Các chủ đề trong bài viết này chủ yếu nói về nền kinh tế, chính trị và xã hội ở Hoa Kỳ và các nước phương Tây, có thể có nhiều chỗ không phù hợp với tình hình Việt Nam nên chỉ có giá trị tham khảo. Vì vậy kính xin độc giả đọc bài này với tinh thần phê phán và tư duy kiểm biện.
1.Kẻ thù thật sự ở đâu?
Tác giả Steve Conover gần đây đã chia sẻ một bức ảnh lên mạng Internet. Bức ảnh này được lấy ra từ cuốn sách “Neutering the National Debt” của ông.
Trong bức ảnh, tác giả đối chiếu 2 cách nhìn nhận vấn đề. Quan điểm bên trái cho rằng những người giàu là kẻ thù của xã hội. Trong khi quan điểm bên phải cho rằng bất chấp giàu nghèo ra sao, luôn có những người làm ăn chân chính và những kẻ bóc lột, ăn bám. Chính những kẻ bóc lột, ăn bám này mới là kẻ thù thật sự chứ không phải là những người giàu.
Nhìn kỹ hơn nữa vào phần bên phải chúng ta sẽ thấy rõ:những người làm ăn chân chính bao gồm những người giàu và những người nghèo, trong khi đó những kẻ ăn bám, bóc lột cũng chia thành 2 loại giàu và nghèo.
2.Bài học từ chú khủng long Philosoraptor.
Hầu hết các nhà kinh tế học và chính trị gia đều đồng ý rằng: Muốn chống lại, ngăn cản, giảm thiểu một thứ gì đó thì hãy đánh thuế cao thứ đó. Ví dụ người ta đánh thuế cao đối với rượu bia, thuốc lá, các mặt hàng xa xỉ phẩm… để nhằm làm giảm tiêu thụ đối với các loại hàng hóa này. Việc đánh thuế này mặc dù có ảnh hưởng đến kinh tế nhưng mang lại lợi ích cho xã hội (đảm bảo sức khỏe của quần chúng nhân dân) nên về cơ bản, việc đánh thuế những sản phẩm như rượu bia, thuốc lá là hành động đúng đắn cần thiết.
Tuy nhiên nguyên tắc này không chỉ áp dụng cho hàng hóa mà còn áp dụng cho các hành vi sản xuất như công việc, tiết kiệm, đầu tư…Không cần phải nói thêm, chắc chắn các bạn đã hiểu rằng mức thuế suất cao là một loại hình phạt, và thật ngu ngốc khi chúng ta xử phạt hành vi sản xuất. Việc đánh thuế cao quá mức sẽ gây tác hại cho toàn bộ nền kinh tế, và do đó không chỉ những người nộp thuế mà cả những người thu thuế cũng sẽ phải chịu thiệt.
3.Bất bình đẳng có thể là một điều tốt.
Chắc hẳn các bạn còn nhớ câu chuyện về 2 chú gấu tham ăn đã từng đọc thuở nhỏ. Hai chú gấu tranh cãi nhau về việc chia một chiếc bánh. Con cáo xuất hiện và đề nghị sẽ chia bánh giùm cho 2 chú gấu. Nó cố ý bẻ bánh thành 2 phần không đều nhau, khi một chú gấu bắt đầu so bì thì con cáo đớp một miếng ở phần bánh to hơn. Lúc này phần bánh to lại trở thành phần nhỏ hơn.Và cứ như vậy, con cáo đớp bánh cho đến khi no bụng, lúc này nó mới chia 2 phần đều nhau cho 2 chú gấu, nhưng mỗi phần bây giờ chỉ còn lại một mẩu bé tí.
Theo một nghiên cứu mới đây của Tổ chức nghiên cứu NBER (www.nber.org/digest/aug99/w7038.html): Mức độ cao của sự bất bình đẳng làm giảm tăng trưởng ở các nước tương đối nghèo nhưng khuyến khích tăng trưởng ở các nước giàu có hơn. Cụ thể các nghiên cứu trên lượng lớn các quốc gia từ năm 1960 đến 1985 cho thấy tốc độ tăng trưởng tỉ lệ nghịch với bất bình đẳng ở các nước có thu nhập bình quân đầu người dưới 2000 USD (tỉ giá năm 1985) và tỉ lệ thuận với bất bình đẳng ở các nước có thu nhập bình quân đầu người trên 2000 USD.
