10 thách thức lớn chúng ta sẽ phải đối mặt vào năm 2050

Ảnh: BBC Future

AI, biến đổi gene, già hóa dân số, mực nước biển dâng… thế giới đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết. Những xu hướng này sẽ ảnh hướng như thế nào đến xã hội chúng ta trong 30 năm tới? mọi ng cùng xem xét những nguy cơ chúng ta sẽ phải đối mặt trong tương lai.
SỰ BIẾN ĐỔI TRONG GENE NGƯỜI
Công nghệ mới cho phép chúng ta chỉnh sửa DNA của con người. Nó được gọi là Crispr (phát âm là ‘crisper’) và là một phương tiện để thay đổi DNA nhằm loại bỏ những căn bệnh như ung thư. Nhưng điều đó lại làm dấy lên những tranh cãi về mặt đạo đức. Một dự án hào nhoáng theo thuyết ưu sinh (eugenics) – nhằm ‘sản xuất những đứa trẻ được đặt hàng’: lựa chọn phôi thai để sản xuất những đứa trẻ có trí thông minh hoặc những đặc điểm thể chất nhất định – liệu có thực sự tốt?
Cho dù phương pháp này chưa được áp dụng đủ rộng để trở thành một thách thức lớn, đây vẫn là một sự tiến bộ với những ảnh hưởng sâu rộng khiến chúng ta phải đề cập – phải đảm bảo rằng những nhà đạo đức học có mặt tại từng phòng thí nghiệm, trường đại học và tập đoàn chỉ chực thay đổi DNA của chúng ta.

DÂN SỐ GIÀ CỖI NHẤT TỪ TRƯỚC ĐẾN NAY

Loài người đang sống lâu hơn bao giờ hết. Và những người lớn tuổi này cần phải được chăm sóc. Từ Vương quốc Anh đến Nhật Bản hayTrung Quốc, những xã hội với số lượng lớn người trên 65 tuổi sẽ trở nên phổ biến hơn.

Lụt lội và mực nước biển dâng đang trở nên phổ biến hơn tại những vùng ven biển như Florida khi người dân đang phải vật lộn với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (Ảnh: Getty Images)

NHỮNG THÀNH PHỐ ĐANG BIẾN MẤT
Mực nước biển dâng cao đang dần khiến một vài thành phố biến mất. Có nguyên nhân từ biến đổi khí hậu, không chỉ những trận lũ lụt đang trở nên phổ biến hơn trên đường phố, mà những thay đổi thời tiết cũng ảnh hưởng đến thiết kế xây dựng. Chúng ta có thể đối mặt với việc mất toàn bộ các thành phố, hải đảo và vùng đất thấp như Bangladesh. Tác động kinh tế tới các khu vực đó sẽ rất sâu sắc, và thuật ngữ ‘tị nạn khí hậu’ có thể trở nên phổ biến.

Áp lực lên các thành phố đang ngày càng tăng khi dân số đô thị tăng. Nếu biến đổi khí hậu gây ra tình trạng di cư hoàng loạt, thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ không thể kiểm soát nổi cơ sở hạ tầng, dịch vụ và nền kinh tế.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

Truyền thông xã hội (social media) đã khiến chúng ta giao tiếp với nhau theo một cách phức tạp hơn trong gần một thập kỷ qua. Và điều đó sẽ còn tiếp tục trong một thời gian nữa, khi hầu hết mọi người đang thu thập tin tức từ các mạng xã hội. Điều đó thậm chí còn xảy ra trước cả khi chúng ta bị quấy rối trực tuyến. Truyền thông xã hội sẽ thế nào trong 30 năm tới, và chúng ta sẽ phải đối mặt với những nguy cơ nào.

Đầu tiên sẽ là một thế giới không có sự riêng tư. Đó là một vấn đề chúng ta vẫn đang chứng kiến hàng ngày. Và ngoài việc ngăn chặn ý thức và mong muốn giấu tên, bảo mật của chúng ta, social media còn mang đến nhiều đe dọa thông qua các công nghệ điện tử (cyberbullying). Nhiều tổ chức từ thiện và phi lơi nhuận đã chung tay chống lại những sự phá hoại trên Internet, nhưng đó là một câu hỏi mở về việc liệu các cơ quan thực thi pháp luật và các công ty truyền thông xã hội có thể cải thiện được tình hình hay không.

