú vị là, khi những sinh viên có quyền lựa chọn phần thưởng ngắn hạn nhưng lại chọn phương án trì hoãn có giá trị cao hơn, khu vực tính toán trong bộ não của họ hoạt động tích cực hơn khu vực cảm xúc.
Nghiên cứu đã kết luận rằng sự lựa chọn ngắn hạn sẽ kích hoạt vùng não liên quan đến cảm xúc và vượt qua vùng não suy luận trừu tượng.
Những nhà nghiên cứu dã quyết định rằng vùng não cảm xúc của một người sẽ gặp khó khăn khi tưởng tượng về tương lai, bất chấp thực tế rằng bộ não logic có thể nhìn thấy hậu quả trương lai của những hành động hiện tại.
Trong khi bộ não của người ta muốn nhận được niềm vui ngay lập tức, bất kể tổn hại trong tương lai, bộ não logic biết suy nghĩ về những tác động lâu dài. Thông thường, những rắc rối tức thời của việc chờ đợi khoản hoàn trả dường như không giá trị bằng khoản lợi ích chưa biết trong tương lai.
Con người thấy thiếu động lực khi họ chỉ thấy chút giá trị nhỏ trong kết quả công việc dự kiến của họ.
5. Nguyên nhân thứ 5: Bạn cảm thấy thiếu động lực
Bạn đã bao giờ từng nghĩ cuộc sống của bạn có chút cản trở, và bạn không thể làm những điều bạn muốn làm?
Sự thiếu động lực này có thể đến từ một vài nguyên nhân dưới đây, bao gồm:
– Thiếu năng lượng
– Mệt mỏi
– Căng thẳng
– Các ưu tiên khác
– Các trường hợp khẩn cấp bất ngờ
– Khó khăn trong việc tìm ý tưởng mới
– Bạn chưa từng thành công với nhiệm vụ này trước đó
– Xunh quanh bạn là những người tiêu cực
– Thiếu tự tin
– Làm việc trong môi trường không phù hợp
– Mục tiêu không rõ ràng
Nguồn ảnh: www.drstephaniegoodwin.co.uk
Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Carnegie Melon đã cho thấy mọi người thiếu động lực khi họ chỉ thấy ít giá trị trong kết quả công việc dự kiến của họ. Tuy nhiên, nếu người ta có thể nhìn thấy rõ công việc của họ kết nối với sở thích, mục tiêu và những mối quan tâm khác như thế nào, họ có khả năng đánh giá cao công việc hơn và có động lực tiếp thêm năng lượng vào việc đó.
Một nghiên cứu khác, được công bó trên tạp chí Carnegie Melon đã lưu ý rằng động lực gồm hai thành phần: sự tin tin và lựa chọn mục tiêu.
Sự tự tin bản thân nó không tạo động lực, mà đúng hơn là sự đánh giá về khả năng của một người trong việc hoàn thành mục tiêu trước mắt. Vì thế sự tự tin được cân nhắc là một phần của khái nhiệm lớn hơn về động lực đạt được mục tiêu cuối cùng.
6. Nguyên nhân 6: Bạn không rõ ràng về cách bắt đầu như thế nào
Nếu như có nhiệm vụ trước mắt rất phức tạp, khác biệt hay khó khăn? Điều gì sẽ xảy ra nếu có quá nhiều khâu động, bạn không bắt đầu từ đâu?
Sự không chắc chắn có thể khiến bạn không thể bắt đầu vì bạn còn không cả biết bắt đầu từ đâu.
Thậm chí nếu bạn đã tìm ra bước đầu tiên, khi bạn còn đang cân nhắc cả quá trình thì bạn nhận ra bạn đã đánh giá thấp mức độ về thời gian và công sức bỏ ra cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ.
Vậy cách tốt nhất để vượt qua điều này là gì?
Một phương pháp rất hiệu quả đó là phương pháp “hoàn thành công việc”. Điều này có thể giúp chia nhỏ nhiệm vụ phức tạp thành những nhiệm vụ nhỏ hơn. Có 5 bước để thực hiện điều này:
Sự không chắc chắn có thể làm bạn khó bắt tay vào việc vì bạn không biết phải bắt đầu từ đâu.
