Năm 1955, khi Disneyland vừa khai trương ở Anaheim, California, một cậu bé 10 tuổi đến xin việc làm. Khi ấy luật lao động còn lỏng lẻo nên cậu bé đã được nhận vào vị trí bán sách hướng dẫn cho khách viếng thăm với giá 0,5 đô-la mỗi quyển.
Trong vòng một năm, cậu chuyển sang làm việc ở cửa hàng ảo thuật Disney, nơi cậu học những trò ảo thuật từ các nhân viên lớn tuổi hơn. Cậu tập kể chuyện cười và thử nghiệm những màn ảo thuật đơn giản trước mặt khách. Không lâu sau, cậu khám phá ra rằng thứ cậu yêu thích không phải là biểu diễn ảo thuật, mà là biểu diễn nói chung. Cậu bé quyết định trở thành một diễn viên hài.
Lên phổ thông, cậu bắt đầu biểu diễn ở những câu lạc bộ nhỏ quanh Los Angeles. Người xem thì ít, còn màn biểu diễn của cậu thì ngắn ngủi. Hiếm khi cậu đứng trên sân khấu hơn 5 phút.
Công việc không hề hứng thú, nhưng chắc chắn tay nghề của cậu đang dần tiến bộ. Buổi biểu diễn ảo thuật đầu tiên của cậu chỉ kéo dài vỏn vẹn 1 hoặc 2 phút. Đến khi học phổ thông, cậu trình diễn lâu hơn, bao gồm 5 phút diễn hài và 5 phút làm ảo thuật. Năm 19 tuổi, hàng tuần, cậu biểu diễn ở các cậu lạc bộ mỗi buổi 20 phút. Tất nhiên, cậu đã phải đọc 3 bài thơ hài xuyên suốt buổi biểu diễn để kéo dài cho đủ thời lượng. Tuy nhiên, cậu ngày càng diễn giỏi hơn.
Suốt một thập kỷ tiếp theo, cậu tiếp tục thử nghiệm, điều chỉnh và thực hiện các buổi biểu diễn. Cậu trở thành một nhà viết kịch bản truyền hình, rồi dần dần, cậu đã có thể xuất hiện trên các chương trình ti-vi. Giữa những năm 1970, cậu nỗ lực trở thành một khách mời thường xuyên của chương trình The Tonight Show và Saturday Night Live.
Sau gần 15 năm cố gắng, người nghệ sĩ nọ đã có bước đột phát và thành công vang dội. Ông lưu diễn ở 63 thành phố trong 63 ngày. Rồi 72 thành phố trong 80 ngày. Kế đến, 85 thành phố trong 90 ngày. 18.695 người tham dự một buổi biểu diễn của ông ở Ohio. Một buổi biểu diễn khác kéo dài 3 ngày ở New York bán được 45.000 vé. Ông đạt đến đỉnh cao nhất trong lĩnh vực diễn hài và trở thành một trong những diễn viên hài quan trọng nhất thời bấy giờ.
Tên ông là Steve Martin.
Steve Martin trong một buổi biểu diễn ở Chicago, năm 1978.
Làm Thế Nào Để Duy Trì Động Lực
Mới đây, tôi vừa đọc xong quyển tự truyện tuyệt vời của Steve Martin, Born Standing up.
Martin viết, “10 năm học hỏi, 4 năm cải tiến, 4 năm thành công rực rỡ.” Ông đã làm việc ròng rã trong 18 năm. Câu chuyện của ông cho ta cái nhìn thú vị về động lực, tính bền bỉ và kiên định.
Tại sao ta có thể duy trì động lực để đạt một số mục tiêu, nhưng số khác thì không? Tại sao ta nói mình muốn đạt được điều gì đó, nhưng vài ngày sau thì bỏ cuộc? Đâu là sự khác biệt giữa những lĩnh vực ta tự nhiên duy trì được động lực, và những lĩnh vực ta không phấn đấu đến cùng?
Các nhà khoa học đã nghiên cứu về động lực trong nhiều thập kỷ. Mặc dù vẫn còn rất nhiều thứ cần nghiên cứu, nhưng một trong số những kết quả thường thấy nhất đó là có lẽ, cách tốt nhất để duy trì động lực là thực hiện những việc “có độ khó kiểm soát được.”
Quy Luật Goldilocks
Con người yêu thích các thử thách, với điều kiện là thử thách không vượt quá độ khó tối đa (mà họ chịu đựng được).
Ví dụ, hãy hình dung bạn đang chơi tennis. Nếu bạn đấu một trận nghiêm túc với một đứa trẻ 4 tuổi, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy chán. Trận đấu quá dễ dàng. Ngược lại, nếu bạn cố gắng chơi thắng một vận động viên tennis chuyên nghiệp như Roger Federer hay Serena Williams, bạn sẽ cảm thấy mất động lực vì một lý do khác. Trận đấu quá khó khăn.