Tiếp đó là vấn đề với cách tiếp nhận thông tin của chúng ta: nếu tình trạng tin giả tràn lan như hiện nay vẫn tiếp diễn, nó sẽ ảnh hưởng đến thế giới quan của chúng ta như thế nào? Nếu mọi người bỏ hàng tháng, hàng năm hay thậm chí hàng thậm kỷ chỉ tiếp xúc với những nguồn tin thiếu tin cậy, đó không phải là tín hiệu tốt với một xã hội văn minh.

Với sự xuất hiện vũ bão của social media, một người lạc quan có thể cho rằng những vấn đề trên có thể nhanh chóng được giải quyết. Trong 30 năm tới chúng ta có thể đương đầu với những vấn đề của social media mà hiện nay chưa xuất hiện. Rốt cuộc thì Facebook cũng chỉ mới 13 năm tuổi.

NHỮNG CĂNG THẲNG MỚI VỀ ĐỊA CHÍNH TRỊ

Chứng kiến sự cân bằng địa chính trị mong manh của chúng ta (ý chỉ Brexit). Điều đó có thể để lại một dấu chấm hỏi cho sự ổn định toàn cầu trong vài thập kỷ tới.

Bắc Triều Tiên phóng tên lửa. Hàng ngàn người tị nạn vượt biên để tránh loạn lạc. Các hacker can thiệp vào các cuộc bầu cử tại các quốc gia khác. Chủ nghĩa dân túy nổi lên khắp thế giới. Các dòng tít bị chi phối bởi một vở kịch chính trị không có hồi kết, tạo ra một “bãi mìn địa chính trị” (geopolitical minefield) và một ‘sự thay đổi địa chính trị chưa từng có tiền lệ’ – cho dù đó là Bắc Triều Tiên khó lường, tình trạng người tị nạn Syria, hay sự chuyển mình của Vương quốc Anh sau khi tách khỏi Liên minh châu Âu. Cùng với các cuộc tấn công mạng diện rộng, đầu đạn hạt nhân và các công nghệ nguy hiểm khác, không khó để nhận ra tại sao duy trì các phép ngoại giao cơ bản là cần thiết.

LÁI XE AN TOÀN

Bất chấp sự đô thị hóa nhanh chóng và những thông tin về tàu siêu tố hay những công nghệ tuyệt vời như Hyperloop, xe hơi sẽ không biến mất – và trên thực tế, sẽ có nhiều xe trên đường hơn trong vài thập kỷ tới.

Công nghệ xe tự lái đã xuất hiện, với các công ty công nghệ và các nhà sản xuất ô tô hàng đầu tích cực tìm cách ra mắt các loại xe không người lái trong những năm tới. Nhưng các nghiên cứu cho thấy, số lượng xe hơi – tự hành hay không – sẽ tăng vọt. Làm thế nào để chúng ta đảm bảo an toàn, chống ô nhiễm và chắc chắn rằng những chiếc xe không người lái không phải là một mối đe dọa trên đường?

Những quốc gia công nghiệp hóa mạnh mẽ như Trung Quốc đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ không kém số lượng xe hơi (Ảnh: Getty Images)

TÀI NGUYÊN DẦN CẠN KIỆT

Các công nghệ mới và thiết bị đặc trưng cho thế kỷ 21 đều cần các kim loại đất hiếm – một chiếc smartphone trung bình có trên 60 “thành phần”. Điều đó tạo áp lực cho tài nguyên thiên nhiên của Trái đất: tại Trung Quốc, nơi 90% kim loại đất hiếm trên thế giới được tìm thấy, người ta ước tính rằng các quặng kim loại sẽ hết trong hai thập kỷ tới – và những sự thay thế cho các vật liệu này vẫn sẽ chưa xuất hiện.