1. Viết ra những nhiệm vụ cụ thể bạn cần chú ý;
2. Quyết định việc nào cần làm ngay và làm luôn;
3. Sắp xếp lại các nhiệm vụ còn lại;
4. Liên tục xem lại việc phân chia nhiệm vụ ban đầu;
5. Làm từng nhiệm vụ một, cho đến khi hoàn thành tất cả.
Bạn thậm chí có thể thực hiện tốt hơn nữa bằng việc tạo ra danh sách kiểm tra và cảm thấy hài lòng khi kiểm tra những mọi việc bạn làm. Tôi biết nó thực sự đã giúp ích cho tôi trong việc kiểm tra danh sách dài khi viết sách để biết tôi không bỏ qua điều gì mà tôi coi là quan trọng.
Nếu bạn muốn có công cụ và quy trình từng bước, hãy xem hướng dẫn danh sách những việc cần làm, chỉ cho bạn thấy cách tạo dự án và biến chúng thành các nhiệm vụ đơn giản để hoàn thành.
7. Nguyên nhân thứ 7: Bạn thường bị phân tâm
Cùng đi sâu tìm hiểu những phiền nhiễu chúng ta phải đối mặt ở thời buổi hiện đại:
– Email;
– Tin nhắn;
– Mạng xã hội;
– Điện thoại;
– Các cuộc họp;
– Skype;
– Mọi người;
– Việc phụ;
Và danh sách vẫn tiếp tục…
Một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Career Builder cho thấy cứ 5 nhà tuyển dụng tin rằng nhân viên của họ sử dụng dành dưới 5 giờ mỗi ngày để làm việc thực sự hiệu quả.
Khi đi tìm nguyên nhân cho điều này, quá nửa số nhân viên nói rằng điện thoại thông minh là thứ cần đổ tội đầu tiên, theo sát là mạng internet và buôn chuyện nơi làm việc.
Nếu bạn luôn thấy bị phân tâm khi đang cố tập trung thì điều quan trọng là loại bỏ mọi cám dỗ và chỉ nghĩ về nhiệm vụ trước mắt. Vì vậy giải pháp nào giúp hạn chế tình trạng trì hoãn gây ra bởi sự phân tâm?
Một vài cách thực hiện bao gồm:
– Chặn một số trang web nhất định;
– Xóa trò chơi và ứng dụng trên điện thoại thông minh;
– Ghi lại những cám dỗ và xử lý trực tiếp;
– Loại bỏ Internet không dây;
– Đặt điện thoại ở chế độ máy bay;
– Đeo tai nghe chống ồn;
– Rút phích cắm thiết bị mạng;
– Đóng cửa lại.
Để tìm hiểu thêm, đây là 11 chiến lược bạn có thể sử dụng để duy trì hiệu quả khi làm việc.
8. Nguyên nhân 8: Bạn biết rằng nhiệm vụ sẽ cần nhiều sự nỗ lực và làm việc chăm chỉ
Làm việc với các dự án dài hạn có thể thực sự khó khăn bởi vì cần rất nhiều nỗ lực để hoàn thành nó.
Còn có những chi phí cơ hội trong quá trình thực hiện khi bạn phải từ bỏ việc mà bạn muốn làm hơn để hoàn thành một số công việc trong dự án của mình. Điều này thường khiến mọi người mất động lực và lựa chọn gác lại dự án sang một bên sau tính tiếp.
Mọi người rất quý thời gian của họ, và thường coi trọng thời gian cá nhân hơn tiền hay các mục tiêu. Điều này có thể là dẫn đến việc tính toán chậm trễ.
Như đã chỉ ra trong một nghiên cứu, trung bình, mọi người coi việc nhận được 100 đô sau 3 tháng kể từ ngày đề nghị có giá trị tương đương với nhận 83 đô tại thời điểm đề nghị. Điều này có nghĩa là hầu hết mọi người đều muốn mất 17 đô hơn là chờ đợi 3 tháng sau để có số tiền lớn hơn.
“Sự không nhất quán về thời gian” cũng là yếu tố tạo nên nỗ lực. Thời gian không nhất quán đề cập đến việc người lãnh đạo có thể tạo ra một quy tắc chính sách buộc mọi người phải cam kết, nghĩ rằng quy tắc chính sách đó sẽ không thay đổi. Sau đó người lãnh đạo có thể thay đổi quy tắc chính sách với các cam kết đã được nhân viên hoàn thành.
Ví dụ, vị giáo sư có thể thông báo kỳ thi vào tuần sau. Sinh viên sẽ học để chuẩn bị cho kỳ thi đó. Tuy nhiên đến ngày thi, giáo sư lại hủy thi.