Hãy so sánh những trải nghiệm này với việc chơi tennis với một người cân tài cân sức. Trong suốt trận đấu, bạn thắng vài điểm và cũng thua vài điểm. Bạn có cơ hội toàn thắng, nhưng chỉ khi bạn thật sự cố gắng mà thôi. Trọng tâm của bạn thu hẹp lại, những yếu tố gây xao nhãng mất dần, và bạn cảm thấy hoàn toàn tập trung sức lực vào trận đấu. Thử thách bạn đang đối mặt “có độ khó kiểm soát được.” Không bảo đảm bạn sẽ thắng, nhưng bạn có thể thắng. Theo khoa học, những thử thách như vậy có nhiều khả năng khiến ta duy trì động lực về lâu dài nhất.
Những thử thách quá dễ so với khả năng hiện tại của bạn thì nhàm chán. Còn những thử thách quá khó thì dễ gây nản lòng. Nhưng những thử thách nằm đúng ở ranh giới thành công và thất bại thì cực kỳ hấp dẫn đối với não bộ. Chúng ta không muốn gì hơn là thuần thục một kỹ năng không vượt quá xa tầm với của mình.
Ta có thể gọi hiện tượng này là Quy luật Goldilocks. Quy luật này nói rằng con người đạt hiệu quả cao nhất khi thực hiện những việc khó hơn khả năng của họ một chút. Không quá khó, cũng không quá dễ.
Sự nghiệp diễn hài của Martin là một ví dụ hoàn hảo cho Quy luật Goldilocks trong thực tế. Mỗi năm, thời lượng biểu diễn càng kéo dài hơn, nhưng chỉ dài hơn khoảng 1 hoặc 2 phút. Ông luôn thêm vào những tiết mục mới, nhưng đồng thời cũng giữ lại một vài truyện cười chắc chắn sẽ gây cười. Có vừa đủ chiến thắng để ông duy trì động lực, và có vừa đủ sai lầm để ông tiếp tục nỗ lực cải thiện.
Đo Lường Sự Tiến Bộ Của Bạn
Nếu bạn muốn học cách duy trì động lực để đạt được các mục tiêu của mình, vậy thì còn một mảnh ghép trong bức tranh động lực mà bạn rất cần phải hiểu. Đó là đạt được sự hòa quyện hoàn hảo giữa nỗ lực và hạnh phúc.
Chinh phục những thử thách có độ khó kiểm soát được đã được chứng minh là không chỉ tạo động lực mà còn là một nguồn hạnh phúc lớn lao. Theo nhà tâm lý học Gilbert Brim, “Một trong những nguồn hạnh phúc quan trọng của con người là thực hiện những việc có độ khó phù hợp, không quá khó cũng không quá dễ.”
Sự hòa quyện giữa hạnh phúc và hiệu quả tối đa đôi khi được gọi là dòng chảy, trạng thái mà các vận động viên và người biểu diễn trải nghiệm. Hay nói cách khác, họ hạnh phúc hoặc hứng thú vì làm được điều gì đó một cách vô cùng điêu luyện. Dòng chảy là trạng thái tinh thần đạt được khi bạn tập trung vào một việc đến mức mọi thứ xung quanh đều trở nên mờ nhạt.
Tuy nhiên, để đạt được trạng thái hiệu quả tối đa, bạn không chỉ phải chinh phục thử thách có độ khó phù hợp, mà còn đo lường sự tiến bộ gần nhất của mình. Nhà tâm lý học Jonathan Haidt lý giải rằng, một trong những mấu chốt để đạt đến trạng thái dòng chảy đó là “bạn có phản hồi tức thì về hiệu quả thực hiện mỗi bước.”
Cảm thấy bản thân tiến bộ trong hiện tại là nguồn động lực cực kỳ lớn. Steve Martin kể một câu chuyện cười và lập tức biết được nó có hiệu quả hay không nhờ phản ứng của khán giả. Hãy hình dung, thật hứng thú khi câu chuyện của bạn khiến đám đông cười ồ lên. Những phản hồi tích cực tức thì mà Martin nhận được sau khi kể một câu chuyện cười hay có lẽ đã đủ sức giúp ông vượt qua những nỗi sợ và truyền cảm hứng cho ông nỗ lực nhiều tuần liền.
Trong những lĩnh vực khác của cuộc sống, hình thức đo lường có thể khác nhưng việc đo lường là vô cùng quan trọng để đạt được sự hòa quyện giữa động lực và hạnh phúc. Trong môn tennis, bạn nhận được phản hồi tức thì dựa trên việc bạn có thắng điểm hay không. Bất kể cách đo lường là gì, nếu ta muốn duy trì động lực thì cần phải có một cách nào đó để não bộ hình dung sự tiến bộ. Chúng ta cần có khả năng nhìn thấy những chiến thắng của mình.
Hai Bước Tạo Động Lực
Bí quyết duy trì động lực về lâu dài có thể được tóm gọn đơn giản như sau:
1. Tuân theo Quy luật Goldilockks và thực hiện những việc có độ khó kiểm soát được.
2. Đo lường sự tiến bộ và nhận phản hồi tức thì bất cứ khi nào có thể.
Muốn cải thiện cuộc sống là chuyện dễ dàng, nhưng duy trì sự cải thiện là chuyện khác. Nếu bạn muốn giữ động lực, hãy bắt đầu bằng một thử thách mà bạn có thể kiểm soát (độ khó), đo lường sự tiến bộ, rồi lặp lại quá trình này.
Tác giả: James Clear
Nguồn dịch: Ubrand.cool