CHINH PHỤC CÁC THẾ GIỚI KHÁC

Các công ty du lịch vũ trụ sẽ đảm bảo hoạt động của họ an toàn như thế nào? Loài người sẽ tìm cách để đưa con người lên sống tại sao Hỏa hay một hành tinh khác như thế nào, như Stephen Hawking luôn kêu gọi chúng ta. Du lịch vũ trụ dường như là lĩnh vực dành riêng cho các cơ quan vũ trụ và các tỷ phú vào thời điểm hiện tại, nhưng khi mọi người đều có thể tiếp cận với nó, sẽ có rất nhiều thách thức mới xuất hiện. Không gian ngoài vũ trụ không còn nằm ngoài tầm với, mà đang dần trở thành sân sau của chúng ta, và với ngày càng nhiều tiền được bỏ ra để đưa con người tiến vào khoảng không tối đen đó, logistics, sự an toàn và ngoại giao đằng sau thách thức này đều cần được xem xét một cách nghiêm túc.

KÍCH THÍCH NÃO BỘ

Việc sử dụng các chất kích thích (như cà phê, hay thứ gì đó mạnh hơn – modafinil) để kích thích não bộ đã trở nên phổ biến, và phần lớn người dân ở các nước phát triển đang sử dụng những chiếc smartphone như một bộ nhớ ngoài – nhưng hãy cùng đưa ra vài dự đoán cho vài thập kỷ tiếp theo. Tưởng tượng rằng một vài loại dược phẩm nhất định khiến chúng ta suy nghĩ nhanh hơn những gì chúng ta có thể làm bây giờ, và những công nghệ cấy ghép giúp chúng ta tập trung vượt quá khả năng của con người bình thường trong nhiều giờ hay nhiều ngày – những tiến bộ này đang được tiến hành trong các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới.

Câu hỏi đặt ra là: những gì sẽ xảy ra với những người không có khả năng chi trả cho những tiến bộ này? Liệu nó sẽ làm tăng sự bất bình đẳng, và cho phép người giàu càng giàu hơn? Và rồi sẽ lại có những vấn đề pháp lý và đạo đức: uống cà phê trước khi làm bài thi thì được chấp nhận, nhưng việc cấy ghép hay những chất kích thích tăng trí tuệ thì sao? Những thách thức do tăng cường trí tuệ mới chỉ bắt đầu xuất hiện.

TRÍ THÔNG MINH NHÂN TẠO THỐNG TRỊ CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA

Ray Kurzweil, một người theo chủ nghĩa vị lai (futurist), đã đưa ra các dự đoán – một số đầy cảm hứng, số còn lại thì đầy bi quan. Một trong số đó là ý tưởng khoa học viễn tưởng cho thấy một ngày nào đó trí thông minh nhân tạo (AI) sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trí thông minh của con người, và sẽ hoàn thiện bản thân theo cấp lũy thừa, hay còn được gọi là ‘the Singularity’.

Đó chưa phải là quan điểm của số đông, nhưng không nhiều người phủ nhận rằng AI sẽ chỉ trở nên mạnh mẽ hơn. Vì vậy cũng giống như trường hợp chỉnh sửa gene, cộng đồng công nghệ và AI sẽ cần xem xét các tác động đạo đức và xã hội khi AI xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống của chúng ta, từ dịch vụ y tế đến thị trường tài chính.

Kịch bản loài người tuyệt chủng không có khả năng xảy ra – nhưng điều đó không che giấu được thực tế rằng AI đã sẵn sàng để thay đổi sâu sắc cách chúng ta sống và làm việc. Và viễn cảnh một vài AI có thể gặp trục trặc hoặc thoát khỏi sự kiểm soát của những người tạo ra chúng, dẫn đến thảm họa cho loài người – nơi hàng triệu sinh mạng và hàng tỷ đô la bị xóa sạch – cũng không phải là không thể xảy ra.

Nguồn:
Chuyển ngữ từ bài viết 10 grand challenges we'll face by 2050 trên BBC Future.
https://spiderum.com/bai-dang/10-thach-thuc-lon-chung-ta-se-phai-doi-mat-vao-nam-2050-6ml

Leave a Comment