Kỳ thi sau đó không cần thiết nữa, nhưng việc thông báo kỳ thi lại có lợi. Sinh viên đã nghiên cứu các tài liệu rồi, vào ngày dự kiến thi lớp học có thể học tài liệu mới. Thêm nữa, giáo sư cũng không phải tốn thời gian để chấm thi.
Một nghiên cứu khác được thực hiện ở Đại học Stanford cũng chỉ ra sự không nhất quán về thời gian là yếu tố chính trong công việc của mỗi cá nhân. Mọi người có xu hướng có nắm giữ hiện tại khi họ đang làm những việc họ hoàn toàn kiểm soát được.
Điều này có nghĩa họ trân trọng thời gian hiện tại hơn là kết quả trong tương lai. Điều này là do sự tác động của bộ não coi trong những phần thưởng trước mắt (trong trường hợp này là thời gian rảnh) hơn là phần thưởng trong tương lai.
Điều này là một trong những lý do chính tại sao nhiều người trì hoãn và thực tế, đây là một trong những kẻ thù lớn nhất của thành công trong tương lai.
Một dự án được thực hiện bởi Walter Mischel tại trường Đại học Stanford đã xem xét một loạt các nghiên cứu về trì hoãn sự hài lòng. Trong suốt những cuộc nghiên cứu, một đứa trẻ được lựa chọn giữa nhận phần thưởng nhỏ ngay lập tức hoặc hai phần thưởng nhỏ sau 15 phút.
Những nhà nghiên cứu đã chú ý đến sự lựa chọn của trẻ em và theo dõi các nghiên cứu trong tương lai nhiều năm sau đó. Một nghiên cứu cho thấy những bạn nhỏ đã lựa chọn chờ lâu hơn để có được phần thưởng lớn hơn có xu hướng có được thành công chung tốt hơn trong cuộc sống.
Ngoài ra, những đứa trẻ không chọn trì hoãn sự hài lòng có nhiều vấn đề về hành vi hơn ở trường, chỉ số BMIs cao hơn và trình độ học vấn thấp hơn.
Suy nghĩ cuối về nguyên nhân gây ra trì hoãn:
Mọi người đều có nhiều lý do khác nhau cho sự trì hoãn của họ.
Nguyên nhân gây ra trì hoãn tuân theo một mô hình chung, nhưng từng cá nhân có thể trì hoãn vì nhiều lý do, đôi khi hòa trộn hoặc kết hợp nhiều nguyên nhân trì hoãn khác nhau.
Chia khóa để vượt qua vấn đề này là xác định những lý do cá nhân và có hành động phù hợp.
Nhớ rằng, những lý do trì hoãn các nhiệm vụ khác nhau có thể thay đổi phụ thuộc vào việc bạn được yêu cầu làm. Hãy dừng lại và tự đánh giá thực tế để xác định bạn cần làm gì để ngừng trì hoãn.
Bây giờ nếu muốn bạn có thể học cách chống lại nguyên nhân gây ra sự trì hoãn, tôi khuyên bạn nên ghé thăm các trong bài đăng tại những blog này:
– 14 bài thực hành hàng ngày để vượt qua sự trì hoãn: https://www.developgoodhabits.com/stop-procrastinating/
– 15 cuống sách hàng đề về vượt qua sự trì hoãn và lười biếng: https://www.developgoodhabits.com/books-on-procrastination/
– 7 bài nói chuyện TED về sự trì hoãn: https://www.developgoodhabits.com/ted-talks-procrastination/
– 11 ứng dụng giúp bạn vượt qua sự trì hoãn:https://www.developgoodhabits.com/procrastination-apps-mf1/
Cuối cùng, nếu bạn muốn nâng cao năng suất và kỹ kỹ năng quản lý thời gian, hãy xem video miến phí về 9 thói quan năng suất bạn có thể xây dựng tại nơi làm việc. https://www.youtube.com/watch?v=Zd4Dz20oiG8
Tác giả: S.J. Scott
Link bài gốc: https://www.developgoodhabits.com/causes-of-procrastination/
https://ybox.vn/gia-vi/8-nguyen-nhan-cua-su-tri-hoan-tai-sao-nguoi-ta-lai-tri-hoan-65248976ae1d816fe8237203
Dịch giả: An Phương - ToMo - Learn Something New