Như vậy, việc chống lại bất bình đẳng ở các nước nghèo có thể giúp tăng trưởng kinh tế. Nhưng ở các nước phát triển thì hoàn toàn ngược lại, việc phân phối lại thu nhập nhằm chống lại bất bình đẳng sẽ cản trở sự tăng trưởng kinh tế.
Bây giờ hãy nhìn lại bức ảnh về 2 chiếc bánh pizza phía trên. Ban đầu, người nghèo được chia một mẩu bánh nhỏ. Sau đó người nghèo được chia một mẩu bánh có tỉ lệ to hơn. Nhưng chính việc quá chú trọng vào bình đẳng khiến cho chiếc bánh chung nhỏ lại. Miếng bánh tỉ lệ to hơn của người nghèo bây giờ thậm chí còn nhỏ hơn miếng bánh chiếm tỉ lệ nhỏ trước kia.
Một nền kinh tế tăng trưởng mạnh không những có lợi cho người giàu mà còn có lợi cho cả người nghèo và người thuộc tầng lớp trung lưu.
Để làm rõ hơn điều này, chúng ta hãy xem xét biểu đồ sau về sự tăng trưởng kinh tế của 3 nước Chile, Argentina, và Venezuela.
Biểu đồ này là quá rõ ràng. Nó cho thấy GDP bình quân đầu người của 3 nước Chile, Argentina, và Venezuela đã thay đổi như thế nào khi so sánh giữa năm 1980 và năm 2008. Chile đã từng nghèo nhất trong 3 quốc gia nhưng bây giờ đã vượt trội hẳn so với 2 nước kia, Trong khi Venezuela đã từng là nước giàu nhất nhưng đình trệ trong nhiều năm và bây giờ xếp cuối cùng trong 3 nước.
Điều gì tạo nên sự khác biệt trên?
Theo số liệu từ Tổ chức Tự do kinh tế thế giới, số điểm tự do kinh tế của Chile đã tăng từ 5,6 năm 1980 lên 8,0 năm 2008 và nước này hiện nay là nền kinh tế tự do thứ 4 thế giới (cao hơn cả Hoa Kỳ). Xếp hạng của Argentina đã được cải thiện một chút, tăng 4,4-6,0 giữa năm 1980 và 2008, nhưng điều đó vẫn chỉ đặt nước này vào vị trí thứ 94 trong bảng xếp hạng thế giới. Venezuela, ngược lại, thật đáng xấu hổ, chỉ số của quốc gia này đã giảm 6,3-4,4, và thứ hạng của nó đã giảm từ vị trí 22 năm 1980 xuống vị trí 121 vào năm 2006.
Các quốc gia đều có thể tạo ra sự thịnh vượng, nhưng họ phải tuân theo một công thức đơn giản. Adam Smith đã viết về điều đó hàng trăm năm trước: “Một vài sự khác biệt nhỏ nhưng lại là điều kiện tiên quyết để phân chia giữa một quốc gia thịnh vượng bậc nhất với một quốc gia man rợ, đó chính là hòa bình, thuế suất thấp và một chính quyền coi trọng công lý.”
4.Miễn phí thường là đắt nhất.
Muốn dạy những đứa con của bạn về thuế? Hãy ăn 30% ly kem của chúng!
Bất cứ thứ gì bạn nhận được miễn phí thông qua phúc lợi xã hội hoặc trợ cấp của chính phủ đều được chi trả bằng chính tiền thuế của bạn (và cả tiền thuế của những người khác). Tất nhiên, một phần tiền thuế đó sẽ được dùng để nuôi một bộ máy cồng kềnh. Bộ máy cồng kềnh đó là gì thì bạn hãy tự tìm hiểu.
Điều này không chỉ đúng cho trường hợp phúc lợi của chính phủ, nó cũng đúng cho các dịch vụ miễn phí của các công ty tư nhân. Khi nói về cơ chế hoạt động của các mạng xã hội (ví dụ như Facebook…), người ta thường có một câu nói đùa (nhưng phản ánh phần nào sự thật) rằng: “Nếu bạn không cần trả tiền, bạn không phải là khách hàng, bạn là một sản phẩm bị đem bán.”
Biên soạn: Woody Übermensch - Ohay TV